Những đứa trẻ chống chọi từng ngày để làm người tử tế
Phương Anh, 20 tuổi, lòng đầy tổn thương, bỏ đại học đi học nghề và làm bánh, sống giữa một xã hội xô bồ vẫn khao khát làm người tử tế.
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, cuốn sách mới của Đặng Hoàng Giang (Nhã Nam phát hành vào tháng 1/2020), là kết quả của gần hai năm tác giả đi cùng những người trẻ trên dưới 20 tuổi.
Trong bối cảnh xã hội mà các kết nối liên thế hệ bị đứt gãy, và các thành viên trong nhiều gia đình sống bên nhau như những người xa lạ, cuốn sách là một lời cảnh tỉnh gửi đến mọi thế hệ.
Những số phận trong cuốn sách sẽ làm lung lay những khuôn mẫu của xã hội về “ngoan” và “hư”, sẽ khiến người đọc ở mọi độ tuổi suy ngẫm lại về những điều người trẻ cần và những thứ họ đang thiếu, về tuổi thơ của bản thân, về gia đình của chính mình.
Zing.vn xin giới thiệu một chương từ cuốn sách, câu chuyện của Phương Anh.
Từ khi học nghề tôi trân trọng lao động hơn
Bạn đã xem Gordon Ramsay chửi như điên trong bếp, đúng không? Fuck! Fuck! Fuck! Fuck! Gordon Ramsay trong Master Chef ấy. Tôi cũng nóng tính như vậy. Hôm trước tôi rẽ qua tiệm bánh, nơi tôi làm bán thời gian kể từ khi bỏ Đại học Thương Mại để học làm bánh và quản lý nhà hàng. Tôi sẽ không kể là bố mẹ tôi phản ứng như thế nào, nhưng khi cấp Hai bạn học trường điểm và cấp Ba chuyên Chu Văn An thì bạn có thể đoán là chuyện bạn đi học nghề nó kinh khủng với bố mẹ như thế nào. Đến giờ tôi vẫn phải nói dối bạn bè của bố mẹ để giữ sĩ diện cho họ.
Chỗ tiệm bánh tôi đang làm cũng có tới bảy, tám đứa bỏ đại học hoặc bảo lưu. Tôi hơi giật mình, “Có nhiều đứa giống mình vậy à?” Chưa bao giờ tôi hối hận. Từ khi học nghề tôi biết trân trọng lao động hơn. Tôi không ngại việc. Tôi chấp nhận một mức lương bèo bọt hay một công việc nặng nhọc nếu như tôi được học hỏi. Và tôi không phàn nàn khi phải đợi đồ uống lâu ở nhà hàng nữa, tôi biết là họ đang rất bận, họ đang rất cố gắng.
Vậy là hôm đó tôi tới tiệm bánh, và thấy một cái bánh được làm rất cẩu thả. Tôi hỏi bọn chạy bàn, đứa nào làm bánh, rồi cầm cái đĩa lừ lừ vào bếp, đứng trước mặt nó. “Đ. con mẹ mày, làm cái đĩa bánh thế này à?” Nó giương mắt lên, “Làm sao?” “Làm sao cái con c.! Mày đéo biết nhìn à? Đ.m. mày mày xếp thế này à, mày vẽ thế này à? Mày có vấn đề gì không đấy?” Nó đổ cho đứa phục vụ làm đổ bánh khi bê ra. Tôi gọi đứa phục vụ vào, nó ngơ ngác, “Ơ không, em đi bình thường mà…” Tôi quay ra đứa làm bánh, “Bây giờ mày bỏ một trăm nghìn mày mua một cái đĩa bánh mà nhìn hình thức nó xấu, ăn vào nó đéo ra cái gì, mày có chịu được không? Không, đúng không? Mày tiếc tiền, đúng không? Mày có quay lại không? Không bao giờ!”
Tôi chửi to lắm, bọn ở ngoài cũng sợ luôn. Ngoài anh sếp ra thì tôi là chủ lực ở tiệm bánh. Mỗi lần làm một loại bánh mới thì tôi sẽ đích thân mang ra giới thiệu cho khách. Hoặc khi có khách phàn nàn thì cũng lại phải tôi ra nói chuyện với họ. “Tại sao bây giờ cái bánh nó lại bé thế này?” Khách hỏi. Bọn nhân viên sẽ ú ớ. Tôi sẽ tỏ ra chuyên nghiệp, “Bọn em cắt giảm kích thước của bánh là để tăng lượng topping lên và cái size bánh sẽ phù hợp hơn, khi mà anh ăn hết cái đĩa bánh này thì bla… bla…” Khi bánh ế hoặc gần hết đát mà cần đẩy thì tôi cũng được cử ra để nói. Tôi là người hoạt ngôn.
Hồi cấp Ba tôi đã hay đứng ra gánh team. Chữ này trong game ra, nghĩa là mình đứng ra cáng đáng, chèo lái cho team. Tôi học tốt văn sử địa nên trong các tiết đó tôi hay giơ tay hỏi cái này cái nọ, làm cô bận rộn, bọn còn lại làm việc riêng. Tôi vừa được học vừa giúp cho bạn ngủ.
