Những đứa trẻ không tương lai ở Dải Gaza
Hai cậu bé 9 tuổi và 7 tuổi người Palestine mất cha mẹ và người thân trong một cuộc không kích của Israel vào những ngày đầu cuộc xung đột. Vài tháng sau, chúng cũng thiệt mạng vì hỏa lực Israel. Trên khắp Dải Gaza, đã có hàng ngàn đứa trẻ hứng chịu những mất mát rồi qua đời đau lòng như thế…
“Nơi nguy hiểm nhất thế giới với trẻ em”
Hai tuần sau khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas nổ ra, ngày 22/10/2023, ngôi nhà của cậu bé 9 tuổi người Palestine Khaled Jouded ở Dải Gaza bị trúng bom của Israel, khiến cha mẹ, anh trai, em gái và hàng chục người thân ruột thịt của cậu ẩn nấp tại đó qua đời, theo New York Times. Trong đống đổ nát, người ta tìm thấy Khaled lành lặn và Tamer, người em trai 7 tuổi của cậu bị thương nặng ở lưng và chân.
“Khaled cố gắng dỗ dành Tamer khi em trai khóc. Suốt mấy tháng liền, nó nói với em rằng bố mẹ đang ở trên thiên đường, họ sẽ buồn nếu biết chúng ta khóc”, Mohammad Faris, người chú nhận nuôi hai đứa bé, kể lại. Cố tỏ ra dũng cảm, nhưng khi những tiếng nổ vang lên ban đêm, Khaled hay giật mình tỉnh giấc. Cậu bé run rẩy, la hét và chạy hoảng loạn tìm người thân. Cuối cùng, cuộc sống ngắn ngủi đầy nỗi sợ hãi của hai Khaled và Tamer kết thúc vào ngày 9/1/2024, khi một quả bom khác của Israel lao thẳng vào nơi chúng trú ẩn.
Sống sót sau một đợt không kích của Israel nhắm vào thành phố Gaza cách đây vài tháng, nhưng tương lai của Salma (tên được thay đổi-PV), cô con gái 10 tuổi rất giỏi tiếng Anh của một nhân viên y tế người Palestine, đã rẽ sang một hướng rất khác khi mảnh bom thổi bay một mảnh xương đùi của bé và gây nhiễm trùng, buộc bác sĩ phải cắt toàn bộ một chân. “Con bé lẽ ra đã có thể đến Nhật Bản (theo chương trình trao đổi học sinh quốc tế)”, tiến sĩ Sammer Attar, bác sĩ tình nguyện tham gia phẫu thuật cho Salma, nói với New York Times. “Thay vào đó, con bé nằm trên giường bệnh và phải nghĩ về việc có nên (để các bác sĩ) cắt bỏ chân mình hay không”.
Dải Gaza, khu vực có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới, gần một năm qua hứng chịu chiến dịch ném bom dữ dội nhất mà nhân loại từng chứng kể từ Thế chiến II. Hình ảnh do truyền thông đăng tải cho thấy các công trình lớn, nhỏ liên tiếp bị đánh sập. Đó là nhà cửa, là bệnh viện, là công viên và trường học của trẻ em, vốn chiếm khoảng một nửa trong tổng số 2,2 triệu người sinh sống ở Dải Gaza. Theo số liệu của giới chức y tế Palestine, Khaled và Tamer nằm trong 15.000 nạn nhân dưới 18 tuổi thiệt mạng vì xung đột Israel-Hamas. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho hay, cuộc xung đột cũng biến ít nhất 19.000 đứa trẻ khác thành trẻ mồ côi, hàng ngàn đứa trẻ khác mất tay, chân hoặc bị thương nghiêm trọng, giống như Salma.
Các nhân viên y tế cho biết, mỗi ngày có hàng trăm đứa trẻ người vương bụi và máu được người dân bế đến bệnh viện, nhưng không ai tới đón chúng đi. Không ít đứa trẻ bị thương trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn mà “chẳng ai ở đó để nắm tay hoặc an ủi chúng”, theo bác sĩ tình nguyện người Mỹ Irfan Galaria. Đối với những đứa trẻ bị thương nhẹ, chúng lang thang vô định trong hành lang bệnh viện sau khi được y tá băng bó vết thương. Ngoài kia, nếu cha mẹ các em còn sống, họ không biết tung tích con cái mình do thông tin liên lạc hạn chế. Giữa những trận bom, những cuộc di tản liên tục từ lều này sang lều khác, từ căn hộ này sang bệnh viện khác, không ai có thể thống kê được bao nhiêu trẻ em Gaza đã mất hoặc lạc cha mẹ.
Trong cảnh khốn khó ấy, nhiều bậc cha mẹ ở Dải Gaza lựa chọn viết những chữ cái nguệch ngoạc tên da tay con mình để nhận dạng nếu chúng lạc hoặc thiệt mạng. Tại nhà xác, vải liệm được cắt sẵn thành nhiều mảnh nhỏ để bọc những nạn nhân nhỏ tuổi. Đôi khi, thi thể trẻ em được liệm cùng một tấm vải với cha mẹ chúng. Thay vì ước mơ con cái được học hành và phát triển, nhiều phụ huynh ở Gaza chỉ dám hi vọng, nếu con họ qua đời, ít nhất chúng vẫn còn nguyên vẹn và có thể được chôn cất. “Gaza là nơi nguy hiểm nhất thế giới với trẻ em”, Jonathan Crickx, phát ngôn viên UNICEF, mô tả.
Ai sẽ đến cứu những đứa trẻ?
