Những điều ít biết về 'tứ đại danh khuyển' của Việt Nam
Các chú chó trong 'tứ đại danh khuyển' có những đặc điểm riêng và thế mạnh nổi bật, nhưng đều có lòng trung thành với chủ và là những dòng chó săn dũng mãnh.
Bốn giống chó được xem là "tứ đại danh khuyển" của Việt Nam gồm chó Bắc Hà, chó Lài, chó H’Mông cộc đuôi và chó Phú Quốc.
Mỗi giống chó mang những đặc điểm rất riêng: chó Bắc Hà có bộ lông và bờm xù, chó Lài mắt xếch nhìn giống chó sói, chó H'Mông không có đuôi, chó Phú Quốc có dải lông xoáy chạy dọc theo lưng. Tuy nhiên, chúng đều có chung đặc điểm là nhanh nhẹn, bản tính dũng mãnh, thông minh, là những thợ săn lão luyện và rất trung thành với chủ.
Chó Phú Quốc
Chó Phú Quốc là loài chó riêng của đảo Phú Quốc. Nó là giống chó rất thông minh, trung thành và là niềm tự hào của người dân đảo Phú Quốc nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.
Về ngoại hình, giống chó này có điểm đặc trưng là các xoáy lông ở trên sống lưng. Chó Phú Quốc là một trong ba dòng chó có xoáy lông trên lưng, hai loại chó lông xoáy ở lưng còn lại là chó lông xoáy Rhodesia và chó lông xoáy Thái Lan.
Chó Phú Quốc là giống chó nổi tiếng tinh khôn với điểm đặc trưng dễ phân biệt: trên lưng có những vòng xoáy nằm trên dải lông mọc ngược (hay còn gọi là bờm lưng) bắt đầu từ vai đến xương hông. Lúc chạy theo con mồi hoặc gặp đối thủ thì bờm lưng sẽ dựng đứng lên trông rất dũng mãnh. Chó Phú Quốc chạy nhanh như sóc, bơi lội giỏi như rái cá, trung thành, tinh khôn, có thể nghe và hiểu được lệnh của chủ.
Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng phát triển hơn (như chân vịt), bộ lông ngắn vừa phải nên khi ướt chó Phú Quốc chỉ cần lắc mình vài lượt nước sẽ bắn đi do đó sẽ mau khô. Chúng có nhiều biệt tài so với các loài chó khác.
Xưa kia quân đội nhà Nguyễn dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển vì loài chó này khi xác định được lãnh địa thì làm chủ hoàn toàn lãnh địa của mình. Bất cứ người lạ, vật lạ nào rơi vào phạm vi lãnh địa của chúng đều bị chúng phát hiện.
Trong dân gian Việt Nam, chó Phú Quốc được coi là "vương khuyển" vì từng có 4 con được vua Gia Long sắc phong một cách trang trọng, không kém những công thần khai quốc của nhà Nguyễn.
Chó Phú Quốc là loài chó có “hàm lượng” hoang dã khá cao, cả trong cơ thể lẫn trong tính cách. Vì vậy, người nuôi dưỡng thường nói chúng rất cá tính.
Chúng có khả năng thích nghi khá tốt với sự thay đổi môi trường. Chó Phú Quốc khi mắc bệnh thường có khả năng tự khỏi mà không cần bất kỳ can thiệp nào của con người nếu nó được sống trong môi trường thích hợp (có những con sống trên đảo, cả đời không chích mũi thuốc nào vẫn khỏe mạnh và săn bắt thiện nghệ).
Chó Phú Quốc được người Pháp mang về châu Âu để giới thiệu từ cuối thế kỷ 19. Trong đó, có hai chú chó Phú Quốc là Xoài (con đực) và Chuối (con cái), sinh năm 1892 và thuộc sở hữu của một người Pháp tên là Gaston Helouin sống tại Helfaut, Pas-de-Calais, miền bắc nước Pháp.
Xoài và Chuối đã đoạt giải nhất và nhì trong một cuộc thi chó tổ chức tại thành phố Lille, nước Pháp và đã được chọn để tham gia cuộc triển lãm chó Hoàn Vũ diễn ra trong trong ba ngày 14, 15 và 16/7/1894 tại Anvers, vương quốc Bỉ.
Trong nỗ lực duy trì và bảo tồn giống chó này, Hiệp Hội Những Người Nuôi Chó Giống Việt Nam (Vietnam Kennel Association – VKA) đã tái lập và thông qua bản tiêu chuẩn của giống chó Phú Quốc dựa trên bản tiêu chuẩn cổ của Bá tước Henri de Bylandt.
Chó H’Mông cộc đuôi
Chó H’Mông cộc đuôi được biết đến là một trong những loài chó săn cổ xưa nhất của Việt Nam. Với những đặc tính độc đáo và sự thông minh tuyệt vời cùng thể lực tốt và bền bỉ, chúng luôn được đồng bào dân tộc H’Mông thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam coi như “báu vật” trong nhà.
