Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt thì dịch lỵ hoành hành ở miền Bắc. Khi đó mới 35 tuổi, dược sĩ Phan Quốc Kinh đã thay mặt trường ĐH Y Dược Hà Nội đứng lên nhận trách nhiệm sáng chế thuốc dập dịch lỵ. Ông mất vào ngày 7-8-2019, sau khi đã dành trọn đời cống hiến cho việc nghiên cứu các công thức thuốc chữa bệnh, cứu người
Vợ của TS. Phan Quốc Kinh là bà Nguyễn Thị Tường Vân - nguyên Giảng viên trường Đại học Dược. Hai ông bà đã sống trong căn hộ được Nhà nước cấp trong suốt hàng chục năm. Trong buổi trao đổi với PV Báo ANTĐ, bà Vân đã chia sẻ những chi tiết rất thú vị, đặc biệt về người chồng của bà
Cả cuộc đời của TS. Phan Quốc Kinh gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu, chế tạo các loại thuốc, để phục vụ mục tiêu cao cả: Cứu người
TS. Phan Quốc Kinh (phải) báo cáo với cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về hiệu quả của thuốc Berberin clorid trong phòng và điều trị dịch lỵ (1972-1974)
TS. Phan Quốc Kinh (trái) báo cáo với cố Tổng Bí thư, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh về hiệu quả thuốc an thần từ củ bình vôi
Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, TS. Phan Quốc Kinh và đồng nghiệp đã chế tạo ra rất nhiều loại thuốc chiết xuất từ thành phần cây cỏ thiên nhiên đặc trưng của Việt Nam
Ngoài Berberin (chữa tiêu chảy và lỵ), TS. Phan Quốc Kinh còn chế tạo ra viên Codanxit (chuyên chữa lỵ) và viên sen vông giúp an thần
Với những nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi, TS. Phan Quốc Kinh đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen
Một phần trên căn gác tầng 3 được chọn làm nơi lưu giữ những hình ảnh của TS. Phan Quốc Kinh từ khi ông còn trẻ, tới lúc về già
Bức họa TS. Phan Quốc Kinh do cháu gái vẽ. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Tường Vân - chia sẻ rằng, ông là người rất hiền lành, trách nhiệm và chiều con. Khi còn sống, ông cũng rất "dễ tính" trong việc ăn uống, bất kỳ món gì do bà nấu, ông đều thưởng thức ngon lành
Đam mê trọn đời của TS. Phan Quốc Kinh là nghiên cứu, tạo ra các loại thuốc mới dựa trên chiết xuất cây cỏ đặc trưng của Việt Nam. Ông làm với tâm huyết của một dược sĩ hết lòng vì công việc, vô tư cống hiến
Lúc cuối đời, TS. Phan Quốc Kinh mắc một số bệnh, khiến ông suy giảm sức khỏe. Đây là bức họa do cháu gái của ông vẽ, trước khi ông mất
Sau khi nghỉ hưu vào năm 1998, TS Phan Quốc Kinh còn tham gia nhiều hoạt động khác liên quan tới nghề Dược. Trong đó, ông từng giữ vai trò Viện trưởng Viện Thực phẩm Chức năng
Ngoài đam mê nghiên cứu, chế tạo các loại thuốc, TS. Phan Quốc Kinh còn đặc biệt yêu thích thơ và hội họa. Ông đã viết nhiều bài thơ thể hiện tình yêu cuộc sống và nghề thuốc của mình
Với đức tính cẩn thận của người làm nghiên cứu khoa học, TS. Phan Quốc Kinh giữ gìn cả cuốn vở ghi lại kiến thức từ khi còn là sinh viên. Ông nắn nót viết bên ngoài "Kỷ niệm sâu sắc"
Trang đầu tiên của cuốn vở cho thấy sự nghiêm túc trong việc dạy và học thời đó. Giáo vụ trường Đại học Y Dược đã ghi rõ số tờ của cuốn vở, đánh số và ký tên trên từng tờ
Những dòng chữ đầu tiên trong nghiệp Dược đã đi theo TS. Phan Quốc Kinh trọn đời: "người dược sĩ phải là một người công tác khoa học, được là một bộ phận trong ngành kỹ thuật, có nhiệm vụ pha chế thuốc men, sản xuất dụng cụ y học"
"... Xác định đối tượng phục vụ của mình là nhân dân. Hết lòng hết sức phục vụ vô điều kiện cho nhân dân, mà cụ thể và chủ yếu là người dân lao động" - những dòng chữ đã đi theo "cha đẻ Berberin" suốt cuộc đời làm khoa học
Nội dung chứng nhận tập sự của "sinh viên Dược" Phan Quốc Kinh còn được lưu giữ lại
Một đời nghiên cứu, chế tạo thuốc cứu người của TS. Phan Quốc Kinh được ghi lại qua những tấm hình
Căn gác tầng 3 của ngôi nhà nằm trong con ngõ của phố Nguyễn An Ninh đã trở thành nơi lưu giữ ký ức đặc biệt về "cha đẻ Berberin"
Vợ TS. Phan Quốc Kinh nhớ mãi về sự quan tâm mà người chồng quá cố từng dành cho bà, cũng như sự vô tư, tận tụy của ông đối với công việc
Có thể nói, cố TS. Phan Quốc Kinh - "cha đẻ Berberin" - là một trong những hình mẫu nhà khoa học, nghiên cứu thực thụ. Ông đã dành cả cuộc đời cho tâm huyết và đam mê nghiên cứu thuốc, với sự vô tư, trong sáng và cống hiến hết mình
Trung Hiếu