Những góc khuất trong thơ Phạm Thị Phương Thảo
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã có 2 đầu sách văn học, bao gồm: 12 tập Thơ, 2 trường ca, 2 tập thơ thiếu nhi, 1 tập thơ song ngữ Anh - Việt và 4 tập ký, tản văn. Bà đã nhận được một số giải thưởng văn học và từng trình diễn thơ tại Cộng hòa Pháp. Thơ bà đã được dịch ra các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Pakistan…
Một cái nhìn khác được đặt trong những góc nhìn khác và sau đó là sự phát hiện ra những vẻ đẹp khác. Không bó gọn trong cách nhìn các sự vật sự việc. Phạm Thị Phương Thảo đã chiếu rọi cái nhìn khác của mình tới nhiều số phận người, tới mỗi cảnh vật cụ thể và qua đó mở cho người đọc vẻ đẹp đang ẩn trong những góc khuất. Nó giống như công việc của những người làm khảo cổ, kiên nhẫn gạt bỏ đi từng lớp đất đá, từng lớp bụi mờ và để rồi làm lộ diện những lấp lánh ẩn sâu trong từng thớ thời gian đang ẩn náu bên dưới. "Thạch trung ẩn ngọc" Đó là cái thế của bản thể sù sì bên ngoài mà ẩn chứa những cao đẹp quý giá bên trong.
Bằng ý thơ của mình, Phạm Thị Phương Thảo muốn làm công việc của người thợ đập đá để làm vỡ những khô cứng rắn chắc vô hồn và làm lộ những viên ngọc, gửi tới người đọc cái nhìn đầy nhân bản của mình cùng lời nhắn nhủ: Hãy đi tìm những vẻ đẹp của cuộc sống này ngay bên cạnh mỗi người, hãy chịu khó và kiên nhẫn tìm. Đừng vội đánh giá sự vật, sự việc bằng cái nhìn trực diện vô hồn bên ngoài. Hãy lắng nghe tiếng đập của đá xám, của rêu mốc. Bởi bên trong những điều tưởng như tẻ nhạt, thậm chí tầm thường kia luôn ẩn chứa một cái gì đó thật đẹp. Rất đẹp. Chỉ cần một cái nhìn khác! Một cái nhìn khác sẽ cho một -vẻ- đẹp- khác.
Hương sen thơm. Dáng sen đẹp. Từ bao đời nay, Sen được mặc định cho tất cả những gì cao quý, thanh tao, tuyệt diệu và thánh thiện. Và bùn của mặc định hạ đẳng, của tầng đáy thấp hèn. Phạm Thị Phương Thảo đã bày một liên kết trong đối chứng nghịch. Đó là chủ ý của chị. Bởi bùn không chỉ đen, không chỉ nâu, không chỉ được bày ra làm nền. Ở đây, bùn lộng - lẫy. Sự lộng lẫy không chỉ bao hàm tập hợp của màu mà còn bao gồm cả những trầm tích khác chứa đựng trong bản thể bùn. Đó là những giọt mồ hôi đọng trong lớp áo nâu của người gieo hạt, là nụ cười của đất, là giấc mơ tinh khôi bừng lên sau bão tố, sau những ngậm ngùi đen đỏ. Tất cả những tầm thường ấy, giản dị ấy đã làm nên lá xanh bông trắng. Có vẻ như sự đẹp và tinh khiết ấy của sen lại phải được soi chiếu qua sự thô nháp của bùn thì mới bật lên được hết. Và lại có vẻ như sen chính là sự kết tinh và nảy lên từ những ước mơ thầm kín và tinh khôi của bùn!
"Những lời tuyệt diệu đời dành hết cho sen
Mấy ai nhìn thấy sự lộng lẫy của bún?
