Những dự án kỳ vọng tạo cú huých đưa TP Cần Thơ… cất cánh
Dự án: Trung tâm năng lượng Ô Môn, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VISIP) và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL… là những dự án được kỳ vọng sẽ đưa Cần Thơ phát triển đột phá trong thời gian tới.
Những dự án kỳ vọng tạo cú huých
Trên đây là những dự án được chính quyền và người dân rất quan tâm, kỳ vọng nó sẽ tạo nên cú huých đưa TP Cần Thơ… cất cánh. Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã có cuộc phỏng vấn ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ để tìm hiểu thêm về quá trình triển khai các dự án trên
PV: Thưa ông, được biết các dự án trên được kỳ vọng tạo cú huých đưa TP Cần Thơ phát triển đột phá, xin ông cho biết thêm những thông tin nổi bật của các dự án?
Các dự án này được cả trung ương và địa phương xác nhận là các dự án trọng điểm, quan trọng, là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP Cần Thơ mà còn cho cả vùng ĐBSCL. Các dự án được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành quan tâm hỗ trợ hướng dẫn triển khai thực hiện để có thể sớm vào hoạt động khai thác kinh doanh, đóng góp thực tế cho sự phát triển, kỳ vọng tạo sự đột phá nổi bật trong thời gian tới.
Đối với Cụm năng lượng Ô Môn (Trung tâm điện lực Ô Môn), gồm các nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, II, III và IV theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) là một phần của Chuỗi dự án khí - điện Lô B.
Chuỗi dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, trong đó sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3/năm, ổn định khoảng 20 năm, sẽ đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế xã hội cho khu vực miền Tây Nam Bộ, đóng góp nguồn thu rất lớn và ổn định cho Chính phủ.
Cụm năng lượng Ô Môn khi được triển khai thực hiện sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Tổng vốn đầu tư các nhà máy nhiệt điện khoảng 100.000 tỷ đồng, thành phố hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng năm 2013, mặt bằng xây dựng đã được san lấp, cơ sở hạ tầng gần như hoàn chỉnh, có hàng rào bao quanh, sẵn sàng triển khai xây dựng khi có đầy đủ các giấy phép theo quy định.
Tuy nhiên, để Cụm năng lượng Ô Môn sớm đi vào khai thác, vận hành, tiếp tục cần sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các Bộ ngành trung ương và sự hợp tác giữa các nhà đầu tư dự án thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của Chuỗi dự án khí - điện Lô B, triển khai đồng bộ, phù hợp, để tất cả các dự án đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang gấp rút triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) để kịp tiến độ khởi công. Dự án này được các nhà đầu tư như Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore, Công ty CP phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore đề xuất thực hiện, với diện tích 293,7ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 159,9 triệu USD, tiến độ thực hiện đăng ký khoảng 36 tháng kể từ ngày nhà nước bàn giao đất. Dự án dự kiến sẽ tạo ra khoảng 30.000 đến 50.000 việc làm và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách cho TP Cần Thơ.
Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá cho kinh tế và phát triển đô thị của thành phố, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, giải quyết vấn đề lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế.
Còn về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Trung tâm dự kiến nhiều hạng mục phục vụ việc nâng cao giá trị, bảo quản chất lượng sản phẩm nông nghiệp (đầu tư kho lạnh, nhà máy sản xuất chế biến nông sản công nghệ cao, các dịch vụ logistic, …).
Hiện nay, việc ban hành Quyết định thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 8301/TTr-BNN-KH ngày 08/12/2022. Trung tâm dự kiến hoạt động với 02 phân khu, khu 1 có diện tích khoảng 50ha, phạm vi giới hạn tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Khu dự kiến khoảng 200ha, phạm vi giới hạn tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ.
Tập trung mọi nguồn lực triển khai
PV: Thưa ông, vì sao những dự án trên được kỳ vọng tạo bước đột phá và hiện thành phố đang tập trung nguồn lực triển khai các dự án ra sao?
Với tầm quan trọng, sự kỳ vọng tạo bước đột phá của các dự án này, thành phố đã tập trung các nguồn lực để triển khai các dự án.
Cụ thể, đối với Cụm năng lượng Ô Môn, thành phố đã và tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án nhà mày nhiệt điện Ô Môn; kiến nghị các Bộ ngành hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ đăng ký đã được duyệt; quan tâm gắn kết với các đơn vị khác có liên quan để Chuỗi dự án khí – điện Lô B triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Đối với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh vào hoạt động, khai thác, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo dự án gồm lãnh đạo UBND thành phố, sở ban ngành, UBND huyện Vĩnh Thạnh để theo dõi, đôn đốc kịp thời nắm bắt và giải quyết triệt để tất cả các vướng mắc trong quá trình thực hiện; tập trung phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, cả thành phố và nhà đầu tư đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất kịp triển khai dự án theo quy định, dự kiến chuẩn bị công tác khởi công đầu tư xây dựng dự án trong năm 2023 như mục tiêu đề ra; đáng chú ý là đã có nhiều nhà đầu tư thứ cấp quan tâm tìm hiểu việc thuê đất trong khu công nghiệp này sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, để thực hiện đầu tư nhà xưởng, lĩnh vực đầu tư kinh doanh, sản xuất, chế biến
Đối với dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các vị trí dự kiến thực hiện triển khai dự án. Rà soát, sắp xếp bố trí đủ quỹ đất để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật. Đảm bảo người dân bị thu hồi đất nhanh chóng ổn định đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi nghề theo quy định, trường hợp đủ điều kiện và có nhu cầu vào làm việc tại Trung tâm, ưu tiên được tuyển chọn để được vào làm việc.
TP Cần Thơ tiếp tục chú ý tổ chức các khóa học, xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề lao động, nâng cao ý thức, tác phong chuyên nghiệp cho người lao động. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các hạ tầng giao thông, cả đường bộ và đường thủy, đặc biệt là việc triển khai dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, cải thiện hệ thống logistics...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-du-an-ky-vong-tao-cu-huych-dua-tp-can-tho-cat-canh.html