Tôi cũng hay bị cho là bướng. Hồi lớp 11 tôi bị tụt một bậc hạnh kiểm vì hay đánh son. Cô giáo nhắc liên tục, “Phương Anh xóa son đi”. Cô cho rằng do tôi mà bọn con gái trong lớp đánh son theo. Ở trường nhiều đứa ghét tôi, chúng nó bảo xinh thế mà học chuyên thì thế nào cũng chạy điểm. Tôi tự cho mình có một chút nhan sắc: da trắng, tóc dài, dáng cao ráo, chỉ có bắp chân thì hơi to, tôi không thích bắp chân to mặc dù nó rất tốt khi mình tập võ.
Nhưng nhiều đứa lại quý tôi vì tôi hay lên tiếng. Hồi đầu cấp Ba, có thằng trong lớp tôi rất phá phách. Một hôm, cô giáo nói, “Anh lên đây, anh viết bản kiểm điểm cho tôi”. Nó bỗng đứng dậy, xồng xộc lao tới, giật cái ghế nhựa lên. Cả lớp cuống quýt, “Thôi, mày! Thôi, mày!” Tôi nhảy lên bục giảng, đứng trước mặt nó, quát, “Mày định làm gì thế?” Cô giáo sợ chạy ra chỗ khác. Tôi xách cổ nó, đẩy ra, “Mày về chỗ ngồi!”
Tôi biết là nó sợ tôi. Trước đó, có lần ngoài sân trường nó cầm con chuột chết dí vào bọn con gái làm chúng sợ chạy chết khiếp, có đứa còn phát khóc. Đợi lúc nó không để ý tôi tới gần, giật con chuột rồi nhét vào trong áo nó. Nó hét, “Đ.m. mày làm cái gì đấy.” “Đ.m. mày không chịu được sao mày trêu những đứa kia?” Lúc đó là giờ thể dục, nó vớ cái vợt cầu lông quật. Tôi né. Hai đứa giằng co cái vợt, nó ngã xuống, tôi bẻ gẫy cái vợt, nó là vợt đểu, vụt liên tiếp vào người nó. Mọi người đứng kín xung quanh cổ vũ, “Phương Anh cố lên! Phương Anh cố lên!” Sau lần đó thì tôi bắt vía được nó.
Mắng đứa nhân viên kia xong, tôi tập trung vào làm một mẻ xu kem. Giờ đây thì chỉ có mỗi trong chuyện làm bánh là tôi có thể dõng dạc tuyên bố mình đầy nhiệt huyết, tôi yêu nó nhất trên đời. Tôi đã thử hai mẻ, nhưng đều phải bỏ đi vì nó không được phồng. Đến lúc gần hết ca, lôi mẻ bánh ra thì tôi thở phào, người mềm nhũn ra vì mệt. Anh sếp chắp tay trước tôi như là vái sư phụ.
Tôi nhớ rõ vì hôm đó anh ấy nhận được một túi nấm và một túi đá ship từ Sài Gòn ra. “Phương Anh đâu, lấy kéo ra đây,” anh ấy bảo, rồi cắt túi ra kiểm tra. Mọi người ngỡ ngàng, “Uầy, anh Thành chơi đá.” Anh ấy cầm một cây nấm, “Chúng mày… Hôm nay Phương Anh làm tốt, anh sẽ thưởng cho Phương Anh”. <Giơ điện thoại ra>
Đây là lô bánh thứ ba của tôi. Đây là thành phẩm lần nướng thứ hai. Bạn có thấy sự khác nhau? Khó nhất của việc làm bánh là cảm nhận được nhiệt độ của cái lò và thay đổi nó. <Chuyển ảnh> Còn cái bánh này là Saint Honore. Cái này là Eclair. Còn cái này, tôi dùng nho đen không hạt, bột than tinh tre và đường bột để tạo điểm nhấn.
Tôi biết là mình say cần
Tôi rời tiệm bánh thì trời đã tối. Tôi lái xe chậm chậm, những sợi tóc bay lượn sóng. Những ký ức liên quan tới con đường bắt đầu trở về, tất cả cùng một lúc. Mỗi kỷ niệm như một trang sách, vô số trang cứ chồng mãi, chồng mãi lên nhau. Tôi biết là mình say cần bởi trước đó tôi đã nhìn vào màn hình có con bướm mà anh sếp gí vào mặt tôi. “Khi nào em thấy con bướm vỗ cánh bay đi thì lúc đó em phê rồi đó".
Suy nghĩ của tôi rời con đường thẳng và bắt đầu phủ kín không gian đa chiều. Hình ảnh tôi rời quán cafe với Dũng, cảnh tôi ngồi sau xe của anh, chúng chồng chéo lên nhau. Tất cả đã qua, tôi cảm thấy thật buồn.
