Những góc khuất của Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu Lê Hoàng Anh Tuấn
'Nhà báo quốc tế', Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu (IEBLI) là cái tên không còn lạ đối với báo chí nước nhà. Tuy nhiên, những gì mà Lê Hoàng Anh Tuấn thực hiện sau khi được khôi phục chức vụ Viện trưởng IEBLI đang là nỗi đau của nhiều người bị mất mát.
Chùm bài viết này phác họa chân dungcủa Lê Hoàng Anh Tuấn với tư cách Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu (IEBLI), trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam và tiếp sẽ về chân dung của Tổng Biên tập tạp chí Chống Tham nhũng Quốc tế. Được biết, người này được trang bị đủ học vị của các cơ sở đào tạo nổi tiếng trong một khoảng thời gian rất ngắn
Từ những dấu hỏi lớn về nền tảng pháp luật của IEBLI
Năm 2014, Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu (tên viết tắt là IEBLI) được thành lập theo Quyết định 276/QĐ-HLG ngày 27 tháng 11 năm 2014 theo Quyết định số 289/QĐ-HLG ngày 28/11/2014 của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam do Lê Hoàng Anh Tuấn làm Viện trưởng. Sau lễ khai trương rầm rộ, chỉ một thời gian ngắn, không ai còn thấy bóng dáng của IEBLI ở đâu. IEBLI không được nhắc tới còn viện trưởng không có mặt trong các cuộc giao ban, sinh hoạt của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và cũng không hề có trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của Hội.
Bẵng đi một thời gian, đến đầu năm 2019, báo chí trong cả nước rầm rộ đưa tin về nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn bị bóc mẽ bởi những chiêu trò lừa bịp tinh vi, những mạo danh của nhà báo quốc tế này. Trước những hành vi lừa đảo bị phanh phui, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Viện trưởng của Lê Hoàng Anh Tuấn.
Dù vậy, sau đó một thời gian Lê Hoàng Anh Tuấn đã được khôi phục chức vụ. Ở cương vị này, Lê Hoàng Anh Tuấn tiếp tục có những chiêu trò và đã dễ dàng lừa đảo nhiều người để kiếm tiền. Lê Hoàng Anh Tuấn đã làm cho IEBLI trở thành một hình nộm, được anh ta vác theo mình chạy vòng quanh, từ Hà Nội đến Thanh Hóa, vào Nghệ An, Hà Tĩnh rồi quay lại các địa điểm khác nhau của Hà Nội. Nhiều kiến nghị, tố cáo của những cán bộ, cổ đông của IEBLI liên tục được gửi tới Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Nhiều cuộc thanh tra IEBLI được thực hiện song không có kết quả vì sự chống đối của người đứng đầu là Lê Hoàng Anh Tuấn. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động của IEBLI.
Trước nhiều đơn tố cáo của cán bộ, nhân viên của Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu, tên viết tắt là IEBLI và tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu, đơn vị trực thuộc IEBLI, Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của đơn vị này và trách nhiệm của người đứng đầu là viện trưởng Lê Hoàng Anh Tuấn. Ngày 12 tháng 7 năm 2023, Ban Kiểm tra của Hội Luật gia Việt Nam công bố Kết luận 12-KL/ĐKT. Mặc dù Kết luận chưa được công bố rộng rãi song nội dung của Kết luận cho thấy Viện trưởng Lê Hoàng Anh Tuấn có quá nhiều vi phạm pháp luật. Nhà báo quốc tế hầu như chưa rút ra cho mình những bài học và không hề từ bỏ những sự lừa gạt đã bị hàng chục tờ báo trong nước vạch trần năm 2019.
Ngày 2/10/2023, Hội Luật gia Việt Nam ban hành Quyết định số 245/QĐ-BTVHLGVN tạm đình chỉ hoạt động của IEBLI để tiến hành thanh tra, xác định trách nhiệm của Viện trưởng Lê Hoàng Anh Tuấn.
