Những điều kinh ngạc về AI sắp diễn ra

Các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhận tạo (AI) phổ biến nhất hiện nay là marketing và bán hàng. AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động trong 3 năm tới. Đặc biệt, giới nghiên cứu cho rằng AI sẽ 'mở đường' cho điều trị ung thư chính xác.

Sáng 23/8, Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN) diễn ra tại Hà Nội. Bốn phiên hội thảo nối tiếp với các diễn giả danh tiếng và chuyên gia trí tuệ nhân tạo đến từ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, trường đại học, cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức hiện tại và tối đa hóa lợi ích của các công nghệ AI.

99% người dùng ChatGPT không hiệu quả

Tại phiên hội thảo về ứng dụng AI tạo sinh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, ông Cao Vương - nhà sáng lập AIVA Group - cho biết, thực trạng ứng dụng GenAI trên thế giới tăng mạnh trong 5 năm gần đây. Trong đó, Adoption AI tăng 52%, AI tạo sinh bắt đầu được ứng dụng từ năm 2022, đến hiện tại tăng trưởng 62%. Đặc biệt, 92% công ty top 500 Fortune đã ứng dụng Gen AI, nhờ đó giúp họ tăng gần 16% doanh thu, cải thiện 37% năng suất nhân viên, gần 25% năng suất toàn doanh nghiệp, 55% năng suất của nhà phát triển.

Ông Cao Vương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị AIVA Group - trình bày tham luận.

Ông Cao Vương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị AIVA Group - trình bày tham luận.

"Các lĩnh vực ứng dụng AI phổ biến nhất là marketing và bán hàng; phát triển sản phẩm, dịch vụ; công nghệ thông tin. Đặc biệt, 70% gen Z đang sử dụng AI tạo sinh, nổi bật thông qua Chatbots giúp doanh nghiệp tiết kiệm trung bình 2 giờ 20 phút mỗi ngày", ông Vương thông tin.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết việc ứng dụng GenAI vẫn còn nhiều thách thức với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp thiếu chiến lược, tỷ lệ người dùng thường xuyên vẫn chưa cao.

Nói riêng về ngành marketing và bán hàng, ông Vương cho biết AI là ứng dụng được "ưa chuộng". Các doanh nghiệp đang dùng Chatbots để bán hàng, đào tạo nhân sự. Ngoài ra, họ sử dụng ChatGPT để phục vụ người dùng cuối.

"Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn bị đánh giá rất ít sử dụng giải pháp này. Lý do đến từ việc họ lúng túng trong cách sử dụng, ngại công nghệ mới, hoang mang giữa "rừng" thông tin, sử dụng không hiệu quả dẫn đến không dùng nữa. Đặc biệt, 99% người dùng đang sử dụng ChatGPT không hiệu quả", ông Vương chia sẻ.

Cũng tại phiên thảo luận, ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA - cho biết, AI đang được ứng dụng trong mọi mặt của quản trị doanh nghiệp, từ bán hàng, lên kế hoạch đến giám sát.

"AI giúp người dùng viết email nhanh gấp 36 lần, thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh gấp 24 lần, lập trình viên thi công giao diện website nhanh hơn 10 lần...", ông Quang khẳng định.

 Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

GS, TS. Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch FISU Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam - dự báo, AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động trong 3 năm tới. Vấn đề của SME là lựa chọn điểm rơi để ứng dụng AI, đồng thời cần lưu ý đến những rủi ro để chọn đối tác, môi trường.

"Con người nên tận dụng nhưng không lạm dụng, phó mặc cho AI thay thế hoàn toàn. Chúng ta cần kiểm soát dữ liệu từ sơ cấp, thứ cấp, lưu ý đến đạo đức khi ứng dụng AI tạo sinh. Sai lệch thường đến từ dữ liệu thứ cấp vì không đảm bảo chất lượng, được diễn giải trong ngữ cảnh khác", giáo sư Thủy nêu rõ.

Vị chuyên gia này khẳng định, vấn đề lớn nhất là nhận thức của chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp không nhận thấy AI là xu thế, sẽ không thể lên kế hoạch. Tiếp đến là hạn chế về nguồn lực, ngân sách đầu tư, con người để xây dựng kế hoạch và triển khai.