Nó không chỉ là loài chó săn dũng mãnh mà còn được biết đến như một trong “tứ đại danh khuyển” rất quý và hiếm của Việt Nam, gắn bó cùng bao đời người dân Việt, mang “thần sắc Việt Nam”.
Về hình dáng bên ngoài, chúng có cơ thể chắc nịch với tầm vóc trung bình, đầu to và ánh mắt biểu cảm, chiếc đuôi cụt rất ngộ nghĩnh. Kích thước cơ thể cũng tương đương với dòng chó ta. Răng chắc khỏe, khớp cắn khít (đây là đặc điểm của loài chó săn cổ xưa, theo kiểu cắn cổ con mồi và xé thịt).
Tai chó H’Mông cộc đuôi có hình tam giác, luôn vểnh về phía trước nghe ngóng. Hai chân sau luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công. Hai giới đực - cái không có sự khác biệt nhiều về hình thể. Chó cái có thể hình không thua kém nhiều so với chó đực, ngoại trừ kích thước hơi nhỏ hơn và các đường nét của đầu mềm mại hơn.
Tổng thể một con chó H’Mông cộc đuôi có thể hình hơi góc cạnh, thiếu các nét thanh tú và mềm mại nhưng luôn bộc lộ các đặc điểm về thể lực rất tốt, cũng như khả năng chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Giống chó H’Mông cộc đuôi ngoài những đặc tính như nhanh nhẹn, tinh khôn, nhiệt tình, khả năng làm việc cao… thì còn có những đặc tính bảo vệ lãnh thổ. Tuy chúng khá lì lợm, ít sủa nhưng khi có người lạ mà không có chủ ở đó thì chúng rất hung dữ.
Chúng không sủa như nhiều con chó bình thường khác mà im im tiến đến và thể hiện bản năng. Ngoài ra, H’Mông cộc đuôi còn có trí nhớ rất tốt, đặc biệt là nhớ đường. Có thể đặc tính này được rèn luyện từ xưa khi chúng cùng với người dân bản Tây Bắc trong những cuộc đi săn.
Chó Bắc Hà
Giống chó này xuất hiện và được sử dụng khá sớm trong cuộc sống của những người dân Việt Nam. Lâu nay, chúng được biết đến với tên gọi chung là chó xù hay chó xồm.
Từ trước đến nay, nó là giống chó được đồng bào H’Mông vùng Bắc Hà, Lào Cai nuôi để làm chó săn, làm bạn đồng hành trong những chuyến đi rừng hay nuôi làm chó bảo vệ. Nhiều giả thuyết cho rằng, tổ tiên giống chó Bắc Hà cũng là giống chó thuộc vùng đất Hy Mã Lạp Sơn.
Trong quá trình di cư của người H’Mông (dân tộc này bên Trung Quốc gọi là Miêu Tộc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam gọi là Người Mèo) có nguồn gốc từ các nhóm dân cư ở Seberi tràn vào lãnh thổ Trung Hoa để tìm kiếm vùng đất ấm áp hơn từ 5.000 năm trước.
Họ đã mang theo những con vật nuôi của mình theo hành trình di cư từ Seberi qua phía tây vào Cao nguyên Thanh Hải của nước Trung Hoa, rồi qua xuống ngả Miến Điện, Bắc Thái Lan và ngày nay sinh sống ở biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Người H’Mông sinh sống nhiều ở Tây Bắc Việt Nam bắt đầu từ cuối thời Hậu Lê.
Chúng là loại chó lông xù, cổ gáy thường có bờm lông mọc rất tốt giống như bờm sư tử. Lông đuôi hình bông lau hay đuôi sóc. Với 2 đặc điểm nổi bật này, chó Bắc Hà thực sự là loài chó đẹp, nhiều nơi còn cho rằng đây là loại chó mang tính phong thủy.
Chó Bắc Hà là giống chó có kích thước trung bình. Chiều dài thân hơi dài hơn chiều cao, khung xương gọn gàng.
Chúng có bộ lông dài, lớp lông dày đuôi xù (đuôi bông, dạng đuôi sóc) cong trên lưng. Lông cổ và vai dài tạo thành bờm cổ cách biệt với lông trên thân. Chó có các màu lông khác nhau như trắng, đen, vàng, vện, xám, khoang, đốm, nâu. Khi chuyển động, chó Bắc Hà có bước chạy nhẹ nhàng nhưng vững chắc.
Chúng là loại chó núi, có thể thay đổi hướng chuyển động dễ dàng và khéo léo, cũng như chuyển động với tốc độ cao trên những địa bàn có địa hình chia cắt phức tạp. Chó Bắc Hà rất giỏi khi di chuyển trên địa bàn núi cao.
Chó Bắc Hà có tính cách phục tùng và trung thành với chủ. Chúng điềm tĩnh nhưng cũng đặc biệt dũng mãnh khi tấn công. Chúng thường được nhiều người lựa chọn trong những chuyến đi săn dài ngày.