Tôi nhớ cái lần tôi và anh ấy ăn chung một cái bánh và sững sờ. Nó ngon kiểu mộc mạc. Tôi nói với Dũng, ôi, cái vị ngọt này vừa vặn, nó chỉ dừng ở đầu lưỡi thôi, nó không bị ngọt quá, còn cái kết cấu này, tại sao lại ra được cái kết cấu này nhỉ, bình thường bánh phô mai thì phải có vị như thế này nhưng sao cái này lại có một vị khác, và tại sao sự xuất hiện của nó lại đặc biệt… Cái bánh trông bình thường đến tầm thường nhưng bên trong thì có rất nhiều bất ngờ.
Hồi mới quen nhau, chúng tôi đi tàu tới Quảng Bình chơi. Không hôn, không sex, chỉ là bạn thôi, nhưng tôi có cảm giác mình có thể sống với người bạn này cả đời. Khoang ngủ của chúng tôi ở trên cùng, rất thấp, nên bọn tôi ra chỗ rửa tay của toa ngồi chơi, trêu nhau, rồi đứng ở cửa sổ vẫy tay chào người đi đường. Cả ba ngày tôi không chạm tới cái điện thoại, chúng tôi hút cần liên tục. Buổi tối tôi say rượu, Dũng đợi tôi nôn hết xong mới dìu tôi về phòng. “Em đi được, em đi được,” tôi luôn miệng nói, nhưng vấp chảy máu ngón chân cái. Xong rồi tôi lại nôn tiếp lên giường, Dũng nói, “Oh shit.” Vậy là chúng tôi ngủ cùng nhau trên giường của Dũng. Anh ấy gãi gãi vào đầu tôi để tôi ngủ.
Ngày thứ ba, ngày cuối cùng, chúng tôi mặc đẹp để lượn phố biển. Dũng mặc áo sơ mi trắng và quần skinny, đi giày converse đen trắng kiểu old school. Dũng rất để ý tới ăn mặc, ra đường thì phải đẹp, không cần lồng lộn lên, nhưng phải có style gì đấy. Tôi nói, hôm nay anh muốn em mặc cái gì, rồi chúng tôi cùng nhau tìm đồ cho tôi. Cuối cùng tôi mặc cái áo phông đen của anh ý, đi cùng quần bò đen.
Chúng tôi lượn biển và ngồi ở một quán cafe kiểu bảo vệ môi trường, không ống hút. Một con phố đơn giản, mọi người đang sống cuộc sống của mình, không có trung tâm thương mại, không ai cắm mặt vào điện thoại. Trông họ không giàu có, nhưng tôi yêu cuộc sống của họ, nó hiền hòa, không giống cuộc sống ở thành phố lớn khiến người ta cứ phải căng thẳng.
Buổi sáng cuối cùng thì chúng tôi có hôn nhau. Bọn tôi nằm cạnh nhau, anh ấy xoa xoa đầu tôi, rồi tự nhiên môi chạm nhau. Tôi thấy vui vui, trong tôi không dâng lên cảm xúc yêu đương, nhưng tôi hơi bối rối và tự hỏi, “Ơ, như thế này là thế nào nhỉ?” Anh ấy bảo, “Cứ nên để mọi thứ tự nhiên".
Đến khi về Hà Nội thì chúng tôi làm tình. Thực ra tôi đang trong giai đoạn không thiết gì tới sex, thậm chí còn hơi sợ. Nhưng Dũng đã làm tôi thay đổi. Hôm đó chúng tôi nằm cạnh nhau trong phòng của anh ấy, nghe nhạc, hút cần. Tôi nghĩ, “Nếu bây giờ làm tình thì mình chỉ làm tình được với anh ấy thôi". Tôi xin lỗi, tôi ăn nốt miếng bánh. <Ăn bánh>
Tôi mất trinh năm lớp Mười một. Ở tuổi mười bẩy, nhu cầu tình dục là lẽ tự nhiên. Hormone của mình nó đẩy lên, nó làm mình muốn có những hoạt động đó. Tôi và bạn trai - tôi quen nó được hơn một tháng, rất thích nó mặc dù biết sẽ không lâu dài với cậu ta - “hành sự” trong một quán cafe phim. Tôi thấy hồi hộp và hiếu kỳ. Không được hướng dẫn bao giờ, chúng tôi mất rất nhiều thời gian với cái bao cao su vì không biết mặt nào là đúng. Tôi thấy đúng là thốn. Thốn là dở khóc dở cười. Vừa buồn cười vừa xấu hổ, giống như bạn bị bóng đá vào chỗ kín ở ngay sân trường ấy.
Hồi đó bạn cùng lớp của tôi đã có quan hệ tình dục hết rồi, trừ thằng Minh. Nó là nerd. Thỉnh thoảng tôi lại trêu nó, “Chén đi! Yêu đứa nào đó rồi làm chuyện đó đi. Trải nghiệm ở tuổi này thì không phải là sớm nữa, nếu để muộn quá thì ông lại thành một thằng thiếu kinh nghiệm…” Thế mà cô giáo chủ nhiệm của tôi còn dặn dò, “Các em có thích nhau thì chỉ nên dừng lại ở mức nắm tay thôi bởi vì các em còn quá nhỏ. Vấn đề tình dục nó rất là nhạy cảm và các em chưa đủ bản lĩnh để đối mặt.” Cả lớp nhìn nhau. “Thế nên là,” cô lại nói tiếp, “nếu như các bạn nữ có bị gạ gẫm thì hãy khéo léo từ chối.” Khôi hài chết mất!
