Những gợi ý sâu sát của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quê hương Vĩnh Long
VOV.VN -Đối với người dân xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm nói riêng và người dân Vĩnh Long nói chung, những suy nghĩ, gợi ý của ông Sáu đang được các thế hệ kế tiếp thực hiện ngay trên quê hương mình.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ra tại một địa danh giàu truyền thống cách mạng - ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Đối với người dân ở Trung Hiệp nói riêng và huyện Vũng Liêm nói chung, từ lâu vẫn quen gọi ông bằng cái tên rất trìu mến “ông Sáu Dân”. Với người dân nơi đây, xem ông Sáu là hiện thân của một người con hiếu thảo với ông bà cha mẹ; quan tâm, giúp đỡ hàng xóm, láng giềng. Nhân kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022) chúng ta cùng gặp gỡ một những người dân Trung Hiệp đã từng tiếp xúc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Phan Bá Đăng, 69 tuổi là cháu ruột của ông Sáu Dân, người đang sinh sống để trông coi và thắp hương cho ngôi từ đường của dòng họ Phan tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp. Ông chia sẻ, trong ký ức của mình, ông Sáu Dân là người sống chan hòa, tình cảm. Khi đến ngày giỗ ông, bà tổ tiên, ông Sáu luôn về quê, đến thăm hỏi, dặn dò từng người. Khi đó, ông Đăng cùng anh em trong dòng họ cùng nhau nghe ông Sáu Dân căn dặn mà rất tự hào và hạnh phúc.
Ông Phan Bá Đăng, ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm nói: “Ông có dặn là con cháu phải ráng học hành, giúp ích cho xã hội, mần ăn cho phát đạt. Ông khuyên con cháu phải đi theo con đường chính đáng như ông vậy đó, nói được phải làm được”.
Không chỉ những người trong họ tộc mà bà con nơi đây đều bày tỏ niềm xúc động và tự hào khi nhắc đến ông Sáu. Anh Nguyễn Văn Tranh ngụ cùng ấp cho biết, ông Sáu sống rất giản dị, thường xuyên đến thăm bà con lối xóm mỗi khi về quê, gặp bà con, ông Sáu thường nhắc nhở, động viên bà con cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Giờ gia đình cũng đủ ăn, tiếp nối lời bác chỉ dạy thì cũng chăn nuôi, trồng trọt, tận dụng những phụ phẩm như cỏ, rơm để nuôi để cải tạo đời sống trong gia đình” - anh Tranh cho biết.
Người dân nơi đây kể lại, lúc còn đương chức hay đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, ông Sáu Dân thường xuyên về thăm quê hương, thăm đồng đội cũ và những gia đình đã nuôi chứa, chở che mình trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến. Thăm hỏi, động viên các đơn vị sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt là đối với thanh niên - rường cột nước nhà, ông Sáu dặn dò rất nhiều.
Anh Hồ Vủ Phương, Bí thư xã đoàn Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm chia sẻ: “Được sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng trong kháng chiến đặc biệt là quê hương của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì bản thân luôn rất tự hào về điều đó. Để đền đáp công ơn của thế hệ ông cha đi trước, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay ra sức phấn đấu học tập để nâng cao trình độ, rèn luyện về phẩm chất, về đạo đức để góp phần cùng Đảng bộ xã Trung Hiệp và Nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp trong thời gian tới”.
Trung Hiệp là một xã vùng sâu của huyện Vũng Liêm. Xã có 8 ấp với dân số hơn 14.000 người. Với tâm niệm lấy thực tiễn làm cơ sở, nên mỗi khi về quê hương, ông Sáu đều dành thời gian đến xã để tìm hiểu tình hình làm ăn của bà con; hướng dẫn cán bộ cách thức chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Ông Sáu cũng góp ý với xã cần tuyên truyền, vận động bà con cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Từ đó, Trung Hiệp ngày càng đổi mới, phát triển hơn, hộ nghèo được kéo giảm chỉ còn 0,69%.
Ông Đinh Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hiệp cho biết: “Được biết từ ngày xưa, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm Đảng bộ và Nhân dân xã Trung Hiệp có dặn là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đàn bò cũng như trồng nấm rơm và trồng cây ăn trái. Từ nỗ lực đó, tạo ra thu nhập bình quân đầu người đạt 51,61 triệu/người/năm.
Xã cũng đạt nông thôn mới nâng cao và 1 ấp đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Hướng tới Đảng bộ và Nhân dân xã Trung Hiệp sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cũng như giữ vững nông thôn mới nâng cao và đồng thời tập trung chỉ đạo nâng ấp nông thôn mới kiểu mẫu thêm 1 ấp nữa để nhằm để tạo những công lao, cống hiến dặn dò của Bác Kiệt đối với xã Trung Hiệp để nhằm tăng thu nhập cho người dân đồng thời có cuộc sống ổn định trong thời gian tới” - Ông Đinh Hoàng Nhân cho biết.
Không chỉ với xã Trung Hiệp, ông Sáu Dân cũng thường xuyên về thăm và làm việc với các xã của huyện Vũng Liêm. Ông quan tâm nhiều nhất là xóa đói giảm nghèo và xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế. Với những gợi ý của ông, các địa phương tập trung mọi điều kiện để bà con thoát nghèo bằng các hình thức như phát triển đàn bò, trồng lúa chất lượng cao, trồng nấm rơm. Hệ thống trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện cũng được quan tâm đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của Nhân dân.
Tính đến nay, bình quân giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích huyện Vũng Liêm đạt 181 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm 1,62% với 753 hộ và 1.997 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,31%. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đến nay đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Đối với người dân xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm nói riêng và người dân Vĩnh Long nói chung, những suy nghĩ, gợi ý của ông Sáu đang được các thế hệ kế tiếp thực hiện ngay trên quê hương mình. Người dân nơi đây mãi khắc sâu trong tâm trí về hình ảnh vị lãnh đạo giản dị, sống vì dân, vì nước./.