Chúng nhanh nhẹn và hoạt bát, phản xạ nhanh nhạy, sắc bén, là một trong những loại chó đặc biệt thông minh, dễ huấn luyện, rất kỷ luật và biết nghe lời chủ.
Chó Lài sông Mã
Chó Lài Sông Mã là dòng chó săn cổ bản địa Việt Nam có nguồn gốc thuần Việt từ hàng trăm năm qua. Chó Lài sống ở vùng cao trong một vài địa bàn hẹp ở vùng đất Lam Sơn (Phía tây Thanh Hóa) dọc theo thượng nguồn sông Mã và một số bản làng xa xôi hẻo lánh vùng biên miền Bắc.
Chó Lài khác với giống Dingo Đông Dương thường phân bố ở vùng hạ lưu sông Mã.
Trong Đại Việt thông sử (tên gọi khác là Lê triều thông sử) của tác giả Lê Quý Đôn có nêu rõ: đầu thế kỷ 14, dòng chó bản địa này được vua Lê Lợi nuôi chọn lọc giống để tạo ra một đàn chó săn phục vụ trong quân đội và hỗ trợ con người trong việc đi săn.
Trong giai thoại đất Lam Sơn thường nhắc tới chiến tích: Danh tướng Nguyễn Xí (thuộc hạ của vua Lê Lợi) cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa rồi đem quân vây trại giặc Minh vào đêm sương mù, vừa cho đánh trống hò reo ầm ĩ, vừa xua chó chạy quanh trại.
Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, lại thấy tiếng trống thúc, quân reo tưởng Vua Lê đến cướp trại nhưng không rõ binh lực thế nào nên không dám ra đánh, chỉ dùng cung nỏ bắn ra như mưa.
Nhờ thế, đội quân Lam Sơn thu được hàng vạn mũi tên, còn nhà Minh bị một đêm hoảng loạn. Kế sách này của Nguyễn Xí được nghĩa quân Lam Sơn và dân chúng hết lời ca ngợi, ví như mưu của Khổng Minh đã dùng người rơm để "mượn tên" của quân Tào trên sông Xích Bích thời Tam Quốc.
Dòng chó Lài có mặt tam giác dài về phía mũi, và quan sát chính diện khuôn mặt đều là hình tam giác. Tai lưỡi mác 2 bên hộp sọ, tai chó Lài như một chiếc radar (khác dingo Đông Dương tai vỏ sò nằm cố định trên đỉnh sọ) tạo khuôn mặt thanh tú.
Đỉnh sọ hình nón cao kiểu chó sói. Mắt xếch, viềm mắt sẫm màu, màu mắt chủ yếu đỏ và hổ phách, không có màu xanh kiểu chó tây, hàm răng cắt kéo.
Trọng lượng chó cái khi trưởng thành khoảng 18kg và chó đực 26kg. Chiều cao khoảng 55cm, chiều dài 1,2m -1,4m tính từ mõm đến đuôi.
Lông trên lưng và lông mình phía ngoài của dòng chó Lài khá thô cứng, có nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể chống chịu được thời tiết sương gió, lớp trong mềm mại giữ ấm cơ thể, về mùa đông lông dài, mùa hè lông sát. Đuôi bông lau và cũng là bánh lái.
Ngực nhìn góc nghiêng rộng, góc trực diện chữ V úp giúp di chuyển luồn lách ở địa hình núi ưu việt. Bàn chân tròn, có màng chân, bàn chân trước xoay linh hoạt như cổ tay người, các bước chân di chuyển trên một đường thẳng. Rượt đuổi mồi theo hình rích rắc hoặc quay đầu đuổi theo con mồi rất khéo léo, leo chèo và bơi lội giỏi .
Chó Lài có sự kết nối với chủ rất cao, từ sự kết nối ấy sẽ sinh ra lòng trung thành phục vụ chủ nhân. Chúng là người bạn đồng hành không bao giờ bỏ rơi chủ, tính cách hơi trầm, sự trưởng thành về hình thể và định hình tính cách trong 3 năm đầu tiên sẽ cho ra một con chó hoàn thiện về cả vẻ đẹp hình thể và nội dung tính cách bên trong.
Người xưa thường ca tụng: chó Lài là loài chó bản lai với sói cực kỳ dũng mãnh, tinh khôn, là những thợ săn bậc nhất núi rừng Tây Bắc.
Nhà ai nuôi nó cả năm không phải lo thiếu thịt thú rừng. Khi đi săn có con dám xả thân chiến đấu với cả hổ, gấu, lợn rừng để bảo vệ chủ. Giống chó này là khắc tinh của ma quỷ, nuôi nó trong nhà thì không sợ tà ma về quấy nhiễu nữa.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-tu-dai-danh-khuyen-cua-viet-nam-ar583331.html