Những đứa trẻ trên sân tòa
Chốn pháp đình vốn không phải là nơi trẻ em nên đặt chân đến, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số đứa trẻ vẫn phải có mặt ở sân tòa…
1. Trong suốt 3 ngày diễn ra phiên xét xử một vụ án phá rừng gây thiệt hại về lâm sản và môi trường hơn 1 tỉ đồng ở huyện Tây Hòa, có một cô bé mới hơn 9 tuổi luôn có mặt bên ngoài phòng xử án. Cô bé tên N đi cùng ông nội đến tòa để chứng kiến buổi xét xử cha mình. Bé N có đôi mắt to tròn, mặc áo thun trắng, quần jean xanh, bên ngoài khoác chiếc màu hồng, tay cầm chặt bông hoa nhựa mà cha làm tặng mình trước đó. Hơn 1 năm nay không được nhìn thấy cha, cô bé muốn cha nhìn thấy mình xinh xắn trong lần gặp mặt này. Học kỳ vừa rồi, cô bé đạt được danh hiệu Học sinh tiên tiến, cô bé muốn thông báo tin vui cho cha...
Ngồi lọt thỏm trong đám đông bên trong phòng dự khán, ông nội bé N chốc chốc thở dài buồn bã. Đôi vai ông run lên mỗi khi nghe con trai cùng các đồng phạm khai báo về hành vi phạm tội của bản thân. Với 2 tội danh vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và hủy hoại rừng, cha cô bé - bị cáo N.H.L (43 tuổi, ở huyện Tây Hòa) với vai trò cầm đầu việc phá rừng bị phạt án tù cao nhất trong khung hình này với mức 9 năm. Ông tặc lưỡi lắc đầu: “Thấy con cái bị như vậy, tôi buồn lắm...”. Ở tuổi 70 chân yếu tay run, những tưởng có con cái nương tựa tuổi già, nào ngờ hai vai oằn nặng nỗi buồn, gắng gượng sức già nuôi con, nuôi cháu.
Kết thúc phiên xét xử, bị cáo L bị dẫn giải ra xe tù, bé N vội vàng chạy cùng người thân đến để gặp cha, nhưng lại lọt thỏm trong vòng người vây quanh. Cô bé chưa kịp nhìn thấy cha thì cánh cửa xe tù đã đóng sập. Đôi mắt cô bé đỏ hoe…
2. Trong phòng xử án hôm ấy chật kín người dân nuôi tôm trên địa bàn TX Sông Cầu. Họ là những người bị hại, bị Đ.T.K.Y (27 tuổi, ở TX Sông Cầu) lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 7,1 tỉ đồng. Người bị lừa ít thì hơn chục triệu, người nhiều thì vài trăm triệu đồng. Đó là số tiền họ ky cóp tích lũy hoặc làđi vay ngân hàng để nuôi tôm sau những tháng ngày lao đao vì bệnh dịch, bão lũ.
Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi Y: “Nếu đồng tiền do mồ hôi nước mắt mình làm ra bị chiếm đoạt, bị cáo có xót không? Chỉ vì lười lao động mà bị cáo đã chiếm đoạt tài sản trên mồ hôi, xương máu của người khác, trong đó có cả những người đáng tuổi ông bà, cha mẹ bị cáo?!”. Đáp lại chỉ là khoảng lặng dài, Y cúi đầu im lặng.
Phía dưới dãy hàng ghế dành cho người bị hại có cả mẹ, chồng, vợ chồng anh trai, anh rể, hàng xóm, người quen của Y. Họ lặng lẽ dõi theo phiên xét xử, đợi chờ phán quyết cuối cùng của hội đồng xét xử.
Bên ngoài phòng xử án, cô con gái nhỏ tầm tuổi lên 10 của Y sau một hồi nghịch đám tóc rối của búp bê, cô bé ngáp ngắn ngáp dài vì thấm mệt, buồn ngủ… Để được nhìn thấy mẹ, ngay từ sáng sớm cô bé đã được cha chở bằng xe máy, vượt chặng đường hơn 60km từTX Sông Cầu vào tòa án tỉnh. Cha nói: “Con vào gặp mẹ vì thời gian tới mẹ phải đi xa lâu lắm mới về”. Vì nhỏ tuổi, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp không cho vào bên trong, nên sáng giờ ngồi hàng ghế bên ngoài phòng xử án, cô bé chỉ có thể nhìn thấy bóng lưng của mẹ qua cánh cửa phòng xử án…
3. Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng diễn ra vào một ngày chớm đông. 7 bị cáo trong vụ án này, ngoài người địa phương còn ở nhiều tỉnh thành cách xa Phú Yên gần cả nghìn cây số như Trà Vinh, Quảng Bình…
Phiên tòa không có đông người thân các bị cáo đến dự như những phiên tòa thường lệ. Trong số đó, người thân của bị cáo N.M.H (29 tuổi, ở tỉnh Quảng Bình) lại có đủ mẹ, vợ con và em trai. Vợ chồng H có 3 con, đứa lớn nhất chỉ mới 5 tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn 10 tháng tuổi. Kinh tế khó khăn, thu nhập hàng tháng không đủ trang trải cuộc sống, thấy việc mua bán trái phép vũkhíquân dụng dễ kiếm lời nên H nhắm mắt làm liều.
Vợ H địu đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi trước ngực. Đứa bé khát sữa quấy khóc, vợ H buộc phải rời khỏi phòng xử án để dỗ con nhỏ mà trong lòng ngập tràn thấp thỏm, lo âu..
Hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ quản lý vũ khí của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an ở địa phương, nên bị cáo H và các đồng phạm bị hội đồng xét xử mức án nghiêm khắc.
Kết thúc phiên xử, H nghẹn ngào hôn con từ biệt trước khi lên xe chở phạm nhân rời khỏi sân tòa. Đứa trẻ nhìn theo cha ngơ ngác…
Phía sau bản án là thân phận một con người, một câu chuyện về cuộc đời của những con người bị chệch hướng trong nhận thức, hành vi. Họ phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật trước hành vi phạm tội của bản thân. Cái giá mà người lớn phải trả cho những sai trái của bản thân là điều tất yếu, chỉ thấy đau lòng cho những đứa trẻ phải gánh chịu quá nhiều mất mát, thiệt thòi. Giá như người cha, người mẹ không sai trái, lầm lỡ thì những đứa trẻ đâu phải chơi vơi lạc lõng giữa cuộc đời rộng lớn mênh mông…
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/324311/nhung-dua-tre-tren-san-toa.html