Những hạn chế về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã

* NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

(Tiếp theo kỳ trước)

Những hạn chế cơ bản

Những năm qua, công tác nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cơ bản như: Một số đảng bộ cấp xã chưa nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Năng lực nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cấp ủy một số đảng bộ cấp xã còn yếu. Năng lực, trình độ của một số cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư, cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tình trạng mất đoàn kết nội bộ vẫn xảy ra; tự phê bình và phê bình chưa duy trì thường xuyên; một số đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống. Các vụ việc tiêu cực, vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước chưa được phát hiện và xử lý kịp thời hoặc phát hiện xử lý chưa triệt để. Những hạn chế cơ bản về lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện được biểu hiện ở những điểm cụ thể sau:

Năng lực nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nắm tình hình địa phương của một số bí thư, phó bí thư và cấp ủy, đảng ủy xã chưa ngang tầm nhiệm vụ dẫn tới việc đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ chưa sát với tình hình địa phương. Kết quả điều tra về trình độ năng lực của bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên của các chi bộ, đảng bộ cấp xã, có 30% ý kiến của cán bộ và 26% ý kiến của đảng viên được hỏi cho rằng còn đạt ở mức trung bình và yếu. Trong đó, tỷ lệ đánh giá yếu lần lượt là 9,6% và 10%. Qua ý kiến đội ngũ cán bộ hưu trí trên các địa bàn về chất lượng nghị quyết lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện ở Bình Phước cũng cho thấy: 16,9% ý kiến cán bộ hưu trí đánh giá còn chung chung, chưa sát tình hình nhiệm vụ, 18,1% cho rằng chủ trương, biện pháp lãnh đạo chưa phù hợp; tỷ lệ đó với ủy viên thường vụ đảng ủy xã là 17,5%.

Năng lực quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết cấp trên và cấp mình của một số chi ủy, chi bộ, đảng ủy, đảng bộ xã, bí thư, phó bí thư còn hạn chế, còn chung chung, thiếu cụ thể. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế”. Do đó, chủ trương thì có nhưng biện pháp thực hiện thì không hoặc có cũng chưa sát, chưa nhiều nên một số chủ trương vẫn chỉ là trên giấy. Kết quả điều tra về năng lực quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ, đảng bộ cấp xã: 22,8% đảng viên được hỏi đánh giá đạt ở mức yếu và trung bình. Điều này cho thấy, còn một số bí thư, phó bí thư, chi ủy viên thiếu khả năng triển khai nghị quyết, chất lượng còn thấp.

Năng lực lãnh đạo công tác tổ chức, xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện các quy chế, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng của một số đảng bộ xã còn hạn chế. Công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng của các chi ủy, chi bộ chưa chặt chẽ, thiếu tính chiến lược dài hơi. Tình trạng giao khoán cho bí thư quyết định dự thảo nghị quyết trình hội nghị chi bộ, đảng bộ bỏ qua bước thảo luận ở chi ủy, đảng ủy vẫn còn tồn tại ở một số đảng bộ cấp xã, từ đó tính chiến đấu trong đấu tranh tự phê bình, phê bình chưa cao. Cá biệt ở một số nơi tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước còn diễn ra. Chỉ tính riêng các chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc Đảng bộ huyện Lộc Ninh, trong nhiệm kỳ 2015-2020 “có 49 đảng viên bị thi hành kỷ luật, với các vi phạm như đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, sử dụng tiền tài trợ không đúng mục đích, vi phạm trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước” 1.

Về công tác phát triển đảng viên, vẫn còn một số đảng bộ cấp xã chưa quan tâm đúng mức. Mặc dù về số lượng, đại đa số các đảng bộ cấp xã đều đạt và vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới hằng năm, song chất lượng còn hạn chế, đội ngũ đảng viên mới chưa phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu. Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số đảng bộ, có thời điểm còn chưa nghiêm túc, hiệu quả thấp. Đặc biệt, về công tác kiểm tra, giám sát, có tới 24,8% cán bộ và 22,4% đảng viên đánh giá chưa làm tốt, hiệu quả chỉ ở mức trung bình. Khả năng đấu tranh với những tiêu cực, lạc hậu trong nội bộ cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh còn nhiều yếu kém, có tới 30% cán bộ và 29,2% đảng viên được hỏi cho rằng chỉ đạt ở mức trung bình.

