Những giai nhân dưới mưa bom, bão đạn
Mùa đông năm 1972, đế quốc Mỹ cho máy bay B-52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều địa phương hòng 'đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá'. Nửa thế kỷ trôi qua, đau thương khép lại nhưng cuộc chiến năm nào vẫn đầy vơi trong ký ức người trong cuộc. Họ là những giai nhân một thời, người viết báo, người giữ trẻ, người là dũng sĩ diệt máy bay... Và có cả một bóng hồng từ phía bên kia chiến tuyến.
Ngày 16/12, tại TP Hồ Chí Minh, cựu nhà báo Tô Minh Nguyệt cho ra mắt bạn đọc cuốn truyện ký “Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố Thủ đô”. Cuốn sách là dòng tâm tư, ghi chép của một nữ nhà báo về con người, đời sống thường nhật trong những năm tháng bom B-52 giày xéo miền Bắc.
Lúc bấy giờ, Minh Nguyệt là cô phóng viên xinh đẹp của Báo Phụ nữ Việt Nam. Thừa hưởng nét đẹp từ mẹ - bà Nguyễn Thị An là giai nhân Hà Thành một thời, Minh Nguyệt yêu kiều của làng Láng đâu ngại lăn xả. Dưới mưa bom bão đạn năm 1972, chị xông pha vào mọi mặt trận ở miền Bắc để viết về những bông hoa quả cảm, kiên cường chiến đấu, hết mình hát vang bài ca lao động, luôn tin vào ngày mai…
Đó là những cô gái làng Hoa, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tuổi mười sáu, đôi mươi nhưng các cô đều là dũng sĩ diệt máy bay cự phách khi hạ được ba máy bay của Mỹ. Trong làng ngoài xóm, bà con hết lời ngợi khen. Rằng “Tuyền học sinh mà lao động cừ lắm. Gánh bảy mươi đến tám mươi cân mà chạy băng băng. Trận lụt vừa rồi các o ấy suốt ngày đánh vật với đê, với gió”. Chính trị viên Hoàng Thị Mợi mới 23 tuổi nhưng đã tham gia chiến đấu cả thời kỳ chiến tranh Johnson và Nixon. Ngày đầu ra huấn luyện ở tỉnh, thấy trung đội con gái làng Hoa bé nhỏ, mấy trung đội nam cứ trêu: “Toàn đàn bà mà cũng bày đặt bắn máy bay”. Những ngày chiến tranh ác liệt năm 1972, Trung đội trưởng Mai Thị Đương cùng đồng đội phải cơ động đưa pháo đi khắp huyện đón đánh địch. Có đêm mưa gió, họ vẫn đem ba khẩu pháo, mỗi khẩu nặng gần năm tạ, hành quân xa 15, 16 cây số.
Chuyện về cô giáo Trần Thị Tho là bài ca sư phạm xúc động. Một buổi trưa yên ả, khi con trai đầu lòng đang thiu thiu ngủ trên võng, cô Tho thong thả xem lại bài giảng trước khi lên lớp. Bỗng một tiếng nổ long trời lở đất. Bàn tay phải của cô bị bom tiện đứt. Sữa căng nhức chảy ròng ròng theo máu. Nằm ở bệnh viện, lũ học trò nhỏ cứ hỏi “tay cô giáo bị Nixon cướp đi rồi, cô còn dạy chúng em học được nữa không? Cô có cho em bé bú được không?”. Những câu hỏi đó thúc giục bàn tay trái của cô phải cầm phấn, cầm tay các em nắn nót nét chữ đầu đời.
Như mọi thanh niên thời ấy, anh trai và em trai của Tô Minh Nguyệt đều lên đường tòng quân. Việc cơ quan lẫn việc nhà như đưa các em đi sơ tán, đào hầm, lợp nhà, trát vách, viết thư cho mặt trận… đều đến bàn tay con gái. Bà nhớ lại: “Năm 1972, Hà Nội báo động suốt ngày đêm. Trẻ con, người già đi sơ tán. Hầm tránh bom đào ngay cạnh bàn làm việc, ở tòa soạn của chúng tôi là Báo Phụ nữ Việt Nam, lớp học Anh văn vẫn mở cho những người ở lại… Ở tòa soạn những ngày ấy, chúng tôi vẫn rủ nhau đi ăn kem que Bờ Hồ rồi đi uốn tóc và đùa: “Nó bom cứ bom, mình chén cứ chén”. Có lần chúng tôi đang cầm que kem ở phố Bà Triệu thì có báo động. Rocket đánh trúng sứ quán Pháp cách chúng tôi vài bước. Ba đứa chúng tôi nhảy xuống một cái hầm cá nhân chật muốn ngộp thở… Giữa tháng 12/1972, Hà Nội căng thẳng hơn. Báo động liên hồi. Rồi B-52 “rải thảm” Hà Nội. Có mặt trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, chúng tôi vừa trực cơ quan, vừa đi viết bài”.
