Những điều rất ít người biết về danh ca Khánh Ly
Nhiều lần về Hà Nội, Khánh Ly đi dọc Hàng Bông, tìm đến số 106 nơi gia đình bà từng ở, chỉ để run run chạm vào biển số nhà, hình dung bà nội ra mở cửa cười với mình.
Có một Khánh Ly rất đàn bà, lịch lãm, chỉn chu kiểu người Hà Nội gốc. Có một Khánh Ly sùng bái lòng nhân và ham học hỏi, và nhiều điều không phải ai cũng biết về bà ngoài âm nhạc và mối quan hệ đặc biệt với Trịnh Công Sơn.
1. Khánh Ly là một trái tim Hà Nội, thuộc về Hà Nội. Sinh ra trên mảnh đất kinh kỳ và thiên di trong suốt cuộc đời mình từ lúc 6 tuổi, ký ức về tuổi thơ, về mảnh đất nơi có gia đình mẹ, cha mình luôn hằn in trong tâm trí bà. Khánh Ly ý thức mình thuộc về Hà Nội, thuộc về Việt Nam. Có lần nữ danh ca kể, trong cuộc lưu diễn ở Úc châu, khi nằm trên xe đến Melbourne, nghe ca khúc Quê hương, bà đã khóc rất nhiều. Nỗi nhớ quê hương dâng trào trong trái tim đè nén của người phụ nữ xa xứ được dịp bung phá. Khánh Ly nói, chưa bao giờ bà quên mình là người Việt, mang trái tim Việt.
Khánh Ly cũng trân trọng giữ hình ảnh Hà Nội, giữ tình cảm với mảnh đất này như thế. Khi diễn tại Việt Nam, Khánh Ly luôn chọn Hà Nội là nơi trở về. Không ít lần, bà đi dọc con phố Hàng Bông, tìm đến số nhà 106, nơi gia đình bà từng ở, chỉ để đưa bàn tay nhăn nheo, run run chạm vào biển số nhà ấy. Khánh Ly nói với chúng tôi trong nỗi xúc động. Bà cứ tưởng tượng, nếu khi bà đến ngôi nhà cũ, bà nội hay bố mẹ ra mở cửa, cười với mình thì thế nào. Cả cuộc đời lưu lạc, hình như người già nào cũng sẽ nhớ nhung về cố hương, về những ngày tuổi thơ trong trẻo. Khánh Ly vui khi đi trên con phố ấy, gặp bạn bè cũ, nói câu chuyện cũ, bà đẹp thế nào, trốn đi thi hát ra sao. Chuyện mới như ngày hôm qua.
Vì ân tình ấy, sau khi đại dịch COVID -19 lắng xuống, Khánh Ly nói với ê kíp phải tranh thủ làm điều gì đó cho quê hương. Và Khánh Ly về nước thực hiện Live concert tour mang tên Như một lời chia tay với các hoạt động biểu diễn và từ thiện dày đặc. Trong chương trình tại Hà Nội, Khánh Ly nói với khán giả, bà không biết cuộc sống sẽ thế nào, rồi sẽ có chuyện gì xảy ra nên bà muốn gửi lời chào khán giả của mình, để sau này, nếu không kịp chào nhau, xin Hà Nội hãy coi đây là lời chào của một đứa con với quê hương mình.
Cũng kể từ khi được về nước trình diễn, Khánh Ly luôn cố gắng tìm cách để làm những chương trình miễn phí phục vụ sinh viên như lời hứa với Trịnh Công Sơn. Bà đến Huế hát dưới mưa, đến Hà Nội hát cho sinh viên Đại học Văn hóa, Đại học Thăng Long… Chỗ nào Khánh Ly cũng được đón nhận nồng nhiệt.
2.Khánh Ly yêu con theo kiểu các bà mẹ Việt ngày xưa. Cả cuộc đời bà chỉ biết đến nghệ thuật, và cũng chỉ biết hát. Nhưng đối với con cái, Khánh Ly là người hết lòng. Bà yêu con theo kiểu các bà mẹ Việt Nam xưa yêu con, dành tất cả những gì mình có cho con, hình như không giữ cho mình thứ gì.
Khánh Ly luôn muốn con mình sống một đời sống đầy đủ và tự do trong những đam mê của mình, không ép uổng bất kỳ điều gì. Hiện tại, danh ca sống cùng cô con gái út cùng những thú cưng và cứ hạnh phúc bình dị như thế tại Mỹ. Con gái bà mê vẽ, làm những công việc không dính líu đến ca hát. Bà vui, vì con vui.
