Những gương mặt sáng giá giúp nội dung nhảy sào nữ thống trị đấu trường quốc gia
Trong chuỗi thành tích nổi bật của điền kinh Thanh Hóa ở đấu trường quốc gia, quốc tế nhiều năm qua, không thể không nhắc tới sự đóng góp của các vận động viên (VĐV) nhảy sào nữ – nội dung đã giúp Thanh Hóa thống trị ở các giải quốc gia.
Trương Thị Thu (đứng giữa) là gương mặt sáng giá của nội dung nhảy sào nữ thời điểm hiện tại.
Có thể khẳng định, câu chuyện thành tích của nhảy sào nữ là “điều đặc biệt” của điền kinh Thanh Hóa. Bởi chưa có nội dung nào có thể duy trì sự thống trị khá lâu ở các giải vô địch quốc gia như nhảy sào nữ. Nói về những gương mặt kỳ cựu của nhảy sào nữ thì VĐV Lê Thị Phương là cái tên được nhắc đến trước nhất. Xuất phát điểm là VĐV nhảy cao (từ năm 1999) nhưng Phương đã sớm bén duyên với nhảy sào. Khi còn thi đấu, Lê Thị Phương đã sớm khẳng định được tài năng đặc biệt của mình ở nội dung nhảy sào tại giải trẻ quốc gia. Sớm được đẩy lên thi đấu ở đội 1, tham gia giải vô địch quốc gia, cô gái này tiếp tục khẳng định được sức mạnh, vượt trội và nhanh chóng thống trị nội dung này với những tấm HCV quốc gia, rồi các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đóng góp đáng kể vào thành tích của thể thao tỉnh nhà với hơn 10 lần giành HCV quốc gia.
Lê Thị Phương duy trì vị thế độc tôn ở các giải đấu trong nước, với khoảng cách lớn về thành tích thi đấu so với các đối thủ còn lại. Năm 2005, Lê Thị Phương đạt thành tích 4m10 và phá kỷ lục Đông Nam Á. Đến năm 2011 trước khi giải nghệ, nữ VĐV sinh năm 1983 này tiếp tục chinh phục mức xà 4m15, rồi 4m20. Thành tích 4m20 vẫn là kỷ lục quốc gia mà chưa VĐV nào phá được. Dù vậy, Lê Thị Phương vẫn chưa có duyên với tấm HCV ở đấu trường SEA Games, thay vào đó là những tấm HCB. Lê Thị Phương là người ham học và học giỏi có tiếng làng điền kinh Việt Nam. Dù bận tập luyện thi đấu liên miên, lại phải lo con nhỏ nhưng Phương vẫn tốt nghiệp loại xuất sắc hệ chính quy chuyên ngành điền kinh tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn. Chị đã từng từ chối lời mời của nhà trường ở lại làm giảng viên vì muốn trở thành HLV đào tạo nên những tài năng trẻ nhảy sào cho thể thao Thanh Hóa nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Để giữ vị thế số 1 cho nội dung nhảy sào ở đấu trường quốc gia, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, bộ môn điền kinh đã chào đón và tạo điều kiện tốt nhất để Lê Thị Phương tìm kiếm gương mặt tài năng mới. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về trang thiết bị dụng cụ tập luyện và thi đấu, song Lê Thị Phương đã nhanh chóng tìm được Trương Thị Thu, người học trò xuất sắc nhất của cô ở thời điểm này. Bằng vốn kinh nghiệm phong phú tích lũy được lúc thi đấu, HLV Lê Thị Phương đã truyền đạt hết cho học trò Trương Thị Thu. Không phụ công, Trương Thị Thu đã thể hiện được tài năng của mình từ các giải trẻ. Từ đó, nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành và sớm khẳng định vị trí số 1 ở nội dung nhảy sào nữ tại giải vô địch quốc gia. Dù chưa thể phá được kỷ lục của cô giáo có biệt hiệu “Phương sào”, nhưng với tấm HCV giành được tại giải vô địch điền kinh quốc gia năm 2020, đây đã là lần thứ 5 liên tiếp, Trương Thị Thu đứng trên ngôi vị số 1 ở nội dung nhảy sào nữ. Nữ VĐV này đạt thành tích 3m75, vượt qua kỷ lục cá nhân 3m70. Đặc biệt, với tấm HCV quốc gia thứ 5 trong sự nghiệp thi đấu, Trương Thị Thu đã góp phần bảo vệ thành công “pháo đài riêng” – nhảy sào nữ của điền kinh Thanh Hóa – nội dung đã áp đảo tuyệt đối trong 20 năm qua. Thành tích trên cũng là sự bảo đảm 1 vị trí quan trọng cho Trương Thị Thu ở đội tuyển điền kinh quốc gia, chuẩn bị cho SEA Games 31 tới.
Trương Thị Thu chia sẻ: “Thành tích của em nếu so với bình diện khu vực Đông Nam Á vẫn còn khiêm tốn. Cá nhân em luôn tự ý thức rằng, bản thân phải cố gắng để vượt qua chính mình, để bảo vệ thành tích và vị trí trên bình diện quốc gia, đặc biệt là mục tiêu bảo vệ tấm HCV tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022”. Theo Ban huấn luyện bộ môn điền kinh Thanh Hóa, nhảy sào luôn là nội dung trọng điểm “vàng”. Do vậy, sau những Lê Thị Phương, Trương Thị Thu, điền kinh Thanh Hóa luôn có được những gương mặt “gà nòi” để chuẩn bị cho tương lai. Đồng thời việc tạo điều kiện để các VĐV tuyến năng khiếu, trẻ tham gia các giải đấu quốc gia hàng năm, nhằm giúp các VĐV nhanh chóng trưởng thành và góp phần duy trì chuỗi thành tích bất bại cho nhảy sào nữ trên đấu trường quốc gia.