Mở đầu bằng những suy tưởng về sen. Và tiếp đó trong suốt cả tập thơ, Sen nhiều lần xuất hiện trong nhiều bài. Những giăng mắc, những triết luận từ sen tơ vương mãi. Sen dẫu tàn Vẫn khao khát tỏa hương / Mặc ráng chiều tím đen hay bầm đỏ / Vũ hội sen mãi nhọc nhằn nơi đầm lầy nhân thế…
Và với cách nhìn đa chiều như vậy, Phạm Phương Thảo rọi tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Chân vội vã rảo những bước bên đời / Hàng ngàn những con đường trôi qua trơn tru hay khúc khuỷu / vây bủa quanh tôi…
Đi nhiều nơi" nhìn ngắm những chân trời / Rực lên sắc màu vàng tím xanh và dăng dăng mây trắng / Nơi có nhiều vì sao đêm lấp lánh / Đang trôi… và sau đó là những giác ngộ: "Đôi khi trên mình chúng được trải đầy thứ hoa hồng thơm ngát..." Đôi khi là đá sỏi và cát bụi. Đôi khi những cảm nhận được, những thu nhận được trở thành giọt nước mắt. Lòng đau khi nhận ra ngay khi thu vừa chớm nụ đã chứa những vàng son giả tạo. Nhưng nuốt những giọt nước mắt mặn chát ấy vào lòng, sau những băn khoăn những hoài nghi là sự lắng. Phạm Phương Thảo tự lắng để đón nhận dịu dàng của chân trời đậu xuống vai, dịu dàng dâng lên thứ hương đồng cỏ nội / Tôi xòe tay hứng những nụ cười lúa thơm, hứng cả giọt mồ hôi óng ánh. Đó là một sự lắng cần thiết.
Phạm Phương Thảo đã lắng bởi cuối cùng, chị vẫn nhận ra sự bất tử đến kiêu hãnh của bản chất sống. Những búp sen khép nụ / Sau đêm trở dạ còn lấp ló hơi bùn… Và những ngón tay sen vẫn múa lên mềm mại / Trong dạ khúc / Chân trời… Có được một cái nhìn mang tính tổng quát, không đơn điệu, Phạm Phương Thảo trở nên bình tĩnh hơn trước những biến động của sự việc. Không bị choáng ngợp bởi những điều quyến rũ, lộng lẫy nhất thời. Không sớm thất vọng trước những điều không vừa lòng thoáng qua.
Phạm Phương Thảo đã từng có dịp may gắn bó với nhiều vùng đất. Ngay từ thủa ấu thơ, được bà nội tưới mát giấc mơ tôi bằng rất nhiều những câu chuyện kể / Phảng phất thánh ca buồn / Xưa như bàn tay Bà cũ nhăn nheo / Đó là không gian cổ tích của những câu chuyện về Tấm Cám, Nhị Độ Mai, Lưu Bình Dương Lễ… là những trò chơi ô ăn quan thưở ấu thơ nơi miền xa Lao Cai với những đồi cỏ gianh khô cằn, đi qua những vách đá tai mèo nhọn và những khe suối mát rượi đầy sỏi trắng. Tuổi thanh xuân chị lại được tắm mình trong không gian vừa u trầm cổ kính của Hà thành. Được dạo bước yên bình bên Hồ Tây lộng gió... Và dù là ở đâu thì cảnh và người luôn để lại dấu ấn trong tâm hồn chị và trở thành nguồn cảm hứng cho Thơ. Điều đó có vẻ là chung cho mọi người. Nhưng với Phạm Thị Phương Thảo, khi đưa vào thơ chị luôn có một cái nhìn không dễ dãi. bà tôi lưng còng / không đi chợ trời mưa.../ Bà được chị đặc tả qua hình tượng Bà đếm ngày tròn chắc như vành khăn người cuốn nghiêng trên tóc / Cọng tóc đã bạc màu / Cây chổi cặm cụi rơi… vừa tạo được dáng chung nhưng cũng lại vẫn giữ được nét riêng, một cách nói về người Bà không thể trộn lẫn với ai.
