Những góc cạnh nghệ thuật của nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn
Tuấn Andrew Nguyễn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn mang tầm ảnh hưởng thế giới - bởi những góc cạnh nghệ thuật 'không giống ai'.
Giới nghệ thuật nhiều lúc bối rối không biết nên gọi Tuấn Andrew Nguyễn là gì: Họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ thị giác hay đạo diễn phim…? Và cuối cùng, chính xác nhất - chỉ có thể dùng danh xưng nghệ sĩ để nói về anh.
Nghệ thuật miêu tả đức tin
“Dù Tuấn Andrew Nguyễn đã có nhiều giải thưởng quốc tế, tác phẩm nằm trong nhiều bộ sưu tập lớn, nhưng “Thiên thạch” vẫn là một dấu ấn khá đáng kể trong sự nghiệp của anh”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi
Năm 2018, công chúng TPHCM biết đến triển lãm “Rừng hoang” - một triển lãm cá nhân của Tuấn Andrew Nguyễn gắn với câu chuyện đương đại xây dựng trên đức tin - tín ngưỡng và ham muốn lệch lạc của con người. Những điều ấy dẫn đến cách đối xử thậm tệ với một số loài động vật và gây ra nhiều hệ quả không thể cứu vãn.
Tuấn Andrew Nguyễn chia sẻ, trong quan niệm về góc cạnh sáng tạo anh quan tâm đến niềm tin của con người với sức ảnh hưởng xã hội. “Rừng hoang” bắt nguồn từ ý tưởng khi anh suy nghĩ đến sự ảnh hưởng của người Việt đến thế giới động vật qua sự tin tưởng “phi khoa học” - là sừng tê giác có thể trị ung thư.
“Tôi nghĩ đến mối quan hệ giữa con người và động vật - từ cách ăn mặc đến suy nghĩ, lối sống. Đặc biệt, với người Việt vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, các loài động vật còn theo suốt tiến trình lịch sử của dân tộc qua các truyền thuyết và sự kiện”, Tuấn Andrew Nguyễn cho biết.
Bắt đầu với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ để giải thích người Việt thuộc dòng giống Tiên Rồng. Rồi câu chuyện Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, quân Tây Sơn dùng voi đại chiến với quân Thanh trong trận Ngọc Hồi. Hay rùa được người dân tôn thần khi tặng An Dương Vương chiếc móng làm nỏ, nhiều thế kỷ sau còn cho Lê Lợi mượn gươm…
Ở “Rừng Hoang” Tuấn Andrew Nguyễn chuyển hóa không gian trưng bày của The Factory thành một mô hình tiểu cảnh ngoại cỡ, hay một tổ hợp pha trộn những hình hài thú vật kì lạ. Mấp mé bên bờ vực diệt vong là tiếng nói thoi thóp của các giống loài sắp tuyệt chủng và lần theo sự ảnh hưởng của nền y học cổ truyền.
Sừng tê giác, gạc hươu, vảy tê tê, mai rùa… được coi là “thần dược”, bất chấp các chứng minh khoa học. Ở góc cạnh sáng tạo này, nghệ sĩ lên án những kẻ trục lợi từ “đức tin”, đặt cả mạng sống của mình vào khả năng chữa bệnh của “thần dược”.
Không gian “Rừng hoang” đa dạng chất liệu - từ phim, điêu khắc, tới nhiếp ảnh - khu rừng của Tuấn Andrew Nguyễn là một quang cảnh siêu nhiên, được cấu thành từ những sinh thể bị nhào nặn biến hóa, vô tri vô giác, nửa sống nửa chết. Điều đó gợi cho người xem liên tưởng tới tượng đài hay tô-tem.
Sinh năm 1976 tại TPHCM, Tuấn Andrew Nguyễn là một nghệ sĩ đa tài, anh tốt nghiệp khoa Mỹ thuật (chuyên ngành phụ Nghệ thuật số) tại Đại học California, Irvine năm 1999 và lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tại Viện Nghệ thuật California năm 2004.
Anh cũng là đồng sáng lập Sàn Art - một không gian nghệ thuật và chương trình giáo dục do nghệ sĩ khởi xướng. Tác phẩm của anh đã được trưng bày và trình chiếu tại nhiều liên hoan phim và triển lãm quốc tế, cũng như nằm trong bộ sưu tập nghệ thuật của các bảo tàng lớn như: Queensland Art Gallery, Carré d’Art, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện Đại (the Museum of Modern Art), và Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.
Thiên thạch “rơi” xuống trường học
Tuấn Andrew Nguyễn cũng là nghệ sĩ đoạt được nhiều giải thưởng từ lĩnh vực phim và nghệ thuật thị giác. Thực hành nghệ thuật của anh khám phá các chiến lược đối kháng thông qua các trần thuật về lịch sử và niềm tin của con người trước các hiện tượng siêu nhiên.
Trong nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm suy xét mối quan hệ giữa không gian công cộng và truyền thông đại chúng, vào năm 2006 Tuấn Andrew Nguyễn sáng lập The Propeller Group - một nhóm nghệ sĩ giao thoa giữa nghệ thuật và quảng cáo truyền thông.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho hay, biết đến nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn khoảng hơn 15 năm - dù sơ giao nhưng vẫn thấy hành trình nghệ thuật của anh thật bền bỉ, giàu ý niệm và phong phú thao tác đương đại, đặc biệt rất chuyên nghiệp.
Anh luôn đặt điểm nhìn vào giữa các mối quan hệ có tính phản tư, truy vấn, đối kháng về không gian sống, vũ trụ, siêu linh và địa chính trị… Tác phẩm “Thiên thạch” vừa trưng bày dài hạn tại cổng chính Trường Emasi Vạn Phúc (TP Thủ Đức - TPHCM) từ 30/9 là một ví dụ.
Trong thông tin tuyên truyền, thiên thạch rơi xuống trái đất thường có tính nguy hiểm, hoặc hủy diệt. Tác phẩm “Thiên thạch” thì không, nó giống như cái đèn xoay, vui tươi, an toàn. Nó cũng xoay tròn như Trái đất, cũng phản chiếu trời đất, trăng sao và cả máy bay qua lại.
Tiếng máy bay vô tình tạo không khí của các phim về không gian, vũ trụ. Nghệ sĩ chọn nơi ấy, vì cổng chính Trường Emasi nằm ngay trục đường bay của Tân Sơn Nhất, nên giờ cao điểm có nhiều chuyến bay lên xuống.
Tác phẩm này từng triển lãm tại phòng tranh Quỳnh, với kích thước nhỏ xíu, nên ấn tượng không thật nhiều. Nay được Nguyen Art Foundation đề nghị phóng to, ý niệm thiên thạch và phản thiên thạch mới rõ ràng hơn.
Nhờ tầm nhìn, sự chịu chơi của Nguyen Art Foundation và Trường Emasi Vạn Phúc mà những tác phẩm như “Thiên thạch” mới có đủ điều kiện hiển hiện hết chiều kích thực sự.
Ông Lý Đợi nhận định, hệ thống Trường Emasi dù còn non trẻ tại Việt Nam, nhưng đang gây ấn tượng khá mạnh bằng các bộ sưu tập nghệ thuật đương đại. Đó cũng là điều mà các trường học nên hướng tới, để lan tỏa tình yêu và thẩm mỹ nghệ thuật.