Những gì còn lại sau thảm họa ở Nhật Bản hơn 10 năm trước
Không phải những thiết bị công nghệ tiên tiến, tre mới là thứ sống sót và tái sinh mạnh mẽ sau thảm họa ở Minamisanriku và trở thành nguồn nguyên liệu tái thiết cuộc sống.
Đa số chúng ta nghĩ về Nhật Bản thời hiện đại như là cường quốc của những tạo vật chính xác đến chi ly - các thấu kính mài và đánh bóng đến hoàn hảo, những chiếc máy ảnh với dung sai nằm ngoài tầm với của các nhà sản xuất đối thủ, các động cơ, máy đo, tên lửa vũ trụ và đồng hồ cơ với chất lượng đáng ghen tỵ - đặc biệt đối với người Đức và người Thụy Sĩ - nói cách khác là những thứ được coi là hiện thân của sự chính xác.
Ở Nhật Bản, chính xác trong mọi thứ - không chỉ trong sự đúng giờ đã đi vào huyền thoại của ngành đường sắt, nơi chỉ vì một tàu cao tốc khởi hành sớm hơn 20 giây vào năm 2017 mà người đứng đầu công ty phải đứng ra xin lỗi - có thể coi là một phần trong tín ngưỡng quốc gia. [...]
Tuy nhiên, sự đối lập nêu ở trước vẫn hiện diện, một sự đối lập không bao giờ được nói công khai, ẩn sâu trong tâm hồn Nhật Bản, giữa một bên là quan niệm hiện đại về tính thiết yếu của cái hoàn hảo và bên kia là sự trìu mến không dứt dành cho cái không hoàn hảo, đi kèm với nhiều quan điểm khác nhau về tầm quan trọng của mỗi bên. Tiếng Nhật có một từ chỉ sự trân trọng những thứ tự nhiên, thô ráp, cũ kỹ: wabi-sabi, một quan niệm thẩm mỹ trong đó cái bất cân xứng, cái thô kệch, cái phù du được đề cao không kém cái chính xác và cái không tì vết. [...]
Thị trấn cảng Minamisanriku, đây là một trong những nơi bị tàn phá bởi trận Đại Động đất và Sóng thần Tohoku ngày 11 tháng 3 năm 2011 và hơn sáu năm sau vẫn đang trong quá trình tái thiết. [...] Trong chưa đầy một tiếng của thứ sáu, ngày 11 tháng 3 năm 2011, sóng thần đã biến những thứ mà người dân Minamisanriku dày công gây dựng ổn định suốt thời gian dài thành một bãi tàn tích đầy những gỗ trôi dạt, sắt biến dạng, và xác người chết đuối.
Dù Minamisanriku không phải là nơi duy nhất thuộc bờ biển Tohoku chịu tàn phá, sự khốn khổ của cộng đồng địa phương được ghi dấu bởi một bi kịch đặc biệt: một phụ nữ 24 tuổi tên là Miki Endo được giao nhiệm vụ báo động cho người dân về sóng thần và vào đúng ngày hôm đó, cô bám trụ vị trí của mình trong Trung tâm Quản lý Khủng hoảng của Thị trấn - một ngày tháng ba lạnh lẽo. Bất chấp nước lũ đang dâng lên xung quanh, cô vẫn quả cảm tiếp tục làm nhiệm vụ - rung chuông, mở nhạc hiệu báo động và phát thanh chi tiết về chiều cao và địa điểm của sóng qua loa địa phương, giống như những nhạc công trên con tàu Titanic, cho đến khi nước làm đoản mạch và cái loa tắt ngấm.
[...] Endo chỉ là một trong số 1.200 người chết ở Minamisanriku, trong tổng số dân 17.000 người. Những ngọn đồi dốc bao quanh thị trấn cảng đã trở thành nơi trú ẩn của hàng ngàn người trong thảm họa, bao gồm cả những người vốn sống ở đó, giữa những rặng thông, tuyết tùng - hay quan trọng hơn - trong rừng tre, và cả những người hoảng hốt lái xe lên đó qua những con đường dốc mà nếu có tuyết sẽ phải quấn xích vào lốp.
