Những dự án siêu khủng của điện ảnh Trung Quốc: 'Bom tấn' hay 'Bom xịt'?
Dù sở hữu đội ngũ ê- kíp chuyên nghiệp với nguồn vốn dồi dào, kỹ xảo tân tiến để tạo ra dự án tầm cỡ nhưng các nhà làm phim Trung Quốc vẫn thường phải nhận thất bại khi cho ra mắt những đứa 'con cưng' của mình.
Những bom tấn đắt đỏ nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc
Điện ảnh Trung Quốc sở hữu nhiều dự án phim có chi phí đầu tư không thua kém bom tấn Hollywood.
Trường Tân Hồ – The Battle at Lake Changjin (2021)
Theo Hollywood Reporter, bộ phim "Trường Tân Hồ" hiện là bộ phim được đầu tư lớn nhất lịch sử điện ảnh Hoa ngữ, với tổng kinh phí sản xuất hơn 200 triệu USD. Dự án do 3 đạo diễn lừng danh là Lâm Siêu Hiền, Từ Khắc và Trần Khải Ca hợp sức chỉ đạo, quy tụ dàn diễn viên tên tuổi gồm Ngô Kinh, Dịch Dương Thiên Tỉ, Đoạn Dịch Hoành, Lý Thần, Hồ Quân, Chu Á Văn.
Theo Sina, yếu tố đưa "Trường Tân Hồ" trở thành "niềm tự hào của Trung Quốc" là quy mô sản xuất, kinh phí đầu tư, thời lượng quay, số lượng diễn viên và ê-kíp đều lập kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ.
Trang Toutiao đánh giá tác phẩm cho thấy sự trưởng thành mang tính đột phá trong công tác làm phim, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn mới cho những dự án được gán mác "bom tấn" tại Trung Quốc.
Tài tử Ngô Kinh
Quá trình sản xuất dự án được giám chế Hoàng Kiến Tân ví như "đại công trình". Ông cho biết nhiều thời điểm, có đến 6.000-7.000 người cùng làm việc trên phim trường.
Đạo diễn 67 tuổi chia sẻ: "Tôi đã làm một bộ phim để đời. Kinh nghiệm của tôi không đủ để thực hiện trọn tác phẩm này. Ba đạo diễn xuất sắc khác đã đưa đội ngũ của họ quay trong 467 ngày với hơn 100.000 cảnh quay để hoàn thành Hồ Trường Tân. Đây sẽ là tác phẩm thách thức giới hạn của phim Trung Quốc".
Theo Sina, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian "thai nghén" bộ phim kéo dài hơn 2 năm với nhiều trở ngại. Để cho ra mắt những thước phim tráng lệ và tinh tế trong 176 phút, hơn 7.000 người đã tham gia trong giai đoạn đầu quay "Trường Tân Hồ" và 12.000 người góp sức ở giai đoạn sau với tổng thời gian ghi hình lên đến 467 ngày.
Số lượng cảnh quay phải xử lý hậu kỳ trong bộ phim do hơn 80 công ty kỹ xảo điện ảnh tham gia thực hiện, trong đó có 40 đơn vị của Trung Quốc. Mỗi công ty tốn 2-3 tháng để hoàn thành phân cảnh được giao.
Chính sự công phu giúp tác phẩm này liên tục phá các vỡ kỷ lục phòng vé, đánh dấu kỷ nguyên thứ hai của bom tấn nội địa Trung Quốc sau "Chiến lang 2". Tính đến tối 6/10, tổng doanh thu phòng vé của bộ phim đã vượt ngưỡng 3 tỷ nhân dân tệ. Phim phá 14 kỷ lục điện ảnh như: Tác phẩm lịch sử có doanh thu ngày đầu công chiếu cao nhất, lượt người xem nhiều nhất dịp Quốc khánh... Đồng thời, phim sẽ sớm lọt top 10 phim đứng đầu lịch sử điện ảnh Trung Quốc.
