Những đổi thay trên mảnh đất Thành Đông
Từ một trung tâm hành chính của triều đại nhà Nguyễn được khởi lập năm 1804 dưới thời Vua Gia Long, sau hơn 200 năm xây dựng và phát triển, Thành Đông xưa - TP Hải Dương ngày nay đã 'chuyển mình' thành một trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và cũng là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
TP Hải Dương nhìn từ trên cao với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện đại, quy mô.
Từ xưa, vùng đất Hải Dương được biết đến với cái tên “Xứ Đông”, nằm ở phía đông Thành Thăng Long – cùng hướng mặt trời mọc. Với những lý do rất “thơ” ấy, Thành Đông sau này đổi tên thành Hải Dương, “Hải” trong miền duyên hải, “Dương” trong ánh dương, cái tên mang ý nghĩa là ánh sáng từ miền duyên hải.
Thành Đông xưa được khởi lập từ năm 1804 dưới thời Vua Gia Long đến nay đã 215 năm. Đến năm 1954, TP Hải Dương chính thức được giải phóng. Qua 22 năm phát triển thành phố (1997 – 2019), đến nay TP Hải Dương đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, những vết tích ấy đến nay vẫn còn. Nó cũng trở thành động lực để TP Hải Dương không ngừng phát triển, từ một đô thị loại III mạnh mẽ vươn lên trở thành đô thị loại I trong năm 2019.
TP Hải Dương luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa đặc điểm tự nhiên và gìn giữ bản sắc văn hóa Thành Đông lên hàng đầu. Không chỉ vậy, mục tiêu cao hơn là xây dựng TP Hải Dương xanh – văn minh – hiện đại.
Để cụ thể hóa hiện thực này, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 451/KH-UBND ngày 12/7/2013, với 5 nhiệm vụ trọng tâm ứng với 5 nhóm giải pháp gồm: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân; Điều chỉnh địa giới hành chính thực hiện các thủ tục nâng cấp một số xã lên phường và lập đề án nâng cấp thành phố lên đô thị loại I; Thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; Tăng cường công tác quản lý và xây dựng đời sống văn hóa đô thị.
Những nút giao thông quan trọng của TP Hải Dương.
Kế hoạch nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn I thực hiện trong các năm 2013 – 2015 như lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, thực hiện nâng cấp một số xã thành phường. Giai đoạn II thực hiện trong các năm 2015 - 2010, chuyển một số xã thuộc các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thành Hà về TP Hải Dương trên cơ sở quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030. Tính từ năm 2017, bắt đầu triển khai các thủ tục và lập đề án nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I.
Có thể thấy, để có một Hải Dương sạch đẹp, hiện đại và vững mạnh như ngày hôm nay, thành phố đã thực hiện sát sao việc phát triển kinh tế, cải cách thủ tục hành chính và tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút các dự án đầu nước ngoài.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần đây đạt trên 13%. Hiện nay thành phố có 3 khu công nghiệp (Đại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An Phát) và 6 cụm công nghiệp (Cẩm Thượng, Tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng, Ngọc Sơn, Thạch Khôi-Gia Xuyên). Tỷ lệ lấp đầy các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp tương đối cao, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tính riêng trên địa bàn thành phố đã có tới 5.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó có 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với việc tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, có hiệu quả nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác thu thuế; đẩy nhanh quy hoạch, đấu giá quyền sử dụng đất các dự án công trình tạo nguồn thu… thì tổng thu ngân sách thành phố hàng năm đều tăng so với kế hoạch tỉnh giao (năm 2018 là 1.311 tỷ 589 triệu đồng, tăng 44%; ước thực hiện năm 2019 là 1.370 tỷ 504 triệu đồng, tăng 53%). Các loại hình dịch vụ, thương mại, ngân hàng, viễn thông… phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của sản xuất, đời sống của nhân dân.
Thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, gắn với công tác chỉnh trang và xây dựng đô thị văn minh. Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thành phố cùng đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình phát triển đô thị, ban hành Quy chế Quản lý đô thị 2017... tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng một đô thị hiện đại và bền vững.
Từ một Thành Đông nhỏ bé, không có nhiều dân cư đến một Hải Dương sầm uất, đông đúc như hiện tại, có thể thấy không gian đô thị liên tục được mở rộng. Dự kiến trong năm 2019 sau khi hoàn tất các thủ tục mở rộng sẽ sáp nhập thêm 5 xã (Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Quyết Thắng, Gia Xuyên, Liên Hồng); nhập 2 xã Thượng Đạt và An Châu thành xã An Thượng; nâng cấp 2 xã (Nam Đồng, Tân Hưng) lên phường, TP Hải Dương có 25 đơn vị hành chính cấp xã (19 phường, 6 xã) với tổng diện tích đất tự nhiên là 111,64 km2, dân số là 508.190 người (đã bao gồm dân số quy đổi).
Với vị trí đắc địa, nằm ở phía đông Hà Nội, hệ thống giao thông có vai trò quan trọng giúp kết nối các trung tâm kinh tế vùng trong cả nước. Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đạt 24,42%. Chính quyền thành phố cũng tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước với mục tiêu từng bước khắc phục tình trạng ngập úng, cải thiện vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Với việc vay vốn từ nguồn vốn ODA (của quỹ OFID và World Bank) thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển giao thông, cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải...
Đến nay, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,47%, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 96,85%; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,82%; tỷ lệ nước thải xử lý đạt 44,81%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 99,12%.
Hải Dương tích cực gia tăng không gian xanh đô thị nhằm điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Trong bối cảnh cây xanh, mặt nước điều hòa không khí ở các đô thị lớn còn nhiều hạn chế thì diện tích cây xanh tại Hải Dương lên đến 8,32m2/người, đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 5,58 m2/người.
Cùng với việc nâng cấp đô thị, TP Hải Dương cũng chú trọng việc xây dựng thêm hạ tầng đồng bộ, cải tạo và xây mới nhiều công trình văn hóa, vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học. Thành phố đang có 16 công trình kiến trúc tiêu biểu cấp Quốc gia, 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, thành phố là trung tâm các cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh với 7 bệnh viện cỡ lớn đầy đủ tính chất đa khoa và chuyên khoa. Các cơ sở y tế cấp đô thị đạt 3,53 giường/1000dân và có bệnh viện cấp ngành Trung ương. Ngoài ra, mạng lưới tuyến xã trên địa bàn cũng được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ trên tất cả các phường, xã.
Vấn đề an sinh xã hội, việc làm của người dân tiếp tục được quan tâm. Chỉ trong 3 năm gần đây, thành phố đã giải quyết việc làm mới cho hơn 4.000 lao động/năm; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 dự kiến giảm xuống còn 1%.
Như vậy sau 10 năm, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để đạt được các tiêu chí của đô thị loại I với sự phát triển kinh tế - xã hội trên đà tăng trưởng; kết cấu hạ tầng đồng bộ, không gian đô thị được mở rộng, văn hóa đô thị được tăng cường quản lý với đặc trưng là thành phố xanh - văn minh - hiện đại, có sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương.
Đã 65 mùa thu trôi qua kể từ ngày giải phóng, TP Hải Dương ngày hôm nay hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị hiện đại, năng động phát triển trong không gian mở, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.