IEBLI có 8 lần thay đổi trụ sở. Việc 8 lần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt hoạt động KHCN được gắn với việc di chuyển trụ sở phục vụ các mục đích cá nhân của của Lê Hoàng Anh Tuấn. Hiện tại, IEBLI đăng ký trụ sở chính ở BT số 04, khu nhà ở Ban Đảng Trung ương, phường Sài Đồng, quận Long Biên, tp Hà Nội. Theo pháp luật, doanh nghiệp KHCN phải có trụ sở chính được xác định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ. Trụ sở là địa chỉ liên lạc chính thức, tiếp nhận công văn đến, gửi công văn đi, là nơi các cơ quan quản lý chức năng đến làm việc, thanh tra, kiểm tra, nơi lưu giữ và bảo quản dấu và hồ sơ của IEBLI. Tuy nhiên, trụ sở đúng nghĩa của IEBLI không tồn tại trên thực tế. Các con dấu của IEBLI, của các đơn vị trực thuộc, tài liệu, hồ sơ của Viện đều được Lê Hoàng Anh Tuấn mang bên mình hoặc cất giấu ở quê tại Nghi Lộc, Nghệ An. Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã phải cử hai cán bộ đi cùng Lê Hoàng Anh Tuấn vào Nghệ An để xác minh một số văn bản.
Cùng với đó, Lê Hoàng Anh Tuấn đã sử dụng Logo của Hội Luật gia Việt Nam làm Logo của IEBLI, của tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu tại trụ sở chính ở biệt thự số 04 khu nhà ở Ban Đảng Trung ương, phường Sài Đồng, quận Long Biên. Việc sử dụng Logo của một tổ chức chính trị xã hội để làm Logo của doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật doanh nghiệp. Lê Hoàng Anh Tuấn cố ý gây nhầm lẫn vị thế của IEBLI và vị thể của Hội Luật gia Việt Nam.
Đến các thao túng dịch chuyển trụ sở
Kể từ khi thành lập từ năm 2014, hoạt động của IEBLI chỉ là chuyển trụ sở và chuyển nhượng “cổ phần”. Không có bất cứ hoạt động nghiên cứu khoa học nào đúng nghĩa được thực hiện theo tôn chỉ, mục đích của IEBLI. Tám lần di chuyển trụ sở không cần sự phê chuẩn của hội đồng thành viên. Trong 8 lần di chuyển đó, chỉ duy nhất có một lần được cơ quan chủ quan là Hội Luật gia cho phép. Con đường di chuyển của IEBLI từ trụ sở ban đầu ở Tòa tháp Ngôi sao đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa Cầu giấy, Hà Nội (năm 2014) đến trụ sở không có số nhà ở chân núi Đại Huệ, xóm 1 Đại Huệ, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vào (2016). Từ chân núi Đại Huệ, IEBLI di chuyển trụ sở đến một nơi không có số nhà tại khối Trung Yên, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An (2017). Từ Hưng Nguyên, Nghệ An, IEBLI được Lê Hoàng Anh Tuấn chuyển ra Hà Nội đóng tại phòng 305, nhà A, học viện Thanh Thiếu niên, phố Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội (2017). Từ Học viện Thanh Thiếu niên, IEBLI di chuyển vào Thanh Hóa và đóng tại 450 Bà Triệu, phường Đông Thọ, tỉnh Thanh Hóa (2018). Từ Thanh Hóa, IEBLI di chuyển đến số nhà 27, ngách 612/50 đường La Thành, Đống Đa Hà Nội (2018). Lần thứ 7, Lê Hoàng Anh Tuấn cho chuyển trụ sở về tầng 8 khối các văn phòng viện tại 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội (2021). Đến tháng 3 năm 2023 Lê Hoàng Anh Tuấn bí mật chuyển trụ sở về biệt thự 4, khu các cơ quan đảng ở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là là vì mục đích gì mà một viện nghiên cứu không tìm cách xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, không thực hiện hoạt động nghiên cứu mà lại liên tục di chuyển đến 8 địa điểm khác nhau trong vòng 8 năm. IEBLI được Lê Hoàng Anh Tuấn đến đóng trụ sở ở một vùng quê nghèo ở chân núi Đại Huệ, nơi không có hoạt động nghiên cứu khoa học, nơi không có hoạt động kinh doanh đầu tư sôi động? Chẳng lẽ IEBLI vào đó để mời bà con nông dân dự hội thảo về pháp luật kinh doanh, đầu tư châu Âu?
