Michael Jordan là biểu tượng văn hóa đại chúng trên thế giới. "Michael Jordan là một huyền thoại theo mọi nghĩa. Dòng giày thể thao mang tên ông cũng ở tình trạng tương tự", Esquire nhận định. Vị thế và phong cách của ông đã khiến thương hiệu Jordan trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều "đầu giày". Ảnh: Dunksrnice.
Vào năm 1984, Nike là nhà sản xuất giày chạy bộ. Họ đang gặp khó khăn và tìm cách thay đổi. Khi đó, bóng rổ là môn thể thao dần phổ biến tại Mỹ, và sự chú ý dành cho tài năng mới Michael Jordan. Ảnh: The New York Times.
Ban đầu, Michael Jordan từ chối hợp tác với Nike vì thích adidas và Converse hơn. Song cả hai đều không đưa ra đề nghị tốt như Nike. Tân binh bóng rổ đã ký hợp đồng 5 năm, trị giá 500.000 USD/năm với thương hiệu Mỹ. Bản hợp đồng này mở đường cho sản phẩm thời trang bóng rổ của hãng. Trong tháng đầu tiên kể từ khi giới thiệu, thương hiệu Mỹ đã thu về 70 triệu USD. Ảnh: Sole Collector.
Michael Jordan cùng Nike đã xây dựng dòng dòng Air Jordan trở thành GOAT (viết tắt của Greatest of All Time - vĩ đại nhất mọi thời đại) của giày thể thao. Hiện nay, Air Jordan 1 thuộc top giày thể thao phổ biến nhất trên các trang thương mại điện tử. Từ bộ đệm khí mang tính cách mạng thời bấy giờ đến biểu tượng đôi cánh đại diện cho tân binh bay cao, AJ1 được coi như "chén thánh" của nhiều nhà sưu tập. Ảnh: Unsplash.
Đôi AJ ban đầu được sản xuất dành riêng cho Michael Jordan vào cuối năm 1984. Nó được thiết kế bởi Peter C. Moore. Đến tháng 4/1985, nó được giới thiệu rộng rãi trước công chúng. Trên thị trường đấu giá hoặc bán lại, các mẫu giày Michael Jordan từng diện được rao với giá hàng chục nghìn USD. Ảnh: SLAM.
Năm 1987, các cuộc họp bàn về thiết kế giày diễn ra không tốt đẹp. Dự án được trao cho Tinker Hatfield với bản tóm tắt mơ hồ: "Chỉ cần làm điều gì đó với nó". Hatfield vừa hoàn thành công việc thiết kế giày có bộ phận đệm khí Air mang tính cách mạng. Nhà thiết kế sau đó đã giới thiệu nguyên mẫu Air Jordan 3 với các đặc điểm như: Cổ trung, không có dấu swoosh, da nguyên tấm mềm mại. Ảnh: Nike.
Đôi giày sở hữu bộ phận khí có thể nhìn thấy ở phần gót chân. Song điểm thú vị nhất của AJ3 là logo Jumpman (lấy cảm hứng từ Michael Jordan năm 1984) xuất hiện trên lưỡi gà. AJ3 đã hình thành tiêu chuẩn mới về thời trang và công nghệ cho giày thể thao mang nhãn hiệu Michael Jordan. Ảnh: Highsnobiety.
Jordan lần đầu tiên mặc Air Jordan 3 trong trận NBA All-Star năm 1988. Tuy nhiên, ông thường diện mẫu "White Cement" vào đầu tháng 11/1987 trong một số trận đấu. Các màu "White Cement" và "Black Cement" sau đó ra mắt vào tháng 1/1988. Ảnh: KicksOnFire.
Năm 1995, Michael Jordan khi đó là ngôi sao lớn. Sau hai mùa giải thi đấu tại MLB, ông giành được danh hiệu vô địch NBA lần thứ tư. Thần tượng bóng rổ còn đóng vai chính trong phim Space Jam. Đôi Air Jordan 11 ông diện trong phim là một trong những AJ phổ biến nhất. Ngoài ra, nguồn cung hạn chế của AJ11 khiến "cơn khát giày" trở nên dữ dội hơn. Điểm nổi bật nhất của đôi giày là tấm chắn bùn bằng da đã được cấp bằng sáng chế. Ảnh: EssentiallySports.
Trọng lượng của nó nhẹ hơn da thật và có xu hướng không giãn ra nhiều, giúp bảo vệ chân. Lớp da này cũng tăng vẻ ngoài sang trọng cho đôi giày. Sau khi ra mắt, một số người diện nó với vest thay cho giày công sở. Tháng 7, nhà đấu giá Sotheby's cho lên sàn đôi Air Jordan 11 "Space Jam" mà Michael Jordan chưa từng diện. Đôi giày được bán với giá hơn 176.000 USD. Ảnh: Sotheby's.
AJ11 gây chú ý trong Space Jam. Song đôi giày đầu tiên của Jordan đã làm rạng danh màn bạc là Air Jordan 4. Nó từng xuất hiện trong phim Do the Right Thing (1989). Đặc biệt, đây là đôi AJ đầu tiên được giới thiệu trên thị trường toàn cầu. Mẫu giày do Tinker Hatfield thiết kế. Ảnh: Hypebeast.
AJ4 được xây dựng dựa trên các yếu tố thiết kế tiến bộ. Nó sở hữu hệ thống hỗ trợ viền mới, được gọi là "cánh" cùng lưới đan trên lưỡi và các tấm bên. AJ4 được làm nhẹ hơn để mô phỏng cảm giác bay. Logo Jumpman vẫn xuất hiện trên lưỡi gà. Song phiên bản này có thêm chữ "Flight" bên dưới. Ảnh: Nice Kicks.
Sự thành công của AJ1 đã khuyến khích thương hiệu giới thiệu dòng giày tiếp theo vào năm 1986 cho mùa bóng rổ mới. Được thiết kế bởi Peter Moore và Bruce Kilgore, Air Jordan 2 đặc biệt ở chỗ nó được sản xuất tại Italy. Ảnh: Highsnobiety.
AJ2 có bộ phận Air-Sole với chiều dài đầy đủ, tạo lớp đệm cho đôi chân đau của ngôi sao NBA. Nó nổi bật với lớp da giả thằn lằn. Ngoài ra, đây là mẫu giày đầu tiên không có dấu swoosh đặc trưng, mở đường cho việc phá bỏ giới hạn ở AJ3. Ảnh: Sohu, Complex.
Người mẫu bị biểu tình phản đối, đánh rơi giày trên sàn diễn Những tình huống bất ngờ để lại dấu mốc đặc biệt trong lịch sử của thương hiệu Victoria's Secret.
Phương An