Những điều thú vị về Vodka, thứ rượu 'danh bất hư truyền' của Nga
Là một trong những thức uống nổi danh trên thế giới nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc, quy trình sản xuất cũng như lịch sử của rượu Vodka.
NGUỒN GỐC CỦA RƯỢU VODKA
Vodka là một thức uống có nguồn gốc từ Đông Âu, với tên gọi bắt nguồn từ tiếng Slavic 'voda' có nghĩa là nước hay như cách nói của người Ba Lan là 'woda'.
Cho đến nay, nguồn gốc thực chất của rượu Vodka hiện đại vẫn còn gây tranh cãi. Nga cho rằng những chai rượu Vodka đầu tiên được sản xuất ở nước này vào cuối thế kỷ thứ 9. Tuy nhiên, theo những gì được ghi lại trong Biên niên sử Vyatka năm 1174, thì khoảng hai trăm năm sau, nhà máy chưng cất rượu đầu tiên mới được xây dựng ở Khylnovsk.
Trong khi đó, Ba Lan tuyên bố nước này đã tiến hành chưng cất rượu Vodka từ thế kỷ thứ 8. Nhưng đây mới chỉ được coi là những loại rượu mạnh thô. Phải tới thế kỷ 11, Ba Lan mới được cho là sản xuất được loại Vodka đầu tiên với tên gọi 'gorzalka', ban đầu được dùng làm thuốc.
THUỐC VÀ THUỐC SÚNG
Vào thời Trung cổ, loại rượu được chưng cất như Vodka chủ yếu được sử dụng cho các mục đích y học, cũng như là một thành phần trong sản xuất thuốc súng trong suốt hơn 2 thế kỷ.
Biên niên sử Novgorod năm 1533 ghi lại rằng, ở Nga, Vodka được sử dụng thường xuyên như một loại thuốc chữa bệnh (cụm từ 'zhiznennia voda' trong tiếng Nga có nghĩa là 'nước của sự sống').
Ngày nay, khoa học đã chứng minh sử dụng rượu Vodka một cách vừa phải có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tim mạch tốt hơn, giảm căng thẳng, giữ cho cholesterol và động mạch khỏe mạnh. Ngoài ra, đây còn được cho là phương thuốc tuyệt vời phòng ngừa các bệnh mụn rộp và sốt, ngăn ngừa đột quỵ và bệnh Alzheimer.
Rượu Vodka cũng được coi là một chất khử trùng có hiệu quả, chống vi khuẩn, giúp khử trùng vết thương.
Vodka là một trong số ít các loại rượu có lượng calo tương đối thấp. Sử dụng rượu Vodka thay các loại bia chứa nhiều calo và đồ uống có đường có thể hỗ trợ cho quá trình giảm cân
SỰ PHỔ BIẾN CỦA VODKA
Sự phổ biến của rượu Vodka bắt đầu tăng mạnh từ thế kỷ 14. Một sử giả người Anh tại Moscow lúc bấy giờ từng nhận xét Vodka là "đồ uống quốc dân" của Nga. Sau đó, tới giữa thế kỷ 16, loại rượu này ngày càng nổi tiếng ở những quốc gia khác như Ba Lan hay Phần Lan.
Trong suốt thế kỷ 19, Vodka được coi là thức uống hiện diện khắp châu Âu nhờ đi cùng những người lính Nga tham chiến trong các trận đánh với Napoléon.
Sau Cách mạng Nga, những người Bolshevik đã tịch thu tất cả các nhà máy chưng cất tư nhân ở Moscow. Do đó, một số nhà sản xuất rượu Vodka ở Nga đã di cư, mang theo các kỹ năng và công thức pha chế của họ. Một người sống lưu vong như vậy đã làm sống lại thương hiệu của gia đình ở Paris, với tên gọi mới là Smirnoff.
Nhà máy chưng cất rượu Vodka đầu tiên ở Mỹ được thành lập vào năm 1934. Sau đó, nó được bán lại cho một công ty đồ uống địa phương. Từ khởi đầu nhỏ này, tới đầu những năm 1940, Vodka đã ngày càng phổ biến rộng rãi hơn ở các nước phương Tây.
