Những điều không hẳn ai cũng biết

ĐBP - Ngày nay, nói đến Tây Bắc chúng ta thường nhớ câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: 'Tây Bắc, hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc' - xứ sở của hoa ban cùng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954. Ðây là vùng núi rừng trùng điệp và hùng vĩ, có ngọn Phan Si Păng cao hơn 3.000m; có cao nguyên Mộc Châu mênh mông; có những cánh đồng nổi tiếng đã đi vào thơ ca dân gian: 'Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc'; có con sông Ðà với trữ lượng điện năng vô tận và là nơi tụ cư lâu đời của các sắc tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào, Lự, Kháng, Si La, Hà Nhì...

Tó má lẹ - Trò chơi dân gian phổ biến trong cả ngành Thái đen và Thái trắng của dân tộc Thái.

Có người ví Tây Bắc như một “tòa nhà” khổng lồ với kiến trúc 2 tầng, “tầng 1” là vùng thấp và “tầng 2” là vùng cao. Vùng thấp là nơi cư trú chính của các dân tộc Thái, Lào, Lự... - gương mặt văn hóa vùng thấp tiêu biểu là dân tộc Thái; vùng cao là nơi cư trú của các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Si La, Khơ Mú... - gương mặt văn hóa vùng cao chính là dân tộc Mông. Ở vùng thấp, các dân tộc sống bằng nghề làm ruộng nước là chính. Ruộng được khai khẩn tại các thung lũng lòng chảo Mường Thanh (Ðiện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La); nơi có nguồn nước tưới dồi dào bởi hệ thống sông suối dọc ngang. Giống lúa truyền thống là lúa nếp, nhưng nay do sức hút năng suất và sức ép dân số, nên đang có xu hướng lúa tẻ. Kỹ thuật trồng lúa nước của cư dân vùng thấp đã đạt đến trình độ cao; hệ thống mương, phai, lái, lịn, cọn nước được hình thành từ lâu đời. Ngoài cây lúa nước, trên các sườn núi đồng bào còn trồng các loại ngô, khoai, sắn, đậu. Ngành nghề thủ công đối với dân tộc Thái đáng chú ý là dệt vải và đan lát mây tre. Ðồng bào tự túc vải cho các nhu cầu may quần áo, chăn đệm, màn rèm...

Nhớ lần chúng tôi được tham dự buổi trình diễn thổ cẩm (báo cáo nghiệm thu), trong khuôn khổ dự án: “Bảo tồn trang phục và hoa văn truyền thống dân tộc Thái (ngành Thái đen)”, do Bảo tàng tỉnh và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên phối hợp tổ chức, tại nhà văn hóa bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên). Các nghệ nhân với vai trò giáo viên truyền dạy đều là người Thái đen chính gốc, sinh ra và lớn lên ngay tại bản Che Căn - chị Cầm Thị Chung (sinh năm 1974) và chị Cà Thị Thắm (sinh năm 1987) - cho biết: Với chất liệu bông vải dễ kiếm và thân thiện với môi trường, thổ cẩm Thái đã đạt đến trình độ kỹ thuật tinh xảo, rực rỡ và sang trọng trong phối màu, mềm mại và tao nhã trong đường nét hoa văn; tiết xuân hè thì mát mà tiết thu đông thì ấm. Không chỉ riêng dân tộc Thái mà dân tộc nào cũng thích, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài cũng thích. Cho tới nay, về trang phục, những gì còn lại để làm nên bản sắc dân tộc Thái, đều tập trung ở trang phục của người phụ nữ. Một bộ nữ phục truyền thống của người Thái gồm 4 thứ chính: Khăn (piêu), áo ngắn (xửa cỏm), váy (xỉn) và túi (thông). Theo tập quán hôn nhân của dân tộc Thái, người con gái trước khi về nhà chồng bắt buộc phải mang theo một số của “hồi môn” là chăn, ga, đệm, gối... cho gia đình nhà chồng. Chính vì lẽ đó, phụ nữ Thái thường rất siêng năng và giỏi giang việc trồng dâu, chăn tằm, se tơ, dệt vải.

Bản của người Thái thường dựng ở chân núi, ven sông suối, cư trú theo kiểu mật tập. Các nhà trong bản rất gần nhau, giữa các nhà chỉ có lối đi chứ không có vườn tược như của các dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Ngôi nhà truyền thống của người Thái có 2 mái chính chạy dọc và 2 mái phụ chạy ngang; sàn nhà cao chừng 1,8m - 2m, có 2 cầu thang lên nhà từ 2 phía đầu hồi gọi là chán và quản. Khách quen là đàn ông và người nhà thường lên theo đầu quản; còn khách lạ và phụ nữ thường lên thang bên đầu chán. Trong nhà, việc bố trí chỗ ở theo một nguyên tắc chặt chẽ. Tính từ đầu quản sang đầu chán, dọc theo vách phía sau là chỗ để thờ, tiếp đến là chỗ ngủ của bố mẹ; chỗ ngủ của con gái lớn và vợ chồng trẻ ở cuối dãy. Con trai lớn trước khi đi lấy vợ, ngủ ở quản. Giữa nhà, chạy dọc từ cửa này sang cửa kia có 2 cái bếp. Bếp đun nước, sưởi ấm (về mùa đông) và tiếp khách nam giới ở đầu quản; bếp nấu ăn, nấu rượu, nấu cám lợn... đặt ở đầu chán, đồng thời là nơi tiếp khách nữ.

