Những điều ít biết về thú chơi 'đĩa ngọc chén vàng' dịp Tết của người Hà Nội
Hoa Thủy tiên tượng trưng cho sự thành đạt và giàu có, tuyệt mỹ cả hương lẫn sắc. Hình dáng của hoa được người xưa ví như 'đĩa ngọc chén vàng' tỏa ra hương thơm tinh khiết và quyến rũ khó tả.
Những cánh hoa trắng như tuyết nâng niu phần nhụy vàng khum khum rực rỡ, bên dưới là khóm lá uốn lượn mềm mại và chùm rễ trắng ngần lững lờ trong làn nước trong veo của chiếc ly thủy tinh tinh xảo, đó là vẻ đẹp sang trọng, đài các của hoa Thủy tiên - loài hoa mà người Hà Nội từ xưa đến nay luôn mê mẩn vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Hoa Thủy tiên chỉ xuất hiện vào ngày Tết. Hình dáng tuyệt mỹ của hoa được người xưa ví là "đĩa ngọc chén vàng." Ngoài vẻ đẹp quyền quý, loài hoa này còn khiến người chơi say đắm bởi hương thơm ngát tinh khiết.
Với những người hoài cổ, vào thời vẫn còn đốt pháo, khi hương hoa Thủy tiên hòa quyện với mùi nhang trầm và mùi khói của pháo thì đó mới chuẩn là hương vị Tết Hà Nội xưa.
Hoa Thủy tiên tượng trưng cho sự thành đạt và giàu có, theo quan niệm truyền thống, nếu nhà nào có hoa Thủy tiên nở đúng đêm Giao thừa hoặc sáng sớm mùng 1 Tết thì cả năm đó sẽ may mắn, sung túc và nhiều tài lộc.
Bởi thế nên người chơi hoa Thủy tiên luôn bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức và thời gian gọt củ, xén lá, phá ngọc, cạo cuống hoa để tạo hình và "điều khiển" hoa nở đúng vào thời điểm mong muốn.
Bí quyết công phu của những người sành chơi
Thủy tiên thuộc họ hành, nếu để phát triển tự nhiên, cả lá và hoa sẽ mọc thẳng, hoa bị lấp trong lá. Vì thế người chơi hoa phải gọt tỉa củ để tạo ra bát hoa Thủy tiên đáp ứng tiêu chuẩn “ngũ phẩm” khắt khe.
Bắt đầu từ khoảng tháng 10-11 Âm lịch hằng năm, người chơi hoa sành sỏi sẽ lựa chọn những củ Thủy tiên già, chắc tay, có nhiều củ phụ tròn và phình to, sau đó ngâm nước 2 ngày cho củ căng mọng trước khi tiến hành gọt.
Mục đích của việc gọt tỉa củ là để làm lộ ra các mầm hoa, giúp hoa phát triển nhanh hơn, đồng thời xén lá để tạo dáng cho chúng uốn lượn đẹp mắt, làm “nền” khi hoa khoe sắc. Củ Thủy tiên thường sẽ được gọt một mặt, mặt còn lại để nguyên làm đế để trưng vào ly, bát.
Bóc vỏ, gọt củ
Gọt củ Thủy tiên là cả một nghệ thuật, đúc rút từ kinh nghiệm và sự tỉ mẩn, kiên trì của người chơi hoa. Các thao tác phải cực kỳ nhẹ nhàng với bộ dao tỉa chuyên dụng.
Sau khi bóc đi lớp vỏ lụa bên ngoài, dùng dao tách nhẹ từng lớp cho đến khi lộ hoàn toàn các mầm củ. Mỗi mầm gồm có 4-5 lá ôm lấy cuống và bao hoa, được bao bọc bởi lớp bào mầm.
