Những điều thú vị về Ngày Quốc tế phụ nữ trên thế giới
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, hãy cùng tìm hiểu về lịch sử của ngày mùng 8/3 và những điều thú vị xung quanh ngày lễ lớn này.
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ
Ngày Quốc tế Phụ nữ ra đời nhằm đánh dấu một cuộc biểu tình lớn diễn ra ở New York vào ngày 8/3/1857. Khi ấy, phụ nữ từ các nhà máy may mặc và giày đình công, biểu tình đòi được trả lương cao hơn, làm việc ít giờ hơn, được cải thiện điều kiện làm việc và có được quyền bầu cử.
Bắt đầu từ Mỹ, ngày lễ này đã nhanh chóng được quốc tế hóa.
Ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được thông qua tại Hội nghị Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế ở Copenhagen vào năm 1910. Sau đó, Đức, Áo, Thụy Sĩ và Đan Mạch tổ chức ngày lễ đầu tiên vào ngày 19/3/1911. Khi đó, Liên Xô là quốc gia đầu tiên tổ chức ngày lễ này vào năm 1917.
Năm 1977, Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 8 tháng 3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ , một ngày hàng năm để thế giới tôn vinh, công nhận và ghi nhớ các phụ nữ cũng như những thành tựu mà họ đã đóng góp cho xã hội.
Những màu sắc tượng trưng
Ba màu sắc chính thức của ngày lễ này là tím, xanh lá cây và trắng. Trong đó, màu tím tượng trưng cho công lý và phẩm giá, màu xanh lá cây tượng trưng cho hy vọng và màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết
Chủ đề cho mỗi năm
Mỗi năm Ngày Quốc tế phụ nữ sẽ có một chủ đề khác nhau.
Chẳng hạn như năm 2021 là Select tempo, 2022 là #breakTheBias.
Ngày 8/3 năm nay có chủ đề là Embrace Equality (tạm dịch: Nắm lấy sự bình đẳng). Với khẩu hiệu: Hãy tưởng tượng về một thế giới bình đẳng. Một thế giới không có thành kiến, khuôn mẫu và phân biệt đối xử. Một thế giới đa dạng, công bằng và toàn diện. Một thế giới nơi sự khác biệt được coi trọng và tôn vinh. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên sự bình đẳng cho phụ nữ.
Cách chào đón ngày lễ này tại các quốc gia trên thế giới
Hiện nay có 27 quốc gia công nhận Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày lễ quốc gia.
Ý: Vào ngày 8/3, theo truyền thống, phụ nữ Ý sẽ được tặng những bó mimosas nhỏ màu vàng. Loài hoa này được chọn là biểu tượng của Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Ý đồng thời được coi là biểu tượng cho sức mạnh của người phụ nữ. Phụ nữ Ý thường trao những bông mai dương cho nhau như một dấu hiệu của sự đoàn kết nữ giới.
Hoa Kỳ: Ngày Quốc tế Phụ nữ không phải là một ngày lễ chính thức ở Hoa Kỳ, mặc dù tháng Ba được gọi là Tháng Lịch sử Phụ nữ của nước này. Đây được xem là tháng để mọi người công nhận những thành tựu của phụ nữ trong suốt lịch sử cả quá khứ và đương đại. Vào đúng ngày 8 tháng 3, các thành phố thủ đô sẽ tổ chức các cuộc mít tinh, hội nghị và sự kiện để cùng nhau trò chuyện và nói về tư duy lãnh đạo xung quanh chủ đề này.
Nga: Đây đã trở thành một ngày lễ quốc gia chính thức ở Nga kể từ năm 1918. Tuy nhiên, người ta không nhớ đến nhiều về nguồn gốc chính trị của sự kiện này mà thay vào đó họ tôn vinh những người phụ nữ thông qua việc tặng quà.
Trung Quốc: Trung Quốc đã công nhận Ngày Quốc tế Phụ nữ từ năm 1949 và lấy ngày mồng 7/3 làm ngày lễ chính thức. Vào ngày 8 tháng 3, các nhà tuyển dụng được khuyến khích ( không bắt buộc) cho nhân viên nữ của họ nghỉ nửa ngày. Trong ngày này, cánh mày râu thường sẽ mua quà để tặng người phụ nữ của mình.
Vương quốc Anh: Được tổ chức trong ba ngày ở Luân Đôn, bao gồm cả Ngày Quốc tế Phụ nữ và lễ hội Women of the World với sự góp mặt của các diễn giả, nhà hoạt động và nghệ sĩ biểu diễn để cùng nhau giải quyết các vấn đề mà phụ nữ trên toàn cầu phải đối mặt.
Argentina: Được tổ chức từ những năm 1900, người Argentina thường đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ bằng cách tặng quà cho những người phụ nữ mà họ yêu quý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cuộc biểu tình đã trở thành tâm điểm của ngày này. Công dân xuống đường biểu tình chống lại bạo lực, sự bất công về lương bổng và những thay đổi xã hội khác.
Australia: Người Australi đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong nhiều thập kỷ. Kể từ những năm 1970, các cuộc tuần hành đã trở thành một nét đặc trưng và phổ biến trong ngày lễ này tại Úc.Trong ngày 8.3 sẽ diễn nhiều cuộc thảo luận và sự kiện với sự góp mặt của những người phụ nữ nổi bật trong lĩnh vực của họ.