3. Khánh Ly luôn nhận mình là người ít học. Trong tất cả các cuộc gặp gỡ, dù chính thức hay thân tình, nữ danh ca luôn nói đến việc mình chưa có bằng tiểu học. Vì thế, bà bảo rất thích chơi với những người trẻ. Ngoài việc tìm thấy thanh xuân của mình từ sức sống của họ, Khánh Ly còn bảo, mình tìm thấy ở họ rất nhiều điều đáng học hỏi trong cả công việc, kỹ thuật hát bài bản lẫn đời sống tươi mới, nhiều sáng tạo.
Thế nên, ngoài một vài gương mặt thân tình như Lệ Thu, Paolo, Quang Thành, mỗi khi tổ chức show diễn, Khánh Ly khá kén chọn người đồng hành trên sân khấu, trong đó có thể kể đến vài cái tên gắn bó và được bà yêu thích gần đây như Hà Trần, Tùng Dương, Mỹ Linh. Danh ca kể, Hà Trần đi show hay bị bà hỏi về kỹ thuật hát và cũng rất yêu quý bà. Coi nhau như người thân trong gia đình, có lần đi show, Khánh Ly ngồi khâu vá trang phục cho Hà Trần, còn cô nhìn danh ca cười trìu mến. Bà cũng hay muối cà gửi cho mọi người, trong đó có cả Hà Trần, những quả cà nhỏ mang vị quê hương.
Ở tuổi bát tuần, Khánh Ly vẫn vậy, học hỏi từng ngày, dù danh tiếng đã được thừa nhận, dù đã ở trên đỉnh cao. Và khả năng nói chuyện trên sân khấu của bà đạt đến trình độ thượng thặng, duyên dáng. Rất ít nghệ sỹ Việt có khả năng ấy, dẫn dụ khán giả đến nhà hát đôi khi chỉ để nghe Khánh Ly kể chuyện mà thôi. Nói như thế, đủ thấy Khánh Ly khiêm tốn.
Nhưng có một thói quen của Khánh Ly ít ai biết, bà mê đọc sách kinh khủng. Trong các chương trình được làm việc chung với Khánh Ly từ khi về nước, tôi luôn thấy danh ca ngồi lặng lẽ đọc sách ở phòng hậu trường sân khấu chờ đến lúc biểu diễn. Khánh Ly cũng dành thời gian viết lách mỗi ngày. Trên bàn ở khách sạn luôn thấy giấy bút và những bản thảo dang dở của Khánh Ly. Vì thế, không ngạc nhiên khi Khánh Ly xuất bản cuốn Đằng sau những nụ cười rất được khán giả đón nhận. Bà còn cộng tác viết nhiều bài cho báo chí trong và ngoài nước. Nên khi Khánh Ly nói bà ngạc nhiên là mình xuất bản sách, có lẽ cũng chỉ mình bà ngạc nhiên mà thôi.
4. Khánh Ly luôn thận trọng. Thành công của Khánh Ly có phần may mắn như bà tự nhận, nhưng không hẳn như vậy. Nếu làm việc chung với danh ca sẽ thấy bà luôn thận trọng, chỉn chu trong mọi việc. Với phong thái của một nghệ sỹ lớn, một người Hà Nội gốc, Khánh Ly lịch lãm và trân trọng tất cả cộng sự của mình. Mỗi khi có lịch làm việc hoặc gặp gỡ, danh ca luôn chuẩn bị cẩn thận mọi thứ.
Ít ai biết, cho đến nay, mỗi khi trở về Việt Nam diễn, trong va ly của nữ danh ca luôn có đến chục bộ áo dài được bà tự tay là kỹ lưỡng, gấp cẩn thận rồi tự mình mang theo khắp nơi, dù luôn có người sẵn sàng giúp bà công việc đó. Khánh Ly bảo, trang phục là tự mình phải làm, không thể ẩu mà nhờ người khác. Cũng vì sự thận trọng này, với mỗi chương trình, Khánh Ly chọn người làm tóc và trang điểm rất kỹ lưỡng. Có khi, để có mái tóc ưng ý, bà phải cất công mời chuyên gia tận Hải Phòng lên Hà Nội để làm riêng cho mình.