Khi hai người có tình cảm với nhau thì làm tình sẽ rất thăng hoa. Tôi từng trải qua cái thăng hoa đó và tôi rất trân trọng nó. Ngược lại, năm ngoái tôi quay lại làm tình với một bạn trai cũ, sau khi hai đứa đã chia tay nhau được một năm. Lúc đó tình cảm đã vơi đi nhiều rồi, nên rất là chán. Những va chạm rất là bản năng. Cho nên tôi không mặn mà với tình một đêm hay lên Tinder chat vu vơ để lên giường với ai đấy. Nó không xấu, nhưng nó trần tục. Tôi vẫn hay khuyến khích mọi người là hãy đến với tình dục bằng cảm xúc.
Nhưng thực ra tình dục không phải là cái quan trọng nhất. Cảm giác hai người có khi ở cạnh nhau, đó mới là cái quan trọng nhất. Tôi nhớ mãi lần tôi và Dũng ngồi ở ven hồ Tây. Chúng tôi im lặng, nhìn ra hồ và hơi mỉm cười, điếu cần chuyển từ tay người này tới tay người kia. Chả có gì xảy ra cả, mà tôi thấy hạnh phúc, buồn cười thế.
Cay đắng trong lòng khi viết đơn nói nguyện vọng ở với bố hay mẹ
Ký ức đầu tiên về bố mẹ đánh nhau là khi tôi năm tuổi. Tôi đơ ra nhìn, miệng vẫn đầy cơm, không khóc, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hồi cấp Hai thì ban đêm tôi hay bật dậy vì nghe tiếng mẹ gọi từ phòng bên, “Phương ơi, cứu mẹ!” Mở cửa phòng, tôi thấy hoặc bố đang túm tóc mẹ, hoặc mẹ nằm dưới chân giường, bật đèn lên thì thấy người mẹ tím tái. Có lần tôi gắt, “Điên à, tại sao lại hành người ta như thế? Con mệt lắm rồi, để cho con ngủ!” Mấy năm sau thì thỉnh thoảng ban đêm hai mẹ con phải dựng nhau dậy vào bệnh viện vì bố say rượu ngã xe, phải khâu cằm vá má.
Những gì tôi chứng kiến khiến tôi có thái độ… tôi nên gọi nó là gì nhỉ… Chai lì? Bình tĩnh? Bố mẹ đánh nhau - bình thường. Máu me - bình thường. Bố đấm, mẹ cào, phi đồ vào nhau, phang nhau, thụi, kẹp cổ, giữ chân các kiểu. Hồi nhỏ thì tôi để cái Linh, em gái tôi, ở tầng một, chạy lên tầng hai để can, “Thôi, thôi, thôi, thôi... Bố mẹ thôi đi”. Tôi lao vào thì bị hất ra. Đến khi bố mẹ buông nhau ra tôi mới khóc nức lên, khóc vì bất lực và tuyệt vọng.
Sau này thì chỉ họa hoằn tôi mới can thiệp, còn nếu là lý do vớ vẩn thì tôi kệ. Có hôm hai người cãi nhau xem đẻ tôi ở phòng nào. “Phòng ba”. “Phòng bốn”. Một lúc sau thì, “Anh hâm à?” “Cô điên à?” Lúc sau nữa thì lao vào nhau, “Mày thích gì?” Vừa bi vừa hài.
Cho nên là tôi giữ thái độ dửng dưng. Nhưng tôi có nhớ cảm giác cay đắng trong lòng lúc phải viết cái đơn nói nguyện vọng muốn ở với bố hay mẹ, khi hai người ra tòa. Sau đó thì mẹ rút đơn ly dị lại. Một tuần sau, tôi đang ở trên lớp thì mẹ gọi tới, hét ầm lên trong điện thoại. “Bố mày lấy chìa khóa xe máy của tao, rồi khóa cửa nhốt tao trong nhà. Mày về đây mà giải quyết.” Thế là tôi phải về nhà để “giải quyết.” Rồi mẹ chuyển ra nhà khác, cái Linh ở với mẹ, tôi đi lại giữa hai nhà.
Mà tôi biết cách né đòn của thằng bạn cùng lớp là do bị bố mẹ đánh nhiều quá. Cũng nhờ tránh đòn nhiều mà khi bắt đầu học võ tôi tiến nhanh. Bố mẹ tôi lôi về hàng chục cái roi mây rất dẻo, cất mỗi nơi một chiếc, tiện chỗ nào lôi ra chỗ đó. Tôi phải lục lọi tìm để vứt chúng đi. Bố thì phần lớn là đánh có lý do chính đáng, tôi về muộn hay gì đó. Còn mẹ thì nhiều khi đánh vì mẹ cần chỗ xả. Mình áp bức người yếu thế để trút cơn giận. Qua mắt mẹ thì tôi nhận biết được điều đó.
