Những giọt nước mắt ở lễ cầu siêu
Mỗi năm, TNGT không những cướp đi mạng sống của hàng nghìn người, còn để lại những nỗi đau thương, mất mát khôn nguôi với những người ở lại…
Lá vàng khóc lá xanh lìa cành
Hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, ngày 8/11 vừa qua, tại chùa Đại Bi (TP Thanh Hóa), Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT.
Chen lẫn tiếng tụng kinh, gõ mõ cầu siêu là không ít những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn khó phát ra thành tiếng, bởi nỗi mất mát đau thương khó kìm nén khi người thân của họ vĩnh viễn ra đi sau TNGT. Bà Phan Thị Thủy (68 tuổi, ở xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và chính quyền địa phương để tôi có cơ hội được tưởng nhớ người thân đã mất của mình. Tôi đã mãi mãi mất đi 2 đứa cháu nội yêu quý, còn con trai tôi liên tục phải điều trị ở bệnh viện. Tất cả đều do TNGT. Giờ còn mỗi thân già này chạy vạy khắp nơi để cố gắng kiếm tiền chữa trị cho con trai. Vợ nó phải luôn túc trực chăm chồng nên cuộc sống rất khó khăn”.
Theo bà Thủy, do các cháu được nghỉ hè nên con trai bà là Ngô Văn Thuyền (SN 1978) cùng 3 cháu (con anh Thuyền) bắt xe khách vào nhà chị gái ở Đắk Lắk chơi. Sáng 27/6/2018 khi đi đến địa phận QL1 tránh TP Vinh (Nghệ An), chiếc xe khách bị lật. Cháu Ngô Thị Thu (SN 2005) và em út Ngô Thành Đạt (SN 2013) tử vong tại chỗ. Riêng anh Thuyền và cháu gái thứ 2 Ngô Thị Bình (SN 2007) bị thương phải nhập viện cấp cứu.
“Nhà có 3 đứa cháu nội, giờ mất 2 còn 1. Bố nó thì bị gãy đốt sống cổ, trật xương tay, rạn xương đã phẫu thuật 3 lần. Hiện, vẫn đang ở Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật lần thứ 4, không biết kết quả ra sao. Từ khi xảy ra sự việc, hàng năm Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT huyện đều đến động viên, chia sẻ mất mát với gia đình. Giờ Ủy ban ATGT Quốc gia cũng tổ chức lễ cầu siêu cho các cháu, cho những người đã mất vì TNGT quả là một việc làm nhân văn. Người mất đã mất rồi, nhưng đối với chúng tôi - những người ở lại phải có trách nhiệm răn dạy các con, cháu hãy biết tôn trọng mạng sống của mình, phải biết chấp hành Luật GTĐB tránh những điều đáng tiếc xảy ra”, bà Thủy nói.
Éo le những mảnh đời
“
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong nhiều năm, Ban ATGT tỉnh triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đảm bảo ATGT, nhờ đó TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết còn lớn. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2019 trên địa bàn đã xảy ra 333 vụ TNGT, làm chết 122 người và bị thương 305 người. “Thay mặt UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban ATGT, tôi xin chia sẻ những đau thương mất mát với tất cả những gia đình đang phải gánh chịu hậu quả do TNGT để lại và kêu gọi mỗi người dân, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng hãy chung tay xây dựng một xã hội giao thông văn minh, an toàn hơn”, ông Liêm nói.
”
Trong khuôn khổ lễ tưởng niệm, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân TNGT ở các xã Đông Hòa, Đồng Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).
Ngôi nhà đầu tiên đoàn đến thăm là gia đình anh Nguyễn Thìn Sinh (42 tuổi, thôn Chính Bình, xã Đông Hòa) có vợ là chị Lê Thị Thủy (SN 1985) mất trong một vụ TNGT vào năm 2015, để lại mẹ già hơn 80 tuổi cùng 3 con thơ dại.
Đoàn cũng vào thắp hương cho anh Nguyễn Hữu Linh (SN 1992) bị xe máy tông dẫn tới tử vong năm 2017 để lại vợ và con trai 1 tuổi và thăm hỏi tình hình sức khỏe của anh Phạm Tá Quang (SN 1996, ngụ thôn Triệu Xá 1, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn) bị liệt sau khi bị xe tông vào tháng 7/2019.
Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ, TNGT là điều không ai mong muốn, nhưng khi đã xảy ra thì rất đau thương, để lại rất nhiều hệ lụy. Ủy ban ATGT Quốc gia và nhân dân cả nước xin chia sẻ với các gia đình, mong muốn những người thân hãy cố gắng vượt qua nỗi đau, làm điểm tựa cho các con, các cháu sau này.
Ghi nhận của PV, đa phần gia cảnh của các nạn nhân khi đoàn đến thăm đều thuộc diện khó khăn, éo le. Ngoài mất mát người thân, hầu hết các gia đình đều bị suy sụp kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày.Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Thìn Sinh, sau khi vợ mất, một mình anh phải cáng đáng công việc trong nhà, ngày ngày đi làm thợ hồ kiếm 200-300 nghìn đồng nuôi mẹ già 81 tuổi, cùng 3 đứa con ăn học. “Vợ mất khiến cuộc sống bị đảo lộn. Cuộc sống khó khăn nhưng thỉnh thoảng có đoàn về thăm hỏi và hỗ trợ gia đình, tôi cũng cảm thấy ấm lòng”, anh Sinh chia sẻ.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-giot-nuoc-mat-o-le-cau-sieu-d442108.html