Những dự án nào 'ăn theo' tuyến đường gần 27.000 tỷ đồng nối sân bay Gia Bình với Hà Nội?
TP Hà Nội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Trung tâm Thủ đô.
Theo phương án được thông qua, tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về Hà Nội, kéo dài đến cầu Kênh Vàng (giáp ranh Hải Dương) có tổng chiều dài khoảng 45,6 km, với mặt cắt ngang 120 m. Đây là tuyến giao thông liên vùng quan trọng, được thống nhất hướng tuyến giữa UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh.

Mô hình tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với trung tâm Hà Nội. Ảnh: VGP.
Ngày 27/6, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình về Thủ đô (đoạn qua địa bàn Hà Nội). Dự án thuộc nhóm A, dự kiến thực hiện trong năm 2025–2026 với tổng vốn khoảng 7.619 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn từ ngân sách TP.
Tuyến đường dài khoảng 14 km, trong đó Hà Nội phụ trách 12,38 km trên địa bàn hai huyện Đông Anh và Gia Lâm; phần còn lại dài 1,62 km thuộc địa phận TP Từ Sơn (Bắc Ninh) sẽ do tỉnh Bắc Ninh triển khai GPMB hoặc chuyển giao cho Hà Nội đảm trách để bảo đảm tiến độ và đồng bộ.
Dự án được phân chia thành 2 thành phần, trong đó: Thành phần 1 (Gia Lâm): GPMB với kinh phí dự kiến 6.420 tỷ đồng; Thành phần 2 (Đông Anh): GPMB với kinh phí khoảng 1.199 tỷ đồng.
Theo HĐND TP, mục tiêu là tạo mặt bằng sạch nhanh chóng, hỗ trợ thi công tuyến đường kết nối được triển khai sớm. Đây là chiến lược quan trọng nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài vốn thường xuyên quá tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác sân bay tương lai theo cấp 4E tại Gia Bình, được Chính phủ đặc biệt chỉ đạo.
Phương án tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuyến đường bắt đầu từ điểm giao với đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Bắc Ninh, vượt sông Đuống, và kết thúc tại nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên – Vành đai 3 – cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng chiều dài tuyến khoảng 14 km, trong đó đoạn qua địa giới hành chính TP Hà Nội dài khoảng 12,38 km và đoạn nằm trong địa phận TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 1,62 km.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Phần I của Tờ trình số 190/TTr-UBND ngày 11/6/2025 của UBND TP Hà Nội, không bao gồm đoạn tuyến dài 1,62 km nằm trong địa giới hành chính TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh).
Để giải quyết nội dung này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, đề xuất thống nhất việc đưa đoạn tuyến 1,62 km dù nằm trong hướng tuyến về phía TP Hà Nội nhưng thuộc địa bàn TP Từ Sơn vào phạm vi Dự án đầu tư đoạn tuyến trên địa bàn Bắc Ninh (từ sân bay Gia Bình đến ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Bắc Ninh) do tỉnh Bắc Ninh thực hiện, bao gồm cả công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng.
Từ đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị HĐND TP thống nhất chủ trương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giao UBND TP Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án. Trong trường hợp tỉnh Bắc Ninh đồng thuận, TP Hà Nội sẽ triển khai đoạn tuyến dài 1,62 km nêu trên để bảo đảm sự đồng bộ và tiến độ tổng thể của toàn tuyến.

Sân bay Gia Bình và tuyến đường nối Thủ đô là cơ hội cho các địa phương phát triển hạ tầng, BĐS. Ảnh VGP.
Địa phương được hưởng lợi ra sao từ đường nối sân bay Gia Bình?
Theo kế hoạch đã chốt, phần đi qua Hà Nội dài khoảng 14 km, trong đó có 7 km xây dựng mới, băng qua sông Đuống, chạy dọc hướng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, kết nối với các tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và Hà Nội – Thái Nguyên/vành đai 3. Đoạn còn lại đi trùng với cao tốc và dẫn về trung tâm Hà Nội tại khu vực cầu Tứ Liên.
Phía Bắc Ninh có 31,6 km, gồm 22,9 km nối từ sân bay Gia Bình đến ranh giới Hà Nội, và 8,7 km kết nối đến cầu Kênh Vàng đi Hải Dương. Riêng phần tuyến qua Bắc Ninh dự kiến cần khoảng 40.300 tỷ đồng đầu tư.
UBND TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh thống nhất phương án xây dựng tuyến đường với bề rộng 120 m, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các trục giao thông quan trọng của Thủ đô như Vành đai 3, Quốc lộ 5, đường nối cầu Giang Biên - Vĩnh Tuy - Vành đai 2 và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Đặc biệt, hai địa phương cũng đang nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi 300-400 m để tận dụng quỹ đất, phát triển hạ tầng đồng bộ và gia tăng giá trị Bất động sản khu vực. Bên cạnh đó, các công trình mở ra hệ sinh thái giao thông, đô thị thông minh, gia tăng tính kết nối và tiềm năng sinh lời cho bất động sản hai bên trục.
Việc khởi công sân bay quốc tế Gia Bình, cùng với quy hoạch tuyến đường nối trực tiếp về trung tâm Hà Nội, dự báo là cú hích thúc đẩy sự sôi động và gia tăng giá trị cho thị trường bất động sản khu Đông Bắc. Với quy mô đầu tư lớn và vai trò chiến lược trong mạng lưới giao thông quốc gia, sân bay Gia Bình mở rộng trục giao thương, dần nâng đỡ khu Đông Anh - Gia Lâm thành điểm phát triển mới của Hà Nội trong thập niên tới.
Trên thực tế, các nhà đầu tư bất động sản đã bắt đầu để mắt đến khu vực Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh) và dọc theo trục kết nối Gia Lâm - Đông Anh - cầu Tứ Liên. Điển hình như The Cosmopolitan, dự án căn hộ thương gia tọa lạc giữa đô thị Global Gate, được phát triển theo mô hình đô thị Inter - City Hub. Cấu trúc mô hình gồm các tổ hợp cao tầng được quy hoạch tại vị trí trên trục kết nối giữa trung tâm thành phố và các sân bay lớn.
Nhờ vị trí này, The Cosmopolitan thừa hưởng ưu thế khi cách sân bay Nội Bài 15 phút, trung tâm Hồ Gươm 10 phút và sân bay Gia Bình 20 phút di chuyển qua các trục đường chiến lược. Vị trí giúp dự án kết nối thuận tiện với cả nội đô và vùng ngoại vi, đồng thời mở ra tiềm năng trong việc thu hút cộng đồng chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước.
Trong tương lai, khi sân bay Gia Bình hoạt động, dự án được đánh giá có khả năng đón đầu nhu cầu nhà ở chất lượng cao từ lực lượng lao động tri thức và chuyên gia quốc tế.
Theo chủ đầu tư, sự cộng hưởng giữa hạ tầng giao thông từ sân bay Gia Bình và những giá trị riêng biệt của dự án góp phần tạo nên "lực hấp" giúp The Cosmopolitan trở thành điểm sáng hút đầu tư của khu Đông Bắc Hà Nội.
Ngoài ra, những dự án bất động sản "ăn theo" dự án cầu Tứ Liên (đang khởi công) cũng được hưởng lợi khi đường nối từ sân bay Gia Bình vào thủ đô Hà Nội đi qua cầu Tứ Liên...