Những giọt mồ hôi rơi trên bản báo cáo truy vết ca bệnh

Khi có một ca dương tính hay một ca nghi ngờ dương tính được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì chỉ sau đó một thời gian ngắn, người dân có thể cập nhật ngay được bao nhiêu ca F1, F2, F3…liên quan đến ca bệnh để phòng tránh, cơ quan chức năng dựa trên cơ sở đó để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch… hay ra những quyết định kịp thời.

Để có được những thông tin chính xác đến từng người về các ca bệnh, ca nghi ngờ mắc bệnh, góp phần khoanh vùng dập dịch là những giờ làm việc không nghỉ của các cán bộ y tế với những bước chân thầm lặng nhưng thần tốc truy vết dịch tễ.

Phía sau những bản báo cáo thần tốc truy vết F1, F2...

Bởi, bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch COVID-19, để từ đó đưa ra biện pháp cách ly y tế triệt để, nhằm ngăn chặn dịch. Do đó, những người làm công tác truy vết dịch tễ là những "người gác cổng", giữ vai trò cực kỳ quan trọng chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh.

Từng ở những điểm nóng truy vết các ca bệnh từ ổ dịch Sơn Lôi, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội); Đà Nẵng; Hải Dương... BS Trần Anh Tú, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là người hiểu rõ nhất những khó khăn những nhọc nhằn của người truy vết. Tú tâm sự, đã có lúc tưởng như bất lực vì không nhận được sự hợp tác của người dân. Người không nhớ đầy đủ lịch trình di chuyển, có người thì cố tình che giấu… Khó khăn nhất là truy vết trên các chuyến bay, nhưng nhờ sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều lực lượng đã giúp cho những người làm công tác truy vết nhanh chóng vượt qua nhiều khó khăn không thể tưởng tượng nổi.

Với bác sĩ Tú, việc truy vết ca bệnh ở đợt dịch lần thứ 4 này không còn gặp quá nhiều khó khăn như trước, phần vì đã có kinh nghiệm, phần vì người dân đã có ý thức hơn. Theo BS Tú, người dân giờ đây đã chủ động khai báo y tế, hợp tác nên đã thuận lợi và dễ dàng hơn nhiều. Hơn nữa, tổ truy vết dịch được sự phối hợp của lực lượng công an cùng tham gia nên kết quả F1, F2 có rất nhanh sau khi phát hiện ca nghi ngờ bệnh.

Còn đối với bác sĩ Nguyễn Thị Đoan Trang, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang -một bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch- thì việc buông bát cơm ăn dở để đi thực hiện nhiệm vụ điều tra truy vết đã không còn xa lạ với chị và các đồng nghiệp.

Cán bộ y tế đến từng hộ dân để truy vết dịch tễ

Cán bộ y tế đến từng hộ dân để truy vết dịch tễ

Đó là những lần làm việc căng như dây đàn không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ cần nghe được thông tin ở đâu có ca nghi ngờ mắc bệnh, cần đi truy tìm xác minh F1, F2 là chị lên đường. Chị và các đồng nghiệp là làm việc căng như dây đàn từ 11 giờ trưa đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Đến khi bụng đói cồn cào mới nhớ ra suốt quãng thời gian đó mình đã làm việc không nghỉ, không ăn…

Người dân dù lo lắng, có chút bất an nhưng lại rất phối hợp cung cấp danh sách, lịch trình cho cán bộ y tế. Nhờ có sự hỗ trợ quý báu đó, không ít lần, những F1, F2 nhanh chóng "lộ diện". Cùng với những cái tên, là đường đi, lối lại đều được ghi chép cẩn thận, đầy đủ, được phân tích, đánh giá chi tiết nhất. Đây chính là cơ sở cho việc xác định đối tượng cách ly và theo dõi sức khỏe được chính xác.

Trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ y tế thực hiện truy vết tại tuyến cơ sở cho rằng, ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh đã được nâng cao lên rất nhiều, nên khi các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về một ca bệnh nghi ngờ hay ca dương tính những người có liên quan chủ động liên hệ đến đường dây nóng của TTYT, đường dây nóng của Sở Y tế thông báo đã khai tờ khai y tế và xin được tư vấn hỗ trợ.

Những vất vả, khó khăn của chị Trang, BS Tú hay của hàng nghìn, hàng vạn các cán bộ y tế đang ngày đêm truy vết dịch rất khó có thể diễn tả hết. Thậm chí khi được hỏi, họ cũng rất ngại trả lời. Bởi với họ, đơn giản đó là công việc, họ làm với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "thần tốc"... Nhưng sự thầm lặng của họ sẽ có ý nghĩa hơn nhanh chóng hơn khi được mọi người ủng hộ và đồng hành...

Y tế đã có thêm bạn đồng hành

Trải qua 3 đợt dịch những cán bộ y tế làm công tác truy vết “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” quyết không bỏ sót các trường hợp liên quan đã góp phần không nhỏ vào thành công của công tác chống dịch. Trải qua các giai đoạn dịch, giờ đây người dân đã có ý thức hơn nên công tác truy vết cũng phần nào đỡ vất vả.

Vất vả là vậy, nhưng họ thường ít được nhắc tới, hàng ngày, hàng giờ âm thầm cống hiến, góp chút công sức nhỏ bé của mình vào một cuộc chiến chung của cả nước -cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Bắt đầu từ đợt dịch lần này, các cán bộ y tế thực hiện công việc truy vết đã có thêm người đồng hành. Đó là lực lượng công an với nghiệp vụ của mình cộng thêm quá trình được đào tạo về dịch tễ học đã "sát cánh" cùng lực lượng y tế, phối hợp ăn ý trong công tác truy vết dịch tễ.

Tiêu biểu như tại Hưng Yên, khi địa phương này ghi nhận 2 ca bệnh dương tính ở huyện Phù Cừ, ngay lập tức cán bộ công an cùng các cán bộ y tế “xé màn đêm” truy vết từng nhà.

Thôn Hoàng Xá với hơn 1.200 nhân khẩu nhưng ngay trong đêm lực lượng công an và y tế đã thần tốc truy vết được hơn 30 F1, hơn 100 F2, hơn 200 F3. Nhờ sự làm việc khẩn trương đó mà các F1 ngay sau đó được đưa đi cách ly tập trung, các đối tượng còn lại được lấy mẫu xét nghiệm.

Trưởng công an huyện Phù Cừ cũng cho biết, cho dù đó là lúc gần nửa đêm về sáng, khi nhiều người còn say giấc nồng thì lực lượng công an - y tế và chính quyền nơi đây vẫn phối hợp triển khai công tác truy vết liên tục, "không bỏ lỡ giây phút nào”.

Không chỉ thực hiện truy vết, những chiến sĩ công an và nhân viên y tế còn làm công tác tư tưởng qua điện thoại, động viên, khuyến khích, giải thích với người dân. Bởi dẫu sao, dù biết dịch bệnh rõ nhưng người dẫn vẫn không tránh khỏi lo lắng. Nhờ đó, công tác truy vết diễn ra nhanh chóng, chính xác.

Giờ đây, ở các địa phương khi xác định ca bệnh hay ca nghi ngờ cần điều tra dịch tễ, lực lượng công an và lực lượng y tế sẽ cùng nhau đồng hành, công tác truy vết sẽ được thực hiện thần tốc hơn, hiệu quả hơn... góp phần vào thành công của công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Vi Cầm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-giot-mo-hoi-roi-tren-ban-bao-cao-truy-vet-ca-benh-n191540.html