Những giải pháp tăng cường bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong năm 2019
Nửa đầu năm 2019, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã bảo vệ tốt tiền gửi của người dân tại gần 1300 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và không phát sinh việc chi trả tiền bảo hiểm.
Triển khai tích cực chính sách bảo hiểm tiền gửi
Theo thông tin mới nhất từ kết quả hoạt động nửa đầu năm 2019, BHTGVN đã triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng và đời sống xã hội.
Công tác cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG đã được BHTGVN thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD.
BHTGVN quản lý và đầu tư vốn đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Tính đến ngày 20/6/2019, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2018 và chủ yếu được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát và kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN phối hợp triển khai hiệu quả việc cung cấp thông tin với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong công tác giám sát từ xa. 6 tháng qua, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 210 đơn vị tham gia BHTG, đạt 46% kế hoạch cả năm 2019.
Công tác thông tin tuyên truyền được tích cực triển khai trên đa dạng các kênh truyền thông nhằm định hướng, tư vấn cho người gửi tiền những thông tin chính xác về BHTG nói riêng, hoạt động tài chính – ngân hàng an toàn nói chung.
BHTGVN đã phối hợp thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG trên các báo, tạp chí có lượng độc giả lớn; quảng bá hình ảnh, nội dung hoạt động về BHTG trên các báo đài địa phương; thực hiện tuyên truyền thông qua mạng lưới của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tại 1500 điểm Bưu điện văn hóa xã, tạo kênh truyền thông hiệu quả và tiết tiệm chi phí.
Ngoài ra, BHTGVN phối hợp với Chi nhánh NHNN các tỉnh, các tổ chức tham gia BHTG, tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Bến Tre, Bạc Liêu... thu hút được sự quan tâm của người gửi tiền trên địa bàn.
BHTGVN đã hoàn thành biên soạn và phát hành cuốn Cẩm nang BHTG dành cho người gửi tiền. Đó là nguồn kiến thức, thông tin cơ bản, đầy đủ và chính thống về BHTG và các vấn đề liên quan cần thiết đối với người gửi tiền; là một phương tiện giúp họ dễ dàng tiếp cận và nâng cao nhận thức về hoạt động tài chính an toàn.
Định hướng cụ thể trong hoạt động bảo vệ người gửi tiền nửa cuối năm 2019
BHTGVN đã đặt ra một loạt các nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường bảo vệ người gửi tiền trong những tháng cuối năm 2019.
Cụ thể, BHTGVN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mới theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 của NHNN.
Mặt khác, BHTGVN triển khai đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung vào một số nghiệp vụ như:
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra về tiền gửi được bảo hiểm, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các TCTD yếu kém;
Triển khai hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm; tăng cường phối hợp với Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng và NHNN nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền;
Nâng cao hiệu quả công tác trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền thông qua việc xây dựng kế hoạch dự phòng chi trả, rút ngắn thời gian chi trả, đảm bảo chính xác, kịp thời;
Nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định; đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn;
Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông đến người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao niềm tin của công chúng, hạn chế sự phát triển của “tín dụng đen”, đảm bảo an sinh xã hội.