Những điều lạ ở môn Kickboxing SEA Games 31
Là một trong những môn thi đấu đầu tiên tại SEA Games 31, Kickboxing không được nhiều người chú ý vì một vài nguyên nhân. Nhưng đến khi ngày thi đấu cuối cùng khép lại với không khí lễ hội của một trận bóng đá có đội tuyển quốc gia, tất cả bèn quay ra chất vấn: Tại sao Kickboxing không được truyền hình trực tiếp như các môn khác?
Kickboxing là môn gì?
Trong ngày khai mạc môn Kickboxing SEA Games 31, khán giả kéo đến ngồi chật kín Nhà thi đấu tỉnh Bắc Ninh. Khu vực duy nhất còn trống chỗ là phần khán đài được quây kín cho các vận động viên nước ngoài ngồi theo dõi trận đấu. Điều thú vị là đại bộ phận khán giả thừa nhận họ không biết nhiều về Kickboxing, cũng như các võ sĩ Việt Nam tham dự SEA Games lần này.
Kickboxing cho điểm như thế nào? Tại sao một võ sĩ đang tấn công đối phương mà tỷ số điểm lại từ 3-0 nhảy về 2-1? Vô vàn câu hỏi được khán giả Bắc Ninh bàn tán, suy đoán trên võ đài. Tuy nhiên, ở một kỳ SEA Games mà Việt Nam là nước chủ nhà, mọi hiểu biết về một môn thi đấu đôi khi không quá quan trọng, khi tất cả đến cổ vũ vì một mục tiêu chung: Việt Nam vô địch!
Có thể nói tỉnh Bắc Ninh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền với môn Kickboxing khi họ đưa môn võ này về đăng cai. Xe lưu động được điều đến từng phố, từng nhà để vận động người dân đến xem. Nhà thi đấu tỉnh Bắc Ninh mở cửa tự do đón chào khán giả và còn cung cấp Wi-fi miễn phí. Phía trong nhà thi đấu, máy điều hòa chạy hết công suất để xua tan cảm giác nóng bức.
Với những yếu tố đó, sức nóng của môn Kickboxing ở SEA Games 31 không hề giảm đi sau ngày thi đấu đầu tiên. Bất kể ngày trong tuần hay ngày nghỉ, khán giả luôn đến chật kín nhà thi đấu để cổ vũ. Việc đội tuyển Kickboxing Việt Nam có 1 tuyển thủ quê Bắc Ninh là võ sĩ Nguyễn Quang Huy càng kéo nhiều khán giả đến xem hơn nữa, khi họ kỳ vọng người con Kinh Bắc giành huy chương vàng (HCV).
Vào ngày thi đấu cuối cùng của môn Kickboxing tại SEA Games 31, các trận đấu kéo dài từ lúc 6 giờ tối đến… nửa đêm. Nhưng ngay cả khi đồng hồ chuẩn bị bước sang ngày mới, không một khán giả nào tại Nhà thi đấu Bắc Ninh có ý định ra về. Trái lại, số người đến xem thậm chí còn đông hơn nữa khi trận chung kết của Nguyễn Quang Huy là trận đấu diễn ra cuối cùng trong ngày.
Người Bắc Ninh đã mang tất cả những gì họ có thể đem vào nhà thi đấu để cổ vũ cho Quang Huy. Trống, chiêng, kèn, băng rôn, biểu ngữ... rợp một góc khán đài khiến chúng ta liên tưởng đến không khí của một trận đấu bóng đá của đội tuyển quốc gia. Trong một ngày, Quang Huy bỗng chốc trở nên nổi tiếng không kém gì Quang Hải, Công Phượng.
Hơn 3.000 khán giả ở Nhà thi đấu Bắc Ninh như vỡ òa khi Quang Huy giành HCV chung cuộc. Võ sĩ người Quế Võ khép lại môn Kickboxing ở SEA Games 31 bằng trận đấu sôi động nhất và nhiều cảm xúc nhất.
