Những đổi thay khi Đề án 06 'phủ sóng' về cơ sở
Đề án của Chính phủ 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06) đã trải qua 6 tháng triển khai và đạt được những kết quả tích cực.
Góp phần vào những thành công bước đầu là vai trò gương mẫu, đi đầu của Bộ Công an với sự chỉ đạo quyết liệt, tinh thần trách nhiệm rất cao, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống"; phân cấp thủ tục hành chính đến huyện, xã để tạo thuận lợi cho người dân, đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên trên hết, trước hết...
Chuyện ghi ở xã phía Nam Thủ đô
Chúng tôi đến địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội – nơi được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi quần thể văn hóa - tôn giáo chùa Hương, vào một ngày đầu tháng 6. Đây là xã bán sơn địa với địa bàn rộng, tiếp giáp các huyện của hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam. Cái nắng hè oi nồng báo trước cơn mưa gây cảm giác bức bối, khó chịu, nhưng tại trụ sở Công an xã, các CBCS vẫn đang niềm nở tiếp đón người dân đến làm thủ tục cấp mã định danh điện tử. Trong khi Thượng úy Đinh Hữu Thế vui vẻ đón, hướng dẫn người dân xuất trình Căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử và ngồi vào vị trí xác thực khuôn mặt, vân tay, thì Trung úy Vũ Quốc Anh lại tỷ mẩn kiểm tra trên hệ thống máy tính xem thông tin trên CCCD và người dân có trùng khớp hay không… Trình tự, thủ tục khá nhanh gọn và liên tục như thoi đưa, người dân đều ý thức, xếp hàng theo tuần tự, không chen lấn.
Nhà cách trụ sở xã 1km, ông Nguyễn Văn Tại ở thôn Đục Khê đạp xe đến làm hồ sơ cấp mã định danh điện tử, hồ hởi bộc bạch: "Cán bộ Công an hướng dẫn rất tận tình, nhanh chóng, chỉ loáng cái là xong, không hề mất nhiều thời gian". "Chủ trương này của Chính phủ là rất đúng, chỉ một cái thẻ gọn nhẹ mà tích hợp toàn bộ giấy tờ. Ở gia đình tôi là chủ hộ thì tất cả thông tin của người trong gia đình đã có trong đây, khi đi làm các thủ tục hành chính chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, giảm bớt nhiều biểu mẫu, giấy tờ...", ông Nguyễn Tiến Lộc ở thôn Phù Yên vui mừng chia sẻ về tiện ích của mã định danh điện tử và CCCD gắn chip.
Là xã xấp xỉ 24.000 dân trong khi chỉ có 8 cán bộ Công an xã chính quy nên Công an xã Hương Sơn khá áp lực trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã định danh điện tử. Đến nay, đơn vị đã cấp được 5.000 mã định danh trong số chỉ tiêu khoảng 12.000 mã phải hoàn thành. Đặc thù địa bàn là nơi có quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) ngày thường đón 300-400 khách; thứ bảy, chủ nhật từ 1.000-2.000 khách và dịp lễ hội lên đến 50.000 - 60.000 người nên lực lượng Công an xã nơi đây luôn căng mình để đảm đương các nhiệm vụ, từ bảo đảm ANTT, cấp CCCD, mã định danh điện tử, đăng ký xe và các công tác khác...
Từ thực tế địa bàn rộng, dân số đông mà lực lượng Công an xã còn mỏng nên Công an huyện Mỹ Đức đã triển khai với cách làm khoa học, sáng tạo, phù hợp để đáp ứng yêu cầu đặt ra. "Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện Mỹ Đức ban hành các kế hoạch chỉ đạo UBND và Công an các xã, thị trấn triển khai thực hiện Đề án 06, trong đó làm tốt công tác điều tra cơ bản trên địa bàn; tổ chức hội nghị, làm việc với tất cả Chủ tịch UBND xã, thị trấn quán triệt chủ trương của Bộ Công an; xây dựng các bài tuyên truyền chung để phát trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn về lợi ích người dân được hưởng", Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức thông tin.
