Những giá trị không thể thay thế
Ngày 15/3 đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng Cung Thiếu nhi mới tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cung thiếu nhi này có nhà hát, rạp chiếu phim 3D - 4D, nhà thi đấu, thư viện, Tháp Thiên văn... được xây dựng trên lô đất rộng 39.631m2, diện tích 10.280m2, tổng mức đầu tư trên 1.376 tỷ đồng.
Với thiết kế kiến trúc mang phong cách hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng nhiều thiết bị thông minh, chất lượng cao, đây sẽ là một công trình văn hóa, giáo dục hiện đại của Thành phố.
Bên cạnh niềm vui đón chờ một công trình mới, ngay lập tức, dư luận và công luận đã quan tâm đến tương lai của Cung thiếu nhi Hà Nội hiện tại cùng khu đất vàng 8.100m2 mà công trình này tọa lạc. Với những lý lẽ đầy sức thuyết phục, người dân, các chuyên gia cùng nhiều cơ quan thông tin đại chúng đều bày tỏ quan điểm cần giữ nguyên Cung thiếu nhi hiện tại, hoạt động song song với Cung mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập và vui chơi ngày càng cao cho trẻ em Hà Nội, vốn đang trong tình trạng thiếu chỗ sinh hoạt vui chơi một cách trầm trọng.
Đó là quan điểm cần được các cơ quan chức năng của Hà Nội xem xét một cách nghiêm túc. Quan điểm trên càng có cơ sở nếu chúng ta biết rằng trong suốt nhiều thập kỷ tồn tại, Cung thiếu nhi Hà Nội hiện tại còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa không thể thay thế.
Giở lại lịch sử gần 70 năm của Cung thiếu nhi Hà Nội và trước nữa, có thể thấy đây là một di tích lịch sử cách mạng đáng trân trọng. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Ấu trĩ viên (tên của công trình khi đó) là nơi đặt trụ sở của Ban Chấp ủy Hội nhi đồng cứu quốc và cũng là nơi tập trung rất nhiều hoạt động sôi nổi của thiếu nhi Hà Nội, mà tiêu biểu là Tết Trung thu độc lập đầu tiên, các cuộc diễu hành cổ động chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”…
Năm 1946, mặc dù tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng, Ấu trĩ viên được chọn là nơi tổ chức triển lãm thành tựu một năm Cách mạng tháng Tám. Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội - tiền thân của Cung Thiếu nhi - ra đời ngày 1/6/1955 đã thu hút hàng vạn con em những người lao động đến tham gia sinh hoạt, trở thành lá cờ đầu trong phong trào “việc nhỏ nghĩa lớn, chống Mỹ cứu nước” của thiếu nhi Hà Nội.
Đặc biệt, Di tích Cách mạng nhà số 38 Lý Thái Tổ (nay là Phòng truyền thống Cung Thiếu nhi Hà Nội), là nơi diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, buộc thực dân Pháp phải công nhận quyền tự chủ và thống nhất đất nước của Việt Nam.
Gần 70 năm qua, nhiều thế hệ người Hà Nội đã gắn bó với Cung Thiếu nhi Hà Nội, mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã ví như “ Ngôi sao quàng khăn đỏ, thế giới của tuổi thơ”. Từ nơi đây, biết bao thế hệ thiếu nhi Hà Nội đã học tập, rèn luyện trở thành những chủ nhân xứng đáng của Thủ đô Anh hùng ngàn năm văn hiến. Từ mảnh vườn ươm này, nhiều học sinh đã trưởng thành và trở thành những tài năng nghệ thuật, những vận động viên tiêu biểu, những người thợ giỏi, những nhà khoa học, cán bộ quản lý tài năng của đất nước. Là một công trình gắn với nhiều sự kiện lịch sử của Thủ đô và đất nước, nơi góp phần đào tạo, gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội, có thể nói Cung thiếu nhi Hà Nội hiện nay chứa đựng những giá trị phi vật chất không thể thay thế. Đây là công trình cần được bảo vệ, nâng cấp để không chỉ là một điểm đến cho thanh thiếu nhi và người dân Thủ đô mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mầm non, tương lai của đất nước. Và có lẽ, cách bảo tồn và phát triển phù hợp nhất là bảo tồn, nâng cấp công trình để đây vẫn là một địa chỉ sinh hoạt, học tập, vui chơi của thiếu nhi Thủ đô.
Theo kế hoạch, đến năm 2024 Cung thiếu nhi Hà Nội mới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ nay đến đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện tại vẫn tiếp tục hoạt động. Đó là quãng thời gian đủ để những người có trách nhiệm suy nghĩ, cân nhắc để đưa ra quyết định chính xác, hợp lòng dân.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-gia-tri-khong-the-thay-the-413321.html