Năng lực lãnh đạo xây dựng, phát huy vai trò của hệ thống chính quyền, của các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện quy chế dân chủ của một số đảng bộ xã chưa thật sự ngang tầm. “Hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính trên một số lĩnh vực chưa tốt. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức chưa tốt”2, “Chất lượng hoạt động của một số đoàn thể còn yếu kém. Việc xây dựng và hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt còn hạn chế; Vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao”3. Kết quả điều tra về năng lực lãnh đạo xây dựng và phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của đảng bộ cấp xã ở một số huyện, thị xã, thành phố cũng cho thấy, chỉ có 22,5% ý kiến ủy viên ban thường vụ đánh giá tốt; 77,5% đánh giá tương đối tốt; 8,4% ý kiến cán bộ hưu trí đánh giá chưa tốt.

Năng lực đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ ở một số đảng bộ xã chưa được đề cao, hiệu quả thấp. Thực tế cho thấy, nghị quyết của một số đảng bộ cấp xã chưa quan tâm đề cập hoặc nếu có thì cũng rất chung chung, ít có các biện pháp tích cực để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng của các thế lực thù địch.

Kết quả điều tra về năng lực đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ ở các đảng bộ cấp xã (ở 5 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện nay) cho thấy: có 16,5% ý kiến của đảng viên đánh giá hoạt động đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ chưa được đề cao; chỉ có 20% ý kiến của ủy viên ban thường vụ đảng ủy xã đánh giá hoạt động bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ của đảng bộ cấp xã được đề cao; 100% ý kiến của cán bộ hưu trí đánh giá hoạt động đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ đôi lúc chưa được đề cao.

Nguyên nhân

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh nhận thấy một số tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu giảm sút năng lực lãnh đạo, lúng túng về nội dung, phương thức lãnh đạo, dẫn tới uy tín giảm sút do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cấp xã gắn với đặc điểm của địa phương, nên dẫn đến mỗi nơi hiểu và vận dụng khác nhau. Các văn bản pháp lý, quy định của Đảng, hướng dẫn của các cấp về xây dựng tổ chức cơ sở đảng nói chung, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng nói riêng chưa đồng bộ, thống nhất, “nên việc tổ chức thực hiện còn lúng túng”4.

Hai là, sự phát triển của kinh tế thị trường dẫn đến nhiều vấn đề bức xúc, phức tạp diễn ra hằng ngày. Những mặt trái, tiêu cực của cơ chế thị trường làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, từ đó gây ra khó khăn trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ của các đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện ở Bình Phước.

Ba là, năng lực, trình độ của một số bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều đảng viên có nhiệt huyết, nhiệt tình, có phẩm chất chính trị tốt nhưng hạn chế về năng lực, trình độ, nhất là năng lực lãnh đạo... dẫn tới “công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cấp ủy đảng chưa thực sự quyết liệt; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở một số đơn vị chưa rõ nét; chưa chủ động nắm bắt và dự báo tình hình; việc xây dựng nghị quyết và đề ra giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát với tình hình của địa phương”5.

Bốn là, các cấp ủy đảng cấp trên chưa làm tốt việc chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và giúp đỡ các đảng bộ cơ sở trong xây dựng kiện toàn tổ chức, thực tế, dù nhận thức khá tốt về vai trò hoạt động này nhưng việc tổ chức thực hiện ở các đảng bộ xã nói riêng, của cấp ủy cấp trên nói chung vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, “Vai trò đứng đầu của một số đồng chí lãnh đạo từng cấp, ngành chưa được phát huy; khả năng dự báo, nắm bắt và xử lý tình huống phát sinh chưa sát, thiếu linh hoạt, thiếu quyết đoán… Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát có việc chưa thực chất”6.

Năm là, “Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc”7 nhiều đảng bộ cấp xã chưa thật sự quyết liệt trong triển khai mục tiêu chỉnh đốn Đảng, chưa đưa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào thành vấn đề lớn trong nghị quyết.

(còn nữa)

1 Đảng bộ huyện Lộc Ninh (2020), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.45.

2 Đảng bộ Huyện Bù Đăng (2020), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đăng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.43.

3 Đảng bộ huyện Bù Đăng (2020), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đăng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.44.

4 Thành ủy Đồng Xoài (2020), Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Xoài lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.25.

5 Thành ủy Đồng Xoài (2020), Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Xoài lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.25.

6 BCH Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.71.

7 BCH Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.71.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/132266/nhung-han-che-ve-nang-luc-lanh-dao-va-suc-chien-dau-cua-dang-bo-cap-xa