Sau này thì tôi phản kháng lại. Hôm trước, không nhớ to tiếng vì điều gì, mẹ vớ cái chổi xỉa vào tôi. Tôi giật nó, ném ra chỗ khác, phản xạ rất thuần thục. Tôi cảnh báo, bây giờ mà đánh thì không biết ai đau đâu mẹ nhé. Thế là mẹ thách thức, “Mày đánh tao đi, đánh luôn đi xem nào!” Tôi bảo, “Không, con học võ không phải để làm mấy trò này, mẹ đòi đánh con xong giờ lại còn thách con đánh lại. Dở hơi!” Mẹ tôi đi lên tầng hai, nói với cái Linh, chị mày là con mất dạy, chị em mày tự đi mà bảo nhau. Tôi nói, “Để cho nó học, có gì thì xuống đây mẹ con mình giải quyết.” Mẹ gọi với xuống, “Mày thu dọn hết quần áo sách vở cút về ở với bố mày đi".
Tôi và mẹ không nói chuyện với nhau một thời gian. Nhưng mẹ mình thì làm sao mình thù mãi được.
Từ nhỏ tôi đã thấy lúc nào cũng bấp bênh. Tan trường tôi vừa đạp xe về vừa tự hỏi hôm nay ở nhà có chuyện gì không đây. Giữa mùa hè mà nhà tôi lạnh như cái nhà hoang, không có một tiếng cười. “Ừ, đời mẹ thất bại rồi, đời mẹ chỉ đến thế này thôi,” mẹ nói cùn. “Con cao siêu, con giỏi, con có năng lực thì con kiếm việc, cưới chồng, rồi sống cuộc đời hạnh phúc đi”. Bố thì bảo, “Bố mẹ chu cấp cho con tiền ăn học, còn thì không thể cho con hơn được, chỉ có thế thôi…”
Tôi phải chấp nhận chứ sao bây giờ? Từ nhỏ tôi đã quen với việc không có bố mẹ ở bên. Buổi sáng tỉnh dậy, móc ví bố lấy tiền ăn sáng rồi đạp xe đi học. Chiều về nhà, có hay không có ai cũng không quan trọng nữa, không buồn, không nhớ, không gì cả, tôi cứ đứng ở cửa nhìn người qua lại, ánh mắt vô hồn.
Giờ đây, cảm xúc của tôi với bố mẹ là một thứ khó tả. Tôi không trách, nhưng bảo là thương thì tôi cũng không thương. Nó là một thứ dửng dưng, không sâu sắc, không lạnh nhạt. Và không âu yếm như là cái cách con cái vẫn bình thường nhìn bố mẹ. Tôi muốn tự lập, tự chu cấp để đỡ gánh nặng cho bố mẹ, thế thôi. Thực ra nhiều lúc cái căm ghét nó trỗi dậy trong đầu mình, nhưng sau đấy tôi lại nghĩ, về mặt tâm linh thì tôi đã lựa chọn bố mẹ tôi, tôi đã tự chọn khó khăn cho mình, nên là tôi sẽ phải tiếp tục giải quyết.
Thấy gia đình bạn nói cười với nhau, tôi đờ người ra kinh ngạc
Có lần tôi ăn cơm ở nhà thằng Minh. Mọi người nói chuyện tự nhiên lắm, cứ ăn uống, chia sẻ với nhau, cười cười nói nói bình thường. Tôi đờ người ra kinh ngạc, thấy như mình đang xem một bộ phim tình cảm gia đình. “Ừ, đã hai mươi tuổi rồi mà mình không biết cái cảm giác hạnh phúc nó như thế nào,” trên đường về, tôi hơi lo lắng, “vậy thì mình có phát triển bình thường được không nhỉ?”
Lúc nào mình cũng có cảm giác phải vượt giông vượt gió để đến được với sự sống. Nó cứ bị quật ngã liên tục ấy. Lúc ở nhà Minh, tôi thấy bao nhiêu tự tin bay đi đâu hết. Tôi rụt lại bên trong, thấy mình lạc lõng, mình vui cho bạn nhưng mình cũng bị đẩy ra xa.
Không được yêu thương từ nhỏ, tôi thấy mình giống cái cây bị thiếu chất dinh dưỡng từ dưới gốc, nên lên trên nó yếu đuối, còi cọc.