Những dòng suối mát từ thượng nguồn biên ải Lào Cai khi chảy về hòa với sông Hồng cuộn đỏ phù sa đã tạo nên được một ẩn dụ mang tầm triết luận không chỉ về đời sông mà cả những kiếp người. Tây Hồ với mùa sen tàn gợi và buồn được nói thay một mối tình thuở thanh xuân không trọn vẹn. Cô Tấm không còn đẹp như trong trí tưởng tượng của tuổi thơ khi ta khôn lớn. Lá sắc nhọn cỏ gianh ngày chăn trâu đốt lửa cứa vào kỉ niệm của những ngày nơi phố thị. Cánh chấp chới của con châu chấu Lập lòe giấc lân tinh ám ảnh/ Bay đi, bay về phía chân trời / Những đôi cánh sắc mỏng / Tạc vào hồn tôi… Luôn có những hình ảnh đối nghịch được đặt cạnh nhau không chỉ để so sánh mà để nói một điều gì ẩn sau mà tác giả muốn gửi gắm.
Mùa thu Hà Nội trở nên đẹp hơn, quyến rũ hơn khi đã mang được tâm hồn con người trong mỗi run rẩy của nó. Hình ảnh những người phụ nữ gánh gánh hàng rong, hàng hoa đi vào phố và sau họ là cả một mùa bão giông đã đem đến một sức gợi không nhỏ cho thơ chị. Những người đàn bà ngóc ngách từ khắp nơi / Gánh mùa thu vào phố /... Gánh cả gió thu qua sông Hồng mùa lũ /... Thả sau lưng / Nỗi nhọc nhằn muôn thuở… Hương cốm thơm không chỉ bới mùa thu. Vị ngọt nhãn lồng không chỉ ngọt bởi thuộc tính quả. Sao những bước chân đen? Những bước chân sớm nay chở thu về cong oằn mái phố? Đó thực sự còn là những chứa đựng khác, những ẩn chứa khác. Cũng như sông Hồng chứa trong mình bao chiến công trong suốt chiều dài lịch sử, những oai hùng trong những năm tháng chiến chinh nhưng những lở bồi lại phản chiếu một cuộc đời khác của sông. Có bao mất mát không hề nhỏ nằm sau những oai hùng ấy? Một ngày thu cát đau bồi lở / Sông Hồng mệt nhoài / Đêm sóng soài nằm thở / Trong lòng sông dâng sóng / lấp lánh ngàn vạn những vì sao đang vỡ...
Và Hà Nội nghìn năm Thăng Long, Hà Nội của chói sáng niềm tin và ngập ứ kiêu hãnh được tái hiện trong một lát cắt khác Đêm Hà Nội nghìn giọt đêm tan chảy / Hoa sữa thơm dâng đầy màu sương loãng / Gió chầm chậm đuổi theo những bước chân của người đạp xích lô… Mùa thu của những mặc định oai hùng lập nước cùng chiến thắng tự hào được đặt cạnh những ngọn gió thổi trên nghĩa trang liệt sỹ. Đi trong thu / Giữa nghĩa trang vắng lặng / Cây bồ đề thiêng / Bóng tỏa mát bốn mùa / Lá bàng đỏ cháy rực lên sắc nắng / Thu đã chín vẫn trời xanh mây trắng / Rưng rưng hương đến từ vạn nỗi đau / Thu đã chin từ ký ức nát nhàu / Thu lại chín cánh rừng đời câm lặng... Còn nhiều, nhiều nữa những câu thơ như vậy. Những góc nhìn khác đã đem lại cho thơ Phạm Phương Thảo một dáng dấp riêng.
