Những F0 kiệt sức vì nhiễm bệnh 2, 3 lần
Trải qua 3 lần mắc Covid-19 trong 4 tháng, sức khỏe lẫn tâm lý của Hồng Hạnh (Hà Nội) đều giảm sút. Cô dễ bị chóng mặt, hụt hơi và tóc rụng nhiều.
“Có những lúc ‘vật vã’ quá, người lả đi, tôi đã viết sẵn mail gửi cho gia đình, bạn bè, sợ nhỡ có chuyện gì”, Nguyễn Trang Ly (sinh năm 1990, Hà Nội) nói với Zing khi đang trải qua những ngày nhiễm virus SARS-CoV-2 lần 2.
Hoàn thành vaccine mũi 3 vào 5/1, Ly không may mắc Covid-19 vào 14/2. Khi đó, cô chỉ gặp một số triệu chứng nhẹ, sốt 37,5 độ C, ho và khỏi sau 2 tuần.
Đến 3/3, cô bắt đầu ngứa họng, chảy nước mũi và sốt cao từ 16h cùng ngày. Nhiệt độ cơ thể có lúc lên tới trên 39 độ C. Qua test nhanh, kết quả hiện “2 vạch” rõ ràng.
Thời điểm giữa năm 2020, các ca mắc Covid-19 lần 2 tương đối hiếm và gây bất ngờ với giới chuyên gia, theo tạp chí khoa học Science.
Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua, tần suất người mắc Covid-19 nhiều lần ngày càng phổ biến hơn với mức độ bị virus tấn công nặng, nhẹ khác nhau ở mỗi lần.
Tái nhiễm nặng hơn
“Cứ sốt là tôi lại buồn ngủ do đau đầu. Nhưng cứ thiếp đi được một lát, hạ sốt bớt, khoảng 2 tiếng sau khi tỉnh dậy, thân nhiệt lại tăng trở lại. Tôi cứ mê man, vật vã như vậy suốt 4-5 ngày”.
So với lần 1, Ly nhận xét các triệu chứng lần này của cô nghiêm trọng hơn nhiều, đặc biệt là đau họng.
“Cảm giác như sau khi cắt Amidan nhưng không được uống thuốc giảm đau vậy. Mỗi lần nuốt nước bọt là tôi đau khủng khiếp, phải nín thở lấy tinh thần, ho cũng không dám vì đau”, Ly miêu tả.
Ở lần này, mỗi lần hít sâu, cô lại có cảm giác nhói ở ngực và sau thái dương.
4 ngày sau tái nhiễm, cô sụt 3 kg vì không thể ăn uống. Cô không bị mất vị giác nhưng khẩu vị thay đổi, sợ đồ dầu mỡ. Những món ăn vốn ưa thích nay cũng muốn lánh xa. Bên cạnh đó, tâm trạng cũng thay đổi thất thường, dễ buồn tủi, chán nản.
“Sau khi mắc Covid-19 một lần, tôi nghĩ khả năng mắc lại thấp hoặc có cũng bị triệu chứng nhẹ hơn nhưng tôi đã lầm. Lần mắc này thực sự đáng sợ”.
3 lần dương tính với Covid-19
Lần thứ 3 chiến đấu với virus SARS-CoV-2, Phạm Nguyễn Hồng Hạnh (Hà Nội) cũng cảm nhận các triệu chứng nặng và cơ thể mệt mỏi hơn hẳn 2 lần trước. Có người thân làm bác sĩ, cô nhờ tư vấn hướng điều trị, theo dõi sức khỏe và hiện chủ động đo SpO2 thường xuyên.
“Từ lần đầu tiên mắc bệnh, tôi vẫn bổ sung thuốc và vitamin đến bây giờ. Tuy nhiên thời gian qua, do cả mẹ và bà nội đều mất vì Covid-19, tôi suy sụp tinh thần. Cộng thêm lượng công việc ở cửa hàng nhiều hơn, tôi không có đủ thời gian để chăm sóc bản thân hậu Covid-19 như hướng dẫn, có thể đó là một phần nguyên nhân khiến tôi mắc lại”, Hạnh chia sẻ.
Lần đầu Hạnh phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 vào 20/12/2021 và khỏi bệnh sau 15 ngày điều trị. Đến 6/2, cô nhận kết quả test nhanh dương tính lần 2.
“Sau 2 lần mắc và tiêm 2 mũi vaccine, tôi tưởng bản thân không thể đổ bệnh thêm lần nào nữa. Bạn bè, người thân cũng trêu là tôi ‘bất tử’ trước virus rồi nhưng chuyện không may vẫn xảy đến vào đầu tháng 3. Lần này tôi sợ thật rồi”.
Trước khi tái nhiễm, Hạnh còn gặp một số triệu chứng như rụng tóc, nổi mụn khắp mặt. Bên cạnh đó, cô thường xuyên bị đau nửa đầu hoặc bỗng dưng khó thở. Vì gia đình kinh doanh hàng ăn uống, mỗi lần phải di chuyển nhiều, cô nhanh bị hụt hơi.
Ba lần nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Hồng Hạnh càng nhận ra tầm quan trọng của các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là không chủ quan dù đã tiêm đủ liều vaccine hay F0 khỏi bệnh.
“Tôi thấy dù là người chưa mắc hay đã khỏi bệnh cũng nên bổ sung vitamin hàng ngày, tuân thủ 5K và vận động hợp lý để cơ thể khỏe mạnh”.
Yên tâm khi có người thân ở cạnh
Ngày 9/3, N.T.T. (25 tuổi, Quảng Ninh) nhận kết quả test PCR dương tính với Covid-19, sau khi tiếp xúc gần với F0 là đồng nghiệp ở công ty.
