Những đợt điều dưỡng ý nghĩa
ĐBP - 5 năm qua (2016 - 2021), Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Điều dưỡng người có công (NCC) với cách mạng tỉnh đã tổ chức điều dưỡng cho 566 lượt NCC. Mỗi đợt điều dưỡng là một kỷ niệm đẹp, ý nghĩa không chỉ với những người đã cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc mà cả với các cán bộ, nhân viên Trung tâm.
Người có công với cách mạng điều dưỡng tại Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Điều dưỡng NCC với cách mạng tỉnh cùng nhau chơi cờ. Ảnh tư liệu
Tham gia điều dưỡng tại Trung tâm vào tháng 10/2020, ông Nguyễn Đức Phúc, thương binh 23%, sinh sống tại phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Đợt điều dưỡng của tôi có 30 người là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, mẹ liệt sĩ, người nuôi dưỡng liệt sĩ. Khi mới đến, các thành viên trong đoàn được khám sức khỏe, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Hàng ngày, chúng tôi nhận thuốc bổ và được hướng dẫn tập máy vật lý trị liệu, vui chơi thể thao như bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng rất vui vẻ. Đoàn còn đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1, thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tắm suối nước nóng Pe Luông. Về bữa ăn, anh chị em trong đoàn đều nhận xét là rất ngon, sạch sẽ, đảm bảo, món ăn luôn thay đổi hợp khẩu vị và sức khỏe của mọi người, chi phí hàng ngày được công khai. Thông qua những đợt điều dưỡng như vậy, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ nhau, trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của nhau”.
Ông Tòng Văn Nún, thương binh, bản Na Phát A, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) điều dưỡng tháng 7/2020 cũng cho biết: Về điều dưỡng tại Trung tâm, tôi rất vui vì được gặp nhiều anh em cựu chiến binh, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống, hướng dẫn nhau làm kinh tế. Hơn nữa các cán bộ đón tiếp, chăm lo rất chu đáo, nhiệt tình, thường xuyên thăm khám, hỏi han sức khỏe, ngủ có ngon không và cả sở thích ăn uống của mình để làm món ăn hợp khẩu vị, đảm bảo dinh dưỡng.
Mỗi đợt điều dưỡng không chỉ là những ngày nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe cho NCC mà còn là dịp để những người bạn, đồng đội gặp lại nhau, hàn huyên, trò chuyện. Như cựu chiến binh Lù Văn Pâu (từng là quân tình nguyện Việt Nam tại nước bạn Lào), bản Bắc, xã Lay Nưa, (TX. Mường Lay) lần đầu tiên được gặp lại đồng đội cũ cùng đơn vị là ông Lò Văn Sinh (hiện sinh sống tại huyện Mường Ảng) vào đợt điều dưỡng năm 2015, sau 46 năm rời chiến trường. Còn có rất nhiều người bạn, người đồng đội vì di chứng chiến tranh, vì tuổi già sức yếu, đường sá xa xôi mà chỉ mong cùng đi điều dưỡng để gặp mặt nhau. Vì thế, trong cuốn sổ lưu niệm của Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Điều dưỡng NCC với cách mạng, cựu chiến binh Nguyễn Quang Bích tham gia điều dưỡng tháng 7/2017 đã viết: “Đón đoàn điều dưỡng lần này/ Tủa Chùa, thành phố, Mường Lay cùng về/ Niềm vui vui thật tràn trề/Thỏa lòng mong đợi, hả hê tấm lòng/Về đây tay bắt mặt mừng/An tâm điều dưỡng xin đừng chóng quên...”
Để mỗi đợt điều dưỡng diễn ra hiệu quả và ý nghĩa, Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Điều dưỡng NCC với cách mạng tỉnh đều lên kế hoạch từ sớm, đảm bảo hậu cần, cơ sở vật chất. Trong những ngày điều dưỡng (trước là 10 ngày/đợt, hiện 6 ngày/đợt), NCC được chăm lo chu đáo với thực đơn dinh dưỡng hợp lý, thức ăn tươi ngon, thay đổi món hàng ngày và phù hợp khẩu vị người cao tuổi. Trong những ngày điều dưỡng, Trung tâm tổ chức cho đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, tham quan di tích lịch sử, tắm suối khoáng nóng; được tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc; đi siêu thị, đi chợ, mua sắm quà lưu niệm... Có không ít NCC tuổi cao, sức khỏe không tốt, huyết áp cao được theo dõi, chăm sóc sát sao, cán bộ y tế trực 24/24 giờ. Vì vậy, theo kiểm tra thể chất, khảo sát đánh giá kết thúc mỗi đợt điều dưỡng, các bác, các ông, bà đều ngủ ngon hơn, sức khỏe và tinh thần được nâng lên, cân nặng cũng tăng.
Với sự trách nhiệm đó, NCC sau khi kết thúc đợt điều dưỡng thường xuyên giữ mối liên hệ với Trung tâm. Chị Nông Thị Tình, Phòng Hành chính kể: “Trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm chưa được trưng tập thành khu cách ly tập trung, có bác Nguyễn Văn Huyễn (từng điều dưỡng tại Trung tâm nhiều lần) thường xuyên đạp xe từ nhà tại xã Noong Luống (huyện Điện Biên) lên thăm cán bộ, nhân viên Trung tâm, hầu như tuần nào bác cũng đến. Bác coi chúng tôi như con cháu, mỗi lần lên là mang một xấp giấy vở viết học sinh, trên ghi kín các bài thơ, văn do bác sáng tác hoặc sưu tầm, còn đề tên gửi tặng từng người. Dù không đọc hết được những dòng chữ run run nhưng chúng tôi đều rất trân trọng, giữ làm kỷ niệm. Bác là người nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe của bác và con cái bị ảnh hưởng nặng bởi dioxin, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn”.
Bà Trần Thị Tươi, Giám đốc Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Điều dưỡng NCC với cách mạng tỉnh chia sẻ: Với vai trò, trọng trách được giao, mỗi nhân viên Trung tâm đều nhận thức được trách nhiệm bản thân và ý nghĩa của công việc, hết lòng tận tình chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, từng hoạt động của NCC để các đợt điều dưỡng trọn vẹn ý nghĩa và niềm vui cho những người đã dành cả tuổi xuân, cả cuộc đời cống hiến cho đất nước.
Những đợt điều dưỡng đều đáng nhớ, nhưng đôi khi có cả những nỗi buồn. Đó là đồng đội tham gia cùng ngày càng ít hơn, người thì đau ốm, người thì đã không còn nữa. Đặc biệt là đối với những lão thành cách mạng, cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe ngày một yếu. Đây cũng là một trong những khó khăn của Trung tâm để hoàn thành chỉ tiêu điều dưỡng hàng năm. Mặc dù hầu hết NCC đều rất vui vẻ, mong muốn tham gia nhưng nhiều người vì lý do sức khỏe không tham gia được, có khi đến sát ngày điều dưỡng thì đổ bệnh. Năm 2021 này, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch điều dưỡng 4 đợt với 189 NCC và thân nhân. Nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chưa thực hiện được. Trung tâm lên kế hoạch tổ chức trong tháng 8 tới nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.