Những động lực thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc
Quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã có được những động lực đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.
Động lực thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc
Ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như một mốc son quan trọng. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trong chặng đường hơn 74 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng; giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra sôi động. Theo đánh giá, quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã có được những động lực đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.
Điển hình, tiếp nối chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 (từ ngày 30/10-1/11/2022) và trong năm 2023, nhiều đoàn Lãnh đạo Việt Nam đã thăm Trung Quốc. Đáp lại, từ ngày 12-13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, hai bên ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm 2024, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều hình thức linh hoạt.
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hai nước Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác.
Thứ nhất là về thể chế chính trị, thể chế chính trị hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế hai nước đều có sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp kế hoạch sang thị trường. Văn hóa hai nước đã có sự giao thoa trong khoảng thời gian lịch sử rất dài. Những điểm tương đồng này là những điều kiện thuận lợi nhất để hai nước phát triển quan hệ ngoại giao trong quá khứ và cả tương lai sau này.
Thứ hai, điều kiện về vị trí địa lí cũng là thuận lợi rất lớn để hai nước phát triển quan hệ hợp tác thương mại. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới kéo dài khoảng hơn 1.400 km. Việt Nam có 7 tỉnh từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Việt Nam là một nước có nhiều loại sản phẩm nông sản đặc sắc được xuất khẩu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng của các nước trên thế giới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vô cùng lớn cho nông dân Việt Nam.
Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc - Việt Nam trong năm 2023 đạt 229,79 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 137,61 tỷ USD, giảm 3,7%; kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 92,18 tỷ USD, tăng 4,8%. Như vậy, trong năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc (xét theo tiêu chí quốc gia, sau: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga) và là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc (xét theo tiêu chí thị trường, sau các đối tác trên và Hồng Công, Đài Loan). Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Hợp tác công nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
Bên cạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, hiện nay Trung Quốc là đối tác hợp tác quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam. Trong đó, bao thầu công trình hiện đang là hình thức hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp nặng và hóa chất; hợp tác về thương mại và đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ.
Ngoài ra, số lượng các hợp đồng EPC do nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam là 28 trên tổng số 118 gói thầu (chiếm 24%), nhưng giá trị lại chiếm 48%, đạt 100.733 tỷ đồng (thực hiện từ 2002-2013). Đáng lưu ý là gói thầu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng tương đối cao như nhiệt điện chiếm 70,59%, khoáng sản chiếm 87,5%, phân đạm hóa chất chiếm 60%. Nguồn vốn chủ yếu là vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Cùng với sự điều chỉnh chính sách về đầu tư, những năm gần đây, lĩnh vực công thương cơ bản không phát sinh thêm các dự án đầu tư công tồn tại vấn đề liên quan đến nhà thầu Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa hai nước cũng được chú trọng. Tháng 11/2017, Bộ Công Thương và Ủy ban Phát triển Cải cách quốc gia Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo. Tại Bản ghi nhớ này, hai bên đã đưa ra một số nguyên tắc chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp triển khai hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo. Hiện hai bên đang cùng nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm triển khai các nội dung của Bản ghi nhớ.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam
Tính đến hết năm 2023, Trung Quốc đầu tư 4.230 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt 27,4 tỷ USD. Hiện Trung Quốc đứng thứ 6 trong 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong năm 2023, Trung Quốc đứng thứ 4 trong các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 707 dự án cấp mới với giá trị vốn đăng ký cấp mới là 3,5 tỷ USD, tổng số vốn đăng ký đạt 4,4 tỷ USD, tăng 177,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế đến ngày 20/5/2024, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam với 4.571 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28,1 tỷ USD.
Cũng theo đánh giá, với lợi thế về khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các địa phương biên giới diễn ra sôi động, đạt nhiều kết quả tích cực, là điểm sáng tích cực của quan hệ song phương. Tính đến hết năm 2023, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Đây là tiền đề để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên, cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, củng cố vững chắc nền tảng xã hội của quan hệ hai nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn là một trong những phương hướng hợp tác cơ bản, quan trọng nhất trong quan hệ Việt - Trung”.
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24-27/6/2024.
WEF Đại Liên năm nay là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda cùng gần 100 lãnh đạo và đại diện các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và Trung Quốc. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hai năm liên tiếp được mời tham dự Hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực.
Trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển sâu sắc, thực chất và toàn diện như hiện nay, chuyến công tác dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng tới Đại Liên (Trung Quốc), Đoàn Bộ Công Thương có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...
Tại Đại Liên (Trung Quốc), bên cạnh các hoạt động của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng liên tiếp có các buổi làm việc, trao đổi song phương với các bộ, đơn vị đối tác.