Ðể có thêm chút hiểu biết về ngôi nhà sàn Thái (ngành Thái đen), chúng tôi tìm đến một người con chính gốc của dân tộc Thái, đó là ông Lò Ngọc Duyên - Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Ðiện Biên. Ông Duyên cho biết: “Người Thái ở nhà sàn như chính nội dung câu thành ngữ: “Nhà có gác, sàn có cột” (hươn mí hạng, quản mí xau). Nếp nhà sàn như thế được cấu trúc bởi các loại cây thân gỗ và các giống như tre, vầu, nứa... lợp bằng cỏ gianh. Cả ngôi nhà sàn đồ sộ mà không phải dùng đến một mẩu sắt nhỏ nào trong kết cấu xây dựng. Thay cho những cái đinh là hệ thống dây chằng buộc thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt tre, lạt giang và vỏ các cây mà tiếng Thái gọi là: Năng hu, năng xa, năng xiểu”...

Ðược biết nếp nhà của người Thái liên quan đến câu chuyện cổ tích, về loài rùa gợi ý cho con người hình dáng cái mái vòm “khum mai rùa” (tụp cống). Truyền thuyết của người Thái đen kể rằng thuở khai thiên lập địa, tổ tiên của họ được thần rùa (tiếng Thái là Pua tấu), dạy cho cách làm nhà theo dáng dấp con rùa đứng. Con người trông vào đấy mà tưởng tượng, chân rùa là những cột nhà, mai rùa là mái nhà. Do vậy hai đầu chái nhà người Thái đen dáng khum khum như hình cái mai rùa. Lại nữa, hai bên đầu hồi (chái nhà) là những chiếc khau cút, gợi nhớ những cuộc thiên di hơn 1.000 năm trước, kể từ khi hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dẫn quân xuôi dòng Nậm Tao. Lời hẹn buổi loạn ly trước khi ngậm ngùi rời quê hương xứ sở của tổ tiên người Thái, là: Dù ở bất cứ phương trời nào, khi làm nhà hãy nhớ gắn trên mỗi đầu nóc chái nhà một cái dấu tương tự như hình mặt trăng khuyết, để sau này các thế hệ hậu duệ có thể qua đó mà nhận ra dòng giống tộc người Thái của mình giữa các dân tộc khác.

Tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tày - Thái, cùng hệ ngôn ngữ với tiếng Tày - Nùng, gần với tiếng Lào và Thái Lan và là “tiếng phổ thông” ở vùng thấp Tây Bắc. Tiếng Thái đã phát triển đến trình độ có chữ viết riêng. Chữ Thái cổ có nguồn gốc từ chữ Phạn (Ấn Ðộ). Từ xa xưa, tiếng Thái cổ được dùng để ghi chép các gia phả, thần phả, quy ước thôn bản, văn học dân gian... Tín ngưỡng người Thái thuộc tín ngưỡng nguyên thủy, tin vào thuyết đa thần. Ðồng bào quan niệm người ta có đến 80 hồn, gồm 30 hồn đằng trước và 50 hồn đằng sau (xam xíp khoăn mang nả, hả xíp khoăn mang lăng); người chết chỉ chết về thể xác, còn phần linh hồn thì sống mãi với con cháu, tổ tông, làng bản. Xã hội người Thái cổ truyền có các ông mo và thầy cúng, chuyên chữa bệnh cho người ốm theo cách điều âm binh đi đánh đuổi ma tà. Họ cho rằng “phi luông” là thứ ma độc ác nhất chuyên làm hại con người. Trong 1 năm, người Thái có nhiều lễ xên bản, xên mường, mục đích chính là cúng cầu đất trời thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên. Các ngày lễ thường có những trò chơi ném còn, tó má lẹ, hái hoa, múa hát. Con gái Thái nổi tiếng đẹp người lại múa dẻo và điệu xòe hoa được coi là “linh hồn” của dân vũ Thái.

Vốn văn nghệ dân gian Thái hết sức phong phú. Những truyền thuyết được ghi lại thành văn như các truyện: Xống chụ xon xao, Khun lú nàng ủa, ý nọi nàng sưa, Tản chụ xống xương... trở thành những di sản văn hóa vô giá và hết sức độc đáo. Làn điệu dân ca Thái được mô tả qua tiếng khắp mượt mà, sâu lắng, được các nhạc cụ: Tính tẩu, nhị, sáo... nâng cánh bay bổng. Trong các buổi sinh hoạt văn hóa đời thường tự phát nơi làng bản, ai biết hát Táy pú xấc sẽ dành được sự quý mến, nể trọng của mọi người. Qua giai điệu “khắp sư” (hát thơ) lúc trầm bổng, ngân nga như giãi bày tâm sự, lúc lại mạnh mẽ, quyết liệt mô tả hành trình gian khổ của cha ông trên đường chinh phục; người nghe bỗng cảm thấy rạo rực bởi không khí anh hùng ca có bi phẫn có kiêu hùng của tổ tiên người Thái, được truyền lại qua không biết bao nhiêu thế hệ cho tới ngày nay...

Bài, ảnh: Trương Hữu Thiêm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/173108/nhung-dieu-khong-han-ai-cung-biet