Những góc khuất đằng sau vụ bê bối tại Alibaba
Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba hôm 8-8 cho biết họ đã đình chỉ công tác một số lãnh đạo sau khi một nữ nhân viên tố cáo bị sếp mình và khách hàng tấn công tình dục. Bê bối này tại Alibaba thời gian qua đang dần hé lộ những góc khuất trong tập đoàn công nghệ này.
Bê bối rúng động
Cáo buộc dài 11 trang của nạn nhân được lan truyền rộng rãi trên mạng, đã gây ra làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Cảnh sát TP Tế Nam hôm 8-8 cho biết họ đang điều tra vụ việc.
Vụ bê bối tại Alibaba gây chấn động chốn công sở.
Người phát ngôn của Alibaba cho biết: "Tập đoàn Alibaba có chính sách không khoan nhượng đối với hành vi tình dục sai trái và việc đảm bảo một nơi làm việc an toàn cho tất cả nhân viên là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đã đình chỉ các bên liên quan bị nghi vi phạm các chính sách và giá trị của công ty, đồng thời thành lập một lực lượng đặc nhiệm nội bộ để điều tra vấn đề và hỗ trợ cuộc điều tra của cảnh sát".
Nạn nhân không tiết lộ danh tính cáo buộc sếp của cô đã ép cô đi công tác với ông ta để gặp một trong những khách hàng của nhóm cô ở TP Tế Nam, cách trụ sở của Alibaba ở Hàng Châu khoảng 900 km.
Theo lời kể của nạn nhân, tối 27-7, vị khách này đã hôn cô. Sau khi uống rượu, cô thức dậy trong phòng khách sạn vào ngày hôm sau trong tình trạng khỏa thân và không còn nhớ những gì đã xảy ra vào buổi tối hôm trước.
Cảnh quay do camera giám sát từ khách sạn cho thấy sếp cô đã vào phòng 4 lần trong suốt buổi tối hôm đó. Khi trở về Hàng Châu, cô cho biết cô đã báo cáo sự việc với bộ phận nhân sự và quản lý cấp trên vào ngày 2-8, yêu cầu người sếp nói trên bị sa thải. Nạn nhân cho hay ban đầu phòng nhân sự đã đồng ý nhưng đến phút cuối họ lại đổi ý.
Văn hóa rượu bia nơi công sở của Trung Quốc ngày càng xấu xí.
Sau vụ việc, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang thông báo trên mạng nội bộ công ty: "Không chỉ bộ phận nhân sự phải xin lỗi. Các quản lý bộ phận kinh doanh liên quan cũng phải chịu trách nhiệm và nên xin lỗi vì im lặng và không phản hồi kịp thời". Ông Zhang cam kết sẽ tăng cường bảo vệ nhân viên nữ trong toàn công ty và cho rằng vụ việc là sự xấu hổ của cả công ty, đồng thời kêu gọi xây dựng lại văn hóa nơi công sở.
Một người đã đọc nội dung của thông báo mạng nội bộ cho hay công ty đã đình chỉ công việc của người quản lý nạn nhân, người liên hệ với cô tại bộ phận nhân sự và quản lý trực tiếp của những cá nhân đó. Vụ việc đã khiến một trong những quản lý tên Li Yonghe cùng với giám đốc nhân sự từ chức vì xử lý sai.
Trong khi đó, người bị tố cáo đã thú nhận có hành vi thân mật với nữ nhân viên và các quan chức thực thi pháp luật sẽ xác định xem liệu người này có vi phạm pháp luật hay không. Nhiều người bình luận chỉ trích việc Alibaba không hành động cho đến khi các cáo buộc được công khai.
Vụ bê bối là đòn giáng lên Alibaba khi tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ này đang đối mặt với cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của các cơ quan quản lý về chống độc quyền, động thái châm ngòi hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào các ngành công nghiệp trực tuyến từ ứng dụng gọi xe đến công nghệ tài chính và giáo dục.
