Những giáo viên ở tâm dịch
ĐBP - Dù các xã tâm dịch huyện Điện Biên tạm dừng dạy và học nhưng cán bộ, giáo viên nơi đây vẫn luôn thường trực 100% quân số tham gia công tác chống dịch tại địa bàn. Người F1 thì vừa cách ly vừa quản lý, chăm sóc học sinh cùng khu. Thầy cô còn lại thì đảm nhiệm hỗ trợ vòng ngoài, tiếp tế cho đồng nghiệp, cùng học trò và tham gia nấu ăn, phục vụ hậu cần cho các khu cách ly. Giáo viên vùng cao thường ngày vốn đã vất vả, trong tâm dịch lại càng thêm khó nhọc. Một ngày 20/11, một mùa tri ân đáng nhớ trong tâm dịch.
Tạm dừng dạy học để chống dịch, giáo viên Trường Mầm non xã Na Ư (huyện Điện Biên) trở thành lực lượng chính nấu ăn phục vụ các khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn xã.
Cô giáo mầm non thành… đầu bếp
Liên hệ điện thoại với cô Phạm Bích Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Na Ư những ngày này không dễ bởi lúc nào cô cũng tất bật. Tạm dừng giảng dạy, quản lý, cô cùng giáo viên nhà trường trở thành “đầu bếp” cho 4 điểm cách ly trong xã. Do khó khăn về lực lượng tại địa bàn, các cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Na Ư đứng ra đảm nhận nhiệm vụ nấu ăn cho các khu cách ly. Những ngày đầu, cả trường chỉ có 10 cô cùng 3 đồng chí dân quân nấu và vận chuyển suất ăn ngày 2 bữa (trưa, tối) cho 350 - 370 người.
Cô Nguyệt chia sẻ: “Từ ngày 2/11 đến nay, 100% quân số nhà trường không rời vị trí. Trường có 1 học sinh F0, 19 học sinh và 2 cô F1. Các cô F1 vừa cách ly vừa chăm sóc một số học sinh không có gia đình đi cùng. Những giáo viên còn lại nếu không phải F2 tự cách ly thì đều tham gia nấu ăn. Do người nấu ít mà suất ăn nhiều nên hôm nào các cô cũng phải nấu cơm trưa từ hơn 7 giờ sáng, đến 12 giờ mới dọn dẹp xong, có hôm đến 1 giờ chiều. 14 giờ lại chuẩn bị nấu cơm tối, đến 20 giờ. Thường ngày các cô chỉ lên lớp, làm giáo án, chưa từng nấu ăn số lượng lớn như thế, còn phải căn đo sao cho các suất đều nhau. Làm liên tục khi nhân lực có hạn nên không tránh được mệt mỏi, ốm, nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng, và vẫn luôn đảm bảo những hộp cơm ngon, đúng giờ cho khu cách ly. Xong xuôi mới trở về phòng nấu ăn, tắm gội, rồi soạn bài, xây dựng kế hoạch, gửi bài phối hợp dạy trẻ tại nhà. Dù có rất ít thời gian nghỉ ngơi nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ làm được 200 tấm kính chắn giọt bắn ủng hộ ban chỉ đạo xã và lực lượng biên phòng làm công tác chống dịch”.
Trường Mầm non Na Ư cũng được trưng tập làm khu cách ly, nơi ở của các cô ngăn cách với các phòng F1 bằng hàng dây. Vì các phòng khác đều được trưng dụng hết nên đồ đạc đều chuyển về phòng ở giáo viên. Căn phòng 30m2 chỉ còn 15m2 sử dụng, trở thành chỗ nghỉ của 5 cô giáo. Vượt lên những khó khăn ấy, các cô vẫn gắng hết sức mình hỗ trợ cùng các lực lượng sớm đẩy lùi dịch bệnh. Ngày 20/11 năm nay không hoa, không quà, chỉ có những tin nhắn, lời chúc mừng, động viên nhau nhưng sẽ là ngày lễ không quên của các cô giáo nơi đây.
Nén nỗi lo để học sinh dựa vào
Còn tại tâm dịch Mường Nhà, nhiều giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mường Nhà vừa hoàn thành thời gian cách ly. Thời gian cao điểm Trường có nhiều học sinh là F0, hơn 260 học sinh và 23/48 cán bộ giáo viên toàn trường là F1, cách ly tại 7 địa điểm khác nhau trên địa bàn. Giờ này tuần trước, khi liên hệ với thầy Bùi Tiến Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy vẫn không ít tâm tư: “Nỗi lo nhất của thầy cô trong trường là “nhảy F”. Lo cho mình ít mà lo cho học sinh nhiều bởi các em vẫn còn hồn nhiên, chưa hiểu sự nguy hiểm của bệnh dịch”.
