Những gói thầu của Sân bay Long Thành và doanh nghiệp hưởng lợi tiềm năng
Dự án sân bay Long Thành 'gọi tên' loạt doanh nghiệp tiềm năng như VCG, PHC, SCS, NCT, HHV, TTL, DHA, VLB, PTB, ACG, SGN...
Ngày 11/11/2020, Chính phủ ký quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (SBLT) giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 109.112 tỷ đồng (4,67 tỷ USD).
Dự án bao gồm 4 dự án thành phần: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (hải quan, công an cửa khẩu, kiểm dịch y tế,...); Các công trình phục vụ quản lý bay (đài kiểm soát không lưu, giám sát và khí tượng,...); Các công trình thiết yếu (nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống giao thông kết nối,...); Các công trình khác (ga hàng hóa chuyển phát nhanh, vệ sinh tàu bay, bảo trì các phương tiện phục vụ mặt đất,...).
Dự án thành phần 3 Sân bay Long Thành do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư có tổng chi phí 99.019 tỷ đồng.
Trong đó, hạng mục san nền và thoát nước thuộc gói thầu 3.4 có giá trị 4.412 tỷ đồng đang được thi công bởi Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC, Phúc Lộc Group, Cienco8 và Vinaconex (HoSE: VCG).
Còn hạng mục nhà ga hành khách thuộc gói thầu 5.10 có giá trị 35.234 tỷ đồng, việc hoàn thành chấm thầu chậm nhất vào giữa tháng 8/2023.
Có 3 bên đấu thầu gồm Liên danh CHEC-BCEG-nhà thầu Việt Nam, Liên danh Hoa Lư (có Coteccons - CTD, Hòa Bình - HBC...), Liên danh Vietur (có Vinaconex, PHC...). Trong đó chỉ có Liên danh Vietur vượt qua yêu cầu kỹ thuật.
Như vậy ở gói này, nếu Vietur trúng thầu, hai cổ phiếu hưởng lợi là VCG và PHC. Ngoài ra còn có cổ phiếu DHA và VLB hưởng lợi từ gói thầu này.
Đối với hạng mục Nhà ga hàng hóa thuộc gói thầu 7.x (gói thầu thuộc nhóm 7, chưa được công bố), cũng chưa biết giá trị bao nhiêu. Gói thầu này đang trong tình trạng chấm thầu hạng mục thiết kế, còn hạng mục xây dựng chưa đấu thầu. Theo VietCap, những công ty niêm yết hưởng lợi tiềm năng từ gói thầu này là SCS và NCT.
Cuối cùng là hạng mục Cơ sở hạ tầng thuộc gói thầu 4.6 - Đường băng sân đỗ (đang đánh giá thầu): 4.7 - Sân đỗ nhà ga hành khách (chưa chào thầu); 4.8 - Đường nội bộ (đánh giá thầu); 6.12 - Đường T1&T2 (đang thi công).
Các gói thầu này hiện chưa có thông tin, chỉ riêng gói 6.12 - Đường T1 & T2 bên trúng thầu là CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV), Tổng Công ty Thăng Long (HNX: TTL), CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Khang Nguyên, CTCP Xây dựng và Tư vấn Hoàng Long, CTCP Xây dựng 368.
Tác động đối với các công ty niêm yết ngành xây dựng như thế nào?
Việc được trao gói 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng.
Ba nhà thầu niêm yết đáng chú ý tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 của LTA là Coteccons (HOSE: CTD), Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) và Vinaconex (HOSE: VCG). Cả CTD và HBC đều là những nhà thầu xây dựng hàng đầu trong nước.
Chứng khoán VNDirect ước tính tổng lợi nhuận tối đa khoảng 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói 5.10. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của CTD (264 tỷ đồng), HBC (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và VCG (866 tỷ đồng). Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
Ngành vật liệu xây dựng
Đá xây dựng
VNDirect ước tính sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 18 triệu tấn đá xây dựng. Bộ Giao thông Vận tải ước tính 3 giai đoạn của sân bay Long Thành sẽ cần 50-60 triệu tấn đá xây dựng. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ được xây dựng trên khu đất 1.800 ha trong tổng 5.000 ha của dự án. Các ước tính khác của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thấy cần khoảng 1m3 đá xây dựng cho mỗi m2 đường cao tốc/đường vành đai.
Do đó, các mỏ đá xây dựng tại tỉnh Đồng Nai với cơ hội lớn. Tỉnh Đồng Nai đã khai thác khoảng 18 triệu m3 đá xây dựng mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022. Sân bay Long Thành nằm ở tỉnh Đồng Nai và do chi phí vận chuyển là một cấu thành chi phí lớn đối với đá xây dựng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các mỏ đá gần đó.
Như vậy, những công ty hưởng lợi tiềm năng bao gồm CTCP Hóa An (HOSE: DHA) và CTCP Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa (UPCoM: VLB).
Ngành xi măng
Nhu cầu xi măng ước tính của sân bay Long Thành giai đoạn 1 là rất nhỏ so với tổng lượng tiêu thụ xi măng trong nước. VNDirect ước tính sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn xi măng. Con số này tương đối đáng kể so với sản lượng bán hàng của Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1), một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam, với sản lượng bán hàng trong nước trung bình hàng tháng là 548.000 tấn xi măng vào năm 2022.
