Những giao dịch 'khác thường' dễ bị vô hiệu

Pháp luật về dân sự cho phép cá nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Tuy vậy, với những giao dịch “khác thường” dù không vi phạm điều cấm của luật, nhưng lại trái đạo đức xã hội sẽ bị vô hiệu.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh, phải) lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của người dân tại buổi tuyên truyền ở TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom). Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh, phải) lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của người dân tại buổi tuyên truyền ở TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom). Ảnh: Đ.Phú

* Pháp luật không cấm không có nghĩa được làm

Mặc dù không có quy định pháp luật nào ngăn cấm việc nhờ người khác theo dõi chồng hoặc vợ mình hay đóng giả chồng hoặc vợ để ra mắt người thân, bạn bè nhưng về góc độ pháp lý, lẫn đạo đức xã hội thì giao dịch đó có thể bị vô hiệu nếu mục đích của nó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Bởi vì, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân cũng được bảo đảm an toàn và bí mật (theo Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015).

Đồng thời, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi (Điểm i, Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

“Trong quá trình sống chung không có đăng ký kết hôn hoặc có đăng ký kết hôn, nam và nữ có quyền thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản tạo lập chung, hỗ trợ người kia nếu gặp khó khăn khi chia tay. Tuy nhiên, pháp luật, lẫn đạo đức xã hội sẽ không chấp nhận việc yêu cầu giải quyết bồi thường “nghĩa vụ làm vợ hoặc chồng” của một bên, cho dù cả 2 thừa nhận có xác lập, thỏa thuận vấn đề này” - luật sư NGUYỄN ĐỨC, Hội Luật gia tỉnh bày tỏ.

Chính vì vậy, tại các buổi truyền truyền pháp luật do Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức, không ít người dân đưa ra câu hỏi như: việc thuê người khác đóng giả làm vợ chồng để tiện bề giao dịch hoặc trừ nợ; vợ chồng khi ly hôn bắt bên kia lập cam kết không được đem người yêu về căn nhà (là tài sản chung của vợ chồng chưa chia khi ly hôn); chồng viết di chúc để lại tài sản cho vợ khi chết với điều kiện không được tái hôn... có được không, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, pháp luật không ngăn cấm việc người đủ điều kiện kết hôn theo Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tìm hiểu, sống chung với nhau. Tuy nhiên, việc họ bỏ tiền ra thuê người khác giả làm vợ chồng hoặc trừ nợ là vì mục đích vụ lợi, phụ thuộc vào tiền bạc, cưỡng ép, chứ không phải tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng nên giao dịch giữa họ bị vô hiệu theo Điều 123, Bộ luật Dân sự năm 2015 (giao dịch dân sự do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội).

Cũng chính vì vậy, việc người vợ hoặc người chồng xác lập giao dịch (bằng lời nói hay văn bản) nhằm ngăn cản việc vợ hoặc chồng đem bạn bè hay người sắp cưới về chơi, ở trong ngôi nhà là tài sản chưa chia khi ly hôn được giao cho vợ hoặc chồng quản lý, sử dụng sẽ không được pháp luật công nhận.

Hay chồng viết di chúc để lại tài sản cho vợ khi chết với điều kiện người vợ không được tái hôn cũng là trái với pháp luật, đạo đức, quyền kết hôn của công dân, cho nên giao dịch của họ dù được các bên thừa nhận vẫn bị vô hiệu.

* Đạo đức xã hội sẽ điều chỉnh

“Có nhiều người lầm tưởng khi họ có đủ năng lực dân sự thì họ được quyền tự do giao dịch, thỏa thuận bất cứ vấn đề gì, nhất là những vấn đề pháp luật chưa có quy định cấm hay cho phép. Việc người dân hiểu như vậy vẫn chưa đúng, đầy đủ, bởi vì còn một vế rất rộng nữa mà nhà làm luật đã khống chế, hạn chế, không công nhận những giao dịch không vi phạm điều cấm của luật nhưng mục đích và nội dung của giao dịch dân sự đó lại trái đạo đức xã hội” - luật gia Phan Văn Châu nhấn mạnh.

“Vậy đạo đức xã hội là gì, nó được luật định ra sao và điều chỉnh thay những vấn đề luật chưa điều chỉnh ?” - ông Trần Hữu Linh (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) thắc mắc. Bởi trong thực tế có những tình huống như: vợ cho chồng quan hệ tình dục với người khác nhằm mục đích có con khi vợ không sinh sản được; thuê người khác giới ngủ cùng để dễ ngủ; thỏa thuận vợ hoặc chồng không được đến chăm sóc cha mẹ chồng hoặc vợ cũ khi bệnh tật, hiếu hỉ... dù không bị luật cấm nhưng lại không thực hiện được vì sao?

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh, Đoàn Luật sư tỉnh, giải thích, tại Điều 123, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định và giải thích đạo đức xã hội như sau: giao dịch dân sự vi phạm đạo đức xã hội thì vô hiệu. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Cho nên, có rất nhiều vấn đề thực tiễn trong cuộc sống mà pháp luật không thể điều chỉnh hết đối với các thỏa thuận trong giao dịch dân sự nên phải căn cứ vào đạo đức xã hội để điều chỉnh như vấn đề ông Linh đã nêu. Do đó, một khi pháp luật cho rằng giao dịch đó trái với đạo đức xã hội thì sẽ không được công nhận, bảo vệ.

“Pháp luật hành chính, hình sự chỉ xử lý hành vi được quy định trong luật hành chính, hình sự và các quy định pháp luật có liên quan. Riêng pháp luật về dân sự thì khác, những giao dịch dù pháp luật không cấm, chưa điều chỉnh nhưng trái đạo đức xã hội vẫn bị vô hiệu” - luật sư Nguyễn Xuân Thanh cho hay.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202303/nhung-giao-dich-khac-thuong-de-bi-vo-hieu-3159874/