Những điều thú vị về loài chuột
Có một loài vật nhỏ bé, bao đời nay luôn sống cạnh con người, tồn tại với nhiều quan niệm đa chiều trong văn hóa - tín ngưỡng. Đó là chuột, loài vật mà khi tìm hiểu về nó, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều điều thú vị, bất ngờ...
Những con số thống kê khó tin
Điều đặc biệt đầu tiên cần nhắc đến, chuột là loài động vật có vú nhỏ nhất, nuôi con bằng sữa. Chuột được phân thành nhiều chủng, loài, từ chuột nhắt có mặt khắp mọi nơi, đến chuột chù (có mùi hôi đặc trưng rất khó chịu), chuột chũi (chui rúc, đào hang bằng cái mũi đặc biệt), chuột cống (còn gọi là chuột nâu), chuột đen, chuột đồng (nâu vàng), chuột nhà,…
Về tốc độ sinh sản, không con vật nào nhanh và nhiều bằng chuột. Chỉ xét riêng loài chuột cống, một cặp chuột bố mẹ có thể đẻ ra một bầy con, cháu, chắt, chút, chít,... lên hàng ngàn con trong 1 năm, số lần đẻ nhiều (2-8 lứa/năm) với số con mỗi lần đẻ khá đông. Xét trên “cộng đồng chuột” rộng lớn, chuột sinh sản bất cứ nơi đâu, trong cả bốn mùa. Chỉ 3 tháng sau khi mở mắt, chuột con đã trưởng thành và bắt đầu phát dục, từ đó cứ mỗi 3 tháng, một lứa chuột con ra đời, mỗi lứa khoảng 10-12 con.
Người ta thống kê sơ bộ, 3 loài chuột sống quanh quẩn con người là chuột nhắt chui lủi trong nhà, chuột cống dạn dĩ nơi cống rãnh ẩm thấp, chuột đồng đào hang ngoài ruộng, “dân số chuột” ước tính hơn 5 tỉ, xấp xỉ loài người; họ hàng nhà chuột cũng chiếm tới 40% loài động vật có vú phân bố trên toàn trái đất.
Con người, nhất là người nông dân, vô cùng ám ảnh loài chuột. Bao mùa màng thất bát, chuột là kẻ thù chính. Thậm chí lúa gạo, hoa màu đã chở về nhà, cất trong bồ, con người vẫn ngày đêm nơm nớp canh me “lũ cướp cạn”. Từ đó, mọi người tìm mọi phương cách hòng tiêu diệt chúng: Đặt bẫy, dùng bả, thuốc cho đến săn bắt,… nhưng hiệu quả không cao. Chuột rất đỗi tinh ranh và ứng phó linh hoạt nên dù có dính bả thì ít ra vẫn sống sót 20%. Chúng tiếp tục bản năng sinh sôi, dường như để bù lại quân số bị tiêu diệt, bằng chứng là sau mỗi đợt diệt chuột, thống kê cho thấy số lượng của chúng tăng lên 3% mỗi năm, thậm chí thật khó tin khi ở nhiều loài hình thành nên gen mới để miễn dịch độc tính của thuốc.
Ở phương diện nghệ thuật, chuột là một “nhân vật phổ biến” trong loạt phim hoạt hình mê hoặc trẻ con. Từ năm 1928, chú chuột Mickey xuất hiện trên màn ảnh nhỏ và đặt một dấu ấn lớn, để liền sau đó có tới 128 bộ phim về Mickey ra đời, chưa kể đến vô số truyện tranh và đồ chơi trẻ em được mô phỏng theo hình ảnh của chú. Đến nỗi, cựu Tổng thống Mỹ - Jim Carter từng nhận định: “Chuột Mickey là một đại sứ thiện chí, một nhà kiến tạo hòa bình, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ”. Từ năm 1940, nhân vật chuột Jerry một lần nữa xuất hiện, tạo nên sự nối tiếp đầy hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái. Những bộ phim này đã khẳng định giá trị của nó khi mang về 7 giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá.
Một “định chế xã hội” đầy thú vị
Ít tai biết rằng, chuột là loài vật sống rất có tổ chức, chúng mặc định một “định chế xã hội” khá nghiêm ngặt với một cộng đồng 3 đẳng cấp rất rạch ròi: Chuột to, chuột vừa và chuột nhỏ. “Chung sống” với con người bao lâu, cũng là chừng ấy thời gian người và chuột tham gia vào một cuộc chiến triền miên, dai dẳng. Có điều, phần thắng chưa bao giờ thuộc về con người, đến nỗi các cụ ta xưa kia nhiều phen bất lực phải van xin chuột… và thở dài gọi chúng là… cụ Tý! Cất giấu lương thực, bàn mưu lập kế diệt chuột phải nói rất khẽ để tránh chúng nghe thấy đề phòng, thậm chí nổi giận, trả thù.
Loài người tự hào sở hữu trí thông minh hơn muôn loài, vậy mà nào đâu có quy phục được chuột. Chúng vẫn tồn tại quanh quẩn bên con người, ăn bất cứ thứ gì loài người làm ra để sống với sự tinh ranh và đầy cảnh giác, thích nghi cực linh hoạt.
Về “phân công lao động”, việc tìm mồi cho bầy đàn sống chung thường là nhiệm vụ của “chuột trinh sát”, là lũ chuột đực tuổi “thanh niên” lanh lợi và tinh khôn nhất. Chúng lùng sục khắp nơi, gặp mồi lạ thì nghiền ngẫm, “nghiên cứu” rất kỹ, ngửi, nếm cẩn thận để kiểm chứng. Cho đến khi thực sự thấy mọi việc tuyệt đối an toàn mới thông tin cho đồng loại.
Trong lĩnh vực “ái tình”, chuột đực cũng vô cùng “lãng mạn” bằng cách phát ra những giai điệu du dương đầy nhạc tính để quyến rũ bạn tình. Nó cũng biết ghen tuông dữ dội khi phát hiện mùi lạ và cắn xé “mụ vợ” hay bạn tình của mình khi lỡ lang chạ với “tình nhân”. Bởi vậy, sống trong bầy, chuột luôn nhận diện rạch ròi thành viên nào là máu mủ ruột thịt của mình và tuyệt đối không bao giờ xảy ra hiện tượng… “loạn luân”.
Sở hữu bộ gen giống con người đến 90%, chuột là vật thí nghiệm cho mọi bệnh lý mới, loại thuốc mới cần được kiểm tra toàn diện trước khi áp dụng cho con người. Não chuột là một trong những thành phần để sản xuất một số vắc-xin phòng bệnh. Ngoài ra, chuột đã và đang được nhân bản vô tính, biến đổi gen để nghiên cứu chữa nhiều bệnh hiểm nghèo như bệnh di truyền, ung thư hay bệnh liên quan đến hệ gen của cơ thể người…
Ghét chuột, sợ chuột là vậy nhưng ở một chừng mực nào đấy, con người cũng quý chuột, biết ơn chuột. Muôn đời nay, chuột vẫn mặc nhiên tồn tại, nhân bản giống nòi và có một chỗ đứng đặc biệt trong các vỉa tầng của đời sống, văn hóa, nghệ thuật, khoa học./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhung-dieu-thu-vi-ve-loai-chuot-a89327.html