Các mầm nhỏ mọc xiên xẹo sẽ được cắt bỏ, chỉ giữ lại các mầm chính giữa củ nằm thẳng hàng nhau. Tiếp tục khoét rãnh giữa các mầm này rồi tiến hành bóc bao mầm để cho lộ mầm hoa ra. Lách dao theo kẽ lá để xẻ một đường từ trên xuống dưới và khéo léo lựa mũi dao vào bao bọc mầm cây xẻ ra và bóc từ từ.
Công đoạn này phải cực kỳ khéo léo vì chỉ cần quá tay sẽ rạch vào mầm hoa làm hỏng hoa, hoặc xén vào lá mầm khiến lá quăn không theo ý muốn.
Xén lá
Để lá mọc thấp, cong và uốn lượn mềm mại thì cần phải khía (xén) lá ngay từ lúc này. Nghệ nhân sẽ dùng máng dao chuyên dụng cẩn thận khía nhẹ theo chiều dọc từ gần đầu lá xuống cuống lá. Nếu muốn giữ lại phần đầu lá tròn cho mềm mại, tự nhiên, có thể nhích dao xuống dưới đầu lá một chút rồi mới khía xuống.
Cạo cuống hoa
Cuống hoa Thủy tiên nếu không tác động cũng sẽ mọc thẳng, vì vậy để cho những bông hoa Thủy tiên mềm mại, cần tác động bằng cách cạo nhẹ vào cuống hoa. Nếu cạo nhiều, cuống hoa sẽ cong nhiều và ngược lại. Muốn cuống hoa cong chiều nào thì cạo theo chiều đó. Khi cạo phải hết sức cẩn thận để không làm gẫy cuống hoa.
Thủy dưỡng
Củ Thủy tiên sau khi gọt cần được nuôi trồng trong nước. Đây là khâu quan trọng, quyết định chất lượng của hoa. Theo những người chơi nhiều kinh nghiệm, thủy dưỡng nên dùng nước mưa hoặc nước giếng, nếu dùng nước máy cần vặn ra để 2 ngày cho bay hết hơi clo.
Sau khi gọt xong, trong 1-2 ngày đầu tiên, đặt củ hoa úp sấp trong chậu nước, cứ khoảng 4-6 tiếng thay nước một lần, dùng chổi lông mềm lau sạch nhẹ nhàng các vết cắt rồi ngâm lại vào nước mới, sau hai ngày là sạch hết nhựa.
Ngày thứ 3 và 4 thì ngửa củ lên, tiếp tục “tắm rửa,” thay nước như hai ngày đầu, nhưng sau đó lấy bông hoặc vải conton mềm thấm ướt phủ lên phần cắt tỉa để luôn giữ độ ẩm, tránh cho các vết cắt trên mặt không bị khô, thâm.
Sau 4-5 ngày ngâm nước, lá non sẽ bắt đầu mọc ra. Lúc này chuyển củ vào ly, mặt cắt ngửa lên, đổ nước xâm xấp mặt cắt, tiếp tục giữ ẩm bằng bông hoặc vải cotton. Thay nước mỗi ngày một lần ngày, củ sẽ sáng sạch, rễ phát triển trắng dài và đợi đến thời điểm ra bông hoa đầu tiên.
Chọn ngày cho hoa nở
Từ lúc gọt củ đến khi hoa nở sẽ mất khoảng 20-25 ngày tùy thời tiết (trời lạnh hoa nở chậm, trời ấm hoa nở nhanh hơn). Có thể can thiệp quá trình này bằng nhiệt độ và ánh sáng.
Muốn củ ra hoa sớm thì dùng nước ấm để thủy dưỡng, ban ngày phơi ra ngoài ánh sáng trực tiếp, ban đêm đưa vào trong nhà dùng bóng điện chiếu sáng.
Muốn củ ra hoa muộn thì dùng nước lạnh, có thể dùng đá trong tủ lạnh ngâm nước ở nhiệt độ khoảng 15 độ C rồi dùng nước này để thay. Để hoa trong nhà, chỗ râm mát, ban đêm mới đưa ra ngoài trời.
