Những đứa trẻ bị bỏ lại ở vùng quê Cam Túc
Cha mẹ bỏ lên thành phố kiếm sống, nhiều trẻ em ở vùng quê Cam Túc sống cùng ông bà, thiếu thốn sự chăm sóc và đối mặt nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Dự án nhiếp ảnh về "những đứa trẻ bị bỏ lại" ở các vùng miền núi xa xôi tại Trung Quốc của Liu Feiyue (nhiếp ảnh gia tự do) gây ấn tượng mạnh với người xem, The Paper đưa tin. Nhân vật trong tác phẩm của anh là những đứa trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa, lớn lên cùng ông bà, thiếu thốn tình yêu thương và sự quan tâm. Liu luôn dành sự quan tâm lớn cho con người và môi trường. Anh từng nhận Giải thưởng Xuất sắc trong Cuộc thi Phóng viên ảnh Quốc tế. Thông qua 40.000 bức ảnh được ghi lại trong 5 năm qua, Liu muốn truyền tải sự thật, và mong rằng nhiều người sẽ chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần của những đứa trẻ bị bỏ lại.
"Chiếc xe buýt nhỏ vất vả leo qua từng ngọn núi. Những con đường ngoằn ngoèo, một bên là núi, phía còn lại là những thửa ruộng bậc thang trên sườn đồi đang bắt đầu xanh mướt mát. Lúa mì vụ đông trồng từ năm ngoái đã bắt đầu ra hoa. Những cụ già ngồi trước cửa hàng ven đường tò mò khi thấy tôi xách chiếc túi to đi qua. Tôi dần cảm nhận được 'cái lạnh thật sự' của ngôi làng này", Liu Feiyue nhớ lại trải nghiệm đầu tiên của mình khi đặt chân tới ngôi làng nhỏ ở Long Nam, tỉnh Cam Túc.
Cha mẹ của hầu hết trẻ em ở vùng núi này đều rời quê hương để lên làm việc ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân. Những đứa trẻ lớn lên và sống cùng ông bà.
Cô bé tên Dan Dan ủ ấm mình trong chiếc chăn, em phải nghỉ học vì bị ốm. Đã một năm nay, cha mẹ em không về thăm nhà. Mỗi lần nhớ cha mẹ, Dan Dan nhìn lên tường, ngắm bức ảnh cưới của họ và cố gắng tự an ủi mình.
Khi màn đêm buông xuống, bên bờ sông, một đứa trẻ trong làng trêu đùa bằng cách lấy dây quấn rơm để trói bạn mình. Ở đây, các em không có nhiều lựa chọn để vui chơi.
Cô bé trong ảnh là Lili tự chơi một mình với xấp giấy cắt nhỏ. Chiếc nồi trên bếp lửa bên cạnh em có món bánh do ông nội làm.
Theo số liệu nghiên cứu của Viện Tâm lý học, Viện Khoa học Trung Quốc năm 2015, có 61 triệu "trẻ em bị bỏ lại" ở Trung Quốc. Trong đó, 34% có xu hướng tự tử, 9% từng làm như vậy và 70% các em gặp vấn đề tâm lý khác nhau. Những con số trên đặt ra nhiều lo ngại về sự phát triển cũng như sức khỏe tinh thần của những đứa trẻ miền quê không được cha mẹ chăm sóc, nuôi nấng.
Mùa hè, Liu trở lại ngôi làng, tiếp tục chụp ảnh những đứa trẻ cùng ông bà. Anh ghép ảnh họ cạnh nhau, tạo nên cảm giác vừa tương đồng, vừa đối lập. Khoảng trống giữa họ không chỉ là tuổi tác, mà còn là khuyết đi một thế hệ - những cha mẹ đã đi làm ăn xa.
Mong muốn chụp những bức ảnh đoàn tụ để gia đình các bé làm kỷ niệm, Liu trở lại thêm một lần nữa trước lễ hội mùa xuân, bởi đó là khoảng thời gian hiếm hoi các thành viên đều có mặt ở nhà.
Những nỗ lực, tâm huyết của của vị nhiếp ảnh gia đã giúp dự án trở nên phong phú và hoàn thiện. Những bức ảnh trong dự án được lan truyền, tạo hiệu ứng tích cực, kêu gọi mọi người quan tâm đến những đứa trẻ bị bỏ lại nói riêng, cũng như tất cả trẻ em nói chung.