50 sắc thái của "Thánh Muay"
Tại SEA Games 30, đội tuyển Kickboxing Thái Lan về nước mà không giành được HCV nào. Với nỗ lực khôi phục bộ môn đang trên đà sa sút, qua đó tái khẳng định hình ảnh của một cường quốc võ thuật, Hiệp hội Kickboxing Thái Lan đã bầu ông Sombat Banchamek làm huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển quốc gia. Thời còn thi đấu, Banchamek là một võ sĩ nhà nghề bách chiến bách thắng, tới mức được truyền thông tung hô là "Thánh Muay".
Với bản CV của một nhà vô địch, không bất ngờ khi Banchamek trở thành nhân vật đáng chú ý nhất của môn Kickboxing tại SEA Games 31. Ông cũng rất biết cách gây chú ý bằng việc tuyên bố đóng cửa phòng gym của mình ở quê nhà để bế quan luyện công cho đội tuyển Kickboxing Thái Lan. Trước ngày sang Việt Nam, Banchamek tuyên bố chỉ tiêu của đội tuyển là giành 3-4 HCV.
Từ buổi tiệc chào mừng các đội tuyển tham dự SEA Games 31 đến ngày môn Kickboxing chính thức thi đấu, Banchamek luôn được săn đón mọi lúc mọi nơi. Võ sĩ, HLV và quan chức tất cả các đoàn đều hỏi xin chụp cùng "Thánh Muay" ít nhất một kiểu ảnh, bởi chẳng biết khi nào họ có dịp gặp lại một biểu tượng của võ thuật Thái Lan có sức ảnh hưởng tương tự Ronaldo và Messi trong bóng đá.
Ở một góc độ nào đó, Banchamek được tôn vinh như thể một “Người đặc biệt” trong giới võ thuật. Nhưng khi môn Kickboxing ở SEA Games 31 càng đi tới những trận đấu cuối cùng, công chúng dần nhận thấy hóa ra "Thánh Muay" cũng chỉ là người bình thường.
Trận đấu khai mạc môn Kickboxing SEA Games 31 là cuộc đối đầu giữa Nguyễn Xuân Phương (Việt Nam) và Arunno Sivapan (Thái Lan). Được đánh giá cao hơn nhờ từng giành HCV SEA Games 30 nhưng Xuân Phương chơi chùng xuống ở cuối hiệp 3 và để đối phương liên tiếp ghi điểm trong 30 giây cuối. Sivapan thắng sát nút ở một trận đấu vòng ngoài, nhưng với Banchamek, đó chẳng khác nào một trận chung kết.
"Chúng tôi đã đánh bại nhà vô địch SEA Games của Việt Nam rồi đấy!". Thông điệp đó được Banchamek lặp đi lặp lại liên tục trong nhiều ngày sau khi trận đấu giữa Xuân Phương và Sivapan kết thúc. Dường như "Thánh Muay" quá tự mãn với một chiến thắng cỏn con, và điều đó khiến ông ngày càng gặp nhiều vận rủi khi giải đấu bước đến cao trào.
Đội tuyển Thái Lan do Banchamek dẫn dắt có 12/12 thành viên lọt vào bán kết. Một nửa trong số đó tiếp tục đi đến trận tranh HCV, nhưng chỉ có 2 người bước lên bục cao nhất. 4 người còn lại, bao gồm cả Sivapan, nhận thất bại. "Thánh Muay" rơi vào cảnh về nước mà không đạt chỉ tiêu đã đặt ra, và chỉ có danh tiếng trong quá khứ mới giúp ông tiếp tục tại vị.
Những lần "khởi động lại"
Trong thời gian môn Kickboxing diễn ra, đơn vị truyền hình duy nhất đến quay phim, tác nghiệp là Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, với quy mô của một đài địa phương, họ cũng không thể phát sóng trực tiếp phục vụ người hâm mộ trong và ngoài nước.
Việc môn Kickboxing không nằm trong chương trình phát sóng SEA Games của VTV đã tạo nên một cuộc tranh luận nho nhỏ. Đâu là lý do khiến môn Kickboxing không được phát sóng? Lỗi có thực sự nằm ở đài truyền hình khi bỏ qua 1 môn võ thu hút hàng ngàn người đến xem, hay còn một nguyên nhân nào đó đứng sau? Thật khó tin khi cách duy nhất để khán giả xem qua màn hình là từ video quay trực tiếp của những người đến tận nhà thi đấu.