Đến nay, lá thư gửi cho em trai ngoài mặt trận Huế vẫn được bà nâng niu gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Lá thư gửi đi trong những ngày Hà Nội mùa đông 1972 tang thương. “Em yêu thương! Chị trực ở cơ quan, chưa đi hết được những vùng máy bay Mỹ đánh phá. Chị chỉ kể cho em nghe con đường chị vẫn đi về làng Láng quê ta. Đoạn đường từ ga Hàng Cỏ, hồ Hale qua Khâm Thiên, ô Chợ Dừa về làng rau của em… Chắc em chẳng quên được ga Hàng Cỏ cổ kính với những trưa hè yên tĩnh. Cửa chính nhà ga đã bị sập. Những “cửa ra và dành cho phụ nữ có con mọn” bị bom Mỹ dội cháy xém. Chị dừng lại ở phố Khâm Thiên, cổ họng mặn đắng. Đêm 26/12, giặc Mỹ man rợ đã dùng B-52 “rải thảm” ở đây. Những ngõ lao động sâu hun hút của khối 40, 42, 44, 45, 46, 47 không còn cái nào nguyên vẹn. Su hào, bắp cải, gừng, trứng… cháy xém trộn bùn, máu, tóc, giày, mũ. Những căn nhà bé nhỏ đổ sập, xiêu vẹo còn lủng lẳng những tấm biển đề “nhận mạng vá quần áo”. “cửa hàng rau quả”, “chữa khóa”, “Ông lang Thành chuyên trị ho gà”, “nhận gia công bánh quy”… Chị không nhận ra ngõ Tô Tiền. Những cây bàng cháy xém đứng trơ trụi, mắc trên cành quần áo phụ nữ, sách tập đọc, xe đạp, nồi, chậu dúm dó ngổn ngang… Mấy chú gà con líp chíp nháo nhác chạy trên những hố bom to như cái ao. Chị gặp bà mẹ và một em gái đang nhặt từng quả cà chua, lau một rổ trứng bị vỡ. Bà không khóc, ngọt ngào dỗ con: “Đừng khóc nữa con. Còn sống là sẽ còn có cả. Nhà bác Lượng cả nhà chết đã tìm thấy xác đâu!”.
Khốc liệt, thê lương là thế nhưng Hà Nội không chết. Hà Nội vẫn sống. Một sức sống phi thường, bền bỉ giữa lằn ranh sinh tử mong manh. Cửa hàng gạo Khâm Thiên sập tầng trên, tầng dưới vẫn bán gạo. Từng ngôi nhà hai bên đường là hàng chữ người thân dặn nhau trên cửa sổ vỡ: “Bố bị thương, con theo bà đi sơ tán. Em ở nhà máy trực chiến. Hiền”, “Nhà an toàn. Đồ đạc không còn gì. Mẹ đi bán rau nơi sơ tán”… Ở hiệu sách, cửa hàng ăn, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Quầy hoa Bờ Hồ sau giờ báo động vẫn đông nghịt người mua. Đám cưới của hai xạ thủ nhà máy cơ khí Hà Nội tổ chức ngay bên mâm pháo. Những cô gái trẻ măng của “Đội xung kích thành” hối hả bới đống xi măng hoang tàn để cứu người gặp nạn bên cạnh những khẩu hiệu đỏ rực “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”…
Trong cuốn sách, Tô Minh Nguyệt nhắc lại kỷ niệm không quên với minh tinh Mỹ Jane Fonda khi bà ghé thăm Việt Nam vào mùa thu năm 1972. Minh Nguyệt gặp Jane tổng cộng bảy lần và là nữ phóng viên được tiếp xúc với Jane nhiều nhất. Lần đầu gặp mặt, Nguyệt rất bất ngờ khi nữ diễn viên của “Coming Home” vận đồ bà ba trắng, quần đen, dép nâu như bao chị em ở đây. Jane muốn gặp một phóng viên trẻ hay đi vùng chiến sự. Ngay lập tức, mọi người giới thiệu Nguyệt - người vừa trở về từ chuyến công tác đầy nguy hiểm ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Nguyệt kể cho Jane nghe chuyện một chị đi chữa vô sinh 6 năm đang viết thư cho chồng báo tin mừng thì bị bom, chuyện em bé chăn trâu xin bà con giúp người cha mù lòa khi em trút hơi thở cuối cùng vì bom bi, chuyện về ca phẫu thuật dưới hầm mà bệnh nhân hầu hết là phụ nữ và trẻ em…. Nghe Nguyệt kể, Jane bật khóc.
Gần tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam có một nhà trẻ hoạt động 24/7 để các nữ phóng viên có con nhỏ yên tâm công tác. Một lần đến thăm Nguyệt, Jane chứng kiến còi báo động máy bay Mỹ kêu inh ỏi làm các cô giáo ở nhà trẻ tất tả bế các bé xuống hầm tránh bom. Nữ diễn viên hai lần đoạt giải Oscar không kìm được nước mắt mà thốt lên câu nói bất hủ: “Khi tôi sang đây, họ nói Việt Nam hoang tàn hết, phụ nữ làm đĩ, bán con đi… Việt Nam đã thức tỉnh tôi. Bom đang rơi ở Việt Nam nhưng bi kịch lại xảy ra ở nước Mỹ!”.
Ngày chia tay của hai giai nhân ở hai nửa bán cầu, Jane xin Minh Nguyệt một tấm hình và cũng tặng cho cô gái Hà Thành một tấm hình. Tấm hình đen trắng của Jane vẫn còn nguyên nét mực: “Tặng Tô Minh Nguyệt - Những mẩu chuyện bạn kể làm xúc động trái tim tôi. Tôi luôn luôn nhớ bạn và hy vọng gặp lại trong hòa bình”. Sau này, Jane Fonda trở thành một trong những nghệ sĩ Mỹ đi đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Đứa con trai sinh năm 1973 được Jane đặt tên là Trỗi (theo tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi) để kỷ niệm chuyến thăm Việt Nam dưới trời bom năm ấy…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-giai-nhan-duoi-mua-bom-bao-dan-i678826/