Và những chuyển nhượng cổ phần đáng ngạc kinh ngạc của Lê Hoàng Anh Tuấn về mức độ vi phạm pháp luật
IEBLI không thể được xác định là loại hình doanh nghiệp nào. Cổ phần và chuyển nhượng, phát hành cổ phần, thẩm quyền quyết định chuyển nhượng cổ phần chỉ gắn với công ty cổ phần và được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp. Vốn góp, chuyển nhượng vốn góp, thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn góp gắn với công ty TNHH và cũng được điều chỉnh cũng bởi Luật Doanh nghiệp và điều lệ doanh nghiệp. Khi xây dựng Điều lệ, Lê Hoàng Anh Tuấn chắc đã có chủ định nên những nội dung quan trọng, bắt buộc liên quan đến thẩm quyền của các cổ đông hay thành viên góp vốn, thành viên sáng lập, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, sửa đổi điều lệ, đăng ký lại hoạt động khoa học công nghệ đều không được đưa vào điều lệ IEBLI. Đây chính là lỗ hổng pháp lý mà Lê Hoàng Anh Tuấn tạo ra để dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển nhượng “cổ phần” trong tương lai. Tuy nhiên, nếu có hiểu biết pháp luật tốt hơn thì Lê Hoàng Anh Tuấn dễ dàng nhận ra những lổ hổng tự tạo ra đó vẫn không giúp “Nhà báo quốc tế” tránh được trách nhiệm pháp lý đối với chuyển nhượng “cổ phần” trái pháp luật. Không biết có bao nhiêu lần Lê Hoàng Anh Tuấn chuyển nhượng cổ phần gắn với thay đổi trụ sở, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ song với 3 vụ chuyển nhượng dưới đây có thể cho thấy rõ những vi phạm của Lê Hoàng Anh Tuấn. Cứ mỗi lần tuyển ai vào IEBLI, Lê Hoàng Anh Tuấn đều mời họ mua cổ phần.
Chuyển nhượng cổ phần giữa Lê Hoàng Anh Tuấn và bà Bùi Thị Hồng Hương.
Dựa trên Điều lệ, bản xác nhận tài sản của IEBLI, thành viên sáng lập của Viện bao gồm (1) Lê Hoàng Anh Tuấn với vốn góp 340 triệu; (2) Nguyễn Duyên Ngọc 100 triệu; (3) Dương Tuyết Miên 30 triệu; (4) Doãn Thị Vinh 20 triệu; (5) Trần Ngọc Hiệp 30 triệu.
Tổng số vốn góp của IEBLI ở thời điểm thành lập là 500 triệu song không chia thành cổ phần theo mệnh giá. Đến năm 2017, Lê Hoàng Anh Tuấn chuyển nhượng “cổ phần” 100 triệu cho bà Bùi Thị Hồng Hương. Theo giấy nhận tiền thì Lê Hoàng Anh Tuấn nhận của bà Hương 10.000 USD và 270 triệu đồng để chuyển nhượng cho bà này 100 triệu “cổ phần” của mình trong vốn Điều lệ của IEBLI. Như vậy, giá 100 triệu đồng mà Lê Hoàng Anh Tuấn đóng vào IEBLI được anh ta định giá giá 500 triệu đồng. Theo Biên bản xác nhận vốn cổ phần của IEBLI ký ngày 16 tháng 7 năm 2018 thì cổ phần của Lê Hoàng Anh Tuấn còn 140 triệu. Hai cổ đông sáng lập là Dương Tuyết Miên, Trần Ngọc Hiệp bị xóa tên không rõ ở thời điểm nào. Có lẽ đã có những cuộc chuyển nhượng cổ phần trước đó.
Lê Hoàng Anh Tuấn nhận tiền 500 triệu vào ngày 17/7/2017 từ bà Hương theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trị giá 2,5 tỷ vào ngày ký vào ngày 17/6/2017, thời điểm trụ sở IEBLI chuyển vào thành phố Thanh Hóa.