Từ tiệm bánh về đến nhà, tôi nhìn cái Linh đang hí hoáy vẽ và thấy thương nó quá. Từ khi học võ thì tôi ít nổi giận với nó hơn, mặc dù nhiều lúc nó vẫn dở hơi. Từ hai năm nay mẹ phó mặc nó cho tôi hoàn toàn. Tuần trước, nó khóc và gọi điện cho tôi là nó đang chui trong nhà vệ sinh ở trường vì sợ bị đánh. Giữa trưa, tôi đi xuyên qua thành phố, giả vờ với bảo vệ là phải đưa chìa khóa để được vào trường nó. Tôi gọi thằng bé dọa đánh ra. Nó sợ xanh mặt. “Mày đánh cái Linh đấy à, tại sao mày đánh nó?” “Nó chửi em.” “Bây giờ thế này nhé, nó là con gái, mày là con trai. Nó chửi mày thì mày phải chửi nó chứ tại sao mày lại đánh nó. Giờ chị to hơn, chị đánh mày nhé?” Nó rúm lại. Tôi quay sang bảo cái Linh, “Em có chửi bạn không?” Nó gật đầu. Tôi bảo nó xin lỗi. Rồi tôi bảo thằng kia xin lỗi cái Linh. “Ok, xong chưa?” Nó gật đầu. “Giờ thì biến!”
Nhưng có nhiều lúc cái Linh giúp lại tôi. “Chết rồi, chị lại nhớ anh Dũng rồi", tôi thừ ra. “Nhớ nhiều không?” “Hình như hơi nhiều.” “Thôi, chị quên người ta đi, người ta không phải là người yêu chị đâu". Nó lấy điện thoại ra khỏi tay tôi và xóa các ảnh của Dũng đi. Tôi bảo, “Ừ nhỉ, người ta không quan tâm tới mình nữa thì mình cũng không phải quan tâm tới người ta. Chị cám ơn Linh".
Ngồi không một lúc thì tôi ỉ eo, “Linh ơi, đi chơi đi, đi chơi đi, chị đang buồn”. Nó buông bút, thở dài. Nó mới lớp Chín nhưng tôi cho nó chở tôi trên xe máy chạy dọc hồ Tây, và nghe nó kể về thằng bạn trai của nó. Chúng nó mới chỉ hôn hít nhau. Hôm trước, tôi nhìn vào mặt hai đứa và dặn là những chuyện liên quan tới yêu đương, tình dục thì phải hỏi tôi, tôi sẽ tư vấn. Tôi biết là sẽ không cấm được chúng nó. “Chuyện ấy cũng không đáng ngại hay xấu hổ, nó là nhu cầu hết sức cơ bản, chỉ là mình nên chuẩn bị để đối mặt với nó tốt hơn”. Hai đứa đỏ mặt lên, “Vâng, chúng em nhớ rồi, có gì chúng em sẽ hỏi chị”.
Cái Linh thả tôi xuống đi bộ, rồi phóng lên phía trước. Tôi ngồi xuống cái ghế đá chỗ tôi gặp thằng Minh cuối tuần trước. Hôm đó hai đứa ngồi tựa lưng vào nhau, hút cần. Mặt trời rọi nắng từ trên cao. Bên hông tôi là cuốn sách mới mua, Công thức nấu ăn tặng con gái. Tác giả dạy con gái nấu ăn trong những ngày tâm trạng, cô ý viết rất dịu dàng, đơn giản, đọc mà thấy buồn lắm.
Tôi và Minh cùng nhắm mắt và tưởng tượng mình đang đi trên bờ biển. Bờ biển của nó có nhiều người, còn của tôi thì chỉ có cây cối và mình tôi. Tôi hiểu vì sao. Minh đầy đủ về mặt gia đình, nhà nó vui vẻ, nên nó thoải mái hòa nhập vào đám đông. Tôi thì có quá khứ không hạnh phúc, cuộc sống hiện tại xô bồ, nên tôi chọn cỏ cây cho bình an, dịu mát. Nó lớn lên trong một môi trường tốt đẹp, ở quê không khí trong lành, mọi người thân thiện. Trong môi trường của tôi thì người ta coi tiền bạc và sĩ diện là cực kỳ quan trọng. Nó đã có hạnh phúc rồi thì càng dễ có hạnh phúc trong tương lai. Còn tôi phải biến khổ đau thành hạnh phúc, ăn vào toàn cái xấu nhưng phải lọc ra cái tốt. Tôi hay nói chuyện với nó, nhưng nó cũng không thể hiểu hết được mọi thứ.
Tôi chỉ có vài ba kỷ niệm đẹp. Một là ngày đầu tiên của đợt thi đại học. Tôi kéo một vài người bạn về nhà nghỉ trưa, và thấy bố mẹ đang cùng nhau nấu ăn trong bếp, đợi tôi. Trong tôi dâng lên một cảm giác ngọt ngào, sung sướng. “Hôm nay mình là nhân vật chính, mình được quan tâm.” Một lần khác, tôi kể với mẹ là mình bị mẹ của bạn trai gọi điện tới bắt hai đứa bỏ nhau, nếu không cô ấy sẽ nói với hiệu trưởng, vì cô ấy là bạn của hiệu trưởng. Mẹ im lặng mấy phút, tôi đã tưởng mẹ không quan tâm thì mẹ quay ra bảo, “Tao mà biết chuyện thì con ấy chết”. Con ấy là cô kia. Tôi cảm thấy được an ủi, được bảo vệ và hôm sau khi kể lại cho Minh thì có lén chùi một giọt nước mắt.
