Những đổi thay ở xã miền núi Canh Vinh
Xã Canh Vinh là 'trái tim' giữa đại ngàn huyện miền núi Vân Canh (Bình Định). Nơi đây đang từng bước chuyển mình vươn lên tổng lực về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân và tận dụng từ nguồn lực xây dựng nông thôn mới...
Nâng cao thu nhập người dân
Từ năm 2013, xã Canh Vinh được UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Xuất phát điểm trong gian khó, xã Canh Vinh chỉ đạt được 9 tiêu chí nông thôn mới, cuối năm 2019 đạt 17 tiêu chí và đến nay hoàn thành đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đạt được kết quả trên, toàn bộ hệ thống chính trị xã Canh Vinh đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tập trung xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, chăn nuôi gia súc trang trại tập trung, phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 42,31 triệu đồng/người/năm, tăng 22,05 triệu đồng so với năm 2016.
Bên cạnh nội lực ở địa phương, vào năm 2012, hai huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã kết nghĩa nhằm tổ chức tham quan mô hình phát triển kinh tế, học tập kinh nghiệm từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung ở huyện Hương Sơn. Từ các chuyến học tập thực tế, nhiều hộ dân ở huyện Vân Canh thoát nghèo bền vững.
Điển hình từ học tập mô hình nuôi hươu sao, ông Nguyễn Trọng Đào (ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh) bắt đầu lập nghiệp với 20 con hươu sao, đến nay, ông Đào vươn lên làm giàu bền vững và là nông dân tiêu biểu ở địa phương.
Nông dân Nguyễn Trọng Đào cho hay: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, tôi được đến Hà Tĩnh học hỏi mô hình, vì khoảng cách địa lý xa nên bước đầu vô cùng khó khăn. Qua việc tiếp cận khoa học công nghệ, áp dụng trong quá trình chăn nuôi đã thấy rõ hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tận dụng 10ha đất rừng, tôi trồng cây keo, cây ăn quả và nuôi thêm gia súc, gia cầm; tổng doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Khi mô hình kinh tế phát triển, tôi có điều kiện giải quyết lao động ở địa phương, góp phần xây dựng vùng đất Canh Vinh đổi thay bền vững”.
Cơ hội thoát nghèo bền vững.
Ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh cho biết, nhiều năm qua, xã đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ cấp xã, thôn để nâng cao năng lực tham mưu trong công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Vì thế, hầu hết cán bộ, Đảng viên trên địa bàn xã đã cơ bản nắm vững kiến thức về xây dựng nông thôn mới, tạo sức mạnh, lan tỏa trong nhân dân để cùng thực hiện tốt chương trình.
Sau 7 năm thực hiện, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã và người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Canh Vinh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, tính đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người 42,31 triệu đồng/năm.
“Địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đầu tư, hỗ trợ từ các cấp ngân sách, các chương trình, dự án đầu tư của ngành quản lý để duy trì hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Các hoạt động khuyến công, khuyến khích người dân đầu tư vốn cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa, xay xát, cơ khí, đào tạo nghề may công nghiệp... được quan tâm thực hiện thông qua hoạt động vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng trong khu vực, để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân”, ông Bài cho hay.
Hiện nay, tại xã Canh Vinh có 5 doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ đồ gỗ, chế biến nguyên liệu giấy, sản xuất giống gia súc, 4 cơ sở chế biến nông sản, các hộ kinh doanh dịch vụ ở 9 thôn trên địa bàn xã, từng bước phát triển góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động địa phương. Giá trị tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, năm 2019 ước đạt 160 tỷ đồng.
Vui mừng trước thành tựu đạt được, ông Trần Văn Bài nhấn mạnh: “Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiêu chí xã Canh Vinh tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 19/19 tiêu chí, đạt 100%. Chúng tôi đã nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền ở huyện, tỉnh và đang chờ được thẩm định hồ sơ, công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay”.
Mới đây, Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đã chính thức khởi công tại xã Canh Vinh vào tháng 9/2020, với quy hoạch tổng thể 1.425ha, trong đó bao gồm 1.000ha khu công nghiệp do Becamex IDC và VSIP hợp tác phát triển và 425ha xây dựng khu dân cư, thương mại - dịch vụ và khu tái định cư.
Dự án này được kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 2 tỷ USD đầu tư vào sản xuất công nghiệp, sau khi đi vào hoạt động tạo việc làm cho 120.000-150.000 lao động địa phương và khu vực lân cận. Ngoài ra, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh về kinh tế, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho Bình Định, đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh này đã khẩn trương đầu tư mới và cải thiện nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định với TP.Quy Nhơn.
Chủ tịch Hồ Quốc Dũng chia sẻ: “Để thu hút Tổng Công ty Becamex vào Bình Định, chúng tôi đã có thời gian chuẩn bị 7 năm. Tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ việc quy hoạch rồi đầu tư hạ tầng kết nối trong điều kiện ngân sách rất khó khăn. Đây sẽ là điều kiện tạo cho Bình Định bứt phá phát triển và nhân dân xã Canh Vinh, huyện Vân Canh vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/nhung-doi-thay-o-xa-mien-nui-canh-vinh-62380.html