Những 'đóa hoa' thầm lặng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan
Chiến tranh qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh mang lại thì không gì bù đắp được. Nhiều anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và mãi mãi không trở về. Có những người may mắn hơn, sống sót trở về nhưng lại mang trong mình di chứng chiến tranh, bệnh tật, mất sức, tâm thần, trở thành thương binh, bệnh binh.
Được thành lập năm 1965, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) có chức năng chăm sóc, phục hồi sức khỏe và thực hiện các chế độ chính sách cho thương, bệnh binh nặng bị tâm thần và con em thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hiện nay, trung tâm có 88 thương binh (đều mất sức trên 81%) đang điều trị và được chăm sóc bởi đội ngũ y bác sĩ, nhân viên có trình độ và kiến thức chuyên sâu về bệnh tâm thần.
Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những người có vấn đề về thần kinh còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều; thế nhưng, với tình thương và tấm lòng của mình, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh như người thân của mình.
Phần lớn cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng viên ở trung tâm đều còn trẻ và tràn đầy nhiệt huyết với nghề. Trong ca trực của mình, họ không chỉ làm việc theo chuyên môn, nghiệp vụ mà còn lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân; luôn phải theo dõi để phát hiện các hiện tượng bất thường về sức khỏe hay những vấn đề khác của bệnh nhân. Điều dưỡng Vũ Thị Thu Huyền - người đã có 10 năm chăm sóc các thương bệnh binh nơi đây luôn tự hào với công việc tuy có nhiều vất vả. Chị chia sẻ: “Ở đây bệnh nhân vào ra đều gắn bó với các y, bác sĩ và điều dưỡng viên. Chúng tôi gọi bệnh nhân là bác, cô, chú... và coi như người thân của mình. Có những bác ở trung tâm từ những ngày thành lập đến nay đã trên 50 năm, không có thân nhân gia đình, đến khi mất đi cũng chính các cán bộ của cơ quan chôn cất, chăm sóc phần mộ”.
Theo chị Huyền, đời sống, bệnh lý của bệnh nhân mỗi người một khác nên đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc phải kiên trì theo dõi để biết được thói quen của mỗi người. Các thương, bệnh binh ở đây mỗi người đều sống trong thế giới tưởng tượng của riêng mình, họ không hề biết đến vui buồn bên ngoài. Có những bệnh nhân bị mắc bệnh hoang tưởng, họ luôn nghĩ mình đang sống trong chiến tranh, nghĩ mình bị hại, có tội…. Trong những trường hợp như thế, các bác sĩ phải dùng thuốc an thần để trấn an tinh thần của bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân ở đây đều được thăm khám hàng ngày, điều trị theo phác đồ riêng để điều chỉnh trạng thái tâm lý trở về tương đối bình thường.
Từ bệnh lý thần kinh, họ dần trở nên ngại hoạt động, sinh hoạt hơn bình thường, họ đi dần vào thế giới riêng của mình. Chính vì thế, các bác sĩ thường tổ chức những hoạt động phục hồi chức năng như: Lao động ngoài trời, nhổ cỏ, tập máy, xem tivi, chơi thể thao nhẹ… để các thương, bệnh binh nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, những đợt bệnh nặng phải lên tuyến trên điều trị, Trung tâm đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương, bệnh binh điều trị xong. Ở trung tâm, tất cả các bác sĩ, điều dưỡng viên đều nhớ hết tên tuổi, quê quán, thói quen của các bệnh nhân, họ gắn bó với nhau như người thân trong một gia đình lớn.
Bác sĩ Đinh Lệnh Dự (Trưởng khoa Bệnh nhân kích động) cho biết: “Có những bệnh nhân vô cảm, chỉ sống trong thế giới của mình, bắt buộc chúng ta phải thông cảm. Tôi cũng như các sĩ nơi đây đã nhiều năm học tập, nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tâm thần với mong muốn qua đó có thể gần gũi, gắn bó, chăm sóc, giúp đỡ các thương bệnh binh có cuộc sống hòa nhập hơn với cộng đồng”. Theo bác sĩ Dự, tùy theo mức độ bệnh tật của mỗi người mà chia bệnh nhân ở trung tâm thành 4 nhóm. Nhóm điều trị đặc biệt là chăm sóc hoàn toàn cho các bệnh nhân từ ăn uống tới sinh hoạt hàng ngày. Còn lại được chia thành 3 cấp độ chăm sóc: Bắt ép, hướng dẫn và nhắc nhở.
Phó giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan - Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy là người gắn bó với Trung tâm 24 năm qua, chị làm việc và chăm sóc các thương, bệnh binh từ sau khi tốt nghiệp đại học. Hằng ngày, chị vẫn xuống từng phòng bệnh, thăm hỏi, chuyện trò để động viên, an ủi các thương, bệnh binh. Nhắc lại câu chuyện của 20 năm trước, khi mới vào nghề, chị kể, có lần bị một bác thương binh hành hung khi lên cơn rối loạn kích động. Lúc đó, chị chỉ biết khóc và ôm chặt lấy bác để đợi thuốc ngấm, cơn đau của bác giảm dần. Vừa sợ, vừa thương nhưng với tình cảm và sự chân thành của mình, chị vượt qua tất cả, chăm sóc, giúp đỡ các thương, bệnh binh ngày càng chu đáo hơn. Người thương binh năm đó đã qua đời nhưng vào mỗi dịp lễ, Tết hàng năm, phần mộ ông tại nghĩa trang của Trung tâm vẫn được chị Thủy cùng đội ngũ y bác sĩ chăm sóc, sửa sang. Điều làm chị cảm động và ấn tượng nhất vẫn là sự chu đáo, nhẹ nhàng, có khi là ân hận của các thương, bệnh binh sau mỗi cơn bệnh.
Cao Thị Trang (sinh năm 1989) - một trong những điều dưỡng viên trẻ nhất của Trung tâm được các bác thương binh coi như cháu gái của mình. Sở thích ăn uống, cách sinh hoạt, tính tình của mỗi bác, Trang đều nắm rất rõ. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng hầu hết thời gian, kể cả cuối tuần dù không phải ngày trực, Trang cũng đến để giúp đỡ các bác. Trang chia sẻ, các cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm đều rất yêu thương các thương, bệnh binh nơi đây; có khi cả tháng không ngày nghỉ nhưng ai cũng vui vẻ, hài lòng, vì tất cả đều làm với tinh thần tự nguyện.
Qua từng năm, tuổi tác của các thương, bệnh binh ngày càng cao hơn. Những bệnh về thần kinh có phần thuyên giảm sau quá trình điều trị tại Trung tâm, nhưng các bác mắc thêm các bệnh nội và ngoại khoa, về huyết áp, tim, gan, thận… Vì thế, các y, bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm cũng phải tích cực trau dồi, học tập thêm chuyên khoa nội, ngoại để phục vụ và chăm sóc các thương, bệnh binh tốt hơn.
Niềm vui của các y, bác sĩ, điều dưỡng khi chăm sóc thương, bệnh binh tại Trung tâm cũng rất đơn giản; nhiều khi chỉ là những nụ cười, câu nói vui, hay một hành động ý nghĩa của các thương, bệnh binh đã là động lực to lớn để các y bác sĩ tiếp tục cố gắng. Với tình yêu thương chân thành, chăm sóc chu đáo thương, bệnh binh như người thân trong gia đình mình của các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.