Những giáo viên tình nguyện lên bản Tèn dạy chữ ở xóm '3 không'

Tình nguyện lên bản vùng cao dạy chữ, mỗi giáo viên đều mang theo trái tim nhiệt huyết để con chữ được sinh sôi trên những vùng đất khó.

Giáo viên vùng cao và những hy sinh thầm lặng.

Giáo viên vùng cao và những hy sinh thầm lặng.

Gian nan cắm bản dạy chữ

Gần 10 năm công tác tại các điểm trường và gắn bó với học sinh người dân tộc thiểu số, cô giáo Đỗ Thị Tình, giáo viên điểm trường bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã dành tuổi trẻ, tuổi xuân của mình cần mẫn từng ngày đóng góp công sức để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Nhận nhiệm vụ dạy học tại điểm trường bản Tèn từ năm 2016, đây là điểm trường nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, cách trung tâm huyện Đồng Hỷ hơn 30km về phía Bắc, điểm trường vùng cao xa nhất của huyện Đồng Hỷ với tỷ lệ 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Học sinh tại bản Tèn ít tiếp cận với thế giới bên ngoài, các em chủ yếu theo cha mẹ lên rừng nhặt củi, hái măng, làm rẫy nên hầu hết các em đều thiếu tự tin trong giao tiếp, ngôn ngữ còn hạn chế.

Trước đây, đường tới điểm trường bản Tèn là những con dốc dựng đứng, những khúc cua ngoằn ngoèo, đá ngổn ngang, đoạn toàn đất đỏ trơn trượt. Đặc biệt là vào những ngày trời mưa rét mới hiểu hết được những nhọc nhằn vất vả của học sinh và giáo viên vùng cao.

Thật khó có thể quên những ngày đầu tiên đặt chân đến điểm trường để xây trường, mở lớp, khó thể quên những năm tháng băng rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối trong cái rét như cắt da cắt thịt, những trang giáo án hiện lên dưới ánh đèn le lói, tù mù…

Khó khăn chồng chất khó khăn, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua gian nan, nhọc nhằn ấy. Song với lòng yêu nghề, yêu trường, tình thương mến dành cho học trò vùng cao trở thành động lực giúp cô và trò cùng vượt lên hoàn cảnh.

Chia sẻ với báo GD&TĐ, cô giáo Đỗ Thị Tình cho biết: Công tác tại điểm bản Tèn từ thời điểm bản vẫn còn được mệnh danh là xóm 3 không: Không điện, không đường bê tông, không sóng điện thoại. Tuy nhiên do chỉ là giáo viên hợp đồng nên chế độ chính sách còn thiệt thòi so với biên chế.

Suốt thời gian đó, với mức lương ít ỏi vẻn vẹn từ 3 – 4 triệu đồng, đã nhiều lần tôi cảm thấy nhụt chí vì những khó khăn, nhưng được sự quan tâm động viên của phòng giáo dục và đào tạo, của nhà trường, đồng nghiệp và vì những đứa trẻ vùng cao nên lại quyết tâm vượt qua khó khăn để tiếp tục hành trình dạy học tại đây.

Mọi sự cố gắng đều đã được đền đáp, sau 9 năm kiên trì không mệt mỏi, cô Tình đã đỗ công chức và đó là niềm vui, động lực để tiếp tục phấn đấu, yên tâm yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Chất lượng học tập của học sinh người DTTS tại bản Tèn ngày càng được nâng cao.

Chất lượng học tập của học sinh người DTTS tại bản Tèn ngày càng được nâng cao.

Để con chữ được sinh sôi trên vùng đất khó

Còn đối với thầy giáo Lưu Quốc Quân, giáo viên Tiểu học tại điểm trường bản Tèn, trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, với 20 năm công tác tại các điểm trường vùng khó, là một giáo viên cắm bản từ những ngày đầu thành lập điểm trường.

Thầy Quân chia sẻ: Quá trình công tác gặp rất nhiều khó khăn, đường xá đi lại vất vả, bất đồng ngôn ngữ do học sinh chủ yếu nói tiếng Mông, bên cạnh đó điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Tuy nhiên, với tấm lòng của một người thầy có trái tim sẵn sàng hy sinh để con chữ được sinh sôi trên những vùng đất khó. Thầy Quân cũng đã vượt qua những khó khăn, gian nan vất vả tình nguyện dạy học ở bản vùng cao.

Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh người DTTS tại bản Tèn, thầy Quân đã cùng các thầy cô giáo khác nỗ lực sử dụng đa dạng các phương pháp học tập tích cực như tăng cường tiếng Việt thông qua các trò chơi, trao đổi chia sẻ về cuộc sống, các mối quan hệ trong gia đình, qua những câu chuyện, giới thiệu các sản phẩm, đồ dùng học tập, tranh vẽ…Thường xuyên quan tâm, chia sẻ những khó khăn, thăm hỏi, động viên để học sinh tới trường, lớp học tập đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, những năm gần đây được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, cơ sở vật chất phòng, lớp học tại điểm trường đã được đầu tư khang trang hơn, có điện, đường bê tông đi lại dễ dàng, học sinh đến trường được hưởng đầy đủ chế độ như hỗ trợ 15kg gạo/ tháng, hơn 800. 000 đồng tiền ở, tiền đi lại và chi phí học tập 150.000 tháng…

Với những chính sách, chế độ được triển khai kịp thời, đầy đủ cùng phương pháp dạy học phù hợp, sáng tạo và nỗ lực của các thầy cô giáo chất lượng học tập của các em học sinh người DTTS tại bản Tèn ngày càng được nâng cao, tỉ lệ học sinh bỏ học, học yếu đều giảm đáng kể.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-giao-vien-tinh-nguyen-len-ban-ten-day-chu-o-xom-3-khong-post641031.html