Cùng với đó, Công an huyện Mỹ Đức chỉ đạo Công an xã, giao chỉ tiêu cho cán bộ phụ trách các thôn, xóm, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tuyên truyền, vận động người dân đến đăng ký cấp mã định danh điện tử. Khi triển khai cấp chia làm 3 ca sáng, chiều, tối, phục vụ hết công dân mới thôi; đồng thời, cán bộ Công an xã viết giấy mời người dân, bố trí theo mốc thời gian phù hợp để họ không mất công đến sớm, chờ đợi lâu. "Đối với các cháu sinh năm 2004, 2007, Công an huyện phối hợp các trường thông báo danh sách, thời gian, bố trí phương tiện cùng giáo viên nhà trường đón các cháu, đưa đến trụ sở Công an huyện, Công an xã để làm thủ tục cấp mã định đanh điện tử phục vụ đăng ký dự thi trực tuyến, qua đó, vừa đảm bảo an toàn, vừa tập trung, đạt kết quả rất tốt", Thượng tá Đinh Trung Dũng, Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức chia sẻ.
Nhờ công tác chỉ đạo xuyên suốt, tổ chức tuyên truyền bảo đảm hiệu quả, có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân, cộng với việc tập huấn nghiệp vụ kỹ càng cho CBCS, thường xuyên họp rút kinh nghiệm để khắc phục khó khăn, vướng mắc nên việc cấp mã định danh điện tử không chỉ ở Công an xã Hương Sơn mà các xã khác như Hợp Tiến, Tuy Lai... đều thuận lợi, bảo đảm tiến độ. Kết quả cấp mã định danh điện tử ở huyện Mỹ Đức đến nay đạt 70%, một trong những huyện xếp đầu toàn TP Hà Nội và được nhiều đơn vị đến học tập kinh nghiệm.
Cảm động lá thư của “công dân số” gửi từ biên giới
Chiềng Khừa là 1 trong 3 xã biên giới giáp Lào của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cùng với lực lượng Công an cơ sở cả nước, những ngày này, Công an 13 xã, 2 thị trấn thuộc Công an huyện Mộc Châu, Công an tỉnh Sơn La đang tập trung lực lượng, phương tiện, "vượt nắng thắng mưa" vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, giao thông đi lại để gấp rút hoàn thành tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử và hướng dẫn, làm các thủ tục cho người dân đăng ký xe ôtô tại huyện, đăng ký xe môtô tại xã, thị trấn, cũng như thành lập các tổ công tác lưu động xuống xã. Nơi miền biên viễn, chúng tôi đã được người dân kể lại câu chuyện xúc động, nhân văn.
Trưa 16/5, Đại úy Trần Văn Hà, tổ cấp CCCD lưu động, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an huyện Mộc Châu nhận được thông tin tại bản Ông Lý có công dân bị tàn tật, đi lại rất khó khăn nên đã báo cáo lãnh đạo, nhanh chóng đi xe máy 9km để đón ông Đinh Văn Hoan đến trụ sở xã, tận tình cùng đồng đội hướng dẫn, cấp tài khoản định danh, sau đó lại chở ông về tận nhà.