"Trong tương lai, các chuyên gia cho rằng xu hướng ứng dụng AI tạo sinh thông minh hơn, doanh nghiệp sẽ có công cụ AI riêng để kết nối thẳng với nhiều phần mềm, tự động chăm sóc khách hàng bằng chatbots để tiết kiệm thời gian, chi phí", ông Thủy nhận định.

AI "mở đường" cho điều trị ung thư chính xác

Phiên hội thảo về ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế thu hút được nhiều sự quan tâm, đặc biệt về vấn đề điều trị ung thư tại Việt Nam.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Thị Trang đến từ Đại học Y Hà Nội cho biết, trong ngành y tế, AI giúp phân biệt hình ảnh CT và X-quang chứa nhiều pixel; quy trình chẩn đoán phức tạp; chẩn đoán sớm, chính xác, không bỏ sót tổn thương; khan hiếm chuyên gia chẩn đoán. Từ đó, trí tuệ nhân tạo có thể giảm bớt các nhược điểm trong quy trình chẩn đoán truyền thống, tăng hiệu quả chẩn đoán cho đội ngũ y tế.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trang trình bày về ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trang trình bày về ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế.

"AI nên được áp dụng trong liệu pháp tân bổ trợ, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu, chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật. Đơn cử, trong điều trị ung thư phổi, AI có thể phân tích và đưa ra dự đoán về tiên lượng điều trị, nguy cơ kháng điều trị; kết hợp kiến thức đa chuyên ngành; rút ngắn thời gian lên kế hoạch điều trị; tối ưu hóa các phương pháp điều trị hiện tại", PGS, TS. Nguyễn Thị Trang chia sẻ thêm.

Cũng tại phiên thảo luận, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn - cố vấn tin sinh học Digosys - đưa ra thực trạng ung thư tại Việt Nam, ghi nhận khoảng 180.840 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong trong năm 2022. Song song đó, có những hạn chế trong việc chẩn đoán và điều trị.

"Việc chẩn đoán bệnh muộn và thiếu thiết bị hiện đại là những yếu tố làm giảm hiệu quả điều trị ung thư", ông Tuấn nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn đến từ Digosys trình bày tham luận.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn đến từ Digosys trình bày tham luận.

Chia sẻ về ứng dụng AI trong điều trị ung thư, ông Tuấn nhắc đến giải pháp Genomate của Digosys, đây là sản phẩm của công nghệ AI, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và cá nhân hóa liệu pháp ung thư cho từng bệnh nhân, giúp tăng tỷ lệ sống sót, đáp ứng khối u, kéo dài thời gian sống, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.

Theo ông Tuấn, Genomate là hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng (CDSS), được phát triển để tối ưu hóa điều trị ung thư, thông qua sử dụng AI nhằm chỉ định đúng thuốc đích và miễn dịch mà từng bệnh nhân cần. Hệ thống này có mục tiêu nâng cao hiệu quả điều trị và cá nhân hóa liệu pháp ung thư cho từng bệnh nhân, giúp tăng tỷ lệ sống sót, tăng tỉ lệ đáp ứng khối u, kéo dài thời gian sống thêm bệnh không tiến triển (PFS) và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.

Giải pháp Genomate phân tích mạng lưới gen, đưa ra hệ thống xếp hạng, sử dụng thuật toán chỉ định thuốc số hóa và đưa ra liệu pháp điều trị khuyến nghị.

Giải pháp Genomate phân tích mạng lưới gen, đưa ra hệ thống xếp hạng, sử dụng thuật toán chỉ định thuốc số hóa và đưa ra liệu pháp điều trị khuyến nghị.

Hệ thống sử dụng AI để phân tích dữ liệu lớn từ bộ gen ung thư với số lượng 511 gen, sinh học phân tử và thông tin lâm sàng nhằm đề xuất phương pháp điều trị hiệu quả. Tại sự kiện, đại diện Digosys cũng đưa ra những ứng dụng của AI trong lĩnh vực y tế gồm: Điện quang, nội soi, giải phẫu bệnh kỹ thuật số và khám phá thuốc.

"Genomate đang được áp dụng cho khoảng 10.000 bệnh nhân trên thế giới, đạt giải thưởng đổi mới đột phá về AI trong chữa trị ung thư, tham gia chương trình hỗ trợ tăng tốc của Mayo Clinic", ông Tuấn cho biết.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-dieu-kinh-ngac-ve-ai-sap-dien-ra-post1666301.tpo