Vào khoảng thời gian này năm ngoái, T. nằm viện điều trị với lý do tương tự, khi đang du học ở nước ngoài. Các triệu chứng gặp phải bao gồm nhức họng, thấy khó chịu nói chuyện, ăn uống.
Tại thời điểm đó, T. chưa tiêm mũi vaccine nào.
"Hôm nhập viện, tôi có thấy bất an vì nghĩ đến cảnh bố mẹ ở nhà sẽ lo lắng nhiều. Song, các bác sĩ và y tá đã trấn an, giúp ổn định tâm lý. Sau khoảng 1 tuần, tôi dần hồi phục", T. kể.
"Bản thân tôi có lường trước khả năng tái nhiễm vì số ca mắc cộng đồng ở Việt Nam tăng cao”, T. cho hay. Ở cả hai lần nhiễm bệnh, việc học và làm của T. ít nhiều bị ảnh hưởng.
“Lần đầu, tôi vừa điều trị Covid-19 vừa lo thi học kỳ, chuẩn bị luận văn tốt nghiệp. Lần này, công việc bị gián đoạn vì ở vị trí hiện tại, tôi cần có mặt trực tiếp tại nơi làm việc để tiện theo dõi sản xuất, trao đổi với các phòng, ban.
Giờ, tôi đang tự cách ly tại phòng riêng, tạm thời làm việc từ xa, xử lý công việc qua tin nhắn hoặc email, hạn chế nói chuyện do cổ họng đau nhức”, T. chia sẻ.
“Tái nhiễm song tôi yên tâm hơn nhiều vì triệu chứng nhẹ đi, đồng thời có người thân ở cạnh bên và bản thân đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Đồ ăn Việt Nam vốn quen miệng, hợp khẩu vị hơn đồ Tây, giúp việc phục hồi tốt hơn”, T. nói thêm.
Học cách tự chăm sóc bản thân
Ngày 3/3, một tuần sau khi trở lại TP.HCM để tiếp tục việc học trực tiếp ở trường, Hoàng Phượng Mai (21 tuổi, Hà Nội) nhận kết quả dương tính lần 2 với Covid-19.
Trước đó, nữ sinh viên mắc Covid-19 lần đầu vào giữa tháng 2. Ngoài cô, mẹ và em trai sống cùng nhà cũng nhiễm bệnh.
Trong 2 ngày đầu, Mai trải qua cơn sốt cao, nhức mỏi người và không ăn uống được gì. Cộng với dị ứng thuốc, cô ngủ li bì cả ngày. Việc học online bị gián đoạn vì cơ thể đuối sức, mắt mỏi, đau đầu khi nhìn vào màn hình máy tính.
"Tôi đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, vừa khỏi bệnh chưa lâu nên giống nhiều người khác, tôi nghĩ khó có chuyện tái nhiễm sớm vậy. Hôm tự test nhanh, tôi chỉ định thử cho chắc vì tự dưng thấy đau đầu, hắt xì liên tục. Lúc que thử hiện 2 vạch, tôi khá bất ngờ", cô kể.
Lần này, Mai không rõ nguồn lây đến từ đâu. Nhận kết quả dương tính, cô gọi về ngay cho mẹ, xin hướng dẫn uống thuốc để tự điều trị, đồng thời báo cho nhà trường.
Mai được sắp xếp đi cách ly một mình tại khách sạn, tránh lây cho các bạn khác ở cùng ký túc xá.
"So với lần nhiễm trước, cơ thể ít mệt mỏi vì không lên cơn sốt cao. Tôi vẫn ăn uống, học hành, sinh hoạt như bình thường. Các triệu chứng như hắt hơi, đau đầu, rát họng chỉ ở mức nhẹ".
Tái nhiễm, người thân ở xa, Mai cho biết bản thân tự lập hơn.
"Có mẹ là bác sĩ, mẹ bảo ăn gì, uống thuốc nào thì chỉ việc làm theo, không cần nghĩ nhiều. Mẹ vốn chăm lo cho con cái nên tôi có phần hơi ỷ lại, lúc đỡ bệnh có khi vẫn nằm nghỉ cả ngày.
Còn giờ chỉ có một mình, tôi tự giác dọn vệ sinh, ăn đủ bữa, uống nhiều nước, cố gắng đi ngủ sớm. Việc tự cách ly cũng không gặp trở ngại gì, đồ ăn được cấp 3 bữa/ngày và nếu thiếu gì có thể nhờ lễ tân hỗ trợ", Mai bày tỏ.
Sau 3 ngày, Mai test nhanh lần nữa và thấy que chuyển thành 1 vạch. Nữ sinh viên cho biết sẽ xét nghiệm lại theo phương thức PCR để đảm bảo đã âm tính trước khi quay về trường học.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, nhận định đến nay đã có tình trạng tái nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vấn đề này hiếm khi xảy ra ngay sau khi F0 mới khỏi bệnh.
Theo ông, nguyên nhân là F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm rRT-PCR âm tính nhưng sau đó lại tái dương tính. Kết quả này có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng hoặc cơ thể người bệnh vẫn còn lại xác virus nhưng khả năng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho hay nguyên tắc tái nhiễm là mang chủng khác. Nếu người bệnh phát hiện tái nhiễm, khả năng cao nhiễm chủng Omicron. Còn F0 nhiễm chủng Delta khỏi bệnh, mắc bệnh lại, có khả năng là Omicron, nhưng nhẹ hơn.
Từ các trường hợp F0 tái nhiễm, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh sau khỏi Covid-19 không nên chủ quan, cần tuân thủ quy định 5K, bảo vệ sức khỏe hàng ngày.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-f0-kiet-suc-vi-nhiem-benh-2-3-lan-post1301249.html