Cảm động trước việc làm của các CBCS Công an, con trai ông Hoan là anh Đinh Văn Biền (SN 1976) đã viết thư cảm ơn gửi đến Công an huyện Mộc Châu, nội dung thư có nêu: "Ngày 16/5/2022, Ban quản lý bản Ông Lý thông báo về việc cấp CCCD và định danh điện tử cho người dân tại trụ sở Công an xã Chiềng Khừa, tuy nhiên, bố đẻ của tôi bị tàn tật, không thể đi lại được, hơn nữa, gia đình tôi khó khăn, không có phương tiện đi lại nên rất khó cho việc đi làm CCCD, bản thân tôi nghĩ rằng sẽ không đi làm CCCD cho bố tôi nữa… Đến chiều, cán bộ tổ CCCD Công an huyện Mộc Châu đã đến nhà đón bố tôi ra làm CCCD, đồng thời, tuyên truyền giải thích cho gia đình tôi hiểu những lợi ích khi được làm CCCD, cấp định danh điện tử và dặn tôi chuẩn bị các giấy tờ cá nhân như thẻ BHYT… để được đăng ký định danh điện tử. Tôi rất vui mừng, cảm kích và cảm ơn các đồng chí trong tổ cấp CCCD. Thay mặt gia đình chúc các đồng chí Công an sức khỏe, hạnh phúc, công tác tốt và luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân…”.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Hoàng Vinh Hiển, Trưởng Công an huyện Mộc Châu cho biết, tính đến ngày 6/6/2022, toàn huyện Mộc Châu đã đăng ký được 23 xe ôtô; tiếp nhận, đăng ký 21 xe môtô tại Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu và cấp CCCD gắn tài khoản định danh điện tử cho 3.052 công dân.
Cùng thời điểm này, ở nơi phên giậu Tổ quốc xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, 5 cán bộ Công an chính quy được Bộ tăng cường về công tác tại Công an xã cũng đang khắc phục khó khăn để phục vụ bà con các dân tộc được thuận lợi nhất trong quá trình đến trụ sở xã đăng ký xe máy và cấp tài khoản định danh điện tử. Từ ngày 21/5 đến nay, với sự trợ giúp của Thiếu tá Lâm Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện; Đại úy Nguyễn Xuân Sơn, cán bộ Đội Đăng ký Phòng CSGT, cùng cán bộ Phòng Tham mưu Công an tỉnh, Công an huyện Phong Thổ, việc lắp máy móc, đi vào vận hành, hướng dẫn người dân đăng ký xe, tích hợp cấp tài khoản định danh điện tử đã được cán bộ Công an xã Dào San thực hiện thành thục. Thiếu tá Nguyễn Trung Lộc, Trưởng Công an xã Dào San cho biết, tính từ ngày 21/5 đến nay, đơn vị đã đăng ký 7 xe máy cho người dân.
Một trong những công dân số ở miền biên giới được thụ hưởng Đề án 06 là em Phàng A Dia (SN 2002), trú tại bản Dền Thàng A, xã Dào San khi đăng ký xe vào ngày 31/5. Em phấn khởi cho biết, trước đây, dân bản muốn đăng ký xe máy phải đi hàng chục km đường rừng núi quanh co mới đến được trung tâm TP Lai Châu, khó khăn nhất vào mùa mưa đường hay sạt lở, lũ quét. Bây giờ, chỉ đi 5km từ bản đến trụ sở xã là em và bà con trong bản đã được cán bộ hướng dẫn, làm thủ tục đăng ký xe, cấp tài khoản định danh điện tử, việc này tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên rất nhiều. Em Dia chỉ là một trong số rất nhiều người dân ở địa bàn biên giới được thụ hưởng chính sách khi Việt Nam xây dựng Chính phủ số.
Thượng tá Đinh Văn Báu, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lai Châu cho biết, được sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an tỉnh, với tinh thần chủ động, sáng tạo trong cách làm, khắc phục khó khăn, 4 tổ công tác CSGT phối hợp cùng các đơn vị chức năng Công an tỉnh, hướng dẫn Công an 5 xã Dào San, Khun Há, Mường Khoa, Phúc Than, Mường Kim, tính từ 21/5 đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký được 416 xe môtô, 57 xe ôtô tại địa bàn cơ sở. Còn theo số liệu của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, tính đến ngày 31/5/2022, Công an tỉnh Lai Châu đã cấp định danh điện tử cho 24.078 công dân. Đây là những kết quả đáng khích lệ bước đầu, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 tại địa bàn cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Cùng với TP Hà Nội, các tỉnh Lai Châu, Sơn La như đã nêu trên, các địa phương đều đang triển khai mạnh mẽ Đề án 06 xuống cơ sở. Tính đến ngày 30/5/2022, lực lượng Công an cả nước đã thu nhận hơn 3 triệu hồ sơ đăng ký cấp mã định danh điện tử. Số lượng cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD là 5.782/13.166 (đạt tỷ lệ 43,9%); đã có 246.098 công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương có công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh nhiều nhất.
