Cung An Định là biệt cung của vua Khải Định, từng là nơi nghỉ ngơi, tiếp khách, chiêu đãi của Hoàng gia. Cung nằm về phía nam kinh thành Huế, bên bờ sông An Cựu, một dòng sông được khắc trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn. Vị trí này vào năm 1902 là phủ An Định, đến năm 1917, vua Khải Định mới cải tạo thành cung An Định theo lối kiến trúc như ngày nay.
Cùng với một số công trình kiến trúc khác thời Khải Định, cung An Định được xem là đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Tân - Cổ điển (Neo - Classique) của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Di sản này có ý nghĩa đánh dấu sự giao thoa Đông - Tây ngay trong kiến trúc cung đình nước ta.
Hai chữ Khải Tường do chính vua Khải Định đặt, với ý nghĩa là nơi khởi phát điềm lành. Lầu Khải Tường có 3 tầng, diện tích nền chữ nhật 745 m2, gồm hơn 20 phòng lớn nhỏ. Mặt tiền của tòa nhà, đặc biệt là gian giữa, được trang trí phong phú với phần lớn phong cách Tây phương.
Thể hiện phong cảnh lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn, 6 bức tranh tường lớn tại sảnh chính lầu Khải Tường được đánh giá là những kiệt tác của nghệ thuật tranh tường Việt Nam đầu thế kỷ 20. Các chuyên gia Đức đã giúp đỡ, phối hợp với nước ta cùng phục hồi nguyên bản các tác phẩm độc đáo này.
Cung An Định vốn có khoảng 10 công trình, song trải qua thời gian và sự tàn phá chiến tranh, hiện còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, lầu Khải Tường và đình Trung Lập. Mái đình Trung Lập đắp nổi 12 con rồng như bay về 4 phương, 8 hướng. Trong đình có đặt bức tượng đồng vua Khải Định mặc võ phục, đúc theo tỷ lệ 1:1.
Nhà hát Cửu Tư Đài từng có diện tích gần 1.200 m2, nằm gần lầu Khải Tường. Các nhà nghiên cứu đánh giá công trình này có kiến trúc và nội thất trang trí rất đặc sắc, lộng lẫy, có thể chứa hơn 500 khán giả. Đáng tiếc là nhà hát đã bị phá hủy vào năm 1947.
Cung An Định gắn bó với nhiều nhân vật Hoàng gia ở giai đoạn cuối triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, như vua Khải Định, vua Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, hoàng hậu Nam Phương, hoàng thái hậu Đoan Huy (bà Từ Cung)… Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Nhiều du khách chọn tham quan địa điểm này vì những giá trị lịch sử quý báu của công trình.
Theo Song Phúc/Zing