Ngày 10/10, tờ Hoàn Cầu đưa tin tác phẩm Trường Tân Hồ, cán mốc doanh thu 3,9 tỷ NDT sau khi mùa phim dịp Quốc khánh kết thúc. Đây là một trong số ít "ngựa chiến" giúp vực dậy thị trường điện ảnh Hoa ngữ đang trải qua giai đoạn ảm đạm.
Tử chiến Trường Thành - The Great Wall (2016)
"Tử chiến Từ Thành" đánh dấu màn hợp tác đình đám giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực điện ảnh. Phim do đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện và có sự góp mặt của nhiều tên tuổi Hollywood như Matt Damon, Pedro Pascal, Willem Dafoe. Với tổng kinh phí 150 triệu USD, "Tử chiến Trường Thành" cho thấy khát vọng vươn tầm thế giới của điện ảnh xứ tỷ dân.
Theo Sina, đội ngũ sản xuất của "Tử chiến Trường Thành" gồm đạo diễn, biên kịch, quay phim, hậu kỳ đến từ 30 quốc gia và mang đẳng cấp Oscar với 103 giải. "Phụ đề cuối phim chạy gần 10 phút mới đủ tri ân công sức của tất cả người sáng tạo", đạo diễn Trương Nghệ Mưu chia sẻ.
Giám đốc nghệ thuật John Myhre tiết lộ ê-kíp phải chi hàng triệu USD thuê hơn 330 nhân lực và mua nguyên vật liệu để sản xuất đạo cụ cho "Tử chiến Trường Thành". Tổng cộng có 5.000 loại vũ khí, 10.000 mũi tên, 746 bộ giáp và mô hình quái vật được sử dụng trong phim.
Chân Tam Quốc vô song – Dynasty warriors (2021)
Tác phẩm có kinh phí cao ra mắt vào năm nay với 40 triệu USD. Tác phẩm được ghi hình ở Trung Quốc, New Zealand. Ê-kíp gồm 590 người, quy tụ dàn sao nổi tiếng của cả 3 thị trường giải trí Đại lục - Đài Loan - Hong Kong như Cổ Thiên Lạc, Hàn Canh, Vương Khải, Dương Hựu Ninh, Cổ Lực Na Trát.
Chân Tam Quốc vô song được chuyển thể từ game nổi tiếng Dynasty warriors.
Theo đạo diễn Chu Hiển Dương, ê-kíp đã huy động hàng nghìn diễn viên quần chúng và hàng trăm con ngựa để tạo nên những cảnh chiến đấu ngoạn mục thời Tam Quốc giống với bản game nổi tiếng. Để tăng thêm sự dũng mãnh cho bậc võ tướng, nhà sản xuất tiêu tốn 1,2 triệu USD vào khâu chuẩn bị phục trang, điển hình thiết kế của nhân vật Lã Bố được mạ vàng 18K.
Bộ phim này cần đến bốn năm để hoàn thiện công tác ghi hình và hậu kỳ. Tân Hoa Xã cho hay Chân Tam Quốc vô song huy động hàng chục công ty đồ họa máy tính thực hiện hậu kỳ. Số lượng cảnh quay phải xử lý kỹ xảo trong bộ phim là hơn 80%. Trong đó, có hàng nghìn cảnh phim phải được chế tác hiệu ứng đặc biệt với độ khó cao. Số tiền chi trả cho diễn viên và công tác đồ họa chiếm hơn 1/2 kinh phí, Chu Hiển Dương cho biết.
Khi “bom tấn” hóa “bom xịt”
Theo Tân Hoa Xã, nhiều dự án phim được gán mác bom tấn nhờ sở hữu chi phí đầu tư, quy mô sản xuất vào hàng khủng, nhưng không phải dự án nào cũng thành công và thu hút khán giả đến rạp như Trường Tân Hồ. Chân Tam Quốc vô song hay Tử chiến Trường Thành là hai ví dụ điển hình cho hiện tượng siêu phẩm "ngã ngựa".
