Những đứa trẻ ăn, đi học thêm trên yên xe của bố
TS Trần Nam Dũng cho rằng một trong những nơi trẻ con ngồi nhiều nhất hiện nay là yên xe của bố. Trẻ đi học chính khóa, học thêm, ăn uống vội vàng trên chiếc yên xe.
Tại tọa đàm "Trường chuyên trong thời đại 4.0" vừa diễn ra tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu TP.HCM, chia sẻ về áp lực của học sinh trường chuyên.
"Tôi mong trong tương lai, học sinh sẽ không bị bào mòn bởi việc đánh đố kiến thức trong các kỳ thi diễn ra triền miên. Việc luyện thi đã chiếm hết thời gian của các em", ông Dũng nói.
Trăn trở của TS Nam Dũng cũng là nỗi niềm của rất nhiều phụ huynh và học sinh tại tọa đàm.
Trường An, học sinh trường THPT Năng khiếu TP.HCM, chia sẻ em từng chứng kiến nhiều học sinh bị áp đặt bởi giấc mơ của bố mẹ. Không ít bạn của An phải đi học cả ngày lẫn đêm. Nhiều bạn còn vừa ăn cơm, vừa học bài trên đường đến chỗ học thêm.
"Phụ huynh đừng lấy ước mơ còn dang dở của mình để áp đặt lên con cái. Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là cách học ở đó như thế nào. Học trường chuyên là may mắn nhưng chỉ nên dừng lại ở mong muốn của bản thân học sinh, thay vì đến từ ép buộc của phụ huynh", Trường An nói.
Bên cạnh đó, trong buổi tọa đàm, vấn đề áp lực của học sinh chuyên nhận được nhiều sự quan tâm.
Cao Hoàng Đức, cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, cho biết áp lực của học sinh trường chuyên đến từ hai phía.
"Áp lực kỳ vọng của thầy cô và gia đình. Khi bản thân là học sinh trường chuyên, góc nhìn của mọi người đối với bản thân mình rất khác. Họ đặt lên vai học sinh những kỳ vọng lớn, đôi khi lớn hơn sức của mình. Tiếp đó là áp lực từ các bạn đồng trang lứa. Việc bản thân bước chậm, hay dậm chân tại chỗ, trong khi các bạn đang cố gắng nỗ lực để hoàn thiện bản thân, đã là sự thụt lùi rồi”, Hoàng Đức nói.
Cũng theo Hoàng Đức, việc né tránh áp lực sẽ không có hiệu quả. Nam sinh học cách đối diện trực tiếp với áp lực.
Trước những lo lắng về áp lực học tập của học sinh, ông Trần Nam Dũng mong rằng sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới, với 4 yếu tố kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ, sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho học sinh trong tương lai, đặc biệt là học sinh trường chuyên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dua-tre-an-di-hoc-them-tren-yen-xe-cua-bo-post1108592.html