Những dự án khởi nghiệp có tiềm năng lớn
Robot nhắc nhở và hỗ trợ bệnh nhân COVID, Ứng dụng quản lý công việc và tài chính cho gia đình, chia sẻ để kết nối là 2 sản phẩm chiến thắng tại vòng chung kết cuộc thi online hackathon (thi lập trình trực tuyến) Hack Covy 2020.
Từ ý tưởng lập trình ứng phó đại dịch COVID -19 được chọn tại vòng 1 cuộc thi lập trình trực tuyến Hack Covy 2020, trong vòng 14 tuần một số nhóm tác giả trẻ đã triển khai ra thành phẩm ứng dụng và được ghi nhận.
Robot đưa thức ăn, nhắc nhở đeo khẩu trang
Trong thời gian đỉnh dịch COVID -19, tại một phòng bệnh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) robot BeetleBot đã thể hiện một số khả năng phục vụ, chăm sóc người bệnh. Một cú nhấp từ điện thoại điều khiển, chú robot này có thể mang thức ăn đến giường cho người bệnh; Robot thực hiện cuộc gọi video hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa; Hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn khu vực điều trị bệnh nhân. Một số tính năng khác đã có sẵn nhưng chưa tích hợp vào robot phiên bản này: nhắc nhở giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, định danh bệnh nhân.
Nói về sản phẩm, trưởng nhóm nhận Giải nhất Dương Duy Chiến cho biết, robot BeetleBot hướng đến những công việc thay thế nhân viên y tế như phân phát đồ dùng y tế, bảo hộ, thuốc men một cách tự động, chính xác. Thiết bị giúp hạn chế tiếp xúc và lây nhiễm giữa người với người. Bác sĩ và nhân viên y tế có thể hội chẩn, chẩn đoán nhiều bệnh nhân cùng lúc mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Có khả năng khử trùng tự động khu cách ly hay khu khám chữa bệnh. Kết nối giữa các y bác sĩ từ bệnh viện đầu ngành đến các cơ sở y tế địa phương tốt hơn, nhanh chóng hơn. Giám sát an ninh và theo dõi giãn cách xã hội. Hỗ trợ tâm lý bệnh nhân, người bị cách ly trong trường hợp cần thiết.
Giải thích về việc đặt tên Beetle (Con xén tóc) cho nhóm, đội trưởng Dương Duy Chiến cho biết xén tóc là loài vật khỏe hàng đầu thế giới, chúng có thể mang trên lưng một khối lượng nặng hơn nhiều lần so với trọng lượng của chúng. “Nhóm tin tưởng và mong muốn đưa ra sản phẩm của mình nhỏ gọn, cứng cáp và hiệu năng cao như xén tóc”.
Robot BeetleBot-H có thể hỗ trợ vận chuyển hàng hóa với trọng lượng dưới 20kg. Thời gian hoạt động của robot là trên 12h liên tục. Khi hết pin, robot sẽ tự động quay về vị trí sạc, với thời gian sạc pin là 8 tiếng. Từ 3 tháng nay, robot của BeetleBot đã được ứng dụng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội, Bệnh viện RSCM Indonesia, BSD (Bumi Serpong Damai) City (Thành phố vệ tinh Jarkata, Indonesia).
Nhóm tác giả trẻ hiện đang tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác phát triển để nhân rộng việc sản xuất và phát triển BeetleBot. Hiện tại ứng dụng robot BeetleBot đang có giá là 200 triệu VND. Ngoài ra khách hàng có nhu cầu sử dụng robot trong thời gian ngắn có thể thuê với giá là 10 triệu VND/1 tháng.
Lập trình giảm tải áp lực
Đạt giải nhì trong vòng thi cuối là Sechi - ứng dụng hỗ trợ và thúc đẩy hành vi chia sẻ công việc nội trợ cũng như trách nhiệm trong gia đình nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt trong thời kỳ COVID-19. Hai dự án còn lại mang tên Quaranhome - giải pháp hệ thống quản trị khu cách ly nhằm hỗ trợ cư dân khu cách ly cập nhật tin tức, hỗ trợ kiểm soát kiểm dịch thông minh, linh hoạt và Bdoctor - công nghệ giúp chẩn đoán hình ảnh X-quang bất thường có khả năng mắc COVID-19 - đồng giải ba của chương trình.
Nói về ứng dụng Sechi, trưởng nhóm Chu Linh cho biết từ lúc nhận giải nhì tại vòng ý tưởng, chị đã có rất nhiều sự đổi hướng, trau chuốt cho cách tiếp cận và tính năng ứng dụng Sechi. Chỉ vài tuần trước buổi chung kết, Chu Linh có phát hiện lớn “kỳ vọng giữa những người thân đem lại áp lực cho nhau” khiến định hướng giải pháp của sản phẩm thay đổi hoàn toàn. “Khi khảo lại nội dung những buổi phỏng vấn cặp đôi, mình nhận ra rất nhiều người tự hào rằng họ có thể hoàn toàn dựa vào người kia, để người kia nắm toàn quyền lo toan công việc gia đình. Điều đó đi kèm với trách nhiệm rất lớn, và đôi khi ngay cả những người yêu thương nhau nhất không nhận ra kỳ vọng lại mang tới áp lực đến vậy”. Câu chuyện chuyển hướng tập trung vào việc giúp con người cùng nhau nhận ra họ có thể chia sẻ những công việc nào trong cuộc sống, tiếp đó mới tới làm sao cho hiệu quả. Để triển khai dự án trên diện rộng và đưa ra thị trường vẫn cần kêu gọi thêm nhiều nguồn tài chính nữa. Đại diện nhóm lập trình tin rằng Sechi trở thành ứng dụng quản lý công việc và tài chính cho gia đình, chia sẻ để kết nối không chỉ trong thời gian dịch bệnh.
Với đề bài giả định “Robot ứng dụng hỗ trợ với các nạn nhân bão lũ sạt lở đất”, trưởng nhóm Dương Duy Chiến cho biết có thể nhóm sẽ phát triển hệ thống máy bay không người lái trang bị hệ thống camera có thể quan sát ban đêm giúp hỗ trợ tìm kiếm, định vị, giải cứu người bị mắc kẹt. Cập nhật tình hình mực nước dâng, lưu lượng nước. Cảnh báo tình hình mưa lũ.
Bà Sitara Syed - Phó Đại diện thường trú của UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) chia sẻ: Chúng tôi thật sự tự hào vì hành trình phát triển sản phẩm và mô hình kinh doanh của các đội dự thi xuyên suốt 14 tuần Chương trình Hackcelerator. UNDP Việt Nam vô cùng hân hạnh được hợp tác cùng AngelHack và Thành Đoàn Hà Nội trong suốt hành trình mùa cách ly vừa qua tới nay. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng như các đội dự thi”.
Nói về các đội đạt giải, chị Nguyễn Thúy Ngân (Jasmine), Giám đốc AngelHack khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trưởng ban tổ chức cuộc thi lập trình cho biết: “Hai đội nhất nhì thắng không chỉ vì sản phẩm độc đáo, các đội liên tục phát triển ý tưởng, khảo sát khách hàng, tham khảo chuyên gia. Những dự án startup (khởi nghiệp) này có tiềm năng lớn trong việc tạo tác động xã hội cho đất nước”. Trong tình hình cộng đồng miền Trung liên lục hứng chịu bão lũ, AngelHack dự kiến tổ chức một chuỗi thi lập trình trong khu vực Đông Nam Á, vì các nước bạn như Philippines cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ và thiên tai nói chung, chị Thúy Ngân chia sẻ.