Một lần nữa, tôi về nhà bố buổi trưa. Bố nấu cơm cho tôi ăn, nghe tôi kể về dự định đi thực tập của mình và khuyến khích tôi đi xa. Lúc tôi ra cửa thì trời vẫn mưa. Hai bố con đứng ngắm mưa, cùng lặng lẽ hút thuốc, không ai nói gì. Tôi cảm nhận được tình cảm bố dành cho mình. Nó ấm áp, nhưng là một hơi ấm muộn mằn và rất mỏng so với cái trống trải, lạnh lẽo bên trong tôi.
Minh rít điếu cần và nói nhiều khi nó cảm thấy có lỗi vì nó thì quá đầy đủ về tình cảm, trong khi bạn bè xung quanh đều có cuộc sống rất phức tạp, đổ vỡ. Tôi bảo, “Đúng rồi đó, ông cảm thấy có lỗi đi".
Trên đường về, nhìn thấy một con chó chạy lũn cũn bên cạnh chủ, tôi bật khóc. Không tới mức nức nở, mà chỉ rơm rớm. Tôi vốn khó khóc. Không phải tôi chủ đích nén cảm xúc, mà là cảm xúc không chịu bật ra. Cho nên tôi rất đồng cảm với một anh người mẫu chuyển giới trong The Face Vietnam. Trong đoạn thử thách đóng phim, mọi người đều vào diễn rất ngon lành, nhưng anh ấy bảo luôn với các giám khảo Minh Hằng và Trấn Thành là, “Em không khóc được nên em không thể hoàn thành phần thi này”. Trấn Thành hỏi, “Tại sao em không thể khóc được?” Anh ấy kể về cuộc sống khó khăn của mình, từ nhỏ phải ở với bà ngoại, năm mười bốn tuổi bà mất thì anh ấy phải tự bươn chải, va vấp. Anh ấy thiếu thốn tình cảm, trở nên chai sạn, nuốt hết cảm xúc vào trong.
Thật là thương cho những người như anh ấy. Đến cả cái cách giải tỏa con người nhất mình cũng không làm được. Lúc nào cũng trơ lì, lúc nào nhìn vào người ta cũng thấy mình cười nói, đi lại. Cho nên là lúc Dũng phũ với tôi khiến tôi hơi khóc một tí thì tôi nghĩ bụng, à hóa ra cũng có người đẩy được cảm xúc của mình đến mức đấy. Chỉ có một lần tôi tức tưởi, đó là khi bố và mẹ đùn đẩy nhau trả tiền học cho tôi, hai người lại không nói chuyện trực tiếp với nhau mà toàn qua tôi. Lúc đó tôi cảm thấy mình như một cục nợ bị đẩy qua đẩy lại.
Chúng tôi khao khát được người khác "chạm" vào
Đôi khi tôi thèm mình có thể khóc nức nở, khóc thật đã, để nó làm sạch những cái u uất bên trong. Nhưng giống như cái anh trong The Face, tôi không làm được vậy. Nhiều lúc phê cần, tôi buồn vô cùng, người mềm nhũn ra, đầu gục xuống bàn, nhưng mặt vẫn ráo hoảnh. Cùng lắm tôi chỉ rơm rớm như lúc này, khi thấy con chó chạy bên cạnh chủ, hay khi thấy hai ông bà già nắm tay nhau đi trên đường, và sự thèm khát được yêu thương, nỗi tủi thân, trỗi dậy. Tôi lấy tay lau nước mắt. Cái sự rơm rớm này, nó không triệt để, nó làm tôi mệt và rấm rứt. Nó không giải tỏa được sự tuyệt vọng ở trong tôi.
Có lần tôi hỏi Dũng, “Em nhìn nhận anh là người giao tiếp tốt, biết cách sử dụng ngôn từ để giải quyết cảm xúc của người khác. Có bao giờ anh ghét bản thân không? Có bao giờ anh khó chịu vì tiếng Việt của anh rất tốt không?” Tôi hỏi, bởi anh ấy cũng hoạt ngôn như tôi, cũng dễ thuyết phục người khác như tôi. Anh ấy bảo, “Có! Mình dễ dàng nắm bắt được tâm lý của người khác, khôn khéo điều khiển họ, vì mình đã trải qua rất nhiều thứ. Nhưng mình đọc được người ta mà người ta không hiểu được mình. Mình xoa dịu được cảm xúc của người khác, nhìn vẻ mặt mãn nguyện của họ, nhưng lòng mình trống rỗng”. Tôi cũng thấy như vậy đó.