Văn hóa làm hết sức, chơi hết mình
Quản lý trực tiếp liên quan đến vụ việc hiện đã bị Alibaba sa thải. Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba, đã công khai chỉ trích “văn hóa ép uống rượu xấu xí” của tập đoàn. Cùng với việc Ngô Diệc Phàm bị cáo buộc chuốc rượu, cưỡng hiếp fan nữ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về văn hóa uống rượu bia nơi công sở và trong xã hội ở Trung Quốc, theo SCMP.
Alibaba đã sa thải vị lãnh đạo này sau vụ bê bối.
Sau khi nữ nhân viên công khai chuyện mình bị cưỡng hiếp, Giám đốc điều hành của Alibaba gửi thông điệp tới các nhân viên. “Bất kể giới tính, dù là yêu cầu của sếp hay khách hàng, các nhân viên đều có quyền từ chối những yêu cầu khiếm nhã”, ông Zhang nói. Tuy nhiên, Alibaba chỉ mạnh tay xử lý nội bộ sau khi sự việc được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Jason Li, một chuyên gia pháp lý ở Thượng Hải, nói uống rượu bia đã trở thành “một phần không thể thiếu” trong văn hóa công sở ở Trung Quốc, một phần trong khẩu hiệu 996, nghĩa là làm việc chăm chỉ và chơi hết mình.
“Tôi chỉ uống một vài lần mỗi tháng, chủ yếu là vì công việc. Đó là cách để tôi giải quyết vấn đề trong công việc. Uống rượu bia cùng nhau giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, để hiểu nhau hơn, dù là người dễ gần hay có những đặc điểm tính cách khác”, Li nói.
Zhu Zimei, một nhân viên 26 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ thông tin ở Bắc Kinh, cũng đồng tình rằng, có động lực mạnh mẽ trong việc uống rượu bia ở môi trường làm việc. “Rất khó tránh khỏi việc phải uống với đồng nghiệp vì lý do công việc”, Zhu nói.
Xu hướng đáng lo ngại
Một loạt những vụ tai nạn, cưỡng hiếp, bạo lực xảy ra liên quan đến rượu bia trong vài năm qua ở Trung Quốc. Các chuyên gia y tế Trung Quốc bày tỏ quan ngại về xu hướng tiêu thụ đồ uống có cồn ngày càng gia tăng.
Lao động nữ trong các công sở cần được bảo vệ nhiều hơn.
Giáo sư Xu Gelin đến từ trường Y thuộc Đại học Nam Kinh, cho rằng giới trẻ Trung Quốc đang từ bỏ những quan niệm truyền thống về việc uống rượu bia, coi đây là biểu hiện của sự lựa chọn cá nhân. “Nhiều người nhận thức được rằng để mọi người ăn hoặc uống những gì họ muốn là quyền cá nhân”, Xu nói.
Ye Pengpeng, một nhà nghiên cứu Trung Quốc, nói độ tuổi trung bình của những người uống rượu bia đã giảm trong những thập kỷ gần đây và thái độ của những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ trẻ, đối với rượu bia đã thay đổi.
“Ngày càng nhiều người trẻ hút thuốc, và nhiều phụ nữ cũng vậy. Một phần do địa vị xã hội của phụ nữ được cải thiện và nhiều người trong số họ tham gia vào các hoạt động xã hội hơn. Các nhà sản xuất rượu bia đang thu hút những người trẻ tuổi bằng cách sử dụng tất cả các loại chiến lược tiếp thị”, ông nói.
Tuy nhiên, xã hội Trung Quốc vẫn coi việc nữ giới uống rượu bia là điều cấm kỵ. Cuối năm 2019, một cô gái 18 tuổi ở Côn Minh đã chết đuối ở một hồ nước sau một đêm đi uống rượu với bạn bè. Li Xincao và ba người bạn đại học đã uống 24 cốc bia trong vài giờ. Sau khi lỡ chuyến tàu về nhà, cả nhóm quay trở lại quán bar, uống thêm 12 cốc bia và 4 ly rượu mạnh. Lúc này Li trở nên mất kiểm soát, nhảy xuống một hồ nước gần đó và chết đuối.