Thời gian từ khi hoa bắt đầu hé nụ đến khi mãn khai khoảng 5-6 ngày. Có 2 kỹ thuật hãm hoặc thúc hoa nở đúng thời điểm như ý muốn theo kinh nghiệm của người xưa là dùng mạng nhện cuốn quanh bao hoa, hoặc sử dụng lòng trắng trứng gà phết lên nụ. Tuy nhiên, phải là người rất am hiểu về hoa và cực kỳ có kinh nghiệm mới có thể áp dụng thành công các kỹ thuật này.
Ngày nay, có nhiều người cẩn thận lựa chọn cách lần lượt gọt 3-5 củ Thủy tiên (mỗi ngày gọt một củ) và tiến hành các bước dưỡng như trên, thì thế nào cũng có ít nhất một giò hoa Thủy tiên nở đúng khoảnh khắc Giao thừa.
Người xưa thường trưng hoa Thủy tiên trong bát chiết yêu hoặc ly thủy tinh, nhưng ngày nay có rất nhiều vật dụng đa dạng có thể dùng để trưng hoa theo các phong cách hiện đại hoặc ấn tượng.
Tiêu chuẩn “ngũ phẩm” của một bát hoa Thủy tiên gồm: hoa nhiều tầng tán; bẹ trắng ôm hoa giống như những móng rồng; lá màu xanh ngọc, có lá thẳng lá xoăn, được điều hướng để làm nền mà không che mất hoa; rễ trắng dài giống như hàm én và hương phải thơm ngát.
Thú chơi tao nhã suýt bị thất truyền
Hoa Thủy tiên có tên khoa học là Alstroemeria, là loài bản địa của vùng Địa Trung Hải, sau đó được cải thiện thành giống tốt và du nhập vào Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Những năm đầu thế kỷ 20, ở những gia đình Hà Nội trung lưu vào ngày Tết không thể thiếu hai loại hoa là hoa Đào và hoa Thủy tiên.
Không ai biết chính xác thú chơi hoa Thủy tiên của người Hà Nội có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ năm 1920, đất Thăng Long đã tổ chức Hội thi hoa Thủy tiên tại Đền Bạch Mã-Hàng Buồm vào mỗi dịp Tết để chọn ra những bát hoa đẹp nhất và những người chơi tài hoa nhất.
Hoa Thủy tiên cũng là nguồn cảm hứng cho những bậc văn tài của đất Thăng Long xưa như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, khi mô tả về một thú vui cầu kỳ, tao nhã của người Hà Nội.
Tuy nhiên, kể từ thập niên 60, Hội thi hoa Thủy tiên bị thất truyền, thú chơi tinh tế và cầu kỳ này cũng bị gián đoạn từ đó. Cho đến khoảng năm 1990, một số nghệ nhân ở làng Quảng Bá, Hà Nội, bắt đầu nhen nhóm chơi hoa Thủy tiên trở lại. Nhưng phải đến đầu những năm 2000 cho đến nay, phong trào chơi hoa Thủy tiên mới được lan tỏa rộng và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Các nghệ nhân tìm đến nhau, miệt mài tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng các kinh nghiệm, bí quyết chơi hoa của người xưa, phục dựng nhiều thế hoa cổ truyền như tam đa, tứ linh, ngũ phúc, long thăng, phượng vũ, phụ tử, huynh đệ... và phát triển thêm nhiều thế, dáng hiện đại với sự sáng tạo không giới hạn.
Thú chơi hoa Thủy tiên ngày nay không chỉ khiến những người lớn tuổi hoài cổ say mê mà còn quyến rũ không ít giới trẻ. Và không chỉ khoanh vùng ở Hà Nội, người yêu hoa ở nhiều địa phương khác cũng theo đuổi thú chơi kỳ công này.
Các hội, nhóm, câu lạc bộ chơi Thủy tiên được lập ra, kết nối những người chung sự đam mê bất chấp khoảng cách địa lý, cùng kế thừa nét văn hóa tao nhã của người xưa, nâng tầm một thú chơi lên mức nghệ thuật của mỹ cảm./.