Tuy nhiên, do ngành xi măng Việt Nam hiện vẫn còn dư cung và nhu cầu sân bay Long Thành giai đoạn 1 là rất nhỏ so với tổng sản lượng tiêu thụ xi măng của cả nước là 63,2 triệu tấn vào năm 2022, VNDirect cho rằng tác động thực tế của sân bay Long Thành giai đoạn 1 đối với HT1 là hạn chế.
Ngành thép
Lượng thép ước tính mà nhà ga hành khách của sân bay Long Thành yêu cầu là rất nhỏ so với tổng lượng thép tiêu thụ trong nước. VNDirect ước tính rằng gói LTA 5.10 sẽ tiêu thụ khoảng 100.000 tấn sản phẩm thép, bao gồm phần lớn là thép thanh vằn xây dựng và thép hình.
Để so sánh, doanh số bán thép xây dựng trong nước trung bình (chỉ tính riêng thép thanh và thép cuộn) là khoảng 1,0 triệu tấn một tháng vào năm 2022 và 858.000 tấn trong 5 tháng đầu năm 2023.
Đối với nhà sản xuất thép dẫn đầu thị trường Hòa Phát (HPG), doanh số bán thép xây dựng trung bình hàng tháng của công ty khoảng 356.000 tấn vào năm 2022 và 273.000 tấn vào 5 tháng đầu năm 2023.
Với nhu cầu thép xây dựng cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dưới 100.000 tấn, VNDirect kỳ vọng dự án này sẽ có tác động hạn chế đến sản lượng bán hàng của HPG. VNDirect cũng lưu ý rằng các nhà sản xuất thép ở Việt Nam có năng lực sản xuất thép định hình kết cấu rất hạn chế; do đó, họ không thể hưởng lợi từ nhu cầu LTA giai đoạn 1 đối với các sản phẩm này.
Vật liệu xây dựng khác
VNDirect nhận thấy những lợi ích nhỏ hơn cho các công ty khác thuộc danh mục theo dõi của VNDirect. Theo Phú Tài (PTB), nhu cầu đá ốp lát của sân bay Long Thành là khoảng 300 tỷ đồng, tương đương 30% doanh thu bán đá trong nước năm 2022 của PTB. Dựa trên tài liệu của ACV và ý kiến của PTB, VNDirect ước tính rằng sân bay Long Thành sẽ cần khoảng 500.000 m2 đá ốp lát. Ngoài ra, VNDirect ước tính sân bay Long Thành sẽ tiêu thụ 50.000 m2 ván gỗ, nhỏ so với sản lượng bán hàng của CTCP Chế biến Gỗ An Cường (HoSE: ACG).
Ngành Hàng không
Cổ phiếu ngành hàng không sẽ được hưởng lợi từ năm 2027. Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn khi phục vụ 41 triệu hành khách trong năm 2019 dù công suất thiết kế chỉ 28 triệu hành khách. Ngoài ra, hai đường băng của sân bay này quá gần nhau nên hai máy bay không thể chạy cùng lúc trên hai đường băng, kéo dài thời gian hạ và cất cánh. Mặc dù việc mở rộng SGN có thể giảm bớt tắc nghẽn tại các nhà ga hành khách từ năm 2025, nhưng sân bay này vẫn sẽ hoạt động gần hết công suất thiết kế; ngoài ra, các hạn chế trong việc khai thác đường băng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn sau đó.
Công suất mới từ sân bay Long Thành và tình trạng quá tải tại SGN được cải thiện sẽ mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và ACV trong dài hạn. Tuy nhiên, trong trung hạn, ACV phải đối mặt với dòng tiền đầu tư lớn và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn ảnh hưởng đến thu nhập tài chính thuần trong giai đoạn 2024- 2026. Theo ACV, Vietcombank sẽ là ngân hàng dẫn đầu khoản vay hợp vốn trị giá 2,7 tỷ USD cho ACV với thời gian giải ngân bắt đầu từ năm 2024.
Sân bay Long Thành và các sân bay hiện hữu trong nước
Gói thầu ga hàng hóa vẫn chưa được đấu thầu. Việt Nam hiện có 5 nhà vận hành nhà ga hàng hóa hàng không. Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 bao gồm 2 nhà ga với công suất hàng năm là 1,2 triệu tấn hàng hóa. Năm 2022 có 1,4 triệu tấn hàng hóa thông quan tại Việt Nam.
Theo ACV, sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, 80% chuyến bay tại đây sẽ là chuyến bay quốc tế, trong khi con số này tại SGN sẽ giảm xuống chỉ còn 20% do các chuyến bay quốc tế sẽ được chuyển sang sân bay Long Thành. Như vậy, doanh số bán hàng và khả năng sinh lời của Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) và SCS tại SGN sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong dự phóng hiện tại của VNDirect cho SCS, VNDirect thận trọng cho rằng SCS sẽ không tham gia vào sân bay Long Thành và do đó sẽ mất 25% thông lượng hàng hóa vào năm 2027. Tuy nhiên, SCS đang tích cực chuẩn bị đấu thầu và tìm cách mua cổ phần của các công ty đối thủ để giảm sự cạnh tranh hoặc hưởng lợi gián tiếp từ sân bay Long Thành trong trường hợp không thắng thầu.