Sự kỹ lưỡng của Khánh Ly còn ở cách bà nghỉ ngơi trước và sau show diễn của mình. Trước show diễn, Khánh Ly từ chối tất cả các cuộc gặp gỡ để tập trung vỡ bài và học hát. Còn sau show, bà luôn dành thời gian gần như không ngủ, ngồi một mình giữa đêm để hồi nhớ về buổi diễn, về những điều đã xảy ra và tự mình rút kinh nghiệm, nuôi dưỡng cảm xúc.
Khánh Ly cũng rất thận trọng trong chuyện ăn. Về Việt Nam, bà luôn có fan mang đồ ăn đến tận khách sạn, và có nhiều món ở Hà Nội bà muốn ăn như cốm non, phở phao câu gà… Nhưng danh ca lại khá nguyên tắc trong việc ăn uống để giữ sức khỏe và vóc dáng. Vì thế, dù mê ăn nhưng chỉ sau show diễn, Khánh Ly mới cho phép mình ăn phở gà phao câu một lần. Tất cả những điều đó đem lại cho Khánh Ly sự thành công. Thành công đến từ sự trân trọng khán giả và từ sự nguyên tắc, trân trọng bản thân mình.
5. Khánh Ly nhiệt thành và coi trọng lòng nhân. Trong cuộc đời nghệ sỹ của mình, Khánh Ly có rất nhiều quan hệ thân tình trong giới văn nghệ Việt Nam. Bà cũng là người luôn tìm cách học hỏi các bậc trưởng thượng và gìn giữ các mối quan hệ này một cách nhiệt thành. Về Việt Nam, bà luôn tranh thủ cơ hội để gặp những người bạn cũ, thăm nhà Văn Cao, viếng mộ Trịnh Công Sơn, gặp gỡ nhiều người.
Trong các cuộc gặp gỡ ấy, Khánh Ly rất nghiêm túc về lịch làm việc, gặp gỡ ai, nội dung là gì, cần chuẩn bị những gì đều được lên kế hoạch chi tiết. Còn nhớ, trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ cùng người ái mộ tại khách sạn ở Hà Nội , dù còn rất it thời gian, Khánh Ly cũng hẹn mọi người ở phòng tiếp khách, mặc áo dài và trang điểm nhẹ. Trong cuộc trò chuyện, bà lắng nghe người hâm mộ nói chuyện một cách cẩn thận, luôn mỉm cười khi được đề nghị chụp hình chung, và cuối cùng rất ý nhị chào khách trước khi lên phòng nghỉ, thay trang phục cho hoạt động tiếp theo.
Trong một lần trò chuyện với Trịnh Công Sơn tại Canada năm 1992, Khánh Ly có hỏi nhạc sĩ, đối với anh, trong đời sống của anh, điều gì là quan trọng nhất. Trịnh Công Sơn không ngần ngại mà trả lời rằng: "Đó là tấm lòng, một tấm lòng tử tế với nhau". Rồi ông hát một vài câu trong tác phẩm Để gió cuốn đi cho Khánh Ly nghe. Cho nên, Khánh Ly cũng đã muốn sống một đời sống cho mình, cho mọi người và cho quê hương.
Bà nói, theo thời gian sẽ có nhiều thứ bị bôi xóa, nhưng lòng nhân chắc chắn sẽ còn ở lại, mãi mãi. Cho nên, bà luôn tìm cách đến thật gần các mảnh đời bất hạnh, cúi xuống, nắm tay họ, chia sẻ thiệt thòi trong đời sống với họ. Dù chân đau và tuổi đã lớn, Khánh Ly không ngại đi đến từng bệnh viện, trao quà và hát tặng trẻ em ung thư, bệnh nhân bỏng, bệnh nhân HIV.
Trong những ngày Việt Nam bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bà nhiều lần gửi tiền về mua gạo, mua nhu yếu phẩm cho đồng bào mà không một lần lên tiếng. Dù trò chuyện với tôi, có lần bà nói: "U nghèo lắm, về Việt Nam, u mời con cà phê nhé, chỉ đủ tiền mời cà phê thôi”.
Những điều như thế là lý do Khánh Ly luôn được yêu mến, yêu thương ngoài giọng hát liêu trai đi vào thời gian, vào ký ức.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-dieu-rat-it-nguoi-biet-ve-danh-ca-khanh-ly-ar694552.html