Cho đến ngày nay, Nga vẫn là một trong những nước tiêu thụ Vodka nhiều nhất thế giới (năm 1911, rượu Vodka chiếm 89% tổng lượng rượu được tiêu thụ ở Nga và bắt đầu giảm xuống còn 70% vào năm 2016).
Ngày nay, rượu Vodka chiếm 20% thị trường Mỹ và được coi là một trong những thức uống có cồn phổ biến nhất trên toàn thế giới.
SẢN XUẤT RƯỢU VODKA
Ban đầu, do cách chế biến còn thô sơ, Vodka thường chứa các tạp chất. Để che giấu chúng, nhà sản xuất đã ướp rượu với trái cây, thảo mộc hoặc gia vị. Khoảng năm 1405, Vodka bắt đầu được sản xuất với số lượng lớn.
Năm 1505, Nga lần đầu xuất khẩu Vodka sang Thụy Điển trước khi trải qua một quá trình "trắc trở" để trở thành thức uống phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới như hiện tại.
Ngày nay, Vodka thường được chưng cất từ etanol trong nước và khoai tây hoặc ngũ cốc lên men, nên nó chứa ít dầu mỡ hơn so với các loại đồ uống có cồn khác. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, rượu Vodka sẽ được lọc carbon, khiến nó trở thành một trong những thức uống tinh khiết nhất trên thế giới.
Rượu Vodka thường không để lâu. Sau khi lên men và chưng cất, rượu được đóng chai và bán ngay lập tức.
CÁCH UỐNG RƯỢU VODKA
Uống Vodka kiểu truyền thống thường rất đơn giản khi không pha rượu với bất kỳ thứ gì khác như nước, đá hay trái cây. Tuy nhiên, vẫn có một số loại Vodka được thêm vào các hương vị như gừng, trái cây, vani, quế, anh đào hoặc táo. Ở Nga, rượu Vodka hương mật ong và hạt tiêu rất được ưa chuộng. Trong khi đó, ở Ba Lan, còn có cả rượu Vodka vị cỏ bò rừng.
CÁC LOẠI VODKA ĐỘC LẠ
"Vodka Tỷ phú" được công nhận là loại Vodka đắt nhất trên thế giới với giá bán lên tới 3.7 triệu USD cho mỗi chai. Những chai Vodka Tỷ phú chứa năm lít rượu Vodka độc quyền, được phát triển theo công thức bí mật của Nga.
Tuy nhiên, yếu tố tuyệt vời nhất trong thành phần rượu là chất lỏng chưng cất được đổ lên trên những viên kim cương mà bản thân chúng đã có giá trị hàng triệu đô la. Trong khi đó, vỏ chai rượu được đính hơn 3.000 viên kim cương và pha lê Swarovski tạo nên bảng chữ cái 'I' trong từ "Billionaire", có nghĩa là "Tỷ phú" trong tiếng Anh.
NHỮNG SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ VODKA
Bảo tàng Vodka ở St.Petersburg là bảo tàng đầu tiên ở Nga và trên thế giới dành riêng cho loại rượu này. Tham quan bảo tàng, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu những kể câu chuyện thú vị về nước Nga, từ việc sản xuất 'rượu bánh mì' đầu tiên đến khi trở thành hiện tượng của ngành công nghiệp rượu Vodka quốc tế hiện đại.
Sau Thế chiến thứ II, toàn bộ thủ đô Moscow của Nga được cho là hết sạch rượu Vodka.
Vào tháng 9 năm 1998, các giáo viên ở một khu vực ở Siberia, Nga đã được trả lương bằng rượu Vodka vì chính quyền gặp khó khăn. Hơn 8.000 giáo viên đác được phát khoảng 15 chai rượu mỗi người để trừ vào khoản lương trong hai tháng.
Ở Nga, 'Vodka' là một trong 1.000 từ được người dân sử dụng nhiều nhất.
Theo John Dole, chuyên gia tại Đại học bang North Carolina (Mỹ), rượu Vodka có khả năng giúp nở hoa nhanh hơn do đặc tính kháng khuẩn. Ngoài ra, khi thêm một vài giọt rượu Vodka mạnh vào bình nước, có thể làm chậm quá trình héo tàn bằng cách ức chế quá trình sản xuất ethylene của hoa, một loại khí chín mà cây thải ra.
Đỗ An (Tổng hợp)