Nguyên căn của thất bại ê chề này do dự án bom tấn của điện ảnh Hoa ngữ thường xuyên đi vào vết xe đổ thiết kế mỹ thuật quá phóng túng và lạm dụng kỹ xảo vi tính, khiến tổng thể trở nên lòe loẹt, thiếu điểm nhấn. Hoặc tập trung thể hiện phần hiệu ứng kỹ xảo tân tiến để làm hài lòng thị giác của khán giả mà vô tình bỏ quên việc đầu tư kịch bản và lựa chọn diễn viên.
Chân Tam Quốc vô song mắc cả hai sai lầm.
Bản live-action của game Dynasty Warriors gây thất vọng lớn. Cảnh phim bị xử lý đồ họa quá đà khiến hiệu quả hình ảnh thiếu tự nhiên và lộ rõ màu vi tính, trong khi đó nội dung lại nhạt nhòa.
Nhiều fan của game nhận xét phim hay, tính giải trí cao trong khi không ít người chưa từng chơi game này cho rằng cảnh hành động "ảo, rẻ tiền", xem phim giống đang xem trình chiếu game.
Phim lép vế dịp nghỉ lễ 1/5 vì hiệu ứng truyền miệng không tốt (nhận 5,1/10 điểm ở diễn đàn phim Douban), nhiều đối thủ cạnh tranh (gần 10 tác phẩm ra rạp cùng kỳ)...
Sohu cho biết, phim bị gỡ bỏ suất chiếu khỏi tất cả cụm rạp tại Trung Quốc sau 7 ngày ra mắt do không bán được vé. Tác phẩm do Cổ Thiên Lạc đóng chính lỗ gần 38 triệu USD. Chân Tam Quốc vô song phải chuyển sang chiếu mạng để vớt vát doanh thu, nhưng cũng kén người xem.
Sự hợp tác giữa Trương Nghệ Mưu và Universal được kì vọng đem đến cho người xem những thước phim mãn nhãn qua "bàn tay ma thuật và tài năng" của những nhà làm nghệ thuật hàng đầu thế giới. Đáng tiếc, "Tử chiến Trường Thành" chỉ có vỏ hoành tráng bên ngoài, còn nội dung chưa đủ sức nặng và sáo rỗng, sắp xếp vai diễn thừa thãi cho nhóm sao thần tượng có năng lực kém cỏi như Cảnh Điềm hay Lộc Hàm, theo QQ.
Dự án do đạo diễn họ Trương "cầm trịch" có doanh thu khiêm tốn với 332 triệu USD. Trang Metacritic chấm phim ở mức điểm 4,2/10. Trên chương trình WTF with Marc Maron, Matt Damon cho biết tác phẩm bản thân đóng chính là "thảm họa điện ảnh". Trong "Tử chiến Trường Thành" anh lãnh đạo đội quân Trung Quốc giết quái vật.
Trên Sohu, giám chế Tạ Hiểu Hổ đánh giá ở thời điểm hiện tại quy mô công nghiệp hóa của nền điện ảnh Trung Quốc có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, phần lớn bom tấn được sản xuất trong 10 năm trở lại chỉ mang tính giải trí thuần túy, chưa đáp ứng tiêu chuẩn nghệ thuật hàn lâm, cũng như làm hài lòng thị hiếu khán giả toàn cầu.
"Tác phẩm nghệ thuật chỉ tập trung thể hiện sự giàu có trên màn ảnh là chưa đủ. Nội dung cũng cần phải xứng tầm để tránh tình trạng rỗng ruột. Sẽ là lãng phí nếu đổ tiền đầu tư nhưng dự án ra mắt lại dở tệ, không có giá trị", giám chế Tạ Hiểu Hổ cho biết.