Bên cạnh việc truyền hình trực tiếp không xuất hiện để tác nghiệp ở môn Kickboxing, những bảng điểm lạ cũng là một chi tiết đáng chú ý. Trong khuôn khổ SEA Games, môn võ này tuân theo luật và điều lệ thi đấu của Liên đoàn Kickboxing châu Á (WAKO). Mỗi trận đấu có 3 hiệp, với 3 giám định cho điểm theo từng đòn đánh.
Điểm số được từng giám định cộng dồn sau 3 hiệp và hiển thị theo thời gian thực lên 4 màn hình đặt ở 4 góc đài thi đấu. Kết thúc trận đấu, máy tính sẽ dựa vào điểm số được các giám định cho để công bố người thắng cuộc. Trong trường hợp có giám định chấm hòa điểm, người này được cho thêm 1 phút để quyết định võ sĩ nào giành chiến thắng trong trận đấu đó.
Cách chấm điểm nói trên rất công bằng, khách quan và minh bạch nếu không có sự khác biệt một trời một vực trong cách cho điểm của các giám định. Ở không ít trận đấu, luôn có tình trạng 3 giám định "cãi nhau" về cách cho điểm. Một người luôn chấm võ sĩ góc đài đỏ thắng cách biệt lớn, một người chấm võ sĩ góc đài xanh thắng lớn, người còn lại chấm thế trận cân bằng.
Bên cạnh đó, tình trạng bảng điểm "khởi động lại" cũng xuất hiện ở một vài trận. Một trận đấu Kickboxing có 3 hiệp, nhưng khi "khởi động lại" thì trận đó chỉ còn 2 hiệp. Trận đấu chung kết của Quang Huy và võ sĩ Thái Lan diễn ra tình trạng đó. Kết thúc hiệp 1, Huy đang dẫn điểm nhưng máy tính đã "khởi động lại" khi hiệp 2 bắt đầu để đưa trận đấu về thế cân bằng. Rất may là cuối cùng Huy vẫn áp đảo và giành chiến thắng.
Môn Boxing cũng không được phát sóng trực tiếp
Sau Kickboxing, đến lượt môn Boxing tại SEA Games 31 cũng không được phát sóng trực tiếp để phục vụ người hâm mộ. Không giống Kickboxing, Boxing là môn võ phổ biến hơn nhiều với khán giả, đặc biệt là những ai có thói quen theo dõi quyền Anh nhà nghề. Vì vậy, đây là quyết định khá khó hiểu ở một giải đấu đại chúng như SEA Games.
Tại SEA Games 31, môn Boxing dự kiến tổ chức thi đấu ở 13 nội dung, nhưng sau đó rút xuống còn 11 ở ngày bốc thăm. 2 nội dung 69kg nữ và 75kg nữ bị loại vì số vận động viên đăng ký ít hơn mức tối thiểu của điều lệ giải. SEA Games 31 quy định mỗi nội dung phải có ít nhất 3 võ sĩ đăng ký thi đấu, nhưng 2 hạng cân của nữ nói trên chỉ có 2 người tham gia.
Với các thành viên đội tuyển Boxing Việt Nam, giải đấu trên sân nhà khiến họ phải chịu áp lực rất nặng nề. Ngoài nhà đương kim vô địch SEA Games Nguyễn Thị Tâm, cơ hội để những võ sĩ còn lại tranh HCV không thực sự cao. Những tay đấm nhà nghề như Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo gặp khá nhiều khó khăn khi trở lại đấu theo thể thức Boxing nghiệp dư.
Thu Nhi là minh chứng rõ nhất cho sự khác biệt giữa Boxing nghiệp dư và Boxing chuyên nghiệp. Mới đây, nhà vô địch WBO thế giới đã để thua ngay vòng đầu giải vô địch Boxing nữ quốc tế tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ hội tranh HCV Boxing của Việt Nam còn khó lên gấp bội khi ở ngày thi đấu đầu tiên, võ sĩ Nguyễn Văn Đương dương tính với COVID-19 và sớm bị loại ở vòng ngoài.