Chúng tôi đều khao khát được người khác chạm vào, nhưng lại dè chừng, cảnh giác. Tôi đã cố thủ từ bé tới lớn, tới mức tôi quên mất mình đang làm vậy, để không ai làm đau được mình. Tôi muốn mình bước ra xã hội thì hiên ngang một chút, để không có ai thương hại mình. Nhưng đến khi gặp được người mình thích thì tôi hoang mang. Mình muốn hạ áo giáp xuống, muốn được dựa vào họ, muốn được lắng nghe mà không cần họ phải khuyên bảo gì. Nhưng… họ lại có thể làm mình đau. Họ trở nên có giá trị với mình, rồi bỏ mình mà đi. Mình sẽ sống sót như thế nào với các ký ức? Tôi đã thấy quá nhiều dối trá quanh mình, nếu mình sống trong hoài nghi thì mình sẽ tuyệt vọng, nhưng nếu mình tin họ thì khi phát hiện ra họ dối trá mình lại đau khổ hơn.
Đôi khi tôi thèm mình có thể khóc nức nở, khóc thật đã, để nó làm sạch những cái u uất bên trong.
Giờ đây, cái đau trong tôi không phải là kiểu đau quằn quại, rên rỉ, mà là một dạng lãnh cảm. Tôi không còn lo lắng, sợ hãi nữa khi mẹ nổi giận. Tôi bình thản quá, bình thản đến mức mệt mỏi, bạn ạ. Tôi ghét cái cảm giác trơ lì này, nó làm mình trống rỗng. Ở chỗ tập Muay Thai có tới năm, sáu người thích tôi, toàn là người có vợ rồi. Tôi luyện cách đối đáp để tránh những lời trêu ghẹo, ong bướm vớ vẩn mà vẫn giữ được thái độ mềm mỏng với họ, một việc khá áp lực.
Chẳng vẻ vang gì khi có nhiều người thích mình. Họ thích mình nhưng mình vẫn thấy cô đơn, bạn có hiểu cảm giác đó không, vì không ai khiến mình rung động. Tôi sợ mình bị chai sạn. Quá lâu không nảy sinh tình cảm hoặc có quan hệ quá nhiều đều có thể làm mình chai sạn.
Cuộc sống sau này của tôi sẽ ra sao? Liệu tôi có tìm được bến đỗ không, hay tôi cứ lang thang mãi. Người khác thì nhẹ nhàng bước chân vào tình yêu, còn tôi thì lo sợ, mặc dù tôi không phải là một kẻ thiếu bản lĩnh. Không sợ sao được, cả một thời thơ ấu tới giờ cuộc sống đã trống rỗng, mệt mỏi, kết hôn xong lại không hạnh phúc nữa thì đúng là địa ngục.
Có nhiều điều cám dỗ vẫy gọi tôi lắm, chỉ một cái gật đầu là cuộc sống của tôi đổi hướng. Dạt nhà, hút chích, trở thành chị đại đầu gấu, trộm cắp vặt, quên đi ngày mai, quên đi bản thân, không cố gắng nữa. Ôi, những lời mời mới hấp dẫn làm sao, trong khi cuộc sống của tôi thì bế tắc. “Mày sống thế mà vẫn chịu được à? Bỏ mẹ nhà đi”. “Mày qua nhà tao ở, rồi chúng mình đi đâu đấy”.
Đã có những lần tôi về nhà, đóng gói sách vở. May mà những lúc đấy tôi có cô Thủy, cô giáo văn cấp Ba của tôi. Cô vừa sắp xếp hai trăm cái áo dài trong tủ quần áo của mình vừa nghe tôi kể chuyện gia đình, rồi bỗng buông một câu gì đó khiến tôi phải dừng lại và suy nghĩ. May mà tôi có thằng Minh, thỉnh thoảng nó quẳng cho tôi một cuốn sách, “Ê, bà đọc đi!” Gần nó, tôi thấy mình trở nên trong sáng, cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn.
Và tôi lại tự nhủ, bây giờ mình cần học, cần một công việc, cần chăm sóc bản thân, không để nó trôi tuột đi. Tôi muốn bạn hiểu là tôi đã rất, rất cố gắng để không buông trôi. Tôi muốn mọi người biết rằng có nhiều đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế.
Bạn mời tôi tới nhà làm bánh cho gia đình bạn? Tôi sẽ rất vui. Tôi cảm thấy rất ấm áp khi được chăm sóc người khác. Đến giờ tôi vẫn nhớ những lúc mắt đối phương sáng rực lên khi ăn đồ tôi nấu. Họ ăn, ăn, ăn, tôi hỏi, “Ngon không anh?” Họ im lặng và ăn cho tới hết sạch. Tôi nhìn họ ăn và thấy hạnh phúc.
Chúng ta sẽ bàn với nhau về buổi đó nhé. Tôi sẽ làm cả bánh mì nữa. Làm bánh mì khó hơn bánh ngọt nhiều. Nó là đỉnh cao và khởi nguồn của rất nhiều thứ. Những lỗ khí không tròn trịa, không đều đặn, nhưng nhìn chúng mình cứ như bị hút vào. Khi cầm dao cắt một ổ bánh mì to, nó giòn và phát ra những tiếng tách tách theo từng nhát cứa của mình, khiến trong lòng mình thấy vui lắm. Căn nhà tương lai của tôi, nếu như tôi có nhà, sẽ thơm lừng mùi cà phê và mùi bánh mì nướng mỗi sáng. Với tôi, như thế là cuộc sống đấy.