Ngay cả khi không lạc mất cha mẹ và sống sót, trẻ em Dải Gaza vẫn đối mặt cuộc sống bấp bênh. Chúng chen chúc nhau trong những ngôi nhà đông đúc hoặc những chiếc lều tạm bợ, được New York Times nhận xét là “nóng như lò nướng” vào mùa Hè và thường xuyên thiếu nước sạch, dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Trong hơn 1 triệu trẻ em ở Dải Gaza, ước tính có 640.000 trẻ dưới 10 tuổi, bao gồm 340.000 trẻ dưới 5 tuổi. Các em cần thuốc men, thức ăn và nước uống hàng ngày. Trong một tuyên bố mới đây, bà Louise Wateridge, phát ngôn viên cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) mô tả, trẻ em ở Dải Gaza “không còn tuổi thơ”. “Suy dinh dưỡng, kiệt sức. Ngủ trong đống đổ nát hoặc dưới tấm bạt nhựa. Mặc cùng một bộ quần áo trong 9 tháng. Giáo dục thay thế bằng sự mất mát và sợ hãi. Mất mạng, mất nhà cửa và mất ổn định”, bà Wateridge viết.
Dải Gaza đã bị vây chặt trên bộ, trên không và trên biển, nên mọi sinh hoạt thông thường đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài lãnh thổ, hiện được chuyển chủ yếu qua 6 cửa khẩu trên bộ từ lãnh thổ Ai Cập hoặc Israel. Bên trong, việc phân phối hàng hóa cứu trợ phụ thuộc vào các tổ chức nhân đạo quốc tế, dẫn đầu là Cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA). Tuy nhiên, nguồn tài trợ lớn nhất của UNRWA đến từ Mỹ đã bị chính quyền Tổng thống Joe Biden đình chỉ liên quan đến các cáo buộc của Israel về việc một số nhân viên UNRWA người bản địa có dính líu đến phong trào vũ trang Hamas.
New York Times cho hay, Mỹ không đưa ra bất cứ kế hoạch phân phối viện trợ khả thi nào khi cắt nguồn tiền cho UNRWA, dẫn đến nguy cơ xáo trộn nghiêm trọng với hoạt động nhân đạo tại Dải Gaza ngay khi ngân sách của cơ quan này cạn kiệt. Washington từng công bố một kế hoạch táo bạo về việc xây dựng cầu tàu ngoài khơi Địa Trung Hải trị giá hơn 300 triệu USD với mục tiêu cung cấp đủ lương thực cho 1,5 triệu người ở Dải Gaza, nhưng mục tiêu đã thất bại khi cầu tàu buộc phải dừng hoạt động sau hơn 20 ngày với lí do mà Mỹ đưa ra là “gió to, sóng lớn” trên biển.
Bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động viện trợ nhân đạo liên tục cho người Palestine, yếu tố then chốt giúp trẻ em Dải Gaza giảm thiểu nguy cơ tổn thương là một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Israel và Hamas. Gần một năm qua, cộng đồng quốc tế và các nhà hòa giải như Ai Cập, Qatar đã sử dụng nhiều cách để đưa các bên tham chiến đến một thỏa thuận, nhưng bất thành. Mỹ, quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực, nhiều lần yêu cầu Israel tăng cường biện pháp bảo vệ dân thường, nhưng Washington vẫn là bên cung cấp hàng ngàn quả bom để Tel Aviv khai hỏa với lí do “tấn công Hamas”. Bên cạnh đó, Israel gần đây tiếp tục ban bố thêm hàng loạt lệnh sơ tán mới, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống dân thường và các đội cứu trợ.
Theo giới quan sát, những lời kêu gọi ngừng bắn đang ngày một trở nên khẩn thiết hơn khi dịch bại liệt có dấu hiệu trở lại Dải Gaza tấn công trẻ em và có thể lan ra các nước láng giềng nếu không bị chặn. Liên hợp quốc (LHQ) tuần qua hối thúc các bên ngừng giao tranh dù chỉ ngắn ngủi để chuyên gia y tế tiêm vaccine ngừa bại liệt cho trẻ. LHQ khẳng định, ít nhất 90% trong số 640.000 trẻ dưới 10 tuổi ở Gaza phải được tiêm vaccine hai đợt, mỗi đợt cách nhau 4 tuần, để ngăn dịch lây lan. Trong diễn biến tích cực hiếm hoi, Hamas và Israel đã đồng ý tạm dừng giao tranh vì lý do nhân đạo từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều trong ít ngày nữa để các đội tiêm chủng làm việc, nhưng không ai dám chắc lệnh ngừng bắn sẽ được tuân thủ.
Kể lại chuyến đi mới nhất tới “vùng đất lửa”, phát ngôn viên UNICEF Jonathan Crickx thừa nhận ông hiếm khi thấy trẻ em Gaza chơi đùa. Thay vào đó, ông chứng kiến cảnh những đứa trẻ vác vật dụng sinh hoạt thất thểu đi trên những con phố bị bom đạn cày xới hoặc đang cố gắng tìm kiếm thức ăn. Crickx cũng tiết lộ, ông không thể quên hình ảnh một đứa trẻ chừng 5 tuổi đẩy chiếc xe lăn với hai can nhựa đựng đầy nước trên ghế. Theo lời Crickx, tay nắm xe lăn thậm chí còn cao hơn đỉnh đầu cậu bé và cậu dường như không thể nhìn thấy đường phía trước, có lẽ cũng giống như tương lai của cậu, bất định khi cuộc tranh cãi cậu chưa thể hiểu của người lớn chưa ngã ngũ.