Những góc xanh thanh niên
Gần đây, các bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo thói quen hạn chế sử dụng và thải rác thải nhựa ra môi trường cho người dân TP Đà Nẵng, hướng đến xây dựng thành phố xanh.
Gần đây, các bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo thói quen hạn chế sử dụng và thải rác thải nhựa ra môi trường cho người dân TP Đà Nẵng, hướng đến xây dựng thành phố xanh.
Mấy tháng nay, người dân sống ở khu vực phường Phước Ninh (quận Hải Châu) có thêm thói quen mới, đó là đem pin không sử dụng đến bỏ ở “Ngôi nhà của pin”. Đây là những “ngôi nhà” được ghép lại từ các tấm nhôm, keo, ốc vít…, chung quanh được dán giấy đề-can có in các hình ảnh, thông điệp nhắc nhở người dân về tác hại của pin. Mỗi mô hình có kích thước nhỏ gọn, với thiết kế cửa tự đóng lại để nước mưa không lọt vào, có thể chứa đủ số pin thải ra của 40 đến 60 hộ dân.
Mô hình “Ngôi nhà của pin” được Đoàn phường Phước Ninh triển khai từ tháng 2-2020. Cứ đều đặn hai tuần một lần, các bạn đoàn viên, thanh niên thu gom pin và đem đến các điểm xử lý. Ban đầu, “nhà” chỉ được lắp đặt trước cổng UBND phường để người dân sống quanh khu vực này tập kết pin. Sau đó, ý tưởng tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng, cho nên Đoàn phường quyết định nhân rộng. Hiện nay, đã có 10 mô hình được lắp đặt và sắp tới tiếp tục triển khai ở các tuyến phố trung tâm của phường. Bí thư Đoàn phường Phước Ninh Phạm Phú Vũ cho biết: “Các mô hình được ưu tiên đặt ở các tuyến đường ngang, tuyến đường nhỏ... để người dân dễ tìm được điểm tập kết pin cũ, qua đó, hướng đến hình thành cho người dân thói quen không thải pin ra môi trường tự nhiên, giảm bớt các tác nhân gây ô nhiễm môi trường”.
Ngoài phường Phước Ninh, nhiều mô hình thu gom pin trên toàn thành phố cũng đã được thực hiện nhằm giúp người dân có địa điểm thu gom và xử lý pin cũ, tránh thải ra môi trường, như phường Nam Dương (Hải Châu), Phân Đoàn thanh niên Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng) và nhiều cá nhân khác cũng triển khai.
Bên cạnh đó, Chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng” do Đoàn Thanh niên phường Chính Gián và Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện vì môi trường quận Thanh Khê phối hợp tổ chức vào chiều thứ 7 hằng tuần cũng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Người dân khi đem rác thải nhựa, giấy hoặc chất thải nguy hại (pin) đến sẽ đổi được các nhu yếu phẩm tại “siêu thị”, như: nước tương, nước mắm, dầu ăn, nếp, đường, trứng gà, cây xanh... Số phế liệu sẽ được bán để lấy kinh phí mua tiếp các nhu yếu phẩm cho “siêu thị”. Chương trình cũng sử dụng túi tự hủy sinh học để đựng hàng. Bà Huỳnh Thị Hương (tổ 20, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho biết, chiều thứ 7 vừa qua, bà mang mấy bao tải chứa 210 chai nhựa, 176 lon nước các loại qua Trung tâm Văn hóa thông tin và Học tập cộng đồng phường để các đoàn viên, thanh niên đổi cho tám phiếu mua đồ tại “siêu thị”. Với mỗi phiếu trị giá 15 nghìn đồng, bà đã lựa nước mắm, dầu ăn, trứng và cây xanh mang về sử dụng. Số chai nhựa này gia đình bà cất cả tháng và mang đến tham gia với các cháu đoàn viên, vừa tiện lợi, vừa tạo hiệu ứng để mọi người tham gia thu gom rác tái chế.
Đến nay, mô hình siêu thị “Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng” đã thu gom hơn 1.500 chai nhựa, hơn 1.200 vỏ lon, 145 kg giấy và gần 200 viên pin cũ. Bí thư Đoàn phường Chính Gián Lê Trình chia sẻ: Đoàn phường mong muốn thông qua mô hình này sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức và tham gia phân loại rác thải tại nhà, góp phần bảo vệ môi trường. Sắp tới, Đoàn phường sẽ tăng thêm vở, bút, dụng cụ học tập vào “siêu thị” để khuyến khích các học sinh tham gia phong trào.
Nhiều cách làm khác cũng đã được triển khai như tặng thùng rác thân thiện, phân loại rác thải tại nguồn ở phường An Khê. Các mô hình đã tạo được sự lan tỏa đến với cộng đồng, tạo thói quen hạn chế sử dụng và thải rác thải nhựa ra môi trường cho người dân TP Đà Nẵng. Thời gian tới, bảy quận, huyện của TP Đà Nẵng sẽ cải tạo những khu đất trống, điểm nóng về môi trường thành khuôn viên sinh hoạt cộng đồng hoặc công viên gần khu dân cư để xây dựng thành những khuôn viên xanh, như: vườn hoa, vườn cây, hoặc khu vui chơi cho trẻ em, khu tập thể dục cho người dân địa phương.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vi-moi-truong-xanh/nhung-goc-xanh-thanh-nien-619940/