Zhu Zimei đồng ý rằng ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại những định kiến về giới tính, xung quanh chuyện phụ nữ và rượu bia. “Cha mẹ không muốn tôi uống rượu với những người bên ngoài. Họ cho rằng việc một phụ nữ uống rượu với người ngoài sẽ rất nguy hiểm”, Zhu nói. Nhưng rất khó để kiểm soát vì rượu bia gây nghiện và áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp, Zhu chia sẻ.
Một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tạp chí The Lancet cho biết, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Trung Quốc đã tăng 70% trong giai đoạn năm 1990 – 2017. Một nghiên cứu khác cho thấy, Trung Quốc đứng đầu thế giới về số trường hợp tử vong liên quan đến bia rượu, bao gồm 59.000 phụ nữ và 650.000 nam giới, trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2016.
Theo các chuyên gia, vấn đề sử dụng bia rượu quá mức ở Trung Quốc đã ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ, đặc biệt là người trẻ, bất chấp những cảnh báo về ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
Zhu nói uống rượu bia trở thành một thói quen trong đời sống xã hội của hầu hết những người trẻ tuổi ở Trung Quốc. “Hầu hết những người quen biết ở tuổi tôi đều tin rằng uống một chút rượu rất tốt, đặc biệt là về tinh thần. Rất ít người sẽ từ chối hoàn toàn vì sức khỏe”, Zhu nói.
Phong trào #MeToo bùng nổ
Phong trào MeToo (chống lại nạn tấn công tình dục phụ nữ) khởi xướng từ Hàn Quốc đã lan rộng ra toàn thế giới vào những năm gần đây. Kể từ khi phong trào MeToo lan rộng trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ tại Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về những trải nghiệm bị quấy rối tình dục khi còn đi học hoặc tại nơi làm việc. Chính phủ Trung Quốc cũng có động thái cho phép phụ nữ trình báo khiếu nại về quấy rối tình dục dân sự, nổi bật là vụ việc một người phụ nữ thắng kiện với đồng nghiệp của mình vào đầu năm 2021.
Phong trào #metoo chống lại nạn tấn công tình dục phụ nữ đang bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Nhưng cùng lúc đó, các hoạt động của phong trào này hứng chịu sự kiểm duyệt khá chặt chẽ. Nhiều phụ nữ đứng ra lên tiếng phải đối mặt với sự phỉ báng của cộng đồng mạng. Như năm 2018, một phụ nữ trẻ từng học tập tại Mỹ đã đệ đơn tố cáo bị Richard Liu - CEO tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ JD.com, cưỡng hiếp. Ban đầu, cô bị hứng chịu sự phỉ báng dữ dội từ cộng đồng mạng, trong khi Liu một mực phủ nhận, còn vụ án đi vào bế tắc vì không có đủ bằng chứng buộc tội. Dẫu vậy, vụ kiện chống lại Liu vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Trong khi có rất nhiều yếu tố tác động đến những cuộc thảo luận trên mạng, giữa bối cảnh Ngô Diệc Phàm và Alibaba hứng chịu cáo buộc nghiêm trọng, nhiều người dùng để lại bình luận ủng hộ các phụ nữ dũng cảm lên tiếng. Trong khi đó các tập đoàn công nghệ khẳng định rằng đang cố gắng để cải thiện văn hóa nội bộ của công ty.
"Chúng tôi không khoan dung cho bất kỳ hình thức quấy rối nào. Chúng tôi có các kênh kết nối để nhân viên chia sẻ lo ngại của họ, và cũng không ngần ngại đưa các sự vụ nghiêm trọng ra pháp luật", Tập đoàn Tencent phản hồi với truyền thông về chính sách chống quấy rối tình dục của công ty.