Những đứa trẻ trên cung đường Trường Sơn
Có dịp trở về quê qua cung đường Trường Sơn, hình ảnh những đứa bé hồn nhiên, chân chất đã gây ấn tượng mạnh trong lòng chúng tôi.
Từ Tây Nguyên tôi theo cung đường Trường Sơn Đông trục Nam - Bắc để về xứ Quảng. Con đường vòng vèo núi nối núi, hết lên lại xuống nối ra Quốc lộ 40B đang giai đoạn hoàn thành. Con đường xám mờ vẫn còn đang dang dở, bụi mù trời.
Chúng tôi về ngang nóc núi, rừng đã lùi phía ngàn xưa. Đường Trường Sơn Đông loang lỗ, bên vách đá, bên sông ầm ào thao thức chảy, gặp lũ trẻ sống nơi đầu nguồn con nước đang dùng can nhựa tập bơi như rái cá giữa dòng.
Nụ cười tinh khôi của những trẻ em vùng cao Sơn Tây.
Buổi chiều qua Sơn Tây (Quảng Ngãi) vắng tênh xe cộ, người lớn cũng không, chỉ có những đứa trẻ người đồng bào Ca Dong ngồi bên vệ đường, mời chào đón khách để bán rau rừng hái từ núi. Rau ranh và rau dớn đồng giá năm nghìn đồng một bó. Khách chọn hàng của em nào thì em đó bán. Không tranh nhau bán mà cũng không nói nhiều, hỏi gì cũng chỉ cười. Hỏi có đi học không. Em nào cũng gật đầu lia lịa. Những ánh mắt sáng lên khi nhìn thấy những cuốn truyện tranh trên tay, rồi mặc tôi đứng đó nhìn ngó, cả nhóm chau vào trang sách, chỉ trỏ rồi bật cười khanh khách.
Hồ Văn Dìn, cậu bé lém lỉnh nhất trong đám trẻ ỏn ẻn cười khi nghe tôi hỏi bán rau có tiền thì sẽ làm gì “được nhiều thì đưa cho mẹ, ít thì mua kẹo ăn thôi”. “Không để tiền mua sách, vở à?”. “Nghỉ hè rồi mà, ở nhà đi rừng hái rau cũng như đi chơi thôi. Không cực đâu. Vui mà. Sách vở có nhiều người cho rồi, không mua đâu”.
Cầm bó rau ranh tôi hỏi: “Rau ranh nấu với món gì ngon nhất”, thì nhất loạt đồng thanh thiệt to “mì tôm, nấu mì tôm là ngon nhất”. Em có ba bó rau ranh, ba bó rau dớn, tôi đưa em tờ năm mươi nghìn đồng, bảo khỏi thối. Em nhất định không đồng ý, bảo tôi chờ để em chạy về làng mang bắp ra cho đủ hai mươi nghìn. Tôi phải hẹn hôm sau quay về tôi lấy hai mươi nghìn rau còn lại, em mới cười gật đầu đồng ý... cho đi.
Chúng tôi đến xã Sơn Mùa- huyện Sơn Tây khi trời đã tối, nhưng phải nói đồng bào ở đây rất có ý thức về phòng chống dịch bệnh. Xe chúng tôi vừa vào đầu thôn đều phải dừng lại kiểm tra. Đến thăm, giao dịch nhà ai, địa phương liên lạc trước mới cho vào. Đinh Mang đón đợi chúng tôi, đó là một em học sinh lớp 8, tôi đã được làm quen trong dịp trước.
Đinh Mang mang mì tôm ra nấu cùng rau ranh, rau dớn. Ngon tuyệt. Đinh Mang cho chúng tôi biết: “Em đã báo chính quyền trước rồi, nên mọi người không phải lo”. Đinh Mang cũng là cô nhỏ học cao nhất ở làng. Hè em từ trường dân tộc nội trú trở về làng để ôn tập hè cho lũ nhỏ. “Hè năm nào em cũng về làng dạy chữ cho lũ nhỏ, chứ để lâu lâu là chữ rơi rụng hết à, chị ơi”.