Chiều hôm đó cũng có tuyết nhưng rất may là không nhiều. Từ trên cao, người dân Minamisanriku tuyệt vọng nhìn nơi ở của mình bị nuốt chửng bởi những đợt sóng cao vời vợi và tàn phá đến không thể nhận ra. Theo hầu hết thông tin đưa ra, họ chờ nước rút rồi đi xuống và bắt tay dọn dẹp đống đổ nát, quay trở lại công việc của mình mà không phàn nàn một lời.
Một câu hỏi đặt ra là còn việc gì cho họ làm? Còn lại gì sau những đợt sóng? Hẳn là sẽ chẳng còn lại mấy thứ được chế tạo chính xác.
Trong những gì còn trụ lại ở Minamisanriku, hầu như không có thứ nào làm từ titan, thép, hay thủy tinh. Tàu thủy với động cơ chế tạo chính xác đã bị đánh chìm; ô tô với các thiết bị chính xác vương vãi như vỏ trấu; các thiết bị điện tử với trái tim vi xử lý chứa hàng triệu transistor trở nên vô dụng; những tòa nhà như cơ quan của Miki Endo chỉ còn là đống điêu tàn, hoen rỉ. Khắp nơi hiện diện bằng chứng cho thấy chính xác chỉ là phù du.
Những loài cây cao quý như thông và tuyết tùng cũng bị lũ đánh đổ. Nhiều người bị cành cây rơi trúng hoặc bị cuốn theo một đám gỗ vụn ra biển, vĩnh viễn mất tích. Nhưng những thứ ít chính xác nhất vẫn còn đó. Trong những cánh rừng xung quanh thị trấn vẫn dồi dào các bụi tre tươi tốt. Tuyết tùng và thông đã bị đánh gục nhưng tre vẫn đứng đó - không chính xác, không hoàn hảo, nhưng sống sót.
Tre, vật liệu vô cùng phổ biến trong đời sống hàng ngày của Trung Quốc và Nhật Bản (làm giỏ, quần áo, mũi tên, mũ, giáp; làm dụng cụ lao động; làm vật liệu xây nhà) thực chất là một loài cỏ, tuy vẻ ngoài của nó giống như một cây thân gỗ sinh trưởng nhanh. Tre nổi tiếng vì sự mềm dẻo và bền bỉ của nó, và dù có phải đương đầu với bao trận sóng thần đi nữa, loài cây này vẫn sẽ sinh sôi nảy nở và đem lại biết bao lợi ích cho con người. Nó có thể uốn rạp nhưng sẽ bật trở lại hoặc lên chồi mới.
Ở Minamisanriku, các cây tre hoặc là bị thương nhưng vẫn sống sót, hoặc tái sinh gốc rễ, cao thêm một mét mỗi ngày khi mặt trời mùa xuân bắt đầu sưởi ấm mặt đất, và ngay lập tức lại trở nên hữu dụng đối với con người. Tre là một loại cây không hoàn hảo về hình học nhưng lại hoàn hảo về ích lợi thực tiễn.
Cùng thời gian tôi khởi hành từ New York tới Nhật Bản vào mùa thu năm 2017, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan cũng khai trương một triển lãm về nghệ thuật với tre. Phần lớn các hiện vật được trưng bày (với con số vài ngàn, được giám tuyển khéo léo và giành được nhiều sự chú ý của công chúng) dùng để trang trí hơn là phục vụ mục đích thực tiễn: lẵng hoa và đồ trà đạo, hộp quà và các loại mũ miện. Nhưng cuộc triển lãm cũng giới thiệu tới công chúng các Quốc Bảo Sống của Nhật Bản, danh hiệu mà nước Nhật dùng để tôn vinh những nghệ nhân thủ công xuất chúng nhất của họ.
Điều này thể hiện nét văn hóa đặc thù của nước Nhật: thái độ tôn kính của công chúng đối với vẻ đẹp của thủ công mỹ nghệ. Tuy công nghệ chính xác vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người Nhật, tồn tại song song với đó là sự tôn vinh những giá trị không thể đo đếm được đối với xã hội của nghề thủ công, của giá trị đích thực mà những tạo tác bằng tay và thiếu chính xác này đem lại.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-gi-con-lai-sau-tham-hoa-post1401637.html