Được biết, dù không tổ chức dạy và học nhưng tất cả giáo viên nhà trường đều thường trực tại địa bàn, mỗi người một việc tham gia chống dịch. Các thầy cô trong khu cách ly vừa thực hiện cách ly vừa chăm sóc, quản lý, nhắc nhở học sinh và đảm nhiệm vệ sinh khu sinh hoạt chung. Thầy cô vòng ngoài thì chia mỗi tổ 5 người lần lượt tình nguyện nấu ăn cho bếp dã chiến trong 1 ngày; số giáo viên còn lại làm các công tác tiếp tế, phục vụ các khu cách ly. Khi đồng nghiệp và học sinh F0, F1 cần gì thì hỗ trợ 24/24 giờ. Trong khu cách ly lập ngay tại Trường, cô Lò Thị Hinh cùng 14 đồng nghiệp vừa cách ly vừa chăm sóc 60 học sinh. Các thầy cô làm tâm lý cho mình và ổn định tư tưởng, ăn ở cho học sinh, hướng dẫn các em các biện pháp phòng dịch, nhận biết triệu chứng bệnh. Đồng thời phân khu vực tắm giặt, vệ sinh để đảm bảo an toàn, phòng dịch.
Cô Lò Thị Hinh tâm sự: “Học sinh vẫn ngây thơ, hồn nhiên, chưa hình dung được dịch bệnh, nên thầy cô phải thường xuyên nhắc nhở. Mỗi lần test xong, lực lượng y tế thông báo có ca nguy cơ là không khí lại chùng xuống, thầy cô nín thở chờ kết quả. Đêm đến, bác sĩ vào dẫn học sinh đi điều trị mà chỉ có thể nhìn theo bất lực”. Ngừng lại vài giây, cô Hinh nghẹn ngào chia sẻ: “Đêm thứ 2, chúng tôi vào cách ly, 1 học sinh nhỏ có kết quả dương tính, mặc bộ đồ bảo hộ rộng, lũi cũi một mình cùng cán bộ y tế ôm đồ đi ra khỏi phòng, rồi ngồi đợi xe y tế đến đưa đi. Thầy cô nước mắt lăn dài, xót xa lắm nhưng chỉ có thể đứng từ xa nhìn, để thêm gói bánh, hộp sữa cho em lấy mang theo. Rồi những ca sau thì ai cũng dần quen hơn, nhưng bóng dáng nhỏ thó của các em ngụp trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình vẫn thương xót lòng. Và sau mỗi ca F0 mới, giáo viên lại thức đến gần sáng gọi thông báo cho từng học sinh lớp mình, rà soát xem có tiếp xúc gần với em này không, nhắc nhở các em chú ý theo dõi sức khỏe. Đồng thời thông báo cho phụ huynh các em”.
Phó Hiệu trưởng Bùi Tiến Phong chân tình chia sẻ thêm: “3 ngày đầu khi dịch bùng phát tại địa bàn, học sinh và giáo viên lần lượt đi cách ly, Ban Giám hiệu và giáo viên đều không ngủ nổi, điện thoại đổ chuông liên tục. Ai cũng lo lắng nhưng phải xốc lại tinh thần, động viên nhau cố gắng vì còn rất nhiều học sinh chỉ có thầy cô để dựa vào. Đa số học sinh đi cách ly chỉ có 1 bộ quần áo trên người, giáo viên phải lo lắng cho từng chút một. Sau 3 ngày thì mọi thứ đã đi vào nề nếp, nỗi sợ được cân bằng, cuộc sống trong khu cách ly cũng ổn định. Còn đối với học sinh F0, chúng tôi thường xuyên liên hệ điện thoại để cập nhật tình hình sức khỏe của các em. Rất vui là các em đều có triệu chứng nhẹ, vẫn lạc quan, vui vẻ. Sự căng thẳng trong nhóm trao đổi công việc online của Trường nhờ thế cũng cũng bớt căng thẳng, thay vào đó là những câu chuyện vui để khích lệ nhau”.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, huyện Điện Biên có nhiều học sinh và giáo viên trở thành F0, F1. Dù ở tình huống nào, thầy cô vẫn vượt khó, phát huy hết trách nhiệm “người mẹ hiền” vừa điều trị, cách ly vừa không quên quan tâm, chăm sóc học sinh. 11 trường, chủ yếu địa bàn vùng cao, thuộc quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng được trưng tập làm khu cách ly với trên 1.100 người. Tại các điểm cách ly, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường đều tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ công tác hậu cần, nấu ăn, tiếp tế đồ dùng thiết yếu… Có mặt tại các “điểm nóng” này, những người giáo viên không chỉ góp phần đẩy lùi dịch bệnh mà còn tạo tâm lý an tâm cách ly, điều trị cho học sinh, trẻ em trên địa bàn.