Những đồ chơi trẻ em nguy hiểm bị cấm lưu thông và chế tài xử phạt hành vi buôn bán loại sản phẩm này
Hiện nay, các loại đồ chơi nguy hiểm, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến giáo dục nhân cách của trẻ em vẫn được bán công khai tại nhiều cửa hàng, sàn thương mại điện tử.... Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã đưa ra thông tin khuyến cáo về các sản phẩm đồ chơi trẻ em bị cấm theo quy định hiện hành.
Những loại đồ chơi trẻ em bị cấm
Hiện nay, trên thị trường, sản phẩm đồ chơi trẻ em rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá thành. Ngoài những sản phẩm quen thuộc, an toàn và có tính giáo dục, nhiều cửa hàng, website, ứng dụng, sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội vẫn đăng bán công khai các loại đồ chơi nguy hiểm, thuộc danh mục đồ chơi kích động bạo lực, đồ chơi vi phạm thuần phong mỹ tục. Các sản phẩm này có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng xấu đến người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Đây đều là những mặt hàng bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay.
Theo Mục X Quyết định 88/2000/QĐ-BTM ban hành danh mục chi tiết hóa hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị cấm bao gồm:
1. Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng:
- Súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác.
- Súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ.
2. Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác:
- Giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá.
- Giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...).
3. Các loại pháo: pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loại vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng.
4. Các loại đồ chơi ảo.
5. Các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em.
6. Các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm.
7. Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng trang thiết bị khác hoặc không bảo đảm an toàn cho trẻ em.
8. Các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, có mục đích xấu.
Hành vi buôn bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm bị xử phạt như thế nào?
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, chế tài đối với hành vi buôn bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, sản phẩm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, buôn bán hàng cấm được quy định như sau:
- Theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, các hành vi vi phạm quy định về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 50.000.000 đồng.
- Theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 80.000.000 đồng và có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Theo Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000 đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.