Chuyển nhượng cổ phần cho ông Nguyễn Văn Thiện và bà Lê Thị Nguyệt
Ngay sau khi được khôi phục chức vụ Viện trưởng, Lê Hoàng Anh Tuấn đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thiện làm Phó Chánh văn phòng của IEBLI. Như một đặc ân, Lê Hoàng Anh Tuấn chuyển nhượng cho ông Thiện “cổ phần” trị giá 100 triệu đã bán cho bà Hương khi bà Hương yêu cầu chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng, đòi lại tiền do nhận thấy những điều bất thường trong giao dịch đó. Ông Thiện đã phải thanh toán cho bà Hương 500 triệu, thay Lê Hoàng Anh Tuấn trả lại khoản tiền đã nhận do chuyển nhượng “cổ phần” 100 triệu đồng. Lê Hoàng Anh Tuấn cũng chuyển nhượng 145 triệu cổ phần còn lại cho bà Lê Thị Nguyệt. Ông Nguyễn Văn Thiện đã thay mặt bà Nguyệt thanh toán cho Lê Hoàng Anh Tuấn 500 triệu đồng. Các giao dịch chuyển nhượng được hoàn tất bằng Biên bản xác nhận chuyển nhượng cổ phần ký ngày 1/11/2020. Theo Biên bản này thì 5 cổ đông của IEBLI bao gổm: Nguyễn Mạnh Hùng 210 triệu, Nguyễn Duyên Ngọc 25 triệu, Doãn Thị Vinh 20 triệu, Lê Thị Nguyệt 145 triệu và Nguyễn Văn Thiện 100 triệu. Vốn Điều lệ của IEBLI không hề thay đổi sau những lần chuyển nhượng như vậy dù Viện trưởng định giá vốn Điều lệ lên 5 lần để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng cổ phần, thu lợi riêng tiền tỷ.
Chuyển nhượng cổ phần tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu
Hình như do hết cổ phần trong IEBLI, Lê Hoàng Anh Tuấn biến tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu thành một dạng “cổ phần” để chuyển nhượng. Theo một đơn tố cáo khác, Lê Hoàng Anh Tuấn với tư cách là đại diện theo pháp luật của IEBLI, cơ quan chủ quản đối với tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu, đã chuyển nhượng cho 95% “cổ phần” của mình trong tạp chí này cho Phạm Ngọc Lợi, CCCD số 040083012665 cấp ngày 17 tháng 6 2021 tại Nghệ An. Lê Hoàng Anh Tuấn phong cho ông Phạm Ngọc Lợi chức vụ “Chủ tịch cổ đông tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu”. Trước đó, Lê Hoàng Anh Tuấn có thể đã bán tạp chí này cho Phạm Hoàng Hà với giá 900 triệu và sau đó dàn xếp để Phạm Hoàng Hà bán lại cho Phạm Ngọc Lợi. Số tiền bán tạp chí được Lê Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo em họ mình là Tuấn nhận. Thỏa thuận giữa Hà và Lợi được Lê Hoàng Anh Tuấn đóng dấu song không ký tên. Đồng thời, Lê Hoàng Anh Tuấn đưa vào “danh sách cổ đông” của tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu sau khi chuyển nhượng bà Nguyễn Thị Vinh, Chánh văn phòng IEBLI mà không cho người này biết. Ý đồ của Lê Hoàng Anh Tuấn là ve sầu thoát xác. Khi sự thật bị phanh phui thì có Nguyễn Thị Vinh chịu trách nhiệm vì người này tham gia chuyển nhượng và đóng dấu. Biên bản thỏa thuận chuyển nhượng “cổ phần” tạp chí không có chữ ký của Lê Hoàng Anh Tuấn song không khó để cơ quan điều tra làm sáng tỏ sự việc này.
Sau khi thực hiện chuyển nhượng “cổ phần tạp chí”, Lê Hoàng Anh Tuấn bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Lê Trâm làm Phó tổng biên tập tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu. Lê Hoàng Anh Tuấn thể hiện quyền lực của mình như kiểu hoàng đế thời phong kiến.
Vốn điều lệ của IEBLI thay đổi liên tục từ các giao dịch chuyển nhượng do Lê Hoàng Anh Tuấn quyết định. IEBLI không có bất cứ số sách theo dõi về sự tăng giảm nguồn vốn, thay đổi về thành viên góp vốn, thuế. Bản thân Lê Hoàng Anh Tuấn cũng không nộp thuế thu nhập cá nhân từ các vụ chuyển nhượng. Những phi vụ chuyển nhượng cổ phần của Lê Hoàng Anh Tuấn là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chứa đựng các yếu tố lừa đảo cần được điều tra, làm rõ.