Những góp ý tâm huyết
Từ ngày 3-1 đến ngày 15-3, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về toàn bộ nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau hơn một tháng rưỡi triển khai, thành phố đã nhận được nhiều góp ý tâm huyết từ các tổ chức, cá nhân; các nhà khoa học, chuyên gia...
Cần bảo đảm quyền lợi người bị thu hồi đất
Các quy định về thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng của nhiều dự án trong thời gian qua.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định, hiện chưa có quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi thu hồi đất; nếu không hoàn thành phải có phương án bồi thường thay thế ra sao… Ngoài ra, cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng ở tạm thành ở thật.
Ở góc độ khác, Phó Trưởng ban Tư vấn dân chủ - pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 1) Hoàng Thị Lợi nhận định, Điều 85 của dự thảo quy định giao UBND cấp xã tổ chức họp dân để phổ biến, tiếp thu ý kiến rồi phối hợp kiểm đếm để thu hồi. Nếu người bị thu hồi không đồng ý thì vận động, thuyết phục và sau đó cưỡng chế. Tuy nhiên, dự thảo không có quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người dân. “Trên thực tế, có những dự án khi thu hồi đất thì có mục đích sử dụng khác so với thông báo ban đầu. Lúc này, người bị thu hồi đất phải được quyền khiếu nại và có cơ chế giải quyết các khiếu nại này”, bà Hoàng Thị Lợi đề xuất.
Cũng về việc góp ý cho dự thảo, theo đại diện Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thực tế những năm qua nổi lên thực trạng, nhiều dự án "treo" kéo dài hàng chục năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong vùng quy hoạch. Vì thế, trong quy định mới, cần đề cập nội dung nếu đất trong quy hoạch nhưng chưa triển khai, người dân ở vùng dự án vẫn được thực hiện đầy đủ quyền của người sử dụng đất. Luật cần có quy định quyền của người sử dụng đất trong vùng dự án chưa triển khai là gì, chế tài xử lý chủ đầu tư chậm triển khai dự án trên vùng đất đã quy hoạch ra sao, để vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, vừa tránh lãng phí tài nguyên đất.
"Nóng" chuyện giá đất
Quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến vấn đề loại bỏ khung giá đất (giá Nhà nước ấn định thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường), đưa bảng giá đất sát giá giao dịch thực tế… nhận được nhiều sự quan tâm. Nhìn chung, các tầng lớp nhân dân đồng tình việc này, nhưng kiến nghị cần có quy định cụ thể hơn.
Chủ tịch Hội Luật gia quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Bích Thủy nhận định, khâu định giá đất là quan trọng nhất, bởi sẽ quyết định tính hợp lý và thuyết phục khi áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, theo Điều 154 dự thảo, bảng giá đất chỉ áp dụng cho một số mục đích, còn các mục đích khác phải định giá cho từng dự án, như vậy sẽ phát sinh nhiều loại giá đất. “Cần có một bảng giá thống nhất tiệm cận giá thị trường và áp dụng chung cho các trường hợp. Như vậy sẽ dễ áp dụng vào thực tiễn và thuyết phục hơn”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy đề nghị.
Còn theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw (quận 1), cần nghiên cứu cơ chế chuyển việc xác định giá đất từ UBND cấp tỉnh sang các tổ chức tư vấn độc lập để bảo đảm khách quan. Bảng giá đất cần được cập nhật thường xuyên thay vì 5 năm/lần như hiện nay, đi kèm với việc hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu đất đai tại địa phương.
Với tư cách chuyên gia độc lập, Phó Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu Savills) Troy Griffiths cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường là phù hợp yêu cầu thực tiễn, bởi bảng giá đất sẽ không chỉ dùng để tính thuế đất mà còn phục vụ nhiều mục đích khác.
“Có 5 vấn đề liên quan đến xây dựng bảng giá đất phù hợp. Một là cấp địa phương cần có quy hoạch sử dụng đất rõ ràng. Hai là công khai hóa và số hóa hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xác định giá trị chuyển nhượng thực tế. Ba là cần thu thập đủ dữ liệu toàn diện về giao dịch đất trong 3-5 năm gần nhất. Bốn là cần tính đủ các yếu tố giá trị cải tạo với đất ở nông thôn, giá trị vốn của đất thương mại… Năm là rà soát các nội dung từng bị khiếu nại và quy trình giải quyết để xác định khiếm khuyết nếu có trong xác định và áp giá đất trên thực tế”, ông Troy Griffiths góp ý.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bat-dong-san/1056218/nhung-gop-y-tam-huyet