Không chạy theo những tuyên ngôn to tát, những nhận định sao mòn. Không bị cuốn vào những trào lưu dễ dãi, Phạm Thị Phương Thảo tìm cho mình một lối đi riêng. Nhẹ nhàng và thâm trầm sâu sắc. Chị chú ý nhiều hơn tới những ngã rẽ nơi ít người đặt chân đến. Ví như khi nói về đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị không kể đến những chiến công, không nhắc lại những trang sử hào hùng, Phạm Phương Thảo nhắc về tiếng đàn vẳng trong vườn khuya nơi nhà Đại tướng, về những con Sóng trắng bạc đầu dập dồn nơi Vũng Chùa, biển Đảo. Chị nói về người, Vị anh hùng dân tộc / Hồn cốt hương sen ngan ngát trên đầu / Trọn một thế kỷ Người sống với tài rộng đức sâu. Và khắc họa nhân cách người bằng những câu thơ Đêm ngân vang / Tiếng đàn trong vườn khuya thánh thót / cỏ cây mùa thu nghiêng nghiêng tỏa ngọt...
Ngay đến tình yêu, cái đề tài mà phần đa những người đàn bà khi làm thơ đều chú tâm dành nhiều công sức bút mực cho thì với Phạm Thị Phương Thảo điều đó cũng được tiết chế một cách hợp lí. Không cần đi cho hết mọi khía canh của cuộc tình. Chị chọn những tình huống điển hình nhất. Nhưng ngay cả với điều đó thì khi chọn tứ thơ để thể hiện chủ đề, Phạm Phương Thảo cũng làm theo cách riêng của mình. Đằm thắm trong màu cúc vàng. Trắng và tinh khiết như những cánh hoa sưa li ti. Mở bung lòng như màu của hoa gạo tháng ba. Chấp chới đỏ / Màu hoa cháy lên từ xa xăm cổ tích… Và nhẹ như sắc nắng thu, như cơn gió trên đường Cổ Ngư. Nhưng lại thầm lặng như đá xám cao nguyên. “Đá dấn thân để làm đẹp cho đời/ Cứng như đá và lạnh lùng như đá
Vũ điệu em đắm say trong nhọc nhằn lại rạng rỡ xinh tươi / Sức sống ngàn ngàn năm không tuổi / Đá, đá ơi!”
Kín đáo như những ẩn chứa trong điệu múa Apsara. Cô đơn như bông hồng tím và dăng mắc như bùa yêu thả từ vòng tay của núi. Gió không biết / Nắng không biết / Mây mải giang tay ôm kín ngực đồi / Bồng bềnh thả tóc trắng buông lơi…
Không có những hổn hển xác thịt. Không có những bóc trần ham muốn. Chỉ nhẹ nhàng thậm chí ảo mờ như kỉ niệm.
Mỗi vận động của từng cá thể hay quần thể luôn chứa đựng trong nó sự cần thiết và tính hợp lí. Nó chứa đựng những điều bình dị của cái đẹp và là gốc của cái đẹp. Vấn đề là cách nhìn. Một chiếc lá đang dần vàng úa, dấu hiệu của suy tàn. Nhưng phía sau của màu vàng úa ấy là hứa hẹn của những nảy chồi đâm lộc mới, màu xanh mới. Sự hồi sinh, phát triển là kế tiếp của chu kì phân rã. Và điều này quan trọng hơn, cần phải nhìn ra được vẻ đẹp của lá ngay trong lúc nó lìa cành, ngay tại đây, vào lúc này vẻ đẹp của hi sinh, và tận hiến. Đó là cái nhìn mang tính triết lý của nhà thơ.
45 bài thơ. 45 góc nhìn từ cuộc đời. 45 cào xước từ những trải nghiệm cùng cong vênh, cùng bỏng rát sỏi đá. Thơ Phạm Thị Phương Thảo luôn chứa đầy ẩn dụ, nhiều tầng vỉa và chính điều này đã làm nên giá trị cũng như sức cuốn hút của tập thơ.
Báo Văn Nghệ - tháng 11/2015
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-goc-khuat-trong-tho-pham-thi-phuong-thao-a16598.html