Những đối tượng nào dễ mắc cúm B và tiến triển nặng

Cúm B là một loại cúm mùa có 4 type A, B, C, D, thường xuất hiện vào mùa đông. Trẻ dưới 5 tuổi hoặc mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc cúm B và tiến triển nặng.

 Trẻ ở Bắc Kạn mắc cúm B đang được thăm khám, điều trị

Trẻ ở Bắc Kạn mắc cúm B đang được thăm khám, điều trị

Nhiều học sinh mắc cúm B

Mới đây, UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho biết, ổ dịch cúm tại huyện Chợ Đồn đã ghi nhận 736 trường hợp mắc, với 1 ca tử vong. Trong đó, có 667 trường hợp tập trung chủ yếu tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn), Trường PT Dân tộc Nội trú huyện Chợ đồn. Hiện tại, vẫn còn 70 bệnh nhi đang điều trị tại các cơ sở y tế, các bệnh nhi không có biểu hiện nặng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch và truyền thông nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân. Theo đó, cơ quan chức năng đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ để xét nghiệm khẳng định. Kết quả cho thấy, 5/7 mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm B. Đây là 1 trong 2 chủng cúm mùa (A, B) thường lưu hành trên thế giới và tại Việt Nam.

Cục Y tế dự phòng cho biết, cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Ở các nước ôn đới, bệnh gặp vào mùa đông; còn ở các nước nhiệt đới bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng chủ yếu gặp vào mùa đông. Bệnh có thể gây thành dịch chứ không theo quy luật thông thường. Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm B từ 1 - 4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể ủ bệnh lâu hơn.

Bác sĩ Lê Trương Tuyết Minh cho biết, cúm B tiến triển thường lành tính. Tuy nhiên, ở người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và trẻ em có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn. Trong đó, có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc cúm B

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc cúm B

Phân biệt cúm B với cảm cúm thông thường

Khi mắc cúm B triệu chứng không quá rõ ràng để có thể tự phân biệt được so với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, người mắc Cúm B có triệu chứng xuất hiện trên nhiều bộ phận của cơ thể. Trong đó các biểu hiện toàn thân là viêm long đường hô hấp trên, với các triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, đau họng, đau mỏi người... Tùy từng người sẽ có biểu hiện sốt vừa đến sốt cao, cảm giác ớn lạnh. Người mệt mỏi, yếu ớt, bủn rủn chân tay, đau nhức cơ, đau khi vận động.

Ở hệ hô hấp: Không có triệu chứng điển hình của nhiễm cúm, mà thường có các biểu hiện nhầm lẫn với triệu chứng của viêm long đường hô hấp. Chính vì điều này nên người bệnh không thể tự nhận biết, phân biệt được, dễ nhầm lẫn nhiễm cúm B và cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, cần dựa vào các triệu chứng khác để phán đoán bệnh tình và gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị sớm.

Ở hệ tiêu hóa: Ngoài biểu hiện toàn thân, hệ hô hấp, người mắc cúm B có thể gặp phải một số vấn đề ở hệ tiêu hóa như: Buồn nôn, ở trẻ em thường nôn nhiều, kèm theo là đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, ăn không ngon…

Đối tượng nào dễ mắc cúm B tiến triển nặng

Cúm chưa có biến chứng, nghĩa là loại nhẹ có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần. Cúm có biến chứng cúm nặng là ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định có tổn thương ở phổi, với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng, thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm… có hoặc kèm theo các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

Người bệnh có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).

Đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm:

+ Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ mắc những bệnh mạn tính, chậm phát triển trí tuệ hoặc vận động, hen phế quản, tim bẩm sinh, suy thận mạn, xơ gan; Trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì nặng; Suy giảm miễn dịch bẩm sinh...

+ Người trên 65 tuổi

+ Phụ nữ có thai

+ Người lớn mắc các bệnh mạn tính và suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).

Với các triệu chứng dễ nhầm lẫn nên nhiều người bệnh thường chủ quan, dẫn đến các biến chứng khi nhiễm cúm B. Vì vậy, nếu có các biểu hiện nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm, sẽ dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-doi-tuong-nao-de-mac-cum-b-va-tien-trien-nang-20221101134815689.htm