Làm thực chất, vì nhân dân phục vụ
Tháng 5/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Tổ công tác đã tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, UBND địa phương triển khai Đề án 06 theo đúng lộ trình. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành 1 Nghị quyết, 1 Chỉ thị đẩy mạnh việc phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó, Bộ Công an đã hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy triển khai có hiệu quả 3 dịch vụ công phục vụ những thủ tục hành chính "sát sườn" với người dân, đó là cấp hộ chiếu phổ thông online; đăng ký, cấp biển số xe môtô tại Công an cấp xã; đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến.
Theo báo cáo của Tổ công tác triển khai Đề án 06, từ ngày 15/5 đến 31/5/2022, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội và Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận 467 hồ sơ đăng ký cấp hộ chiếu online. Đối với việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, từ ngày 4/5 đến 23/5/2022 đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó 933.772 thí sinh đăng ký trực tuyến (đạt tỷ lệ 93,1% - đây là các thí sinh hiện đang học lớp 12) và 69.152 thí sinh đăng ký trực tiếp (đạt tỷ lệ 6,9% - đây là các thí sinh tự do, nộp hồ sơ trực tiếp ở nhà trường và do nhà trường nhập hồ sơ lên hệ thống quản lý thi). Về kết quả đăng ký cấp biển số xe tại cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc, từ ngày 21/5 đến 31/5/2022 có 21.737 biển số xe ôtô, trong đó Công an cấp huyện 10.851 biển số; 61.624 biển số xe mô tô, trong đó Công an cấp xã 23.348 biển số.
Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình, đến nay đã triển khai kết nối chính thức với 9 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác (Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ Y tế (dữ liệu tiêm chủng); Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Qua việc kết nối đã xác thực, làm sạch nhiều dữ liệu có liên quan, phục vụ tích cực việc thực hiện các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của Đề án. Điển hình như đã đồng bộ được 27,1 triệu thông tin Bảo hiểm xã hội để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.
Để có sự đồng bộ triển khai Đề án 06 về tận huyện, xã, trước hết đó là sự quyết tâm của người đứng đầu và sự đồng thuận của Công an các đơn vị, địa phương. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác cùng bộ phận thường trực (Văn phòng Bộ Công an, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH) thường xuyên làm việc, kết nối với các bộ, ngành để triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, cũng như khẩn trương làm việc với Công an 10 tỉnh Bắc miền Trung, Tây Nguyên; Công an 10 tỉnh tuyến Đông Bắc; làm việc với Tổ công tác tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên về tình hình, kết quả triển khai Đề án 06. "Đặc biệt, hằng ngày, Bộ Công an đều ban hành Điện chỉ đạo Công an các địa phương duy trì, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống" - Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH thông tin thêm.
Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, trong đó có vai trò tiên phong của Bộ Công an được thể hiện rõ nét, nhất là trong các cuộc họp định kỳ. Vừa qua, chủ trì Hội nghị Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 theo chức năng của lực lượng CAND ngày 6/4, Bộ trưởng Tô Lâm đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các dịch vụ công của lực lượng CAND trên môi trường điện tử theo đúng tiến độ, cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. "Các đơn vị, địa phương phải làm thực chất, tất cả vì cái chung, vì nhân dân phục vụ; việc tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ thực hiện dịch vụ công phải trực tiếp xuống cơ sở để khảo sát, lắng nghe ý kiến của những người trực tiếp thực hiện, bảo đảm thuận tiện nhất, khi ban hành là thực hiện được ngay", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm, coi việc "làm sạch", bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư thường xuyên, hằng ngày là mệnh lệnh chiến đấu, kỷ luật công tác, lực lượng Công an các cấp từ Bộ đến tỉnh, huyện, xã đều trên dưới một lòng thực hiện quyết liệt, tạo thành một sức mạnh liên hoàn để hoàn thành Đề án lớn của Chính phủ, phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...